Nội dung Họp báo thường kỳ lần thứ 6 năm 2021
I. THÔNG BÁO
Phiên họp cấp Bộ trưởng về chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hoà bình bễn vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn”
Tháng 04/2021, Việt Nam đang đảm nhiệm vị trí chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào chiều tối ngày hôm nay (ngày 08/4/2021 giờ Hà Nội) sẽ diễn ra Phiên họp trực tuyến cấp Bộ trưởng về chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hoà bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn” dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Phiên họp nhằm đề cao mục đích nhân đạo của việc hạn chế sử dụng bom mìn, nâng cao nhận thức chung về hậu quả của bom mìn tại các khu vực xung đột; tái khẳng định cam kết của Hội đồng Bảo an, Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đối với vấn đề; ủng hộ các nỗ lực quốc gia và quốc tế nhằm khắc phục hậu quả bom mìn, hỗ trợ nạn nhân, phục vụ tái thiết, phát triển kinh tế - xã hội; đề cao hợp tác quốc tế trong khắc phục hậu quả bom mìn.
II. TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Sputnik: Hải quân Việt Nam đã điều tàu hộ vệ tên lửa 016 Quang Trung ra diễn tập tại quần đảo Trường Sa giữa lúc hơn 200 tàu cá Trung Quốc vẫn neo đậu ở đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn Đông. Xin Người Phát ngôn cho biết bình luận về việc này.
Chúng tôi không có thông tin về hoạt động như phóng viên hỏi.
Quân đội Việt Nam duy trì các hoạt động huấn luyện, diễn tập để nâng cao năng lực nhằm mục tiêu sẵn sàng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
2. Sputnik: Với vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tháng 4/2021, xin Người Phát ngôn cho biết Việt Nam có đưa vấn đề Biển Đông tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hay không?
Tại họp báo lần trước ngày 25/3, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế Đỗ Hùng Việt đã nêu lên những nội dung, chương trình nghị sự chính của tháng 4 – tháng mà Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an.
Với cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Việt Nam đang tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong việc thực hiện các công việc định kỳ của tháng theo quy định, thủ tục của Hội đồng Bảo an.
Như đã thông báo tại cuộc Họp báo Thường kỳ lần trước, chương trình nghị sự của Hội đồng Bản an trong tháng 04/2021 sẽ gồm 12 vấn đề định kỳ với 03 cuộc họp định kỳ và khoảng 30 cuộc họp chính thức khác. Đặc biệt, tối nay, ngày 08/4 sẽ diễn ra một cuộc họp rất quan trọng như tôi đã thông báo. Bên cạnh đó, Hội đồng Bảo an có thể thảo luận các vấn đề, tình hình khu vực phát sinh trong tháng theo đề nghị của các nước thành viên Hội đồng Bảo an.
3. Sputnik: Singapore là nước đầu tiên chấp nhận du khách dùng giấy thông hành điện tử có chứng nhận xét nghiệm và tiêm phòng Covid-19. Việt Nam có kế hoạch xem xét áp dụng điều này không, và nếu có là khi nào?
Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định riêng về thủ tục nhập cảnh đối với những người đã được tiêm vaccine phòng dịch Covid-19.
Trong bối cảnh một số nước (như Singapore) đã bắt đầu chấp nhận/áp dụng tiến hành áp dụng “hộ chiếu vaccine”/giấy thông hành điện tử có chứng nhận đã tiêm phòng vaccine. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp, nghiên cứu, đánh giá để kiến nghị/ đề xuất biện các pháp xử lý phù hợp đối với vấn đề này.
Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan chức năng tìm hiểu, tổng hợp kinh nghiệm thực tiễn của các nước nhằm nghiên cứu, đề xuất chính sách xuất nhập cảnh phù hợp, hướng tới mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong nước.
4. Zing: Xin Người Phát ngôn cập nhật về tình hoạt động của các tàu Trung Quốc gần đá ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam?
Các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến trên Biển Đông và bảo vệ, thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển Việt Nam phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
5. Zing: Xin Người Phát ngôn bình luận về việc hàng loạt thương hiệu thời trang như Chanel, Louis Vuitton, Zara… sử dụng bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp trên website bản tiếng Trung?
Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông được xác lập phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
Mọi hình thức tuyên truyền, quảng bá những nội dung trái với sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế đều không có giá trị, không thể thay đổi được thực tế về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cũng như thực tế vấn đề Biển Đông.
Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông.
6. Central News Agency: Cư dân mạng Việt Nam gần đây kêu gọi tẩy chay thương hiệu thời trang H&M trước việc H&M đồng ý với yêu cầu sửa đổi bản đồ Trung Quốc của chính quyền nước này, nghi vấn thừa nhận Biển Đông thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Vậy xin hỏi phía Việt Nam đã nắm bắt như thế nào về việc này và Việt Nam có động thái nào với H&M và có yêu cầu H&M giải trình cụ thể về việc này hay không?
Chúng tôi quan tâm đến thông tin như bạn đề cập. Chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông.
Các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam phải tôn trọng và thực thi nghiêm túc các quy định của pháp luật của Việt Nam.
7. Channel News Asia: Xin Người Phát ngôn bình luận về triển vọng quan hệ Việt Nam - Trung Quốc cũng như quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong bối cảnh Việt Nam có các lãnh đạo mới?
Như các bạn đã biết Việt Nam vừa tổ chức Đại hội Đảng 13 rất thành công.
Chủ trương, chính sách, đường lối đối ngoại của Việt Nam đã được nêu rõ trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13. Theo đó, Việt Nam kiên trì, kiên định đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; đẩy mạnh đưa quan hệ với các đối tác, đặc biệt là đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, tăng cường đan xen lợi ích.
Cả hệ thống chính trị trong đó có Chính phủ của Việt Nam sẽ triển khai đường lối đối ngoại theo hướng này.
8. Channel News Asia: Hoa Kỳ gọi các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông là “cưỡng ép và gây hấn”. Đề nghị cho biết Việt Nam có chung nhận định như vậy đối với các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông hay không? Việt Nam có coi mình là “nạn nhân” thường xuyên phải chịu đựng trước các hành động nêu trên của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông hay không? Việt Nam có nghĩ rằng phía Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Joe Biden sẽ có những động thái mạnh mẽ hơn trước các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông?
Hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, của các nước trong khu vực và của cộng đồng quốc tế. Việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 có ý nghĩa quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu nói trên.
Việt Nam kêu gọi các nước đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông, thiện chí thực hiện luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); nghiêm chỉnh tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình; tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả; đóng góp vào việc tạo dựng lòng tin, gìn giữ hòa bình, ổn định, thúc đẩy trật tự quốc tế trên biển và an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông.
9. Channel News Asia: Xin Người Phát ngôn cập nhật về tiến triển của Việt Nam trong việc giải đáp những quan ngại của phía Hoa Kỳ về vấn đề gian lận thương mại và gọi Việt Nam là thao túng tiền tệ?
Về việc này, tôi đã có phát biểu nhiều lần. Xin khẳng định lại Chính phủ Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ kinh tế, thương mại với Hoa Kỳ, thực hiện nghiêm túc các cam kết cấp cao, thỏa thuận thương mại giữa hai nước cũng như các cam kết thương mại đa phương mà Việt Nam là thành viên.
Với tinh thần đó, thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tích cực trao đổi và chủ động hợp tác với các đối tác Hoa Kỳ để giải quyết các vấn đề vướng mắc trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa hai nước. Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đối thoại và tham vấn trên tinh thần xây dung với phía Hoa Kỳ, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hoà, bền vững và có lợi cho cả hai bên.
10. Channel News Asia: Xin Người phát ngôn cho biết kế hoạch đăng cai tổ chức SEAGames vào cuối năm nay không? COVID-19 có thể ảnh hưởng đến việc tổ chức sự kiện này hay không?
Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, được biết Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) dự kiến diễn ra từ ngày 21/11 đến ngày 02/12/2021 và một sự kiện nữa bạn không nhắc đến nhưng mà cũng là sự kiện back to back, đấy là Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 (ASEAN Para Games 11) sẽ diễn ra từ ngày 17 đến ngày 23/12/2021.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Y tế, cũng như là các Bộ, ngành, địa phương liên quan hiện nay đang triển khai công tác chuẩn bị với các kịch bản phù hợp với diễn biến của dịch bệnh ở trong nước cũng như là ở khu vực, đảm bảo mục tiêu cao nhất là kiểm soát tốt dịch bệnh./.
![]() ![]() ![]() ![]() |
Các tin liên quan: |
|