Ngoại giao đẩy lùi nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an.
Đánh giá của ông về thành tựu của đối ngoại Việt Nam trong 70 năm qua?
Muốn đánh giá, trước hết ta phải nhận thức được vai trò của Bộ Ngoại giao và lực lượng làm ngoại giao trong hoạt động đối ngoại của Nhà nước là gì. Thực tế, các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam như một công trình kiến trúc mà bản thiết kế được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định. Còn việc thi công, triển khai bản thiết kế đó thành các mối quan hệ như hiện nay giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế là do Bộ Ngoại giao chỉ đạo và các cán bộ, nhân viên của Bộ Ngoại giao trực tiếp thực hiện.
Thứ hai, Ngoại giao Việt Nam trong 70 năm vừa qua có thể chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc (từ năm 1945 - 1975). Với tư cách là một người nghiên cứu về an ninh và công tác đối ngoại, tôi cho rằng đây là quãng thời gian ngoại giao Việt Nam đã đạt những thành tựu rực rỡ, đỉnh cao của ngoại giao Hồ Chí Minh, đỉnh cao của việc kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.
Lịch sử không thể giả định, nhưng nếu giả sử không có sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước thuộc địa thì cuộc kháng chiến chống Pháp của chúng ta sẽ như thế nào? Cuộc kháng chiến lần hai chống Mỹ sẽ như thế nào? Tôi tin rằng dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam chắc chắn sẽ giành chiến thắng trong hai cuộc chiến tranh đó, nhưng mốc thời gian thắng Pháp không phải là 1954, thắng Mỹ không phải là năm 1975 mà sẽ lùi xa hơn, và tốn nhiều xương máu hơn.
Bởi vậy phải nói rằng Bộ Ngoại giao đã triển khai tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong thực tế và đã kết hợp thành công sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; tạo ra sức mạnh tổng hợp cả về chính trị, ý chí, vật chất, cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Trong kháng chiến chống Pháp và đặc biệt là kháng chiến chống Mỹ, chúng ta đã huy động được hàng trăm triệu người ở khắp nơi trên thế giới xuống đường biểu tình, tạo áp lực lên các chính quyền liên quan đến cuộc chiến tranh, góp phần thức tỉnh hàng tỷ người trên hành tinh ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam. Đấy là sức mạnh chính trị không thể thiếu được.
Về giai đoạn 1975 - 1986, đặc biệt là từ 1986 - thời điểm Việt Nam đổi mới, bắt đầu hội nhập quốc tế - đến nay, Ngoại giao Việt Nam đã thu được những thành tựu lớn, nhất là trong bối cảnh đất nước bị bao vây cấm vận. Chúng ta đã lâm vào cảnh bị "bao vây siết cổ" suốt thời kỳ này nhưng ý tưởng đầu tiên tham gia vào ASEAN, bình thường hoá quan hệ với Mỹ là của những người làm ngoại giao, và phải ghi công các nhà ngoại giao. Các ý tưởng đó đã được đề xuất lên cấp cao, rồi tác động từ thực tiễn thế giới đã góp phần hình thành tư duy về ngoại giao mới, hình thành chính sách đổi mới, hội nhập của Đảng từ năm 1986.
Với ý tưởng phá thế bao vây cấm vận, hội nhập quốc tế, lực lượng ngoại giao đã "đi trước" đúng như Bác Hồ nói "đi trước một bước nhìn xa hơn", đúng tinh thần ngoại giao giữ vai trò tham mưu cho Đảng. Nước ta đã gia nhập ASEAN, bình thường hoá quan hệ với Mỹ, vào WTO, tham gia các diễn đàn quốc tế… Chính từ đó mới có một Việt Nam như hiện nay. Cho nên có thể khẳng định đây cũng là thành công lớn của ngoại giao trong giai đoạn này.
Nếu có thể nói ngắn gọn về vai trò vị thế của Việt Nam hiện nay với đóng góp của ngành ngoại giao ông sẽ nói gì?
Vị thế Việt Nam trên thế giới và khu vực đến bây giờ là đỉnh cao nhất. Hiện chúng ta không chỉ làm tròn trách nhiệm của ASEAN mà còn là một nhân tố thúc đẩy ASEAN thống nhất để tiến tới Cộng đồng ASEAN. Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc thực hiện các cam kết hình thành Cộng đồng - đến thời điểm hiện tại ta đã thực hiện được 93-94 % cam kết, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Không chỉ thúc đẩy hội nhập ASEAN, ta còn tham gia sáng kiến liên kết Á - Âu của Nga, hợp tác với Liên minh châu Âu (EU), tăng cường quan hệ với Mỹ trên mọi phương diện. Sau 70 năm, ngoại giao đã giúp nâng tầm đất nước ở khu vực và trên thế giới.
Ông nhận xét thế nào về vai trò của Ngoại giao Việt Nam trong thời gian tới?
Tôi muốn nhắc lại một câu nói của Napoleon: "Trên đời này có hai sức mạnh: thanh gươm và cây bút. Nhưng cuối cùng thì cây bút cũng chiến thắng thanh gươm". Tôi cho rằng điều này đúng với bối cảnh toàn cầu hoá và quốc tế hoá hiện nay. Nước nào cũng có gươm - có vũ khí, nhưng thành bại hay không là do cây bút. Cây bút ở đây chính là ngoại giao. Hơn lúc nào hết khi các quốc gia đang phải "nương tựa" vào nhau như hiện nay thì vai trò của ngoại giao ở trên phạm vi toàn cầu nổi bật lên hàng đầu. Ở Mỹ, một quốc gia có đầy đủ sức mạnh quân sự nhưng người có quyền lực thứ hai sau Tổng thống là Bộ trưởng Ngoại giao, chứ không phải là Bộ trưởng Quốc phòng.
Thứ hai, cũng là một câu nói của Napoleon: "Vấn đề chính trị của một nước nằm trong vị trí địa lý của nước đó". Việt Nam là cửa ngõ vào châu Á - Thái Bình Dương. Từ nay về sau, những vấn đề trọng đại của thế giới sẽ được quyết định ở khu vực này. Vị trí của Việt Nam do đó ngày càng quan trọng, và vì vậy cần đề cao vai trò của ngoại giao hơn lúc nào hết bởi ngoại giao có khả năng đẩy lùi được những nguy cơ có khả năng đe dọa đến an ninh quốc gia. Có trang bị thêm mười lần nữa vũ khí cho quân đội, công an (nếu có thể), chúng ta cũng không đẩy lùi được nguy cơ. Nhưng tài thao lược của Bộ Chính trị, Bộ Ngoại giao lại có thể làm được điều đó.
Vậy theo ông cần phải làm thế nào để tăng cường vai trò của ngoại giao?
Trong lịch sử, năm 938 Ngô Quyền thắng quân Nam Hán mà không cần đến ngoại giao, năm 1077 - trận đánh quyết định thắng quân Tống trên sông Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt cũng không cần tới ngoại giao. Nhưng trong bối cảnh Việt Nam nằm trong mắt xích của châu Á - Thái Bình Dương - địa bàn chiến lược của thế giới, hơn lúc nào hết ngoại giao phải đi trước, phải đi đầu, phải được quan tâm, phải được đặt đúng vị trí của nó, từ đó mới có thể xây dựng đội ngũ cán bộ và cơ cấu tổ chức thích hợp.
Thứ hai, cần phải kết hợp hoạt động ngoại giao với hoạt động quốc phòng, an ninh và kinh tế. Về mặt tổ chức thì các Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, các bộ kinh tế là như nhau nên chỉ có lãnh đạo cấp trên mới có thể kết hợp các ngành này lại với nhau, từ đó tránh được việc các hoạt động "vênh nhau", thậm chí phản tác dụng với các hoạt động ngoại giao.
Thứ ba, đối với lực lượng làm công tác ngoại giao, cần phải nhanh nhạy, phát hiện đúng "dòng chảy chính" của các mối quan hệ quốc tế hiện nay. Ngoại giao phải đi trước một bước, phải xác định những mối quan hệ nào là quan trọng nhất, từ đó thuyết phục lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước để có chính sách phù hợp.
Và cuối cùng, ngoại giao phải tham mưu để thúc đẩy mở rộng ngoại giao nhân dân. Ngoại giao nhân dân cùng Ngoại giao Nhà nước sẽ tạo thành một sức mạnh để gắn kết sức mạnh dân tộc, sức mạnh của Đảng, với sức mạnh thời đại.
Thách thức lớn nhất của Ngoại giao Việt Nam thời gian tới là gì, và làm sao có thể vượt qua thách thức đó, thưa ông?
Thách thức về mặt chính trị đối ngoại trong đó có cả ngoại giao, quốc phòng, an ninh chính là phải cân não, làm thế nào để xử lý hài hoà mối quan hệ với các nước lớn, trong đó có quan hệ Việt - Trung, Việt - Mỹ. Để hài hoà được các mối quan hệ này, tôi cho rằng Việt Nam phải đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Đó chính là độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Không bao giờ được phép mơ hồ về điều này.
Ngoài ra, cần phải có một sự nhạy cảm chính trị, hiểu biết quốc tế, và giúp cấp cao của Đảng, Nhà nước hình thành tư duy đúng, đồng thời hỗ trợ phát triển ngoại giao nhân dân đóng góp to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Back Top page Print Email |