Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Phát biểu của Trợ lý Bộ trường Ngoại giao Nguyễn Đức Hùng tại Hội thảo quan hệ Việt - Mỹ


( Washington, 8-10/12/2004 )

Thưa Ông Chủ tịch,

Thưa các Quý Bà, Quý Ông,

Kể từ khi hai nước chính thức bình thường hoá quan hệ, mười năm qua đã chứng kiến những bước cải thiện quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ và những thay đổi to lớn của Việt Nam đi lên từ nghèo nàn và đổ nát của chiến tranh. Ngày nay đến Việt Nam nhiều người nước ngoài đã cảm nhận thấy một đất nước tươi đẹp, thanh bình và đang thay đổi từng ngày dù cuộc sống còn không ít khó khăn. Những bước chuyển mình này là kết quả của công cuộc Đổi mới mà Việt Nam tiến hành trong 17 năm qua với thành tựu rõ nét nhất là tăng trưởng GDP bình quân hàng năm trên 7%, tốc độ thuộc loại cao trên thế giới những năm gần đây. Tăng trưởng kinh tế đã tạo cơ sở cho chúng tôi giải quyết các vấn đề xã hội, từng bước cải thiện mức sống người dân, thực hiện có hiệu quả chính sách xoá đói, giảm nghèo, đẩy mạnh giáo dục, chăm sóc y tế, giữ gìn trật tự an ninh xã hội, duy trì ổn định để phát triển kinh tế-xã hội.

Trong công cuộc đổi mới đó, Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển. Theo đó quan hệ đối ngoại của Việt Nam đã không ngừng được mở rộng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, đóng góp thiết thực cho hoà bình, ổn định, và phát triển đất nước cũng như khu vực Châu Á – TBD. Tham gia tích cực vào xu hướng hội nhập quốc tế, Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực của ASEAN, tham gia APEC, ASEM và đang tích cực đàm phán để sớm gia nhập WTO và ứng cử vào ghế thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2008-2009. Việc tổ chức thành công các hội nghị Thượng đỉnh Francophonie (1997), Cấp cao ASEAN (1999) , Cấp cao ASEM 5 (2004) và nhiều hội nghị cấp bộ trưởng khu vực và quốc tế khác cùng với kế hoạch tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC vào 2006 là sự đóng góp xứng đáng của Việt Nam vào công việc chung của các nước đồng thời cũng là sự thừa nhận vai trò và tiếng nói ngày càng tăng của đất nước chúng tôi trong các sinh hoạt quốc tế trong đó khu vực Châu Á – TBD là khu vực gắn bó nhất đối với chúng tôi.

Thưa Quý vị,

Nhìn lại quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, nhiều người trong chúng ta chắc sẽ không bắt đầu từ 1995 khi hai bên bình thường quan hệ mà có lẽ phải trở lại khoảng 200 năm trước, như cựu Tổng thống Clinton đã nhắc tới khi thăm Việt Nam năm 2000, khi Ngài Thomas Jefferson Đại sứ Hoa Kỳ tại Pháp (sau này là Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ) đã từng cho tìm giống lúa Việt Nam để có thể gieo trồng tại trang trại của mình ở Virginia. Có lẽ từ đó hai bên bắt biết đến nhau và quả thật những năm sau đó đã có một số chuyến viếng thăm lẫn nhau của các phái bộ thương mại hai bên. Tuy nhiên, trong suốt chiều dài lịch sử từ khi đó nhiều cơ hội để thiết lập và phát triển quan hệ hai nước đã bị bỏ lỡ. Trong những năm gần đây, chúng ta đã làm được nhiều việc để vượt qua hội chứng chiến tranh, khắc phục khác biệt và từng bước xây dựng lòng tin để đưa quan hệ hai nước phát triển vì lợi ích rộng lớn của nhân dân hai nước. Hôm nay, có thể nói quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã được bình thường hoá đầy đủ, tuy chưa hoàn toàn. Phía trước còn nhiều việc phải làm. Nhân dịp này tôi xin chia sẻ với Quý vị một số suy nghĩ về triển vọng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Trước hết, tôi cho rằng nguyên tắc cơ bản của mọi mối quan hệ, kể cả quan hệ giữa các quốc gia là bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng và hiểu biết lợi ích chính đáng của nhau, không can thiệp công việc nội bộ của nhau. Trong quan hệ giữa một siêu cường như Hoa Kỳ và một nước nghèo, đang phát triển như Việt Nam thì nguyên tắc này rất quan trọng để xây dựng lòng tin giữa hai bên. Tôi thật sự được khích lệ bởi những tiến bộ quan trọng đã đạt được theo hướng đi tới xây dựng mối quan hệ song phương ổn định và lâu dài. Năm 2003 với nhiều hoạt động sôi nổi trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã góp phần tạo ra cơ sở bước đầu thúc đẩy xu hướng nói trên.

Đó là những chuyến viếng thăm nhau của các đoàn đại biểu chính quyền, Quốc hội, các địa phương và các tổ chức quần chúng đã tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau và làm sâu sắc đáng kể nội dung thực chất các cuộc trao đổi ở tất cả các cấp. Những chuyến thăm như vậy chắc chắn sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.

Đó là những bước tiến đầy ấn tượng trong quan hệ kinh tế, thương mại trên cơ sở thực hiện có kết quả Hiệp định thương mại song phương. Trong vòng 2 năm kim ngạch hai chiều tăng từ 700 triệu USD lên xấp xỉ 6 tỷ USD là con số có ý nghĩa thực tiễn. Thương mại hai chiều tăng sẽ có lợi cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng của cả Việt Nam và Hoa Kỳ.

Đó là những cuộc làm việc có hiệu quả của các Uỷ ban hỗn hợp hai nước về kinh tế, thương mại và khoa học công nghệ; những dự án cụ thể đang được triển khai mạnh mẽ theo chương trình đào tạo Fulbright và VEF.

Đó là những chương trình hợp tác chống khủng bố, ma tuý, buôn bán phụ nữ trẻ em và những tội phạm xuyên quốc gia khác. Và trong lĩnh vực quân sự, lần đầu tiên kể từ năm 1975 tàu chiến hải quân Hoa Kỳ đã thăm cảng Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh (2003) và Đà Nẵng (2004), đưa quan hệ quân sự giữa hai bên từng bước bình thường hoá.

Đó là những dự án nhân đạo trong các lĩnh vực y tế, phòng chống đại dịch HIV/AIDS, giáo dục học đường, trao đổi văn hoá, và những nỗ lực không mệt mỏi hợp tác trong vấn đề tìm kiếm tin tức và hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam.

Đó là sự phối hợp thường xuyên hơn và thực chất hơn giữa hai bên trên nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, đặc biệt tại các diễn đàn ARF, APEC, Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác.

Thưa quý vị,

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không chỉ có lợi cho hai dân tộc chúng ta mà còn đóng góp vào hoà bình, ổn định phát triển và hợp tác của khu vực châu Á - TBD. Việt Nam muốn có môi trường ổn định để phát triển kinh tế và điều đó cũng phù hợp với lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ ở khu vực. Đây là điểm đồng về lợi ích giữa hai nước và quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ được cải thiện sẽ có ích cho việc thực hiện mục tiêu này. Việt Nam đang ngày càng trở thành một bộ phận cấu thành không thể thiếu của hoà bình, ổn định và phát triển ở Đông Nam Á và Châu Á –TBD và với chính sách đối ngoại hoà bình, mở rộng hiện nay chắc chắn sẽ có những đóng góp tích cực cùng với các nước khu vực, trong đó có Hoa Kỳ, trong cuộc đấu tranh loại trừ chủ nghĩa khủng bố ra khỏi đời sống nhân loại. Ở đây, tôi xin chia sẻ nhận xét của Đại sứ M. Marine khi ông phát biểu trước Uỷ ban đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ ngày 22 tháng 4 năm 2004 "Rõ ràng, một Việt Nam phồn vinh và năng động, có vai trò lãnh đạo đóng góp vào ổn định khu vực là hết sức phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân Hoa Kỳ".

Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế là giữa hai nước cũng có những khác biệt trên một số vấn đề, từ quan niệm về dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, đến tranh chấp thương mại. Những kinh nghiệm giải quyết bất đồng trong quan hệ giữa hai nước chúng ta cũng như trong đời sống quốc tế cho thấy cách tốt nhất và thực tế nhất để vượt qua khác biệt, thu hẹp bất đồng giải quyết tranh chấp là thông qua đối thoại xây dựng trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và hiểu biết lợi ích của nhau với tầm nhìn xa trông rộng về quan hệ của hai nước.

Thưa Quý vị,

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, mà một nửa sinh sống trên lãnh thổ Hoa kỳ, là cầu nối quan trọng góp phần gắn bó hai dân tộc chúng ta. Tôi vui mừng nhận thấy là chỉ trong vòng hơn hai thập kỷ, cộng đồng người Việt đã khẳng định được chỗ đứng của mình trên mảnh đất Hoa Kỳ, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội, vào sự đa dạng, phong phú về văn hoá của Hoa Kỳ nói chung và các bang của Hoa kỳ nói riêng. Hơn nữa, hàng năm có hàng trăm ngàn người Mỹ gốc Việt về Việt Nam thăm quê cũ, người thân, và tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Đó là điều mà cách đây hơn 10 năm ít ai hình dung được. Về phần mình, nhà nước Việt Nam coi những người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng người Việt. Đó là chính sách đại đoàn kết dân tộc có tính nguyên tắc của Nhà nước Việt Nam. Trước nay đã thế và sau nay cũng sẽ như vậy. Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ đưa ra nhiều chính sách khuyến khích người Việt ở nước ngoài về thăm quê hương, làm ăn và hội nhập với đời sống xã hội đang đổi mới từng ngày ở Việt Nam. Thời gian sẽ hàn gắn vết thương cũ và xoá đi mọi hận thù . Tôi tin rằng cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ trở thành một nhân tố tích cực góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Được như vậy, có nghĩa là người Việt định cư ở Hoa Kỳ cùng với 80 triệu đồng bào trong nước và người Việt ở các nước khác trên thế giới đồng lòng góp sức phấn đấu cho sự trường tồn và phồn vinh của dân tộc Việt Nam.

Chính phủ và nhân dân hai nước chúng ta đang nỗ lực xây dựng một khuôn khổ ổn định và lâu dài cho tương lai quan hệ hai nước. Theo kết quả thăm dò dư luận của Zogby International ngày 7/1/2004 thì 75% người Mỹ cho rằng cần gác lại những khác biệt trong quan hệ với Việt Nam để bắt đầu một kỷ nguyên hợp tác mới giữa hai nước; về phần mình Việt Nam đã và đang làm đúng như phương châm sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước trong Cộng đồng quốc tế kể cả với Hoa Kỳ. Tinh thần đó từng được thể hiện trong bức thư gửi nhân dân Mỹ tháng 1 năm 1962 của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ không thù oán gì nhau. Nhân dân Việt Nam kính trọng các bạn là nước đầu tiên phất cờ chống chủ nghĩa thực dân và chúng tôi mong muốn có quan hệ hữu nghị với các bạn". Tình hình quan hệ Việt Nam –Hoa Kỳ hiện nay đang diễn ra đúng như dự báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 1967 trong cuộc tiếp hai nhà báo Mỹ. Tôi lạc quan và tin tưởng rằng phát triển quan hệ hai nước là xu hướng tất yếu không gì có thể cản trở được vì đây là đòi hỏi của lợi ích rộng lớn của nhân dân hai nước chúng ta và cũng phù hợp với xu thế hợp tác và hội nhập đang diễn ra ở khu vực cũng như trên toàn thế giới.

Xin chân thành cảm ơn Quí vị đã dành cho tôi sự chú ý đặc biệt và xin gửi tới các Quí vị những lời chúc tốt lành nhất./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer