Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh (thứ 5, trái) chụp ảnh chung với các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Hội nghị. Ảnh: website ASEAN
Xin Thứ trưởng cho biết những kết quả nổi bật mà Hội nghị Bộ trưởng ASEAN 49 và các Hội nghị liên quan đã đạt được?
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 và các Hội nghị liên quan lần này có ý nghĩa rất quan trọng, với tổng cộng 16 Hội nghị cấp Bộ trưởng, gồm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN với các nước đối tác, đối thoại và với các đối tác khác trong khuôn khổ của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), và Hội nghị ARF.
Tại đây, các nước ASEAN đã cùng nhau đánh giá lại về kết quả thực hiện những kế hoạch đề ra trong năm đầu tiên khi ASEAN trở thành Cộng đồng vào cuối năm 2015 và chuẩn bị kế hoạch trong năm 2017 cũng như những dự kiến sẽ trình vào cuộc họp cấp cao của các nhà lãnh đạo ASEAN vào tháng 9 ở cả ba trụ cột Chính trị-An ninh, Kinh tế, và Văn hóa - xã hội.
Kết quả đạt được tại Hội nghị lần này là rất lớn. Mặc dù mới chỉ sau hơn nửa năm được thành lập chính thức, Cộng đồng ASEAN đã đạt được tiến độ đề ra trên các lĩnh vực về chính trị, an ninh. Theo đó, kế hoạch đề ra khoảng 290 dòng hành động khác nhau thì tới nay ASEAN đã thực hiện được khoảng 140 dòng hành động.
Trong lĩnh vực kinh tế, ASEAN hiện đang bàn để có thể đưa ra gói đàm phán mới liên quan đến Cộng đồng Kinh tế, cũng như vấn đề văn hóa, xã hội.
Một thành công nữa tại Hội nghị lần này là ASEAN đã tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, riêng cấp Bộ trưởng Ngoại giao đã có các cuộc họp với từng nước đối thoại, đồng thời cũng có cuộc họp giữa các nước ASEAN với tám nước đối thoại trong khuôn khổ của diễn đàn Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), với 27 nước tại diễn đàn khu vực ARF, Diễn đàn hạ nguồn sông Mekong. Tại đây, các nước đều khẳng định coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN.
Thành công thứ ba tại Hội nghị lần này là các nước đánh giá về tình hình quốc tế, qua đó có sự chia sẻ những quan điểm về vấn đề đang đặt ra đối với các nước thành viên ASEAN, cũng như với các nước đối tác của ASEAN.
Hội nghị cấp cao Đông Á đã có sự tham gia của 10 nước thành viên ASEAN và 8 nước đối tác, trong đó có những nước lớn trong khu vực gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, và ngoài khu vực gồm Hoa Kỳ, Nga, Australia và New Zealand. Tại các diễn đàn này, các bên đã cùng nhau đánh giá về những vấn đề đặt ra, cùng trao đổi về các biện pháp nhằm đối phó với các thách thức.
Trong các Hội nghị lần này, Lào với tư cách là chủ tịch đã có những nỗ lực và có những đóng góp lớn góp phần tạo nên thành công của Hội nghị.
Theo Thứ trưởng, Hội nghị này có phải là một thành công với ASEAN?
Chúng ta đều biết trong 10 nước ASEAN, có tới 9 nước nằm trên Biển Đông hoặc có biển sát Biển Đông, đó là lợi ích chung của ASEAN, chính vì vậy, dù vẫn có sự khác biệt, có những khó khăn, tuy nhiên các nước ASEAN vẫn ra được Tuyên bố chung của AMM 49, điều này khẳng định lập trường rất quan trọng của ASEAN trong các vấn đề lớn, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Cần nhớ rằng Tuyên bố chung của AMM 49 lần này không chỉ đề cập tới những vấn đề của khu vực, mà còn có đánh giá về kết quả thực hiện và việc triển khai các chương trình của ASEAN trong thời gian vừa qua và đưa ra những định hướng, những kế hoạch của ASEAN trong thời gian tới để trình lên Hội nghị cấp cao tới thông qua. Việc thông qua được Tuyên bố chung chứng tỏ các nước đã thấy được rằng mình có rất nhiều lợi ích chung trong hợp tác ASEAN.
Ngoài ra, việc ASEAN ra Tuyên bố cũng khẳng định lập trường chung của Khối trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều phức tạp cho thấy ASEAN nhận thức được phải cùng nhau thúc đẩy vai trò trung tâm để tăng cường đoàn kết, không phải tại hội nghị này mà cả các hội nghị trong thời gian tới. Do đó, tôi đánh giá tổng thể các Hội nghị này là thành công.
Xin Thứ trưởng cho biết những đóng góp của Việt Nam cho thành công của các Hội nghị lần này là gì?
Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tưởng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu tham dự, với tinh thần thực hiện đường lối đối ngoại là độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và đặc biệt với ASEAN, Việt Nam luôn tham gia tích cực với tinh thần xây dựng.
Lần này, đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị có các mục đích rất cụ thể, nhằm góp phần cùng các nước thành viên nâng cao vai trò của ASEAN, tiếp tục thúc đẩy quan hệ với các đối tác của ASEAN, qua đó cũng nhằm thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác khác.
Trong dịp này, Việt Nam đã mang đến Hội nghị các tham luận ở các cấp khác nhau, trong tất cả các diễn đàn chúng ta đều có các tham luận, trong đó, một mặt chúng ta nêu quan điểm của chúng ta về tình hình quốc tế và khu vực, đưa ra những kiến nghị về những giải pháp, trong đó có kiến nghị về hợp tác song phương giữa các nước, nhưng phải phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.
Những đóng góp của chúng ta là đóng góp chung vào các hội nghị với nhiều hình thức khác nhau, góp phần vào quá trình thực hiện tốt các kế hoạch của ASEAN, đồng thời nêu ra những quan điểm về những vấn đề mà chúng ta quan tâm nhằm góp phần gìn giữ hòa bình, an ninh trong khu vực và trên toàn thế giới.