BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
NGUYỄN DUY TRINH
Họ và tên thường dùng: Nguyễn Duy Trinh
Ngày tháng năm sinh: 15/07/1910
Nơi sinh: Xã Nghi Thọ (nay là xã Phúc Thọ), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An
Quê quán: Xã Nghi Thọ (nay là xã Phúc Thọ), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An
Nơi thường trú: Hà Nội
Tham gia cách mạng: Từ năm 1928 đến năm 1985
Được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao:
Từ tháng 04 năm 1965 đến tháng 02 năm 1980
Chức vụ trong Đảng khi làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao:
Uỷ viên Bộ Chính trị( 1956- 1985), Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng (1951- 1985).
Quá trình hoạt động:
- Gia nhập Đảng Tân Việt cách mạng (tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương) (1928);
- Gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Bí thư Chi bộ rồi Bí thư Huyện uỷ Nghi Lộc trong cao trào Xô Viết Nghệ-Tĩnh (1930-1931);
- Tham gia tổ chức khởi nghĩa ở Vinh và Huế (1945);
- Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Xứ uỷ Trung bộ Đảng Cộng sản Đông Dương, Phó Chủ tịch Uỷ ban hành chính Trung bộ (08/1945);
- Bí thư liên khu uỷ khu 5, kiêm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính miền Nam Trung bộ (từ 1949);
- Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (được bầu tại Đại hội Đảng lần thứ II - 03/1951);
- Chánh văn phòng Trung ương Đảng (cuối năm 1954);
- Uỷ viên Ban Bí thư Trung ương Đảng (08/1955);
- Uỷ viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng (1956);
- Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước (1958);
- Uỷ viên Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng ( được bầu lại tại Đại hội Đảng Lao động Việt Nam lần thứ III - 09/1960), Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch Nhà nước (1960) sau đó kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước (1963-1964).
- Đại biểu Quốc hội từ khoá I (1946) đến khoá VII (1987).
Các chức vụ sau khi làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao:
- Uỷ viên Trung ương Đảng, thường trực Ban nghiên cứu chiến lược kinh tế-xã hội của Trung ương Đảng và Chính phủ (1982);
Những đóng góp chính với ngành Ngoại giao
Là một trong những học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh là nhà ngoại giao uyên thâm mà tên tuổi gắn liền với nhiều hoạt động ngoại giao sôi nổi nhưng cũng đầy cam go và quyết liệt của Đảng và Nhà nước ta trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh đóng góp tích cực vào việc hoạch định và thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và đoàn kết quốc tế trong hoàn cảnh có sự bất đồng sâu sắc trong phe xã hội chủ nghĩa. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh, ngoại giao đã trở thành một mặt trận và phối hợp chặt chẽ với mặt trận chính trị, quân sự; vừa đánh vừa đàm; phối hợp nhịp nhàng đấu tranh ngoại giao của hai miền Nam-Bắc, và nghệ thuật đàm phán của ngoại giao Việt Nam mà đỉnh cao là việc ký kết Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973.
Sau năm 1975, trước yêu cầu mới của đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh đã sớm nêu ra nhiệm vụ ngoại giao phục vụ khôi phục và phát triển kinh tế. Về xây dựng Ngành, Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh đã đề xuất việc xây dựng quy hoạch đào tạo cán bộ cấp Vụ trẻ (1978) và qua hoạt động thực tiễn, đã đào tạo nhiều đội ngũ cán bộ ngoại giao giỏi cho đất nước.
Ngày qua đời: 20/04/1985.
Được tặng thưởng:
- Huân chương Sao vàng;
- Huân chương Kháng chiến hạng Nhất;
- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất;
- Và nhiều Huân chương, Huy chương cao quí khác.