TƯ LIỆU CƠ BẢN CỘNG HÒA CÔ-XTA RI-CA VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
I. KHÁI QUÁT :
- Tên nước: Cộng hoà Cô-xta Ri-ca (República de Costa Rica).
- Thủ đô: Xan Hô-xê (San Jose, khoảng 1,4 triệu dân); các Thành phố lớn khác: Pun-ta-rê-nát (Puntarenas), Li-môn (Limon).
- Diện tích: 51.100 km2.
- Khí hậu: xích đạo, nóng ẩm cao ở vùng đồng bằng, ven biển; lạnh ở vùng cao nguyên.
- Dân số: 4.872.543 người (7/2017).
- Tôn giáo: Thiên chúa giáo (69%), Đạo Tin lành (18%).
- Ngôn ngữ: Tiếng Tây Ban Nha.
- Tiền tệ: Đồng Cô-lông (553,2 Cô-lông = 1USD, 2017).
- Quốc khánh: 15/9/1821 (Ngày độc lập).
- Tổng thống: Ông Các-lốt An-va-ra-đô Kê-xa-đa (Carlos Alvarado Quesada, nhậm chức 8/5/2018).
- Bộ trưởng Ngoại giao và Tôn giáo: Rô-đôn-phô Xô-la-nô Ki-rốt (Rodolfo Solano Quiros, từ 8/5/2018).
II. LỊCH SỬ :
- Trước khi thực dân Tây Ban Nha đến năm 1501, các bộ lạc thổ dân da đỏ Gua-y-mi sinh sống trên lãnh thổ Cô-xta Ri-ca hiện nay. Trong thời kỳ thực dân Tây ban nha đô hộ, Cô-xta Ri-ca thuộc địa phận Goa-tê-ma-la.
- Năm 1821, Cô-xta Ri-ca tách ra khỏi Goa-tê-ma-la và tuyên bố độc lập.
- Từ 1822-1855, Cô-xta Ri-ca nhiều lần nhập vào và tách ra khỏi Liên bang Trung Mỹ.
- Từ 1870-1948, trải qua nhiều chính biến liên quan đến việc thông qua, sửa đổi và thực thi Hiến pháp, bầu cử tự do, trong đó nổi lên có tổng tuyển cử các năm 1917, 1919 và 1948 gây nhiều tranh cãi do bị tố cáo gian lận và gây ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống chính trị - xã hội của đất nước.
- 01/12/1948, đảng Tự do quốc gia (PLN) theo khuynh hướng xã hội dân chủ do Hô-xê Phi-ghê-rết Phê-rê đứng đầu lên cầm quyền, thông qua hiến pháp mới năm 1949, tuyên bố theo đuổi chính sách hoà bình trung lập, xoá bỏ quân đội, chỉ duy trì lực lượng cảnh vệ. Kể từ đó đến năm 2002, lực lượng xã hội dân chủ mà đại diện là PLN và lực lượng dân chủ thiên chúa giáo cùng phe bảo thủ thuộc đảng Thống nhất Quốc gia (PUN), đảng Đoàn kết xã hội Thiên Chúa giáo (PUSC) thay nhau nắm quyền ở Cô-xta Ri-ca.
- Vào Thế kỷ XXI, chế độ chính trị tiếp tục đa đảng phát triển mạnh mẽ, xuất hiện các đảng phái không truyền thống như đảng Hành động công dân (PAC), Phong trào Giải phóng (ML), đảng Phong trào Mặt trận Rộng rãi (PFA). Tại bầu cử Tổng thống 2018, ứng cử viên Các-lốt An-va-ra-đô Kê-xa-đa đảng trung tả Hành động Công dân giành được 60% phiếu bầu và trở thành Tổng thống nhiệm kỳ 2018-2022.
III. CHÍNH TRỊ :
- Thể chế nhà nước: Cô-xta Ri-ca theo chế độ Cộng hoà Tổng thống. Tổng thống là Nguyên thủ quốc gia và đứng đầu Chính phủ, bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 4 năm, không được tái cử 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Có hai Phó Tổng thống. Nội các gồm 15 Bộ trưởng (trong đó có 1 Phó Tổng thống).
- Cơ quan lập pháp: Quốc hội một viện gồm 57 nghị sĩ, bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 4 năm.
- Cơ quan tư pháp: Toà án tối cao gồm 22 Thẩm phán do Quốc hội thông qua, nhiệm kỳ 8 năm; Toà án các cấp.
- Các đảng phái chính trị chủ yếu: Quốc gia Tự do (PLN), Thống nhất Xã hội Thiên Chúa giáo (PUSC), Hành động Công dân (PAC), Phong trào Tự do (PML), Phong trào Mặt trận Rộng rãi (PMA), Những người Cô-xta Ri-ca Đổi mới (PRC).
IV. KINH TẾ :
Cô-xta Ri-ca theo mô hình chủ nghĩa tự do kinh tế mới, coi trọng thu hút đầu tư nước ngoài và tích cực tham gia các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại khu vực Trung Mỹ; các ngành kinh tế chủ chốt: nông nghiệp, chăn nuôi và công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, du lịch, dịch vụ, thương mại, sản xuất linh kiện điện tử và y tế. Tuy đang đẩy mạnh việc chuyển cơ cấu sang nền kinh tế dịch vụ, nhưng xuất khẩu nông sản (chuối, cà phê, đường, ca cao, thịt bò… ) tiếp tục là nguồn thu chính. Cô-xta Ri-ca nhập khẩu máy móc, phương tiện giao thông, hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu, hoá chất, sản phẩm dầu lửa, phân bón... Các bạn hàng chính của Cô-xta Ri-ca là Mỹ, Trung Quốc, Mexico, Ni-ca-ra-gu-a, Hà Lan, Goa-tê-ma-la. Du lịch cũng là một thế mạnh của Cô-xta Ri-ca, đóng góp trên dưới 2 tỷ USD hàng năm cho GDP.
V. CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI :
Cô-xta Ri-ca là thành viên sáng lập Liên Hợp Quốc, thực hiện chính sách đối ngoại trung lập và tích cực thúc đẩy hoà bình, nhân quyền và phát triển bền vững vì ổn định và tăng trưởng.
Trong cuộc xung đột giữa Mỹ và lực lượng Contras với Chính phủ Xan-đi-nô ở Ni-ca-ra-goa trong thập niên 80, Cô-xta Ri-ca duy trì chính sách trung lập, thúc đẩy hòa giải, chủ động đưa ra kế hoạch hoà bình Trung Mỹ 1987. Năm 1989, nhân kỷ niệm 100 năm nền dân chủ đất nước, Cô-xta Ri-ca đã triệu tập Hội nghị Thượng đỉnh các nước châu Mỹ để bàn về các vấn đề phát triển, giải trừ quân bị, dân chủ, phòng chống ma tuý, nợ nước ngoài, nạn phá rừng ở khu vực. Tháng 6/2007, Cô-xta Rica cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.
Cô-xta Ri-ca là thành viên Liên hợp quốc, Hệ thống Hội nhập Trung Mỹ (SICA), Tổ chức các Quốc gia Châu Mỹ (OAS), Cộng đồng các Quốc gia Mỹ Latinh và Ca-ri-bê (CELAC), Thị trường Tự do Trung Mỹ, Diễn đàn Hợp tác Mỹ Latinh và Đông Á (FOCALAE)…
VI. QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM:
Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 24/4/1976. Đại sứ quán Việt Nam tại Pa-na-ma kiêm nhiệm Cô-xta Ri-ca. Hai bên chưa trao đổi nhiều đoàn nhưng duy trì tiếp xúc bên lề các hội nghị quốc tế, nổi lên có nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm gặp Bộ trưởng Ngoại giao và Tôn giáo Cô-xta Ri-ca Bru-nô Xta-nô bên lề ĐHĐ/LHQ 62 tại New York (9/2007), Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp Bộ trưởng Ngoại giao và Tôn giáo Cô-xta Ri-ca Ên-ri-kê Cát-xti-giô Ba-ran-tết bên lề ĐHĐ/LHQ Khóa 66 (New York, 9/2011); Bộ trưởng Ngoại giao và Tôn giáo Cô-xta Ri-ca Hô-xê Ên-ri-quê Ca-xti-giô Ba-ran-tết thăm tháng 10/2013 là chuyến thăm cấp cao nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao./.
Tháng 12/2020
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |