Thông tin cơ bản về Cô-lôm-bi-a và quan hệ với Việt Nam
I. KHÁI QUÁT:
- Tên nước: Cộng hoà Colombia (República de Colombia).
- Thủ đô: Santa Fe de Bogota, gọi tắt là Bogota.
- Vị trí địa lý: nằm ở Tây Bắc lục địa Nam Mỹ. Phía Bắc giáp Panama và biển Antillas, Đông giáp Venezuela và Brasil, Nam giáp Peru và Ecuador, Tây giáp biển Thái Bình Dương.
- Diện tích: 1.138.914 km2 (thứ tư Nam Mỹ).
- Dân số: 43,6 triệu (7/2010) trong đó chủ yếu là người lai (58%), da trắng (20%), da nâu (14%), da đen (4%) và thổ dân (1%). Tỉ lệ tăng dân số khoảng 1,22% (2010).
- Khí hậu: nhiệt độ thay đổi theo độ cao của từng vùng. Ở vùng cao nhiệt độ trung bình là 18-20 độ C.
- Tôn giáo: 90% theo Thiên chúa giáo.
- Ngôn ngữ: tiếng Tây Ban Nha.
- Tiền tệ: Đồng Peso. Tỷ giá 1,990 Peso = 1 USD (2009).
- Ngày quốc khánh: 20/7 ( Ngày Độc lập 20/7/1810).
- Tổng thống: Juan Manuel Santos Calderón (8/2010).
- Ngoại trưởng: María Ángela Holguín Cuéllar.
II. LỊCH SỬ:
- Năm 1499, người Tây Ban Nha đặt chân đến Colombia và tiến hành quá trình thực dân hoá.
- Sau khi đánh bại quân đội thực dân, ngày 17/12/1819, Simon Bolivar tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Đại Colombia, gồm 3 địa phận là Cundinamarca, Venezuela và Kito (sau này là Ecuador).
- Năm 1830, Venezuela và Ecuador tách khỏi Cộng hoà Đại Colombia, các tỉnh còn lại thành lập nước Cộng hoà Granada mới.
- Năm 1863, theo Hiến pháp mới, Liên bang Colombia được thành lập.
- Năm 1886 đổi tên thành nước Cộng hoà Colombia.
- Từ giữa thế kỷ 19 đến gần đây, hai Đảng Tự do và Bảo thủ thay nhau nắm quyền. Tháng 5/2002, ông Álvaro Uribe, luật sư, ứng cử viên cánh hữu thuộc "Phong trào trước hết là Colombia", đã đắc cử Tổng thống với 56% số phiếu và tháng 5/2006 tái đắc cử Tổng thống với 62% số phiếu bầu.
- Ngày 7/8/2010, ông Juan Manuel Santos, ứng cử viên cánh hữu thuộc đảng Xã hội Đoàn kết Dân tộc đã nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ 2010-2014 sau khi giành thắng lợi lớn tại cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 với 69,2% phiếu bầu.
III. CHÍNH TRỊ:
Hệ thống chính trị: Colombia theo chế độ Cộng hoà. Tổng thống là Nguyên thủ quốc gia và đứng đầu Chính phủ, được bầu trực tiếp nhiệm kỳ 4 năm và có thể tái cử ở nhiệm kỳ tiếp theo.
Hệ thống lập pháp: Quốc hội lưỡng viện, nhiệm kỳ 4 năm. Thượng viện có 102 Thượng nghị sĩ, Hạ viện có 166 Hạ nghị sĩ.
Hệ thống tư pháp: Toà án tối cao, Hội đồng Nhà nước, Toà hiến pháp và Toà Tư pháp tối cao có quyền lực như nhau.
Các đảng phái chính trị: khoảng 60 đảng phái chính trị, trong đó các đảng lớn là Đảng Bảo thủ (PC), Đảng Xã hội Đoàn kết Dân tộc (PSUN) và Đảng Đổi mới (CR).
IV. KINH TẾ:
Colombia là nước giàu khoáng sản và năng lượng: đứng đầu khu vực về trữ lượng than (chiếm 40% tổng trữ lượng của Mỹ Latinh), thứ hai khu vực về tiềm năng thuỷ điện (sau Brasil), dầu lửa có trữ lượng khoảng 3,1 tỷ thùng, ngoài ra còn có vàng, bạc, pla-tin... Điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nhất là cà phê (chiếm 16% xuất khẩu thế giới), hoa, thuốc lá, thịt bò, ngũ cốc, hoa quả...
Từ đầu thập kỷ 90, Colombia tiến hành cải cách kinh tế theo hướng tự do hoá, với các biện pháp giảm thuế, bỏ quản lý tài chính, tiến hành tư nhân hoá, thả nổi tỷ giá hối đoái, mở cửa cho đầu tư nước ngoài. Thời gian gần đây, Colombia là nền kinh tế tăng trưởng khá cao trong khu vực (2006: 6%; 2007: 7,5%) và có dấu hiệu phục hồi tích cực trong năm 2010 (quý I tăng 3,34%, dự kiến cả năm tăng 3,8%) sau giai đoạn suy giảm 2008-2009 do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu. Sau khi lên nắm quyền, Chính phủ Santos cam kết tiếp tục duy trì chính sách tài chính chặt chẽ, đầu tư mạnh vào xây dựng cơ sở hạ tầng, giữ lạm phát thấp, giảm tỉ lệ thất nghiệp, ổn định đồng nội tệ, tập trung tăng cường tự do hoá thương mại, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế; xây dựng hạ tầng, cải thiện nhà ở cho nhân dân...;
Một vài chỉ số kinh tế cơ bản (theo CIA factbook):
- Tăng trưởng GDP: 2.4% (2008); 0.1% (2009).
- Lạm phát: khoảng 7% (2008); 4,2% (2009).
- Thất nghiệp: 10,6% (2008); 12% (2009).
- Nợ nước ngoài: 46,38 tỉ USD (2008); 47,33 tỉ USD (2009).
- Xuất khẩu: 38,53 tỉ USD (2008); 34,03 tỉ USD (2009).
- Nhập khẩu: 37,56 tỉ USD (2008); 31,47 tỉ USD (2009).
Xuất khẩu chủ yếu gồm dầu lửa, than, cà phê, hoa tươi, chuối, dược phẩm, xi măng… sang các thị trường chính: Mỹ, Venezuela, Hà Lan. Nhập khẩu chủ yếu gồm máy công nghiệp, phương tiện vận tải, hàng hóa tiêu dùng, lương thực, hoá chất, quặng kim loại…từ các thị trường chính: Mỹ, Trung Quốc, Mexico, Brasil, Pháp, Đức.
V. ĐỐI NGOẠI:
Colombia duy trì quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ, coi Mỹ là bạn hàng chính và nguồn cung cấp viện trợ quan trọng (khoảng 5 tỷ USD trong 8 năm qua, là nước nhận viện trợ nhiều nhất của Mỹ ở MLT). Mỹ tiếp tục thực hiện “Kế hoạch Colombia” thông qua tài trợ, cung cấp thiết bị quân sự dưới danh nghĩa chống ma túy và khủng bố. Tháng 8/2009, Chính phủ Colombia ký thoả thuận cho phép Mỹ sử dụng 7 căn cứ quân sự trên lãnh thổ Colombia.
Bên cạnh đó, Colombia chú trọng thúc đẩy quan hệ với các nước Mỹ Latinh, thúc đẩy liên kết khu vực, từng tham gia tích cực vào các quá trình thương lượng hoà bình giải quyết các cuộc xung đột ở Trung Mỹ. Tuy nhiên, quan hệ với các nước Nam Mỹ, đặc biệt là Ecuador và Venezuela, thời gian qua vẫn căng thẳng, thậm chí gián đoạn sau sự kiện Colombia tấn công lực lượng du kích cánh tả trên lãnh thổ Ecuador (2008), ký thoả thuận quân sự với Mỹ (2009) và tố cáo Venezuela chứa chấp và trợ giúp du kích cánh tả (2009-2010)... Từ khi lên nắm quyền, Chính phủ của Tổng thống Santos bày tỏ thái độ mềm dẻo hơn với các nước láng giềng, nối lại quan hệ ngoại giao với Venezuela và Ecuador bị cắt đứt dưới thời TTh A. Uribe (7/2010). Colombia chủ trương đa đạng hoá quan hệ với các khu vực khác trên giới, trong đó có khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Colombia là thành viên của Liên hợp quốc, Phong trào KLK, Tổ chức các nước Châu Mỹ (OEA), hiện đang xin gia nhập APEC.
VI. QUAN HỆ VIỆT NAM-COLOMBIA:
Việt Nam và Colombia thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ tháng 1/1979. Đại sứ ta tại Venezuela kiêm nhiệm Colombia (từ tháng 9/2007) và Đại sứ Colombia tại Malaysia kiêm nhiệm Việt Nam.
Đến nay, tuy chưa trao đổi chuyến thăm cấp cao, nhưng lãnh đạo hai nước đã có các cuộc tiếp xúc nhằm thúc đẩy quan hệ song phương và đa phương: Chủ tịch nước Lê Đức Anh gặp Tổng thống A. Uribe tại Hội nghị Cấp cao lần thứ X Phong trào KLK (Bogota, 10/1995); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp TTh A. Uribe tại Hội nghị cấp cao APEC (Lima, 11/2008). Bạn cũng chủ động đề nghị các cuộc gặp giữa BTNG và Phó TTh với PTT-BTNG Phạm Gia Khiêm bên lề HNCC Không liên kết 14 (Cuba, 9/2006) và bên lề HNCC Không liên kết 15 tại Ai cập (7/2009). Trong dịp tiếp Đặc phái viên của Chủ tịch nước dự lễ nhậm chức (8/2010), Tổng thống Santos bày tỏ ngưỡng mộ thành tựu phát triển kinh tế- xã hội đầy ấn tượng và vị thế quốc tế ngày càng gia tăng của Việt nam; mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương và đa phương với Việt Nam.
Colombia là một trong những nước ở Mỹ Latinh đã sớm ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO mà không yêu cầu đàm phán song phương, ứng cử làm ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ khóa 2008-2009, đã cam kết xem xét tích cực việc công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Bạn từng đề nghị Việt Nam gia nhập Tổ chức cà phê thế giới nhằm phối hợp bình ổn giá cà phê trên thị trường thế giới và đang vận động ta ủng hộ bạn gia nhập APEC.
Quan hệ kinh tế-thương mại song phương còn khiêm tốn (tổng kim ngạch thương mại năm 2008: 52 triệu USD, 2009: 57 triệu USD). Trong 5 tháng đầu năm 2010, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 24,8 triệu USD, trong đó ta xuất khẩu 21,4 triệu USD và nhập khẩu 3,4 triệu USD.
Tháng 9/2010
Back Top page Print Email |