Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ năm, ngày 09 tháng 01 năm 2025 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Luật Điều ước quốc tế (sửa đổi): Phục vụ đắc lực hơn cho yêu cầu hội nhập


Bài viết của Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung dành riêng cho Báo TG&VN.


Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung

Bên cạnh những điểm mới hết sức tiến bộ, phù hợp tinh thần Hiến pháp và thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Luật Điều ước quốc tế vừa được kỳ họp 11 Quốc hội Khóa XIII thông qua còn có ý nghĩa quan trọng cả về đối nội và đối ngoại…

Ngày 9/4, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Điều ước quốc tế với số phiếu tán thành rất cao. Với 10 chương và 84 điều, Luật Điều ước quốc tế có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, thay thế Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 hiện hành (Luật năm 2005).

Luật Điều ước quốc tế năm 2016 có những sửa đổi căn bản, toàn diện, không những khắc phục những bất cập của Luật năm 2005 mà còn cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về công tác điều ước quốc tế, tạo khung pháp lý vừa chặt chẽ vừa linh hoạt, đáp ứng nhu cầu ký kết và thực hiện điều ước quốc tế phù hợp với lợi ích quốc gia, phục vụ tốt cho việc triển khai thực hiện chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

luat dieu uoc quoc te sua doi phuc vu dac luc hon cho yeu cau hoi nhap
Khái quát và ngắn gọn hơn

Việc sửa đổi định nghĩa điều ước quốc tế là điểm mới cơ bản, có tính bao trùm, tác động đến nhiều nội dung trong Luật Điều ước quốc tế. Khái niệm “điều ước quốc tế” tại Luật Điều ước quốc tế mới phù hợp với quy định của Công ước Viên về Luật điều ước năm 1969. Theo đó, những văn kiện nào đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của một điều ước quốc tế sẽ phải tuân theo quy trình đàm phán, ký kết quy định trong Luật. Các tuyên bố, cam kết chính trị nếu không tạo ra quyền và nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế, thì không được coi là điều ước quốc tế; việc ký kết các văn kiện này sẽ được thực hiện theo quy định chung về thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại.

Các thỏa thuận, cam kết về vay nợ nước ngoài nếu được ký nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam với bên ký kết nước ngoài như Nhà nước, Chính phủ nước ngoài hoặc Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn được coi là điều ước quốc tế và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật. Tuy nhiên, các thỏa thuận vay cụ thể nhân danh Chính phủ với các ngân hàng của nước ngoài có điều khoản áp dụng luật của nước cho vay hoặc nước tài trợ sẽ không còn được coi là điều ước quốc tế và việc ký kết sẽ được thực hiện theo quy trình, thủ tục ký kết quy định tại Luật Quản lý nợ công. Định nghĩa mới này về điều ước quốc tế phù hợp với Công ước Viên về Luật điều ước năm 1969 và thực tiễn ký kết điều ước quốc tế của hầu hết các nước trên thế giới.

Để đáp ứng yêu cầu thực tế cần có thủ tục nhanh gọn cho việc ký kết một số loại điều ước quốc tế để phục vụ yêu cầu đối ngoại và hội nhập, Luật Điều ước quốc tế năm 2016 bổ sung một chương về trình tự, thủ tục rút gọn áp dụng cho việc đàm phán, ký, sửa đổi, bổ sung, gia hạn một số loại điều ước quốc tế. Trong đó, Luật quy định hai hình thức rút gọn, bao gồm rút gọn về quy trình (cho phép trình đồng thời việc đàm phán và việc ký điều ước quốc tế) và rút gọn về thời hạn, hồ sơ. Tuy nhiên, quy trình, thủ tục rút gọn sẽ không được áp dụng đối với các điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền phê chuẩn, quyết định gia nhập của Quốc hội, do đây là những loại điều ước quốc tế quan trọng đòi hỏi phải thực hiện theo quy trình, thủ tục hết sức chặt chẽ.

Triển khai, thể chế hóa các quy định mới

Luật Điều ước quốc tế năm 2016 cũng triển khai, thể chế hóa các quy định mới của Hiến pháp năm 2013, bổ sung, điều chỉnh các nội dung về thẩm quyền và trình tự, thủ tục để thực hiện thẩm quyền hiến định của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực điều ước quốc tế, tôn trọng và góp phần triển khai thực hiện, bảo vệ các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, nguyên tắc dân chủ, pháp quyền đã được nêu bật trong Hiến pháp. Một trong những nội dung quan trọng trong dự án Luật và được quan tâm nhiều là việc cụ thể hóa các khái niệm “điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, và “điều ước quốc tế về tư cách thành viên của Việt Nam tại tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng” nêu tại khoản 14 Điều 70 của Hiến pháp.

Theo quy định tại Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Quốc hội sẽ phê chuẩn, quyết định gia nhập các “điều ước quốc tế làm thay đổi, hạn chế hoặc chấm dứt quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội”. Quy định này nhằm mục đích phân biệt các điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân với các điều ước quốc tế về hợp tác chuyên ngành như về tương trợ tư pháp, dẫn độ, chuyển giao người bị thi hành án phạt tù, nuôi con nuôi, phòng chống tội phạm và các điều ước quốc tế về hợp tác chuyên ngành khác. Quốc hội cũng sẽ phê chuẩn, quyết định gia nhập các “điều ước quốc tế về việc thành lập, tham gia tổ chức quốc tế và khu vực nếu việc tham gia, rút khỏi tổ chức đó ảnh hưởng đến chính sách cơ bản của quốc gia về đối ngoại, quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, tiền tệ”. Đây là các chính sách cơ bản thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội theo quy định tại Hiến pháp.
(Ảnh: Hoàng Quân - TGVN)
Nhằm thực hiện quy định tại Điều 12 Hiến pháp năm 2013 “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...  tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”, Luật Điều ước quốc tế năm 2016 bổ sung một số quy định nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện điều ước quốc tế, nhất là những nội dung quan trọng liên quan đến trách nhiệm của Cơ quan đề xuất trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế. Theo đó, cơ quan đề xuất ký kết điều ước quốc tế có trách nhiệm dự kiến kế hoạch thực hiện ngay từ khi trình đề xuất ký điều ước quốc tế và phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch này trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được thông báo của Bộ Ngoại giao  về việc điều ước quốc tế có hiệu lực đối với Việt Nam; phải xây dựng lộ trình và biện pháp cụ thể để thực hiện điều ước quốc tế, kiến nghị hoặc ban hành, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có biện pháp chỉ đạo, điều hành để thực hiện điều ước quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong trường hợp điều ước quốc tế bị bên ký kết nước ngoài vi phạm.

Nhằm triển khai, cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp về tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, Luật Điều ước quốc tế đã bổ sung quy định về việc tham vấn đại điện đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của điều ước quốc tế trong quá trình đàm phán điều ước quốc tế. Từ nay, khi đàm phán các điều ước quốc tế, các cơ quan nhà nước sẽ có trách nhiệm tham vấn các đối tượng chịu tác động của điều ước quốc tế thông qua tổ chức đại diện của họ.

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu tra cứu rộng rãi của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin, hoặc để phục vụ hoạt động tố tụng trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền yêu cầu cung cấp bản sao điều ước quốc tế, Luật Điều ước quốc tế cũng đã bổ sung các quy định mới về cấp bản sao điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên được lưu trữ tại Bộ Ngoại giao và về việc công khai toàn văn điều ước quốc tế trên Công báo, Cổng thông tin điện tử của Bộ, ngành đề xuất ký kết điều ước và Cơ sở dữ liệu điều ước quốc tế do Bộ Ngoại giao xây dựng và vận hành.

Như vậy, Luật Điều ước quốc tế vừa được Quốc hội thông qua có những điểm mới tiến bộ, thể hiện tính công khai, dân chủ, minh bạch, nhà nước pháp quyền, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp cũng như bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành. Việc ban hành Luật Điều ước quốc tế năm 2016 có ý nghĩa quan trọng cả về đối nội và đối ngoại, phục vụ đắc lực cho yêu cầu chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, đảm bảo lợi ích của đất nước.

Lê Hoài Trung
(Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao)

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer

EMC Đã kết nối EMC