Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Sunday, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Phạm Văn Đồng


 

PHẠM VĂN ĐỒNG

THỦ TƯỚNG KIÊM BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO

 

Họ và tên thường dùng: Phạm Văn Đồng

Họ và tên khai sinh: Phạm Văn Đồng

Bí danh:

Ngày tháng năm sinh: 01/03/1906

Nơi sinh: Xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi

Quê quán: Xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi

Địa chỉ thường trú: Hà Nội

Tham gia cách mạng: Từ năm 1925

Quá trình tham gia cách mạng:

Từ năm 1925 đến năm 2000

Giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao :

Từ tháng 09 năm 1954 đến tháng 02 năm 1961

Chức vụ trong Đảng khi làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao:

Uỷ viên Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng; Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng.

Quá trình hoạt động:

- Dự lớp huấn luyện tại Quảng Châu (TQ) do Nguyễn Ái Quốc tổ chức, được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội; Về nước hoạt động cách mạng tại Sài Gòn; được cử vào Kỳ bộ Thanh niên Nam Kỳ, vào Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (1925 - 1929);

- Bị thực dân Pháp bắt, kết án tù 10 năm, bị đày ra Côn Đảo (07/1929 - 07/1936);

- Được trả tự do và ra Hà Nội hoạt động công khai, do thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp chống phát xít (1936);

- Gặp lại Nguyễn Ái Quốc tại Côn Minh (TQ) và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông dương (1940);

- Cùng Nguyễn Ái Quốc về Cao Bằng xây dựng căn cứ địa cách mạng ở Cao-Bắc-Lạng (1941);

- Được bầu vào Uỷ ban Giải phóng dân tộc tại Đại hội Quốc dân Tân Trào (08/1945);

- Được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính Chính phủ lâm thời (02/09/1945);

- Trưởng đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đàm phán với Chính phủ Pháp tại Hội nghị Phông-ten-nơ-blô (06/1946);

- Đặc phái viên của Trung ương Đảng và Chính phủ tại Nam Trung bộ (12/1946);

- Uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng (1947);

- Uỷ viên chính thức Ban chấp hành Trung ương Đảng (1949);

- Phó Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (08/1949);

- Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Uỷ viên Bộ chính trị (được bầu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng 02/1951);

- Trưởng đoàn Đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (05/1954);

- Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng (09/1954);

- Được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cử làm Thủ tướng Chính phủ (09/1955).

- Liên tục là đại biểu Quốc hội từ khóa I(1946-1960) đến khóa VII (1981-1987).

.

Các chức vụ sau khi làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao:

- Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị các khóa III và IV, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng;

- Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng (07/1981);

- Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị khóa V, tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng tại kỳ họp thứ Nhất Quốc hội Cộng hoà XHCN Việt Nam khoá VII (04/07/1981);

- Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội lần thứ VI (tháng 12/1986), lần thứ VII (06/1991), và lần thứ VIII (06/1996) của Đảng;

- Tại Hội nghị Trung ương lần thứ tư khóa VIII (12/1997) được Trung ương đồng ý cho kết thúc nhiệm vụ Cố vấn;

- Từ năm 1997 đến năm 2000 vẫn tiếp tục làm việc và đóng góp ý kiến với Trung ương Đảng và Chính phủ về những vấn đề hệ trọng của đất nước;

Những đóng góp chính cho ngành Ngoại giao :

Thủ tướng Phạm Văn Đồng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nhà ngoại giao nổi tiếng nửa cuối thế kỷ XX. Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao và đường lối quốc tế, chính sách đối ngoại của Đảng ta, Thủ tướng Phạm Văn Đồng trở thành chính khách nhiều tài năng, có uy tín trên thế giới và đã có những đóng góp to lớn cho nền ngoại giao Việt nam trong thời đại Hồ Chí Minh, đại diện xứng đáng nhất cho"trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh".Trên cương vị Thủ tướng chính phủ kiêm Bộ trưởng ngoại giao, Phạm Văn Đồng đã dành nhiều thời gian, công sức cho việc xây dựng chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời bình; bồi dưỡng cán bộ, cơ cấu lại bộ máy của Bộ Ngoại giao và mạng lưới hoạt động đối ngoại cho phù hợp với nhiệm vụ khôi phục, phát triển đất nước và đấu tranh thống nhất nước nhà. Nhiều thế hệ cán bộ ngoại giao Việt Nam đã được Phạm Văn Đồng dìu dắt trưởng thành và trở thành những cán bộ chủ chốt của Bộ Ngoại giao. Những hoạt động ngoại giao của Phạm Văn Đồng để lại dấu ấn văn hóa sâu đậm trong nền ngoại giao Việt nam hiện đại, làm giàu thêm bản sắc ngoại giao Việt Nam.

Là nhà chính trị xuất sắc, có tầm nhìn chiến lược, tư duy độc lập, sáng tạo ,nhà văn hoá uyên bác, Thủ tướng Phạm văn Đồng đã cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam hoạch định chính sách đối ngoại và đường lối cách mạng Việt Nam trong các thời kỳ. Một phần cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gắn bó rất mật thiết với quá trình trưởng thành và lớn mạnh của nền ngoại giao hiện đại, với những cột mốc lịch sử của Việt Nam.

Ngày qua đời: 29/04/2000 tại Hà Nội.

 

Được tặng thưởng:

- Huân chương Sao vàng và nhiều Huân chương, Huy chương cao quý khác;

- Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng;

- 8 Huân chương cao quý do quốc tế tặng.

 

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer