Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Tuesday, ngày 17 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Bạn bè Nga đánh giá cao về ngành Ngoại giao Việt Nam

VOV.VN -Ngành Ngoại giao Việt Nam với nhiều thành tựu, đóng góp quan trọng thúc đẩy các mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, trong đó có Nga.

Năm nay Việt Nam có nhiều ngày lễ lớn trong dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Chào mừng những ngày lễ trọng đại này, nhiều bạn bè Nga là các nhà ngoại giao chuyên nghiệp, từng nhiều năm công tác tại Việt Nam có những ý kiến đánh giá về chặng đường hoạt động 70 năm qua của ngành Ngoại giao Việt Nam.

Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền LB Nga tại nước CHXHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2009 – 2014, ông Kovtun nói: "Trước hết tôi xin chúc mừng ngành Ngoại giao Việt Nam nhân ngày kỷ niệm tròn 70 năm thành lập. Tôi cũng xin nói một cách ngắn gọn là ngành Ngoại giao Việt Nam cũng như nước Việt Nam độc lập đã trải qua những năm tháng đầy phức tạp.

Đó là thời điểm mà ngành ngoại giao non trẻ vừa phải cùng với đất nước mới độc lập tiếp tục cuộc chiến tranh để bảo vệ nền độc lập, vừa phải nỗ lực hết sức để xây dựng ngành ngoại giao, phát triển các mối quan hệ với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là thiết lập các mối quan hệ hợp tác với các quốc gia để tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong cuộc đấu tranh của mình.

Sau đó các bạn lại phải tiếp tục một cuộc kháng chiến để giành chiến thắng và thống nhất đất nước và trong điều kiện đó, ngành Ngoại giao của các bạn cũng đã phải nỗ lực rất nhiều và đã đạt được những thành tựu to lớn. Điều tôi muốn nói đến chính là thành công trong việc đạt được những Hiệp định hòa bình ở Geneva, ở Paris.

Tôi có thể nói rằng, với những thành công ấy, ngành ngoại giao Việt Nam đã xây dựng được cho mình một đường lối ngoại giao mà một mặt là kiên quyết bảo vệ được lợi ích của tổ quốc mình, dân tộc mình, mặt khác là linh hoạt, sáng tạo trong các cuộc đàm phán để giải quyết được vấn đề và đạt được kết quả cuối cùng là ký kết các văn kiện quan trọng.


Nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nga tại Việt Nam Kovtun nói về ngành Ngoại giao Việt Nam.

Một điều nữa tôi không thể không nói, đó là sau khi đất nước Việt Nam được thống nhất năm 1975, các bạn lại rơi vào một tình huống rất khó khăn, đó là sự bao vây cấm vận về kinh tế và bị cô lập với các quốc gia khác... Lúc đó ngành Ngoại giao của Việt Nam lại phải rất vất vả để đấu tranh phá thế bị bao vây, cô lập và khẳng định vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế. Và trong cuộc đấu tranh ấy, ngành Ngoại giao nói chung và Bộ Ngoại giao Việt Nam nói riêng đóng vai trò rất quan trọng.

Ngày nay chúng ta thấy một bức tranh đã rất khác của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế: các bạn đã có tiếng nói của mình, có vị trí của mình; Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với rất nhiều quốc gia là thành viên của LHQ; Việt Nam đã trở thành đối tác bình đẳng của nhiều quốc gia, cả những cường quốc trên thế giới; đất nước các bạn đã xây dựng được một hệ thống các quan hệ kinh tế...

Tất cả những thành công ấy đều có sự đóng góp của ngành Ngoại giao Việt Nam với mạng lưới các cơ quan ngoại giao ở khắp nơi trên thế giới cùng với trụ sở chính ở Hà Nội. Bởi vậy, nhân dịp này, tôi xin một lần nữa chúc mừng những thành tựu của ngành Ngoại giao Việt Nam cùng với đất nước Việt Nam và chúc các bạn tiếp tục giành được nhiều hơn nữa những thắng lợi mới".

Nguyên Tổng lãnh sự Nga tại TP HCM và Đà Nẵng 2 nhiệm kỳ liên tiếp từ 1985 đến 1995 Okpysh nói: "Theo tôi, ngành Ngoại giao Việt Nam được thành lập và trưởng thành gắn liền với nước Việt Nam độc lập trong suốt 70 năm qua. Những thành tựu to lớn mà đất nước Việt Nam đạt được trong 70 năm qua, đặc biệt là trong 10 năm gần đây có phần đóng góp to lớn của ngành ngoại giao Việt Nam.

Nguyên Tổng lãnh sự Nga tại TP HCM và Đà Nẵng Okpysh nói về ngành Ngoại giao Việt Nam.

Chúng ta biết rằng, hoạt động ngoại giao trong cộng đồng thế giới là nhằm bảo vệ lợi ích của quốc gia. Đó là một chân lý rất giản dị. Chúng ta cũng biết rằng, trong lịch sử Việt Nam và trong giai đoạn rất khó khăn của Việt Nam, ngành Ngoại giao trong mối quan hệ quốc tế phải thực hiện những cuộc đối thoại nhằm bảo vệ lợi ích của Việt Nam. Điều đó là rất quan trọng để hôm nay chúng ta được chứng kiến một đất nước tươi đẹp, phát triển thịnh vượng hơn.

Ý nghĩa chính của hoạt động ngoại giao là ở chỗ nó thiết lập cơ sở pháp lý quốc tế để bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ nền độc lập. Nhưng còn quan trọng hơn là nó có nhiệm vụ phát triển các mối quan hệ với nước khác, với các khu vực và cả thế giới, phát triển quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, nhân văn, khoa học, văn hóa...

Và ở đây chúng ta cũng thấy được là có rất nhiều thành tựu của các hoạt động ngoại giao, của các nhà ngoại giao Việt Nam. Nếu nói về cảm nhận của cá nhân tôi thì tôi muốn nhắc đến những cuộc gặp gỡ, những tiếp xúc với những người mà về sau, nhiều người trong số họ đã trở thành bạn, thành đồng chí của tôi, những người từng công tác ở các Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán, ở Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Tôi đã 2 lần làm Tổng Lãnh sự ở TP HCM và Đà Nẵng suốt 10 năm liền, tôi có nhiều dịp được gặp Bộ trưởng, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam và tôi đã cảm nhận được rằng, trong câu chuyện với tôi, các vị ngoại giao đều hướng đến tôi không phải chung chung là tới Chính phủ hay Nhà nước Nga mà là hướng đến một con người cụ thể mang trọng trách của quốc gia tại TP HCM hay Đà Nẵng.

Tại các thành phố này, hoạt động ngoại giao thông qua Sở Ngoại vụ và công việc được tiến hành rất chuyên nghiệp với những con người rất thú vị. Họ là những con người rất hiểu biết, rất có chí tiến thủ nhằm thực hiện thật tốt công việc của mình, dù đó là công tác lãnh sự hay là các mối quan hệ kinh tế, quan hệ về văn hóa, giáo dục... rồi cả việc liên quan đến các sinh viên Việt Nam học tiếng Nga hoặc sinh viên Nga học tiếng Việt...

Nói chung, trong mọi công việc có dịp cùng làm, chúng tôi đều có sự thấu hiểu lẫn nhau và rất ủng hộ nhau, luôn hướng đến kết quả tốt nhất trong công việc chung".

Chủ tịch Danh dự Hội Hữu nghị Nga - Việt nói về ngành Ngoại giao Việt Nam.

Ông Evgheni Glazunov, Chủ tịch Danh dự Hội Hữu nghị Nga – Việt là một nhà Việt Nam học kỳ cựu, có nhiều năm làm phóng viên, phiên dịch viên tiếng Việt, làm cán bộ Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam... nói: Tôi không có quyền đánh giá, nhưng xin được nói về những ấn tượng cá nhân của tôi rằng, tôi đã có dịp chứng kiến và nghiên cứu khá nhiều về lịch sử của Việt Nam thì thấy rằng, lịch sử của ngành ngoại giao Việt Nam cũng song trùng với lịch sử đất nước.

Trong lịch sử hiện đại, ngành Ngoại giao Việt Nam chiếm vị trí rất quan trọng trong mọi lĩnh vực. Vào thời điểm những năm 1945 và sau đó, đất nước Việt Nam đã lâm vào những tình huống hết sức khó khăn, phải đối đầu với các lực lượng quân đội của Anh, Pháp, Nhật.... Lãnh đạo Việt Nam và ngành Ngoại giao Việt Nam đã làm hết sức mình để vượt qua những khó khăn đó và đã đạt được kết quả to lớn.

Suốt chặng đường lịch sử sau đó đến chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến thắng ở bàn đàm phán để ký được các Hiệp định hòa bình cho Việt Nam như Geneva, Paris.v.v... đều có sự đóng góp của ngành Ngoại giao Việt Nam. Ngành Ngoại giao Việt Nam đã biết sử dụng phương pháp mềm dẻo kết hợp với những biện pháp chiến lược và sự kiên quyết cần thiết nên đã luôn giành được thắng lợi và tiến về phía trước.

Và có thể nói rằng, mặc dù là đất nước bé nhỏ, nhưng với chính sách ngoại giao khéo léo phù hợp của mình, Việt Nam đã chiến thắng cả những nước Đế quốc hùng mạnh..."./.
Điệp Anh - Thành Phương/VOV - Moscow

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer