Họ và tên thường dùng: Phạm Gia Khiêm
Ngày tháng năm sinh: 6/8/1944
Nơi sinh: Phú Thọ
Quê quán: Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội
Địa chỉ thường trú: D7, Phường Giảng Võ, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội.
Tham gia cách mạng: năm 1964
- Giữ chức vụ Phó Thủ tướng (từ 1997), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (từ tháng 6/2006 đến 8/2011).
Chức vụ trong Đảng:
- Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng các khóa: VIII, IX, X.
- Ủy viên Bộ Chính trị khóa X
Quá trình công tác:
- Giảng viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên (1967).
- Nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành luyện kim tại Liên bang CHXHCN Tiệp Khắc (1971-1975).
- Trưởng phòng Công nghiệp, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục và Môi trường, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (1976 - 10/1996), Bí thư Đảng ủy Bộ.
- Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (6/11/1996)
- Đại biểu quốc hội khóa X, Phó Thủ tướng Chính phủ (1997)
- Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh (28/6/2006 đến 8/2011).
Những đóng góp chính trong ngành Ngoại giao:
Trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách đối ngoại, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã lãnh đạo toàn Ngành đối ngoại nói chung và Bộ Ngoại giao nói riêng thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ chủ quyền đất nước, tranh thủ tối đa các nguồn lực quốc tế phục vụ các mục tiêu phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao vai trò vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Cùng với những thành tựu lớn về đối ngoại, dưới sự chỉ đạo sát sao của đồng chí, Bộ Ngoại giao đã đạt được những thành tựu mang tính chất bước ngoặt trong công tác xây dựng Ngành, đào tạo lực lượng kế cận, tăng cường đoàn kết dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đối ngoại.
Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào việc xử lý các mối quan hệ đối ngoại, nổi bật là việc thiết lập các khuôn khổ đối tác chiến lược với một loạt đối tác lớn. Đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo việc Việt Nam vận động ứng cử và đảm nhận thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Năm Chủ tịch ASEAN (2010); việc Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới WTO; đóng góp tích cực vào việc hoàn thành phân giới, cắm mốc đường biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc; làm sâu sắc quan hệ với các nước Đông Nam Á, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Đồng chí đã đề xuất làm sâu sắc các nội hàm mới của đường lối đối ngoại đã được Đại hội Đảng lần thứ XI thông qua, nhất là chủ trương “tích cực hội nhập quốc tế, triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại”, vấn đề “lợi ích quốc gia dân tộc, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Đồng chí cũng là người đặt nền móng lý luận cho nền Ngoại giao toàn diện với ba trụ cột ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và công tác người Việt Nam ở nước ngoài, sự phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại, quốc phòng, an ninh, tăng cường phối hợp giữa Bộ Ngoại giao và các địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ đối ngoại và bảo vệ đất nước.
Với tâm huyết và trách nhiệm, đồng chí Phạm Gia Khiêm đã quan tâm đặc biệt, chỉ đạo kịp thời và khoa học đối với công tác xây dựng Ngành. Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng trong công tác kiện toàn tổ chức bộ máy như kiến nghị ban hành Nghị định 15/2008/NĐ-CP về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao, qua đó đã kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ, đề cao tầm quan trọng của công tác biên giới lãnh thổ, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và công tác nghiên cứu chiến lược.
Đồng chí Phạm Gia Khiêm đã chỉ đạo thực hiện một số biện pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng đời sống cán bộ, công chức, các đồng chí đã nghỉ hưu; xây dựng quy chế luân chuyển công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ; xây dựng chế độ phụ cấp gắn với hàm ngoại giao và phụ cấp đối với chuyên gia ngoại giao, luôn quan tâm đến các đồng chí lão thành cách mạng và các đồng chí đã nghỉ hưu của Bộ.
Đồng chí đã có những đóng góp thúc đẩy xây dựng cơ sở vật chất của Bộ ở trong và ngoài nước; xây dựng trụ sở mới của Bộ; đã kiến nghị Chính phủ phê duyệt chủ trương xây dựng nhà tập thể cho cán bộ, công chức; chỉ đạo hoàn thành xây dựng Nhà Truyền thống ngoại giao; đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin.
Trong những năm lãnh đạo ngành Ngoại giao, đồng chí rất chú trọng và chỉ đạo sát sao các hoạt động thiết thực để tôn vinh truyền thống hào hùng của ngành Ngoại giao Việt Nam. Trong đó có việc hoàn thành cuốn sách ảnh “65 năm Ngoại giao Việt Nam”, bộ phim tài liệu “65 năm ngành Ngoại giao Việt Nam”, tôn tạo Khu di tích lịch sử Bộ Ngoại giao tại Thủ đô kháng chiến Tuyên Quang và hoàn thành cuốn sách “Lịch sử Bộ Ngoại giao 65 năm” và “Lịch sử các đơn vị Bộ Ngoại giao”. Đặc biệt Nhà truyền thống Bộ Ngoại giao được khánh thành là một bức tranh sinh động, phản ánh những hoạt động ngoại giao hết sức phong phú, sôi động và đầy trí tuệ mưu lược của Ngoại giao Việt Nam qua các thời kỳ.
Tên tuổi của Bộ trưởng Phạm Gia Khiêm gắn liền với sự trưởng thành và lớn mạnh của Bộ Ngoại giao trong thời kỳ hội nhập toàn diện của Việt Nam với nền kinh tế thế giới nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Được tặng thưởng:
- Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều Huy chương và Bằng khen khác.
- Được Nhà nước phong tặng Đại sứ bậc II (2011).
- Huân chương Ítxala hạng Nhất do Nhà nước Lào trao tặng (2007).
- Huân chương Mặt trời mọc do Nhà nước Nhật Bản trao tặng (2012).