Họ và tên thường dùng: Nguyễn Cơ Thạch
Họ và tên khai sinh: Phạm Văn Cương
Ngày tháng năm sinh: 15/05/1921
Nơi sinh: Xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định
Quê quán: Xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định
Địa chỉ thường trú: 21, Phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội
Tham gia cách mạng: Năm 1937
Được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao:
Từ tháng 02 năm 1980 đến tháng 07/1991
Cấp bậc trong Đảng:
Uỷ viên Bộ chính trị (1986- 1991), Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1976- 1991).
Quá trình công tác:
- Tham gia Thanh niên Dân chủ rồi Thanh niên Phản đế tại Nam Định (1937-1939);
- Bị thực dân Pháp bỏ tù tại Nam Định, Hoà Bình, Sơn La (1940-1945); Năm 1943, trong nhà tù Sơn La được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương;
- Lãnh đạo cướp chính quyền tại Nam Định (09/45).
- Về công tác tại Bộ Quốc phòng, Bí thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1947);Chánh Văn phòng Quân uỷ Trung ương, Bí thư đảng uỷ các cơ quan Bộ Quốc phòng và Tổng tư lệnh (09/1945-1949);
- Phó Bí thư rồi Quyền Bí thư tỉnh uỷ kiêm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Hà Đông (05/1949- 05/1951): Uỷ viên Đảng Đoàn và Uỷ viên Uỷ ban Kháng chiến hành chính Liên khu 3, Bí thư Đảng ủy các cơ quan của Liên khu (1949-1954);
- Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao, Tổng lãnh sự Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Cộng hoà Ấn Độ (1954-1960);
- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Uỷ viên Đảng đoàn Bộ Ngoại giao (08/1960-051979);
- Quyền trưởng đoàn Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Hội nghị quốc tế Giơ-ne-vơ về Lào (1961-1962);
- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách đấu tranh chống Mỹ; Trợ lý cho Đồng chí Lê Đức Thọ trong đàm phán với Mỹ đưa đến việc ký kết Hiệp định Pa-ri về Việt Nam (1964 - 1974);
- Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao các nước không liên kết tại Pê-ru (1975);
- Uỷ viên ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá IV (12/1976); Thứ trưởng Bộ Ngoại giao;
- Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao (hàm Bộ trưởng) - (05/1979);
- Đặc phái viên của Chính phủ thăm các nước A-rập, Tây Âu, Bắc Âu và ASEAN (1976 - 1980);
- Trưởng đoàn đại biểu Nước CH XHCN Việt Nam tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao các nước không liên kết tại Cô-lôm-bô, Niu Đê-li, Lu-an-đa (1979 - 1986);
- Trưởng đoàn đại biểu nước CH XHCN Việt Nam dự Đại hội đồng LHQ tại Niu-Oóc (1979-1991);
- Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng và Uỷ viên dự khuyết Bộ chính trị phụ trách công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước (Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V -03/1982);
- Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Uỷ viên chính thức Bộ chính trị khoá VI (12/1986);
- Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (02/1987);
- Tham gia nghiên cứu Tổng kết công tác ngoại giao, nghiên cứu kinh tế thế giới và chiến lược đối ngoại (10/1991 - 1998);
- Đại biểu Quốc hội khoá VII (1981-1987) và khoá VIII (1987-1992).
Những đóng góp chính cho ngành Ngoại giao
Là nhà ngoại giao tài ba, khôn khéo, thông minh, sáng tạo và có tầm nhìn chiến lược,Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch có những đóng góp quan trọng vào việc ký kết và thực hiện Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Trước cục diện chính trị thế giới năm 1989-1991 có bước ngoặt cơ bản, chiến tranh lạnh kết thúc, các thiết chế XHCN ở Đông Âu lần lượt sụp đổ, trật tự thế giới hai cực chấm dứt, các nước lớn chuyển hướng hoặc điều chỉnh chiến lược, tăng cường cạnh tranh và chạy đua kinh tế, với sự nhạy bén và sắc sảo của một chính khách tầm cỡ, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã khôn khéo chèo lái quan hệ quốc tế của Việt Nam vượt qua những thử thách và biến động trên thế giới, tạo ra những đột phá để triển khai chính sách đối ngoại trong thời kỳ đổi mới.
Trên cơ sở tư duy đổi mới, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã đóng góp tích cực và có hiệu quả bằng việc kiến nghị và góp phần chỉ đạo thực hiện những điều chỉnh có ý nghĩa chiến lược về đường lối, chính sách đối ngoại, đưa nước ta thoát khỏi thế bị bao vây, cô lập; tiến hành bình thường hóa và mở rộng quan hệ với các nước trong đó có những nước lớn và tổ chức quốc tế quan trọng.
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là người khởi xướng việc đổi mới công tác xây dựng ngành Ngoại giao, coi công tác xây dựng Ngành có tầm quan trọng ngang với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng, bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ của Bộ có bước phát triển mạnh mẽ. Tên tuổi Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch gắn liền với sự trưởng thành và lớn mạnh của Bộ Ngoại giao.
Ngày qua đời: 10/04/1998 tại Hà Nội.
Được tặng thưởng:
- Huân chương Sao vàng;
- Huân chương Hồ Chí Minh ;
- Huân chương Chiến thắng hạng Nhì;
- Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất;
- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất;
- Huy chương "Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt Nam";
- Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng;
- Nhiều Huân chương, Huy chương cao quý khác