Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thư tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

TƯ LIỆU CƠ BẢN VỀ CỘNG HOÀ ÁC-HEN-TI-NA VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM


I. Khái quát:

- Tên nước: Cộng hòa Ác-hen-ti-na (República Argentina).

- Thủ đô: Bu-ê-nốt Ai-rết (Buenos Aires).

- Vị trí địa lý: ở Nam Mỹ, Bắc giáp Bô-li-vi-a và Pa-ra-goay, Đông giáp Bra-xin, U-ru-goay và Đại Tây Dương; Nam và Tây giáp Chi-lê.

- Diện tích: 3.761.274 km2 (bao gồm phần lục địa, vùng đất Nam Cực, các đảo Nam Đại Tây Dương và Mũi Đất Lửa - riêng phần lãnh thổ lục địa là 2.780.092 km2), lớn thứ hai Mỹ La-tinh (sau Bra-xin).

- Khí hậu: Phong phú, từ cận nhiệt đới đến hàn đới.

- Dân số: 43,4 triệu người.

- GDP đầu người: 20.700 USD (2017)

- Tôn giáo: 92% theo Công giáo.

- Ngôn ngữ: Tiếng Tây Ban Nha.

- Tiền tệ: Đồng Pê-xô (ARS), t giá khoảng 12 Pê-xô = 1 USD.

- Quốc khánh: 25/5 (Ngày độc lập 9/7/1816).

- Tổng thống: Ông Mau-ri-xi-ô Ma-cơ-ri (Mauricio Macri) từ tháng 12/2015.

- Ngoại trưởng: Ông Hô-rơ-hê Phau-ri (Jorge Faurie) từ tháng 6/2017.

II. Lịch sử:

- 1516: Tây Ban Nha xâm chiếm làm thuộc địa.

- 25/5/1810: nhân dân tỉnh Bu-ê-nốt Ai-rết tiến hành cuộc “Cách mạng tháng 5” mở đầu cuộc đấu tranh giành độc lập.

- 9/7/1816: Tuyên bố độc lập và lập chính thể cộng hoà.

- 1825-1828: Chiến tranh với Bra-xin.

- 1829: Bắt đầu thời kỳ độc tài quân sự kéo dài.

- 1864-1870: Chiến tranh giữa Ác-hen-ti-na, Bra-xin và U-ru-guay với Pa-ra-guay.

- 1946-1955: Tổng thống Pê-rôn (1946-1955) thuộc Đảng Công lý thiên tả và Phong trào Pê-rô-nit (Peronismo) lên cầm quyền, tiến hành quốc hữu hóa, công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu, tăng cường và cải thiện điều kiện làm việc.

- 1955: Đảo chính quân sự lật đổ Pê-rôn, các Chính phủ được phe quân sự hậu thuẫn thay nhau cầm quyền.

- 1973: Tổng thống Pê-rôn trở lại cầm quyền.

- 1974: Tổng thống Pê-rôn từ trần, bà I-sa-ben - vợ ông - thay làm Tổng thống. 

- 1976: Đảo chính quân sự lật đổ bà I-sa-ben. Chính phủ cực hữu thân Mỹ tăng cường đàn áp các lực lượng cánh tả, giết hại hàng ngàn người thuộc các đảng phái đối lập.

- 1982: Chiến tranh Ác-hen-ti-na - Anh, tranh chấp đảo Man-vi-nát. 

- 1983: Bầu cử dân chủ, Tổng thống An-phôn-sin của Liên minh Nhân Dân Cấp tiến (trung hữu) lên nắm quyền.

          - 7/1989-7/1999: Lãnh tụ Đảng Công lý Các-lốt Xa-un Mê-nêm trúng cử Tổng thống hai nhiệm kỳ liên tiếp.

- 1999: ứng cử viên của liên minh đối lập Phéc-nan-đô Đê la Ru-a thắng cử, tuy nhiên đến tháng 12/2001 Tổng thống Đê la Ru-a từ chức vì khủng hoảng kinh tế-xã hội. Ông Rô-đơ-ri-ghết Xa được bầu làm Tổng thống lâm thời. Ngày 1/1/2002, Quốc hội Ác-hen-ti-na đã bầu ông Ê-đu-ác-đô Đoan-đê giữ chức Tổng thống.

- 5/2003: Ứng cử viên Đảng Công lý Nê-xtô Kít-nơ trúng cử Tổng thống.

            - 10/2007: Bà Cri-xti-na Phéc-nan-đết, phu nhân của Tổng thống Nê-xtô Kít-nơ, ứng cử viên Đảng Công Lý trúng cử Tổng thống nhiệm kỳ 2007-2011, trở thành nữ Tổng thống đầu tiên do dân bầu trong lịch sử Ác-hen-ti-na và tái đắc cử nhiệm kỳ 2011-2015.

- Tại cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11 năm 2015, ứng cử viên Mau-ri-xi-ô Ma-cơ-ri thuộc Liên minh Đề xuất Cộng hòa - PRO (trung hữu) đắc cử Tổng thống Ác-hen-ti-na.

III. Chính trị:

- Hệ thống chính trị: Ác-hen-ti-na theo chế độ Cộng hoà. Tổng thống được bầu trực tiếp, là Nguyên thủ quốc gia và đứng đầu Chính phủ, nhiệm kỳ 4 năm và có thể tái cử một nhiệm kỳ tiếp theo.

- Hệ thống lập pháp: Quốc hội lưỡng viện. Thượng viện có 72 nghị sĩ, bầu cử trực tiếp, nhiệm kỳ 6 năm, mỗi tỉnh và thành phố Bu-ê-nốt Ai-rết được bầu 3, cứ 2 năm bầu lại 1/3. Hạ viện có 257 nghị sĩ, bầu cử trực tiếp, nhiệm kỳ 4 năm, cứ 2 năm bầu lại 1/2. Hiện có 25 đảng chính trị hợp pháp, trong đó các đảng lớn là: Đảng Đề xuất Cộng hòa (PRO – Cầm quyền), Đảng Công lý (PJ), Liên minh Nhân dân Cấp tiến (UCR), Mặt trận Đất nước Đoàn kết (FREPASO).

- Hệ thống tư pháp: Toà án Tối cao là cơ quan cao nhất ngành Tư pháp. Tổng thống bổ nhiệm các thẩm phán, Thượng viện phê chuẩn.

IV. Kinh tế:

Ác-hen-ti-na hiện là nền kinh tế lớn thứ 3 ở Mỹ Latinh (sau Bra-xin và Mê-hi-cô), có truyền thống sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi đại gia súc và chế biến thực phẩm; công nghiệp tương đối phát triển, với các ngành mũi nhọn như luyện kim, công nghệ nguyên tử vì mục đích hòa bình, công nghệ sinh học, điện tử, tin học...

Năm 2009, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, GDP chỉ tăng 0,9%. Các năm 2010 và 2011 GDP đạt trên 8,5%; tuy nhiên năm 2012 chỉ đạt 2,6%, chủ yếu do chính sách tín dụng chưa hiệu quả, giao dịch ngoại thương bị hạn chế, ngân hàng trung ương chậm cải tổ; năm 2013 và 2014 đạt lần lượt là 3% và 0,5% do tình hình kinh tế chưa được cải thiện, thu hút đầu tư suy giảm. Năm 2015 và 2016, nguồn vốn tài chính tiếp tục bị thắt chặt sau khi rơi vào tình trạng “vỡ nợ kỹ thuật” do không đạt được thỏa thuận với các quỹ “kền kền”, GDP giảm dần lần lượt là 2,6% và -2,2%; năm 2017, sau khi Chính phủ thực hiện cải cách chính sách kinh tế vĩ mô, tăng trưởng GDP đạt 2,9%,  năm 2018 GDP chỉ đạt 2,6% trong năm 2018 vì một số nguyên nhân như Mỹ tăng lãi xuất cơ bản khiến nhiều nguồn vốn bị rút khỏi Ác-hen-ti-na, tỷ lệ lạm phát tiếp tục leo thang, Ngân hàng Trung ương Ác-hen-ti-na liên tục đưa ra các biện pháp chỉnh mức lãi suất cơ bản chưa hiệu quả… và năm 2019 GDP dự kiến chỉ đạt 1,6%.

Hàng xuất khẩu của Ác-hen-ti-na chủ yếu là ngũ cốc, thịt bò, da bò, dầu thực vật, hàng công nghiệp (đạt 65,9 tỷ USD năm 2015). Hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc, phương tiện vận tải, hoá chất (đạt 60,5 tỷ USD năm 2015). Các thị trường xuất khẩu chính: Bra-xin, Trung Quốc, Chi-lê, Mỹ…; thị trường nhập khẩu chính: Bra-xin, Mỹ, Trung Quốc, Đức…

V. Đối ngoại:

Là nước lớn trong khu vực Mỹ Latinh, Ác-hen-ti-na có vai trò quan trọng ở khu vực và quốc tế, có quan hệ ngoại giao với hơn 140 nước, là thành viên của Liên hợp quốc, Hiệp hội Liên kết Mỹ Latinh (ALADI), Tổ chức các nước Châu Mỹ (OEA), Hệ thống Kinh tế Mỹ Latinh (SELA), Nghị viện Mỹ Latinh (PARLATINO), Nhóm 77, Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Hội đồng Kinh tế Lòng chảo Thái Bình Dương (PBEC), Liên minh các Quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), Cộng đồng các Nhà nước Mỹ Latinh và Ca-ri-bê (CELAC) và Nhóm G20.

Chính phủ của Tổng thống Mau-ri-xi-ô Ma-cơ-ri tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại cân bằng tại khu vực, ưu tiên phát triển quan hệ với các nước láng giềng (Bra-xin, U-ru-goay, Chi-lê), duy trì quan hệ tốt với Mỹ, nhưng quan hệ căng thẳng với Chính quyền cánh tả ở Vê-nê-xu-ê-la (Ác-hen-ti-na thúc đẩy trục xuất Vê-nê-xu-ê-la khỏi khối thị trường chung Nam Mỹ - MERCOSUR). Bên cạnh đó, Ác-hen-ti-na cũng đang quan tâm củng cố và mở rộng quan hệ với các khu vực khác, trong đó có Châu Á, nỗ lực khôi phục niềm tin để tranh thủ vốn, mở rộng thị trường; tiếp tục vận động các nước trong và ngoài khu vực ủng hộ Ác-hen-ti-na trong việc giải quyết tranh chấp quần đảo Man-vi-nát (Malvinas) với Anh và vùng đất đóng băng với Chi-lê.

VI. Quan hệ với Việt Nam:

Ngày 25/10/1973, dưới chính quyền của Tổng thống Pê-rôn, Ác-hen-ti-na thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tháng 1/1995, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Bu-ê-nốt Ai-rết; tháng 2/1997, Ác-hen-ti-na mở Đại sứ quán tại Hà Nội.

Hai bên duy trì trao đổi khá thường xuyên các chuyến thăm lẫn nhau, nổi bật về phía bạn có các đoàn Tổng thống Các-lốt Mê-nem (2/1997), Tổng thống Cri-xti-na Phéc-nan-đết (1/2013) và các đoàn cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Tư pháp, Lãnh đạo Quốc hội Về phía Việt Nam có đoàn Chủ tịch nước Trần Đức Lương (11/2004), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (3/2006), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (4/2010), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (7/2012), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (7/2014), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (7/2018)

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer