TƯ LIỆU CƠ BẢN CỘNG HÒA CU-BA VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
I. Khái quát:
- Tên chính thức: Cộng hòa Cu-ba (República de Cuba).
- Vị trí địa lý: Cu-ba là một quần đảo (gồm hơn 1.600 đảo), nằm ở vùng biển Ca-ri-bê, án ngữ lối vào vịnh Mê-hi-cô, giữa Bắc, Trung và Nam Mỹ.
- Diện tích: 113.524 km2
- Dân số: 11 triệu người (2016).
- Ngày lễ lớn: + 01/01/1959, Ngày Giải phóng (Quốc khánh).
+ 26/7/1953, Ngày Khởi nghĩa Vũ trang.
- Thủ đô: La Ha-ba-na.
- Tiền tệ: Đồng Pê-xô nội địa (CUP) và đồng Pê-xô chuyển đổi (CUC).
- Ngôn ngữ chính thức: tiếng Tây Ban Nha.
- Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cu-ba: Ra-un Ca-xtơ-rô Ru-xơ (Raúl Castro Ruz).
- Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Bộ trưởng: Mi-gheo Đi-át Can-neo (Miguel Diaz-Canel).
- Chủ tịch Quốc hội: Ết-xtê-ban La-xô (Esteban Lazo).
- Ngoại trưởng: Bru-nô Rô-đri-ghết Pa-ri-gia (Bruno Rodriguez Parrilla).
II. Lịch sử:
- 27/10/1492: Nhà thám hiểm Tây Ban Nha Cri-xtô-ban Cô-lông tìm ra Cu-ba.
- 1511-1898: Là thuộc địa của Tây Ban Nha.
- 1898-1958: Là thuộc địa kiểu mới của Mỹ; tháng 8/1925: thành lập Đảng Cộng sản ở Cu-ba.
- 26/7/1953: Phi-đen lãnh đạo cuộc tiến công Trại lính Môn-ca-đa, mở đầu cuộc đấu tranh vũ trang cách mạng nhằm lật đổ chế độ độc tài Ba-ti-xta.
- 02/12/1956: Phi-đen và các chiến sĩ cách mạng Cu-ba đổ bộ vào Cu-ba, mở đầu cuộc kháng chiến trong nước chống chế độ độc tài Ba-ti-xta.
- 01/01/1959: Cách mạng Cu-ba thành công.
- 16/04/1961: Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô tuyên bố tính chất xã hội chủ nghĩa của Cách mạng Cu-ba.
- 03/10/1965: Thành lập Đảng Cộng sản Cu-ba.
- 31/7/2006: Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô tuyên bố chuyển giao tạm thời quyền hạn Đảng, chính quyền và cương vị Tổng Tư lệnh của mình cho đồng chí Ra-un Ca-xtơ-rô Ru-xơ vì lý do sức khỏe (chịu ca phẫu thuật phức tạp do xuất huyết đường ruột).
- 19/02/2008: Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô tuyên bố sẽ không ứng cử và thôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng, Tổng Tư lệnh quân đội.
- 24/02/2008: Quốc hội khoá VII bầu đồng chí Ra-un Ca-xtơ-rô Ru-xơ làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí Ra-môn Ma-cha-đô Ven-tu-ra làm Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí Ri-các-đô A-la-rơ-côn được tái bầu làm Chủ tịch Quốc hội.
- 16 -19/04/2011: Đại hội VI Đảng Cộng sản Cu-ba bầu đồng chí Ra-un Ca-xtơ-rô Ru-xơ thay đồng chí Phi-đen Ca-xtơ-rô làm Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đồng chí Ra-môn Ma-cha-đô Ven-tu-ra làm Bí thư Thứ hai.
- 24/02/2013: Quốc hội Cu-ba khóa VIII (2013 – 2018) đã bầu Đồng chí Ra-un Cát-xtrô tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng; đồng chí Ết-xtê-ban La-xô làm Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Mi-ghen Đi-át Ca-nen giữ chức Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng.
- 16-19/4/2016: Đại hội VII Đảng Cộng sản Cu-ba bầu các đồng chí Ra-un Ca-xtơ-rô và đồng chí Hô-xê Ra-môn Ma-cha-đô Ven-tu-ra tiếp tục giữ chức Bí thư Thứ nhất và Bí thư Thứ hai Ban Chấp hành Trung ương.
- 11/3/2018: Cu-ba đã tiến hành bầu cử 605 đại biểu Quốc hội khóa VIII . Theo lộ trình, các Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh mới sẽ chính thức hoạt động từ ngày 25/3 tới và Quốc hội mới sẽ bắt đầu họp từ ngày 19/4/2018, bầu ra Ban Lãnh đạo Quốc hội cũng như bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch thứ nhất, các Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và các chức danh khác trong Tòa án và Viện Kiểm sát Tối cao.
- 22/07/2018: Tại phiên họp thường kỳ đầu tiên của nhiệm kỳ khóa IX, Quốc hội Cu-ba đã thông qua Dự thảo Hiến pháp mới, duy trì đặc điểm Xã hội chủ nghĩa và đưa ra một số những thay đổi, bao gồm: (i) Xóa bỏ khái niệm “Chủ nghĩa cộng sản” và thay bằng “Xã hội chủ nghĩa”; (ii) Thành lập các vị trí Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước và Thủ tướng, thay cho chủ tịch hiện tại của Hội đồng Nhà nước và Bộ trưởng; (iii) Mở rộng quyền con người, với các vấn đề như đảm bảo thủ tục tố tụng, lệnh đình quyền giam giữ, giá định vô tội và tái hòa nhập xã hội của các tù nhân; (iv) Công nhận các hình thức sở hữu (sở hữu xã hội, sở hữu toàn dân, sở hữu chung và hình thức tư hữu…).
- 24/2/2019: Cuba đã tổ chức Trưng cầu dân ý về dự thảo Hiến pháp mới tại 25.345 địa điểm bỏ phiếu trên toàn quốc, cũng như tiến hành bỏ phiếu tại các Cơ quan đại diện, đoàn chuyên gia Cuba ở nước ngoài hai tuần trước đó. Chiều ngày 25/2/2019, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Quốc gia Cuba Alina Balseiro Gutiuerrez đã họp báo thông báo kết quả chính thức: có 7.848.343 cử tri đi bỏ phiếu (chiếm 84,4 % trên tổng số 9.298.277 cử tri); trong đó có 6.816.169 phiếu đồng ý (chiếm 86,85%); 706.400 phiếu không đồng ý (chiếm 9%); 198.674 phiếu trắng (2,5%) và 127.100 phiếu không hợp lệ (1,6%). Ngày 10/4/2019, Hiến pháp mới chính thức được phê chuẩn và có hiệu lực, thay thế cho bản Hiến Pháp 1976, trở thành bản Hiến pháp thứ 3 kể từ khi Cách mạng Cuba thành công năm 1959. Dự thảo Hiến pháp mới gồm 11 Chương, 229 Điều, Điều khoản Đặc biệt, Điều khoản Chuyển tiếp, Điều khoản Cuối cùng
III. Chính trị:
1. Chính thể Nhà nước, Đảng và đoàn thể:
- Quốc hội của Chính quyền Nhân dân là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước Cu-ba và là cơ quan lập pháp duy nhất. Hội đồng Nhà nước là cơ quan đại diện của Quốc hội giữa 2 nhiệm kỳ. Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Hội đồng Bộ trưởng là cơ quan hành pháp tối cao.
- Đảng Cộng sản Cu-ba (PCC) là đảng cầm quyền; được hợp nhất năm 1961 từ Phong trào 26/7, Đảng Xã hội nhân dân và Phong trào 13/3 thành Tổ chức Cách mạng hợp nhất (ORI), sau đổi tên thành Đảng thống nhất Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa (PURS). Từ 3/10/1965, đổi tên thành Đảng Cộng sản Cu-ba. Hiện có khoảng nửa triệu đảng viên.
- Đoàn Thanh niên Cộng sản (UJC) có hơn nửa triệu đoàn viên, được coi là cánh tay đắc lực của Đảng.
- Các tổ chức quần chúng gồm: Mặt trận (Các Uỷ ban Bảo vệ Cách mạng - CDR); Công đoàn (Trung tâm những Người lao động Cu-ba - CTC); Phụ nữ (Hội Liên hiệp Phụ nữ Cu-ba - FMC); Cựu chiến binh (Hội Cựu chiến binh Cách mạng-ACR); Nông dân (Hội tiểu nông - ANAP); Sinh viên, học sinh (Liên đoàn Sinh viên Đại học - FEU, Liên đoàn Học sinh Trung học - FEEM) và Đội Thiếu niên Hô-xê Mác-ti.
IV. Kinh tế:
- Cu-ba có nhiều khoáng sản như nikel (thứ 4 thế giới), đồng, sắt, măng-gan, dầu lửa…; đất đai mầu mỡ, thích hợp cho canh tác cây công nghiệp (mía, cà phê, thuốc lá, cây ăn quả…) và chăn nuôi đại gia súc; có nhiều điều kiện tự nhiên, văn hóa để phát triển ngành du lịch.
- Thập kỷ 90, Cu-ba lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng nhất kể từ ngày Cách mạng thành công với sự sụp đổ của Liên Xô. GDP năm 1993 giảm 35% so với năm 1989. Kinh tế những năm 2001 - 2007 khôi phục và tăng trưởng khá cao, tuy nhiên từ năm 2008 đến 2009, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, biến động giá nhiên liệu, lương thực và đặc biệt là 3 cơn bão liên tiếp vào tháng 9/2008 gây thiệt hại khoảng 10 tỷ USD, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2010 đến nay, GDP có chiều hướng tăng nhưng không cao (GDP 2010: 1,9%, 2011: 2,7%, 2012: 3,1%, 2013 đạt 3%, 2014 đạt 1,3%, 2015 tăng 4%, tuy nhiên 2016 âm 0.9% và năm 2017 tăng 1.6%). Xuất khẩu dịch vụ, nhất là dịch vụ y tế là ngành kinh tế lớn, mang về cho Cu-ba khoảng 6 tỷ USD/năm; năm 2016, kiều hối đạt 3,4 tỷ USD (nguồn thu ngoại tệ lớn thứ 2) và đón trên 4 triệu khách du lịch; các đối tác thương mại chính gồm: Trung Quốc, Vê-nê-xu-ê-la, Canada, Tây Ban Nha…
- Tháng 4/2011, Đại hội VI Đảng Cộng sản Cu-ba đã thông qua đường lối kinh tế-xã hội mới của đất nước với 311 nội dung của quá trình “cập nhật hóa mô hình kinh tế”, chính thức hóa các biện pháp cải cách kinh tế đã và đang áp dụng và bổ sung thêm một số biện pháp mới (từng bước phi tập trung hóa nền kinh tế, tinh giản biên chế trong khu vực nhà nước, hướng tới việc xóa bỏ chế độ hai đồng tiền cũng như cho phép người dân sở hữu và mua bán bất động sản, ô tô…) và quá trình này sẽ tiếp tục được từng bước điều chỉnh và hoàn thiện một cách thận trọng.
- Tháng 4/2016, Đại hội VII Đảng Cộng sản Cu-ba đã thúc đẩy thêm một bước trong đổi mới tư duy; thông qua Dự thảo “Khái niệm Mô hình phát triển kinh tế và xã hội Cu-ba phát triển XHCN”; tiếp tục mô hình kế hoạch hóa và kinh tế nhà nước là chủ đạo, không tư nhân hóa các tài sản Nhà nước cũng như các dịch vụ xã hội, tiếp tục tính đến vai trò không thể thiếu của các yếu tố thị trường. Với chủ trương thận trọng, những vấn đề thuộc quy luật thị trường, nhất là kinh tế tư nhân, sẽ tiếp tục được nghiên cứu, triển khai thí điểm trước khi nhân rộng.
V. Chính sách đối ngoại:
- Cu-ba triển khai chính sách đối ngoại năng động, kiên quyết chống chủ nghĩa đế quốc, tích cực ủng hộ phong trào cách mạng, giải phóng và độc lập dân tộc, đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và Chủ nghĩa xã hội.
- Từ đầu thập kỷ 90, Cu-ba đã từng bước điều chỉnh chính sách đối ngoại phù hợp với tình hình mới nhằm đa dạng hoá, đẩy mạnh quan hệ với các nước Mỹ Latinh - Ca-ri-bê, đặc biệt là quan hệ chiến lược với Vê-nê-xu-ê-la; tăng cường quan hệ với Nga, Trung Quốc, Ấn Độ…; chủ động, tích cực hoạt động tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương.
Những thành tựu đối ngoại thời gian gần đây của Cu-ba bao gồm bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ (20/7/2015), EU (11/3/2016) và đón Tổng thống Mỹ B. Obama thăm từ ngày 20-22/3/2016. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Mỹ Đ.Trăm, quan hệ Mỹ - Cu-ba gặp nhiều trở ngại do các bất đồng về trong các vấn đề như đền bù thiệt hại, trao trả lãnh thổ cho Cu-ba, không can thiệp đòi thay đổi thể chế chính trị và một số vấn đề về dân chủ, nhân quyền. Trong bối cảnh mới, Cu-ba sẵn sàng đối thoại mọi mặt, tranh thủ các lực lượng ủng hộ bình thường hóa quan hệ trong nội bộ Mỹ, xử lý linh hoạt các đòi hỏi của Mỹ về dân chủ, nhân quyền để làm giảm tối đa các biện pháp cấm vận, nhưng không đánh đổi các nguyên tắc về chủ quyền và quyền tự quyết, kiên quyết chống lại “diễn biến hòa bình”.
VI. Quan hệ với Việt Nam:
Việt Nam và Cu-ba thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 2/12/1960, hai năm sau khi Cách mạng Cu-ba thành công (1/1/1959). Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Cu-ba là nước luôn đi đầu trong phong trào quốc tế ủng hộ Việt Nam, là nước đầu tiên trên thế giới công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và chấp thuận Phái đoàn Đại diện thường trú của Mặt trận (7/1962), thành lập Ủy ban Đoàn kết với Miền Nam Việt Nam (25/9/1963), công nhận về mặt ngoại giao Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1965); cử Đại sứ bên cạnh Ủy ban trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng (3/1969)… Cu-ba cũng dành nhiều sự giúp đỡ về kinh tế, quân sự cho Việt Nam vào những thời khắc quan trọng của cuộc chiến tranh.
Back Top page Print Email |