Giai đoạn mới trong công tác về người Việt
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam (đứng giữa) chụp ảnh cùng tập thể giáo viên Việt Nam ở nước ngoài đang theo học Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt năm 2016. (Ảnh: TT)
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Chỉ thị 45 đã trở thành kim chỉ nam cho việc thực hiện thành công hơn nữa Nghị quyết 36 trong bối cảnh tình hình mới và đáp ứng yêu cầu, mục tiêu cao hơn. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam đã chia sẻ với TG&VN về vấn đề này.
Xin Thứ trưởng cho biết Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị ban hành tháng 5/2015 đã có tác động như thế nào trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài?
Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 19/5/2015 khẳng định Nghị quyết 36-NQ/TW sau hơn 10 năm triển khai vẫn còn nguyên giá trị, là căn cứ, định hướng và chỉ ra 10 nội dung trọng tâm trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) thời gian tới. Trong đó, Chỉ thị đã kế thừa những quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 36 như phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc; NVNONN là bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam; Đảng và Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ NVNONN ổn định cuộc sống, hội nhập vào xã hội sở tại và hướng về đất nước; công tác đối với NVNONN là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị.
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam (đứng giữa) chụp ảnh cùng tập thể giáo viên Việt Nam ở nước ngoài đang theo học Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt năm 2016. (Ảnh: TT).
Điểm mới của Chỉ thị là nhấn mạnh các nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới, đặc biệt chỉ rõ tập trung tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc trong công tác đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc, thu hút nguồn lực kiều bào và phối hợp giữa các cơ quan, địa phương. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã có Nghị quyết số 27/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị trong tình hình mới giai đoạn 2016-2020. Các Bộ, ngành và địa phương xây dựng Kế hoạch hành động theo chức năng, nhiệm vụ tạo cơ chế triển khai, phối hợp thống nhất trong công tác đối với NVNONN. Ngày 11/8/2016, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã ký ban hành Chương trình hành động của Bộ Ngoại giao. Một số tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã xây dựng Kế hoạch hành động triển khai Chỉ thị số 45-CT/TW.
Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 45 đồng bộ ở tất cả các cấp như vậy sẽ mở ra giai đoạn mới trong công tác về NVNONN. Chỉ thị này là kim chỉ nam cho việc thực hiện thành công hơn nữa Nghị quyết 36 trong bối cảnh tình hình mới và đáp ứng yêu cầu, mục tiêu cao hơn.
Kể từ khi triển khai Chương trình hành động của Hội nghị Ngoại giao 28 đến nay, công tác đối với NVNONN đã đạt được những kết quả đáng kể nào, thưa Thứ trưởng?
Từ đó đến nay, công tác về NVNONN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và tích cực, nhiều chuyển biến mang tính cơ bản trên mọi lĩnh vực. Nhiều chính sách mới được ban hành, đáp ứng mong đợi của kiều bào và được đông đảo kiều bào hoan nghênh, đánh giá cao như Luật Quốc tịch sửa đổi 2014, Luật Nhà ở sửa đổi số 65/2014/QH13 năm 2015, Nghị định 82/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân thay thế Quyết định 135/2007/QĐ-TTg và Quyết định 10/2012/QĐ-TTg...
Công tác hỗ trợ kiều bào ổn định địa vị pháp lý, hội nhập thành công vào xã hội sở tại được đa dạng hóa và triển khai tích cực, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hỗ trợ các cộng đồng kiều bào gặp nhiều khó khăn ở Đông Nam Á, Đông Âu và châu Phi. Đây cũng trở thành một nội dung quan trọng trong các chuyến thăm cấp cao, cũng như các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Chúng ta đổi mới cách tiếp cận đối với cộng đồng, chủ động tiếp xúc với những người còn có định kiến với chế độ Việt Nam hay có quan điểm khác biệt; chủ động đấu tranh, phân hóa, cô lập, làm thất bại các âm mưu và hoạt động của các nhóm cực đoan trong cộng đồng.
Ngoài ra, công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên ở nước ngoài ngày càng được chú trọng và được triển khai rộng rãi hơn với sự phối hợp, tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức trong nước, thu hút và tập hợp được đông đảo thanh niên, sinh viên Việt Nam hiện đang ở nước ngoài. Nhiều hội nghị, tọa đàm cho kiều bào đóng góp vào các chủ trương, chính sách lớn của đất nước được tổ chức. Nhiều hoạt động nhằm vận động, khích lệ kiều bào hướng về quê hương đất nước như: Xuân Quê hương, đoàn kiều bào tham dự Giỗ Tổ Hùng Vương, thăm Trường Sa, Trại hè Việt Nam,... đã được tổ chức thành công.
Bên cạnh đó, công tác hội đoàn được quan tâm thúc đẩy theo hướng các hội đoàn phát huy vai trò đầu mối, là nhân tố quan trọng quy tụ, đoàn kết cộng đồng. Các hội đoàn được củng cố và hoàn thiện tổ chức, tăng cường hoạt động thiết thực.
Đồng thời, công tác thu hút nguồn lực doanh nhân, trí thức kiều bào, công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, công tác dạy tiếng Việt và công tác thông tin tuyên truyền cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Theo Thứ trưởng, công tác đối với NVNONN hiện nay đòi hỏi cán bộ ngoại giao cần trang bị cho mình những kỹ năng nào, ngoài năng lực chuyên môn?
Công tác đối với NVNONN luôn được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Lãnh đạo Bộ Ngoại giao vì đây vừa là nhiệm vụ có tính chất đặc thù trong công tác dân vận của Đảng và Nhà nước, vừa thể hiện trách nhiệm, tình cảm của Đảng và Nhà nước đối với một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam ta hiện đang sinh sống, học tập và công tác ở nước ngoài.
Trong gần 60 năm qua, đội ngũ cán bộ của Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã không ngừng trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Từ chỗ là một cơ quan liên hiệp, với biên chế chính thức gọn nhẹ trực thuộc Văn phòng Chính phủ (năm 1983), đến nay, Uỷ ban đã có gần 100 cán bộ, nhân viên, trong đó 100% cán bộ nghiên cứu của Ủy ban có trình độ Đại học và trên Đại học.
Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu đất nước ngày càng đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, Việt Nam tăng cường quan hệ với các nước, trong đó có cả những nước có đông người Việt sinh sống, thì công tác vận động kiều bào đòi hỏi đội ngũ cán bộ này cần phải liên tục trau dồi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng và phẩm chất đạo đức cách mạng.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác cộng đồng cần bổ sung cho mình nhiều kỹ năng và phẩm chất mới, kể cả nghệ thuật tuyên truyền, vận động kiều bào sao cho phù hợp vói từng đối tượng ở từng địa bàn cụ thể, từng lúc, từng hoàn cảnh khác nhau phù hợp với phong tục, tập quán và văn hóa nước sở tại.
Đấy là nói về nguyên tắc, nhưng trong công tác hàng ngày cán bộ của Ủy ban cần phải xuất phát từ thực tế là mỗi nước có chính sách riêng đối với cộng đồng người Việt, cho nên tùy theo công việc được phân công mà từng cán bộ phải tự xác định và lên kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực công việc cụ thể. Không thể có đáp án chung cho tất cả mọi người.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |