Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ bẩy, ngày 29 tháng 03 năm 2025 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trả lời phỏng vấn cho Tạp chí Thời đại (Time) - Hoa Kỳ -11/1/2002


TỔNG BÍ THƯ NÔNG ĐỨC MẠNH TRẢ LỜI PHỎNG VẤN
CHO PHÓNG VIÊN TẠP CHÍ THỜI ĐẠI - HOA KỲ
(Ngày 11 tháng 01 năm 2002)

I. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh  trao đổi với phóng viên về một số vấn đề sau

Thứ nhất, xung quanh các vấn đề về  hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), có người cho là hoạt động của ĐCSVN đã có những thay đổi như thế nào, nhất là có ý kiến cho rằng kể từ khi tôi gia nhập ĐCSVN đến nay đã có những thay đổi gì hoặc trong 5 năm vừa qua đã có những đổi mới thế nào?

Trước hết, tôi thấy cần phải nói là về bản chất, ĐCSVN là không thay đổi Đó là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam lấy Chủ nghĩa Mác- Lê Nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, nhằm mục tiêu giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc  và  xây dựng CNXH mà hiện nay chúng tôi đang thể hiện qua mục tiêu chung là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Đảng Cộng sản Việt Nam đã trưởng thành về cả số lượng và chất lượng. Hiện nay Đảng có gần 2,6 triệu đảng viên so với 3 nghìn đảng viên thời kì cách mạng tháng 8/1945. Trong 57 năm qua, Đảng chúng tôi đã trở thành đảng cầm quyền. Đảng chúng tôi theo chủ nghĩa duy vật biện chứng, luôn luôn tính đến đặc điểm của đất nước và sự chuyển dịch của tình hình đất nước.  Nhờ vậy, từ Đại hội lần thứ 6 của Đảng năm 1986 đến nay, chúng tôi tiếp tục phát huy những thành tựu to lớn  trong công cuộc đổi mới đất nước và đã đưa ra những chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, những định hướng về phát triển kinh tế đúng đắn. Mặc dù trong hoàn cảnh rất  khó khăn từ năm 1997 đến nay, do tình hình  kinh tế khu vực và thế giới liên tục có những thay đổi, biến động, như khủng hoảng tài chính tiền tệ ở Châu á năm 1997-1998, suy giảm của kinh tế  thế giới, Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu về mặt kinh tế thật to lớn. Chúng tôi duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm, thu được nhiều thành tích trong việc thực hiện chủ trương rất lớn là xoá đói giảm nghèo, được thế giới đánh giá rất cao. Chính việc tiến hành  xoá đói giảm nghèo như vậy đã nói lên bản chất của Đảng, Nhà nước chúng tôi. Vấn đề thứ hai, có người nêu với chúng tôi và cũng là vấn đề chúng tôi muốn trao đổi với các bạn là có những thay đổi gì ở trong Đảng và những cản trở đối với những thay đổi đó là gì. Chúng tôi nhận thức là muốn lãnh đạo sự nghiệp đổi mới thành công thì Đảng phải tự đổi mới. Đó là sự đổi mới theo hướng năng động hơn, sáng tạo hơn, làm sao phát huy được trí tuệ của toàn Đảng. Thực hiện mục tiêu của Đảng, chúng tôi phải tiến hành  xây dựng và chỉnh đốn Đảng làm sao cho Đảng mạnh lên, ngăn chặn và đẩy lùi  được tệ nạn tham nhũng, lãng phí, để nâng cao uy tín và lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Cản trở lớn nhất là 4 nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra, đó là: nguy cơ tụt hậu về kinh tế, nguy cơ về diễn biến hoà bình, nguy cơ về chệch hướng XHCN, nguy cơ về nạn tham nhũng và chúng tôi đang tiến hành mọi biện pháp để ngặn chặn và đẩy lùi nguy cơ, phát huy những thuận lợi, thời cơ đưa sự nghiệp cách mạng phát triển đi lên.      

Vấn đề khác nữa xin được trao đổi thêm, đó là có người nêu ý kiến cho rằng sự khác biệt  giữa kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa  mà  Việt Nam đang theo đuổi với  kinh tế thị trường của Mỹ và Châu  u chỉ là hai tên  gọi khác nhau của một hình thái kinh tế, có phải vậy không?

Chúng tôi cho rằng kinh tế thị trường là sản phẩm chung của xã hội loài người. Sự khác biệt cơ bản giữa hai hình thái kinh tế này chính  là đối tượng phục vụ, mục tiêu phấn đấu. Mục tiêu của chúng tôi là đem lại ấm no hạnh phúc cho  mọi người, cho toàn thể người lao động, cho toàn dân chứ không phải chỉ cho một nhóm nhỏ người nắm tư liệu sản xuất như trong nền kinh tế của các nước tư bản. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của chúng tôi, chủ trương của chúng tôi là phát triển nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước là chủ đạo. Các thành phần kinh tế đều phải bình đẳng trước pháp luật. ở đây tôi muốn nói là Nhà nước đóng vai trò điều phối, không để một nhóm nhỏ người nào lũng đoạn. Sự lũng đoạn của một nhóm nhỏ các nước công nghiệp phát triển, đem lại hậu quả kinh tế rất nguy hại đối với  nhiều nước, nhất là các nước có trình độ phát triển thấp.

II. Tổng Bí thư Nông đức Mạnh trả lời các câu hỏi của phóng viên

Câu hỏi :  Gần đây, Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng hàng năm GDP ít nhất là 7% trong những năm tới và đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn. Để đạt được mục tiêu đó, cần phải thực hiện nhiều cải cách từ việc cơ cấu lại các DNNN theo hướng minh bạch hóa tình hình tài chính. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và khu vực đang đi xuống trong những năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam có biện pháp cụ thể gì để thúc đẩy quá trình cải cách trên?

Trả lời :

Đây là vấn đề mà chúng tôi rất quan tâm, tức là làm sao thu hút nhiều đầu tư nước ngoài. Chúng  tôi xác định nội lực trong nước là yếu tố quyết định, nguồn lực nước ngoài là hết sức quan trọng. Chúng tôi coi đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, góp phần chuyển hướng kinh tế Việt Nam theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới của chúng tôi cũng như tiến trình hội nhập của Việt Nam vào khu vực và thế giới. Thời gian qua, chúng tôi có một số điều chỉnh để thích ứng với tình hình theo hướng thông thoáng hơn, khuyến khích các nhà đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn. Từ năm 1997 đến nay, chúng tôi đã 4 lần sửa đổi Luật đầu tư nước ngoài. Vừa qua, Quốc hội đã có một số sửa đổi theo hướng coi doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài là  một bộ phận, cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam. Gần đây chúng tôi áp dụng một loạt các biện pháp như là miễn giảm thuế thu nhập, thuế xuất khẩu, giảm giá các dịch vụ cơ bản, giảm giá thuê đất, đảm bảo cân đối ngoại tệ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, chúng tôi còn tiến hành đơn giản hoá các thủ tục hành chính đối với việc cấp giấy phép đầu tư  và đang tiến hành nhiều biện pháp khác nữa. Vừa qua, như bà biết, các cuộc gặp thường niên giữa Chính phủ và các nhà đầu tư đã góp phần giải quyết, tháo gỡ nhanh chóng những vướng mắc của các nhà đầu tư. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục cải tiến môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.  Như vậy, với sức trong nước cộng với đầu tư nước ngoài, với tinh thần phấn đấu, chúng tôi tin tưởng sẽ đạt chỉ tiêu tăng GDP 7% năm 2002 mà Quốc hội vừa thông qua.

Câu hỏi:  Tại sao lại có khó khăn trong việc cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước?

Trả lời:

Chúng tôi đã có Nghị quyết TƯ3  về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của các Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và hiện nay đang được tiến hành. Sắp tới sẽ có chỉ đạo chặt chẽ hơn và nhanh chóng hơn. Câu hỏi:  Thế thì về vấn đề này có  khó khăn là gì? Việt Nam có biện pháp để khắc phục khó khăn đó? Có ý  kiến nói rằng, kể cả Ngân hàng thế giới đã nêu, trong quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước,  Việt Nam chưa có đủ minh bạch hóa. Ngài có bình luận gì không? Trả lời: Sắp tới sẽ sắp xếp một bước, và tiến hành phân loại lại DNNN và xác định rõ những ngành nào, lĩnh vực nào Nhà nước cần phải nắm; những lĩnh vực nào Nhà nước thấy không cần thiết phải nắm 100% thì sẽ tiến hành cổ phần hoá. Nếu DNNN nào quy mô nhỏ, làm ăn không hiệu  quả, thì chúng tôi chủ trương bán, khoán, cho thuê. Đây là cách để sắp xếp lại DNNN còn lại hoạt động có hiệu quả. Chúng tôi quan tâm làm sao có một cơ chế để quản lý tất cả các hoạt động đầu tư, kinh doanh của các DNNN. Câu hỏi:  Nhưng Ngài có cho rằng vấn đề minh bạch hoá trong thời gian qua là có vấn đề? Trả lời: Chúng tôi cho rằng, trong quá trình sắp xếp lại các DNNN, thì nhất định còn có những cái chưa được tốt nhưng không có nghĩa là không có minh bạch hoá  và cái chính là có cơ chế để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.

Câu hỏi:  Trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ chuyển đến Ngân hàng Thế giới mà tôi đã được đọc, Chính phủ đã nhiều lần nhắc đến tính trách nhiệm và tính minh bạch hoá. Vậy Ngài có đồng ý rằng càng minh bạch hoá thì càng làm ảnh hưởng đến quá trình cải cách mà Việt Nam đang tiến hành. Ví dụ như trước kia, người ta thường nghĩ rằng Việt Nam là một xã hội bí ẩn. Tôi không biết điều đó có đúng không. Theo Ngài, làm thế nào để có thể thay đổi cái quan niệm cũ đó trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy tính cạnh tranh hiện nay?

Trả lời:

Từ khi tiến hành công cuộc cải cách, đổi mới, mở cửa, tôi nghĩ rằng chúng tôi đã có quá trình phát triển không có một điều gì là khó hiểu, bí mật cả.  Vì có thể có những người chưa vào Việt Nam nên chưa hiểu. Dân chủ, tự do,  tất cả mọi thứ được bảo đảm và được thực hiện theo đúng quy định pháp luật nên không có điều gì là bí ẩn cả. Tôi hiểu rằng mọi việc đều hoạt động theo luật pháp. Đất nước nào cũng có pháp luật, ở đất nước chúng tôi cũng vậy.

Câu hỏi: Trước kia, các kỳ họp Quốc hội được tiến hành bí mật. Kể từ khi Ngài lên làm Chủ tịch Quốc Hội, thì các cuộc chất vấn , thảo luận  trong các kỳ họp Quốc hội đã được truyền hình trực tiếp công khai.  Cũng vậy trước đây  dự trữ ngoại tệ, dự báo lạm phát cũng là những thông tin  bí mật quốc gia,  nếu ai tiết lộ cho nước ngoài sẽ bị bỏ  tù. Nay  thì tình hình đã thay đổi. Như vậy, dường như Việt Nam  đang chuyển hướng cởi mở hơn, công khai hơn bởi vì  Việt Nam cần mở rộng thị trường hơn nữa để  thu hút nhiều đầu tư nước ngoài và tiếp cận  thêm  thị trường xuất khẩu. Ngài có đồng ý với ý kiến này?

Trả lời: Đúng là trên thế giới, ít có nước trả lời chất vấn công khai, truyền hình trực tiếp toàn dân được nghe (tới 3 ngày như Quốc hội Việt Nam). Tôi cho rằng thế giới cũng ít có các quốc hội như vậy, tôi đã từng đi dự nhiều khoá họp quốc hội của các nước. Phải nói rằng chúng tôi hết sức cởi mở và trong chất vấn có rất nhiều câu hỏi thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau mà toàn dân và toàn thế giới được biết. Đó là tiến bộ  mà chúng tôi đã đạt được và sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục làm những việc đó cho tốt hơn.

Câu hỏi:  Ngài các có nghĩ rằng vì Đảng Cộng sản Việt Nam với bản chất là một đảng cách mạng nên trước đây đã bị cấm và phải giữ mọi thứ bí mật. Điều này đã được thực hiện trong nhiều năm. Có phải điều đó làm cho Đảng khó tin vào người khác và có nền  kinh tế thị trường mới cởi mở hơn  trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay. Còn bây giờ, khi Việt Nam đang tiến hành mở cửa, thực hiện cơ chế kinh tế thị trường, thì cần phải cởi mở thông thoáng hơn. Có nhiều cái phải giữ bí mật, nhưng bây giờ mở cửa thì phải cung cấp thông tin nhiều hơn. Vậy có khó khăn gì không thưa Ngài? Trước kia khái niệm giữ bí mật là chìa khoá để tồn tại.  Liệu bây giờ có nên công khai thông tin hơn?

Trả lời:

Lúc chưa giành được cách mạng thì Đảng phải giữ bí mật để cách mạng thành công. Còn bây giờ Đảng cầm quyền rồi thì chúng tôi xây dựng đất nước theo phương châm : Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Sự nghiệp cách mạng chính là của nhân dân nên Đảng phải dựa vào dân, tin vào dân. Chúng tôi chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; phát huy quy chế dân chủ cơ sở để mọi người dân làm chủ, dân biết, dân bàn, dân làm, dân có điều kiện kiểm tra tất cả các hoạt động của Đảng và Nhà nước. Tất cả những gì chúng tôi làm là theo hướng đó.

Câu hỏi:  Khi trao đổi với một số đại biểu quốc hội, tôi được biết rằng sẽ có một số ứng cử viên độc lập (không phải là đảng viên) được phép tham gia trong kỳ bầu cử Quốc hội khoá tới. Ngài có bình luận gì? Điều đó có đúng không?

Trả lời:

Năm 2002 sẽ có cuộc bầu cử Quốc hội. Để thực hiện tốt cuộc bầu cử này, điều quan trọng nhất là lựa chọn các đại biểu quốc hội theo tiêu chuẩn mà luật của Quốc hội đã đề ra. Cách làm được tiến hành như sau: Mặt trận tổ quốc đại diện cho tất cả các tầng lớp, các giai cấp, tôn giáo, giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu quốc hội. Như vậy, có người có thể là đảng viên hoặc không phải là đảng viên, miễn là đủ tiêu chuẩn. Sắp tới, sẽ quy định rõ trong luật là để bầu 1 người thì phải có từ 2 đến 3 người ứng cử. Có người tự ứng cử. Trong nhiệm kỳ Quốc hội hiện nay cũng có một số đại biểu đã tự ứng cử do dân tín nhiệm (khoảng 4 - 5 người gì đó). ở nước tôi chỉ có khái niệm tự ứng cử, là những người đại diện cho nhân dân xin ra ứng cử chứ chúng tôi không có khái niệm ứng cử viên độc lập. Bởi vì chúng tôi chỉ có một mục tiêu chung là xây dựng đất nước này với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Tôi rất tự hào là tại Quốc hội, mặc dù có tranh luận và có nhiều ý kiến khác nhau nhưng tất cả đều xuất phát từ tinh thần xây dựng.

Câu hỏi:  Tôi hiểu rằng Quốc hội Việt Nam đại diện rộng rãi cho đông đảo quần chúng và tôi đã được nghe thấy nhiều lợi ngợi khen tính dân chủ của Quốc hội. Tôi đã đọc rất kỹ điều 4 trong Hiến pháp Việt Nam năm 1992 có ghi: Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng chính trị lãnh đạo duy nhất ở Việt Nam và đất nước Việt Nam được quản lý theo pháp luật. Vậy theo ý kiến cá nhân Ngài, liệu 10 hay 20 năm, thậm chí lâu hơn nữa, Việt Nam sẽ có nhiều đảng chính trị hơn không? Hay điều đó là không bao giờ cần thiết?

Trả lời:

Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự thừa nhận qua quá trình lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam hơn một thế kỷ qua. Bản chất của Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại diện trung thành cho lợi ích cho người lao động, của nhân dân và cả dân tộc. Đó chính là sự thừa nhận của toàn dân tộc Việt Nam. Điều 4 ghi trong Hiến pháp là hoàn toàn chính xác, thể hiện nguyện vọng thiết tha của toàn dân tộc Việt Nam, coi Đảng là người lãnh đạo trong tương lai.  Vì vậy, tôi không bao giờ nghĩ rằng sẽ có 1 đảng đối lập ở Việt Nam.

Câu hỏi:  Tôi xin hỏi Ngài một vấn đề hoàn toàn khác. Tôi muốn biết quan điểm của Ngài về hoạt động quân sự do Mỹ cầm đầu ở Apganistan. Theo Ngài, cuộc chiến này của Mỹ có khác gì với cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam trong những năm 60 và 70.

Trả lời:

Tôi nghĩ rằng không nên đem so sánh như vậy. Quan điểm nhất quán của chúng tôi là ủng hộ việc chống khủng bố, chống khủng bố dưới bất kỳ hình thức nào, nhưng phải tuân theo những quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc và những nguyên tắc cơ bản của Luật pháp Quốc tế. Tuy nhiên, không được lợi dụng chiến tranh chống khủng bố để can thiệp vào công việc nội bộ của một nước có chủ quyền, độc lập toàn vẹn lãnh thổ. Phải nhằm vào mục tiêu cụ thể, con người cụ thể, không làm thiệt hại đến dân thường.

Câu hỏi:  Có một số nước mà cụ thể là Việt Nam cho rằng Chính phủ Mỹ đang che chở, dung túng một nhóm người Việt Nam phản động sống Mỹ, cụ thể như ở California chống Chính phủ Việt Nam.  Vậy thái độ của Chính phủ Việt Nam như thế nào? Việt Nam sẽ có hành động gì để đối phó với nhóm người này?

Trả lời:

Chúng tôi không thể đồng tình với việc dung túng cho các thế lực phản động chống nước khác. Tôi cho rằng các nước cần có sự hợp tác với chúng tôi để ngăn cản những mưu đồ cũng như những hành động chống đất nước tôi.  Chúng tôi đề nghị phía Mỹ hợp tác với chúng tôi cùng chống khủng bố. Bởi vì, hai nước đã có Hiệp định Thương mại Việt - Hoa Kỳ trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau,  bình đẳng và cùng có lợi. Vì vậy, không có lý do gì để dung túng bộ phận này chống chúng tôi.  Còn điều gì chúng ta cần trao đổi thì chúng ta có thể trao đổi với nhau.

Câu hỏi:  Việt Nam bị một tổ chức quốc tế cáo buộc là vi phạm nhân quyền. Quả thực là gần đây, một số người chống đối chính quyền đã bị bỏ tù. Tôi vẫn biết rằng quan điểm nhất quán của Việt Nam là không can thiệp vào công việc nội bộ nhưng tôi vẫn muốn  biết ý  kiến của cá nhân Ngài, một hành động hay một lời nói thì có bị coi là phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc?

Trả lời:

Nhân đây tôi cũng muốn bày tỏ quan điểm của Việt Nam về vấn đề nhân quyền. Không có việc chúng tôi bắt giữ những người nói khác mà do các hành động vi phạm pháp luật đều có chứng cứ. Chúng tôi coi quyền con người là mối quan tâm chung của cả nhân loại. ở Việt Nam, chúng tôi coi quyền con người là quyền của mỗi người được sống trong độc lập, tự do, tự quyết định vận mệnh của mình và có quyền phát triển về mọi mặt. Các quyền con người bao gồm quyền về kinh tế, văn hoá, xã hội và các quyền chính trị và dân sự, các quyền của cá nhân, quyền của cả cộng đồng. Khi xác định quyền cá nhân thì bao giờ cũng phải đi liền với nghĩa vụ đối với xã hội. Việc xử lý và bảo vệ quyền con người là trách nhiệm và quyền hạn của từng quốc gia dân tộc. Chúng tôi cho rằng nó phải tuỳ thuộc vào đặc thù chính trị, kinh tế, văn hoá của từng nước, và đồng thời phải phù hợp với mục tiêu và chuẩn mực, nguyên tắc quốc tế được thừa nhận rộng rãi. Chúng tôi đặc biệt coi trọng việc xây dựng và hoàn thiện công tác pháp luật hiện nay và trong thời gian tới, trong đó dành sự quan tâm thích đáng đến pháp luật về bảo vệ quyền con người, nhằm bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền con người cho mọi người dân  Việt Nam. Từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Quốc hội Việt Nam đã thông qua 13.000 văn bản luật và dưới luật, trong đó có tới 40 bộ luật và các luật quan trọng nhất. Ví dụ: · Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự · Bộ luật Dân sự (Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện đang được xây dựng) · Bộ luật Lao động · Luật Chăm sóc và Giáo dục trẻ em Từ năm 1998 đến nay, chúng tôi đang đôn đốc thực hiện quy chế dân chủ theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể đối thoại với nhau về vấn đề này (quyền con người) trên cơ sở tôn trọng quan điểm của nhau, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Luật pháp quốc tế, đồng thời phải tính đến hoàn cảnh lịch sử, trình độ phát triển, đặc thù của mỗi quốc gia. Chúng tôi không chấp nhận việc bên ngoài áp đặt quan điểm về quyền con người và lợi dụng quyền con người để can thiệp vào công việc nội bộ, đặt điều kiện trong quan hệ quốc tế. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với các nước khác về mọi vấn đề cùng quan tâm, trong đó có vấn đề quyền con người, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, và hiểu biết lẫn nhau. Như vậy thì chúng ta mới có thể hiểu nhau được. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, ở Việt Nam không có tù chính trị, không có ai bị giam giữ vì lý do chính kiến, mà vì vi phạm, có hành động vi phạm pháp luật Việt Nam thì mới bị xử lý theo luật pháp. Tất cả đều được xử lý theo quy định pháp luật.

Câu hỏi:  Đối với trường hợp cha Nguyễn Văn Lý, có phải ông Lý đã bị đi tù vì đã viết thư bày tỏ quan điểm của mình lên quốc hội Mỹ không? Nếu chỉ vì bày tỏ chính kiến của mình thì làm sao lại có thể nói là ông ta vi phạm pháp luật?  Vậy thì đó là hành động nào?

Trả lời:

Chúng tôi không căn cứ vào đó. Nguyễn Văn Lý có hành động chống đối hẳn hoi, có chứng cứ. Chúng tôi không xử linh mục Nguyễn Văn Lý mà chúng tôi xử công dân vi phạm pháp luật Nguyễn Văn Lý. Tôi không biết là bạn có bức thư đó hay không, nhưng chúng tôi xử lý Nguyễn Văn Lý vì vi phạm pháp luật tại mảnh đất mà Nguyễn Văn Lý đang ở. Phiên toà xử kết tội Nguyễn Văn Lý có chứng, cứ, luận tội, được diễn ra công khai theo đúng pháp luật Việt Nam.

Câu hỏi:  Tôi đánh giá rất cao những gì mà Ngài đã làm được cho Đảng và cá nhân Ngài. Tôi sẽ không hỏi câu này, nếu như tôi không phải là phóng viên. Nếu có gì không phải thì xin Ngài thông cảm cho tôi. Trong suốt cuộc đời làm chính trị của Ngài có rất nhiều lời đồn đại. Tôi chỉ muốn Ngài xoá đi những tin đồn đó mãi mãi. Trên tinh thần cởi mở và hiểu biết nhau hơn, tôi xin hỏi Ngài là: Ngài Hồ Chí Minh có phải là cha ruột của Ngài không?

Trả lời:

Tôi cũng nghe được một số ý kiến như vậy từ phía các nhà báo nước ngoài. Tôi xin khẳng định là không phải như thế. Sau Đại hội Đảng IX, cũng có người hỏi tôi như vậy. Tôi trả lời rằng tôi có bố mẹ ở quê nhưng đã mất sớm. Hàng năm tháng ba âm lịch (tết thanh minh của Việt Nam) tôi về quê để tảo mộ bố mẹ tôi. Tôi còn có em trai, em gái tôi ở quê. Tôi cũng không biết lý do gì mà người ta bảo tôi như vậy.

Câu hỏi:  Lý do để người ta vẫn còn đồn đại là câu trả lời của Ngài khi đó vẫn còn gây mơ hồ cho họ?

Trả lời: 

Nhưng mà hôm nay, tôi đã trả lời rồi thì bà còn thấy mơ hồ không?

Câu hỏi:  Chắc là không ạ. Như vậy, tôi có thể hỏi tên thật của cha mẹ Ngài không ạ?

Trả lời:

Được, tôi có thể trả lời. Bố mẹ tôi đều đã qua đời. Bố tôi tên là Nông Văn Lại, mẹ tôi tên là Hoàng Thị Nhình, nếu dịch ra tiếng phổ thông là Hoàng Thị Gái. Để xác minh điều này không khó, về quê tôi hỏi ai cũng biết. Còn về khuôn mặt hơi giống, thì trên đất nước Việt Nam có rất nhiều người giống nhau. Tôi nói rằng tất cả người dân Việt Nam  ai cũng là con, cháu của Bác Hồ. Chúng tôi đều coi ông là người cha già của dân tộc Việt Nam.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer

EMC Đã kết nối EMC