TƯ LIỆU CƠ BẢN VỀ HOA KỲ
I. MỘT SỐ TƯ LIỆU CHUNG:
1. Tên nước: Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (United States of America), ta thường gọi là nước Mỹ, gồm 50 bang và đặc khu Colombia (tức là Thủ đô Washington, D.C.) hợp thành.
2. Vị trí địa lý: Nằm ở Tây bán cầu; bắc giáp Canada; nam giáp Mexico và vịnh Mexico; đông giáp Đại Tây Dương; tây giáp Thái Bình Dương; bang Alaska nằm phía Tây bắc Canada, quần đảo Hawaii nằm ở Thái Bình Dương.
3. Diện tích: 9.826.675 km2; đứng thứ 3 thế giới sau Nga, Canada.
4. Dân số: 327 triệu người (đến 04/2018), đứng thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ. Về cơ cấu dân số, người Hoa Kỳ da trắng chiếm 77,7%; da đen: 13,2%; gốc Châu Á: 5,3%; thổ dân Hoa Kỳ và Alaska: 1,2%; thổ dân Hawaii và các quần đảo Thái Bình Dương thuộc Hoa Kỳ: 0,2%, các nhóm người khác: 2,4%. Cộng đồng người nói tiếng Tây Ban Nha (nhóm Hispanic/Latino) hiện chiếm 16,3%. Tăng trưởng dân số hàng năm: khoảng 0,7% (trong đó 30% là nhập cư).
5. Đơn vị tiền tệ: USD (đô la Mỹ).
6. Tôn giáo: Tin lành: 51,3%; Cơ đốc giáo La Mã: 23,9%; Do thái: 1,7%; Các đạo khác: 4,7%; Không theo đạo nào: 16,1%.
7. Ngôn ngữ: chính thức là tiếng Anh; các cộng đồng lớn nói tiếng Tây Ban Nha, Pháp và nhiều ngôn ngữ khác (theo xuất xứ nhập cư).
8. Ngày Quốc khánh (ngày Tuyên ngôn Độc lập): 4/7 (năm 1776).
II. KHÁI QUÁT VỀ LỊCH SỬ:
Năm 1492, Christopher Columbus phát hiện Châu Mỹ.
Năm 1607, người Anh bắt đầu đặt chân lên Châu Mỹ và lập hệ thống thuộc địa ở hầu hết lãnh thổ Bắc Mỹ. Các nước Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan chiếm các vùng còn lại.
Năm 1775, cuộc đấu tranh giành độc lập nổ ra. Ngày 4/7/1776, các nhà cách mạng Hoa Kỳ công bố "Tuyên ngôn Độc lập", tách Hoa Kỳ khỏi Đế quốc Anh, thành lập Hợp chúng quốc Hoa Kỳ gồm 13 bang. Năm 1783, Anh ký Hiệp định Versailles thừa nhận nền độc lập của Hoa Kỳ.
Ngày 7/9/1787, Hiến pháp Liên bang đầu tiên của Hoa Kỳ được thông qua và đến 4/3/1789 có hiệu lực. George Washington được bầu là Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ.
Sau cuộc nội chiến 1861 - 1865, Hoa Kỳ củng cố nền độc lập, phát triển kinh tế và mở rộng ảnh hưởng ở Tây bán cầu. Cuối thế kỷ 19, Hoa Kỳ trở thành nước tư bản chủ nghĩa hàng đầu thế giới, bắt đầu tranh giành thuộc địa, mở đầu bằng cuộc chiến tranh Hoa Kỳ - Tây Ban Nha (1898 - 1899).
Sau Chiến tranh thế giới II, Hoa Kỳ trở thành đế quốc mạnh nhất, tiến hành chiến lược toàn cầu khống chế các nước tư bản chủ nghĩa, ngăn chặn Chủ nghĩa Xã hội và phong trào giải phóng dân tộc. Hoa Kỳ đã can thiệp trực tiếp vào hai cuộc chiến tranh cục bộ ở Triều Tiên (1950 - 1953) và Việt Nam (1964 - 1975). Thất bại trong chiến tranh ở Việt Nam đẩy Hoa Kỳ vào thời kỳ suy yếu tương đối trong khi Tây Âu và Nhật Bản phát triển. Hoa Kỳ dồn sức củng cố thực lực đồng thời tiếp tục thúc đẩy chạy đua vũ trang với Liên Xô.
Sau khi Liên Xô sụp đổ (1991), Chiến tranh Lạnh và trật tự thế giới hai cực kết thúc, Hoa Kỳ trở thành cường quốc mạnh nhất về kinh tế, quân sự. Kể từ đó, Hoa Kỳ trong quá trình điều chỉnh chiến lược và tìm cách xây dựng trật tự thế giới mới phù hợp với thế và lực của Hoa Kỳ.
Sự kiện khủng bố 11/9/2001 và cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 - 2009 đã có tác động lớn đến đời sống chính trị, an ninh, kinh tế - xã hội Hoa Kỳ, cũng như cách nhìn nhận và quan điểm của Hoa Kỳ về các vấn đề này, do đó tác động đến việc điều chỉnh chính sách đối nội và đối ngoại của Hoa Kỳ.
III. VỀ CHÍNH TRỊ:
Hoa Kỳ là nước Cộng hòa Liên bang, theo chế độ tam quyền phân lập. Theo Hiến pháp Hoa Kỳ, quyền lập pháp thuộc về Quốc hội, quyền hành pháp thuộc về Tổng thống và quyền tư pháp thuộc về Toà án tối cao. Các cơ quan nhà nước liên bang Hoa Kỳ hoạt động trên nguyên tắc ‘kiềm chế và đối trọng’ (check and balance), trong đó Hiến pháp Hoa Kỳ quy định quyền cụ thể của một cơ quan để kiểm soát chéo hai cơ quan còn lại. Hiến pháp Hoa Kỳ quy định rõ các quyền thuộc về nhà nước liên bang và các chính quyền tiểu bang, trong đó chính quyền tiểu bang có nhiều quyền hạn lớn.
Hoa Kỳ là nước có chế độ đa đảng, trong đó đảng Dân chủ (thành lập năm 1828) và Cộng hòa (thành lập năm 1854) thay nhau nắm chính quyền. Từ sau Chiến tranh thế giới II, đã có 12 nhiệm kỳ Tổng thống Hoa Kỳ thuộc đảng Dân chủ và 13 nhiệm kỳ Tổng thống Hoa Kỳ thuộc Đảng Cộng hòa.
Chính phủ Liên bang nắm quyền điều hành toàn bộ đất nước, quy định các chính sách thuế chung, chính sách đối ngoại, thương mại quốc tế và thương mại giữa các bang, chịu trách nhiệm về quốc phòng, an ninh, phát hành tiền, hệ thống đo lường, bản quyền... Các bang của Hoa Kỳ có hiến pháp và pháp luật riêng, nhưng không trái với Hiến pháp Liên bang.
1. Chính quyền: Tổng thống nắm quyền hành pháp, có quyền hạn của nguyên thủ quốc gia, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang. Tổng thống có quyền phủ quyết các điều luật do Quốc hội thông qua và để đảo ngược quyền phủ quyết của Tổng thống cần 2/3 số phiếu của cả hai viện của Quốc hội. Nhiệm kỳ Tổng thống dài 4 năm. Kể từ 1951, mỗi Tổng thống chỉ được cầm quyền tối đa 2 nhiệm kỳ. Tổng thống bổ nhiệm các Bộ trưởng, Thứ trưởng và Trợ lý Bộ trưởng và phải được sự đồng ý của Thượng viện. Tổng thống hiện nay là Donald J. Trump (Tổng thống thứ 45, tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1/2017) và Phó Tổng thống Mike Pence. Theo kết quả bầu cử năm 2020, cựu Phó Tổng thống Joe Biden đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ 2021-2025, Thượng nghị sĩ Kamala Harris đắc cử Phó Tổng thống. Ông Biden và bà Harris dự kiến chính thức nhậm chức ngày 20/01/2021.
2. Quốc hội: Gồm hai Viện:
Thượng viện gồm 100 Thượng nghị sĩ. Mỗi bang có hai Thượng nghị sỹ với nhiệm kỳ sáu năm. Phó Tổng thống giữ chức danh Chủ tịch Thượng viện, có quyền bỏ phiếu quyết định trong tình huống bất phân thắng bại (50/50).
Hạ viện gồm 435 Hạ nghị sỹ, 22 ủy ban và 7 ủy ban đặc biệt. Mỗi bang có ít nhất một Hạ nghị sỹ, còn lại căn cứ theo số dân của bang đó. Các Hạ nghị sỹ có nhiệm kỳ hai năm. Vào các năm chẵn, ngày Thứ Ba đầu tiên của tháng 11 sẽ tiến hành bầu cử Quốc hội, bầu lại toàn bộ Hạ viện và 1/3 Thượng viện.
Quốc hội hiện nay là khóa 116 (2019 - 2020). Theo kết quả bầu cử Quốc hội tháng 11/2020, Đảng Dân chủ nắm đa số tại Hạ viện, Đảng Cộng hòa nhiều khả năng nắm đa số tại Thượng viện (hiện đang nắm 50/100 ghế, còn 2 ghế bầu cử đặc biệt vào tháng 1/2021). Hiện nay, Chủ tịch Thượng viện đồng thời là Phó Tổng thống Mike Pence (sẽ là Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris sau ngày 20/1/2021); Chủ tịch tạm quyền Thượng viện Chuck Grassley; Lãnh đạo phe đa số và thiểu số tại Thượng viện lần lượt là Thượng nghị sỹ Mitch McConnell và Thượng nghị sỹ Chuck Schumer; Chủ tịch Hạ viện là Hạ nghị sỹ Nancy Pelosi; Lãnh tụ phe đa số và thiểu số tại Hạ viện lần lượt là Hạ nghị sỹ Steny Hoyer và Hạ nghị sỹ Kevin McCarthy .
3. Toà án tối cao: Gồm 1 Chánh án và 8 Thẩm phán, đều do Tổng thống chỉ định với sự chấp thuận của Thượng viện, nhiệm kỳ suốt đời. Chánh án Toà án tối cao hiện nay là John Roberts bắt đầu nhiệm kỳ từ tháng 9/2005.
IV. VỀ KINH TẾ:
1. Khái quát nền kinh tế Hoa Kỳ:
Hoa Kỳ là nước công nghiệp phát triển hàng đầu trên thế giới. Hoa Kỳ có nền kinh tế hỗn hợp, các tập đoàn và công ty tư nhân có vai trò quan trọng trong khi Chính phủ có xu hướng hạn chế tác động vào nền kinh tế. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2017 khoảng 19.390 tỷ USD, chiếm khoảng 25% GDP toàn thế giới; GDP theo đầu người là khoảng 59.495 USD. Trong cơ cấu kinh tế, dịch vụ chiếm khoảng 80%, công nghiệp 19%, nông nghiệp 1%.
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ chiếm hơn 30% GDP, là nước xuất, nhập khẩu lớn nhất thế giới. Các đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ năm 2018 là Trung Quốc, Canada, Mexico, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Anh. Thâm hụt thương mại hàng hóa còn ở mức cao liên tiếp trong gần 2 thập kỷ (năm 2018: 887,3 tỷ USD).
Cuộc khủng hoảng kinh tế 2007 - 2009 đã đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ vào suy thoái được coi là tồi tệ nhất kể từ Đại khủng hoảng 1929 - 1933. GDP của Hoa Kỳ giảm mạnh mà đỉnh điểm là Quý III/2008 (-6,3%) và Quý I/2009 (-5,5%). Cuộc khủng hoảng này đã kéo lùi các chỉ tiêu phát triển kinh tế Hoa Kỳ (7/10 chỉ số sản xuất của Hoa Kỳ dưới mức 2002), tỷ lệ thất nghiệp lên tới xấp xỉ 10%. Mô hình kinh tế - tài chính của Hoa Kỳ bị nghi ngờ: trước đây v được coi là thiên đường an toàn của đầu tư quốc tế, cả ngắn hạn và dài hạn; hiện nay các nước đều thận trọng khi đầu tư vào Hoa Kỳ. Các tổ chức quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo hoặc chi phối như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) đang bị thách thức.
Kinh tế Hoa Kỳ sau khi thoát khỏi suy thoái đã duy trì đà phục hồi từ Quý III/2009 đến nay. Nhịp độ tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ gần đây: năm 2012: 2,2%; năm 2013: 1,9%, năm 2014: 2,4%; năm 2015: 2,6%; năm 2016: 1,6%, năm 2017: 2,3%; năm 2018: 2,9%. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lan rộng trong năm 2020 đã tác động mạnh đến đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ, GDP Quý II/2020 là -32,9%; tỉ lệ thất nghiệp tuy đã có dấu hiệu khả quan hơn so với giai đoạn đầu dịch bệnh song vẫn ở mức 10,2% trong tháng 7/2020. Chính quyền Trump hiện đang đẩy mạnh áp dụng các nhóm biện pháp nhằm từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, khôi phục ngành sản xuất, tạo thêm việc làm cho người dân.
2. Một số số liệu về kinh tế Hoa Kỳ:
Số liệu |
2008 |
2009 |
2010 |
2011 |
2012 |
2013 |
2014 |
2015 |
2016 |
2017 |
2018 |
2019 |
GDP thực (tỷ USD) |
14.292 |
13.974 |
14.499 |
15.076 |
15.685 |
17.080 |
17.418 |
17.947 |
18.569 |
19.390 |
20.870 |
21.439 |
Tăng trưởng GDP (%) |
-0,3 |
-3,1 |
2,4 |
1,8 |
2,2 |
1,9 |
2,4 |
2,6 |
1,6 |
2,3 |
2,9 |
2,3 |
GDP/đầu người (USD) |
46.760 |
45.305 |
46.616 |
48.113 |
49.965 |
50.207 |
49.469 |
54.629 |
57.294 |
59.495 |
62.610 |
65.111 |
Tỷ lệ thất nghiệp (%) |
5,8 |
9,3 |
9,6 |
8,9 |
8,1 |
7,35 |
6,15 |
5,3 |
4,85 |
4,1 |
3,9 |
3,5 |
Tỷ lệ lạm phát (%) |
3,85 |
-0,34 |
1,64 |
3,16 |
2,07 |
1,47 |
1,6 |
0,9 |
2,7 |
2,1 |
1,9 |
1,8 |
Thâm hụt ngân sách (tỷ USD) |
248 |
1.413 |
1.293 |
1.299 |
1.087 |
680 |
483 |
439 |
552 |
665 |
621 |
984 |
Xuất khẩu (tỷ USD) |
1.829 |
1.570 |
1.280 |
1.480 |
2.194 |
2.273 |
2.343 |
2.223 |
2.209 |
2.330 |
2.500 |
2.500 |
Nhập khẩu (tỷ USD) |
2.537 |
1.945 |
1.948 |
2.186 |
2.734 |
2.743 |
2.851 |
2.763 |
2.712 |
2.900 |
3.122 |
3.116 |
Nguồn: bea.gov, census.gov, data.worldbank.org.
V. VỀ ĐỐI NGOẠI:
1. Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ
- Mục tiêu xuyên suốt trong chính sách của Hoa Kỳ sau Chiến tranh Lạnh đến nay[1] là: (i) Duy trì vai trò lãnh đạo và vị trí cường quốc số một trên thế giới; (ii) Thúc đẩy thịnh vượng kinh tế; (iii) Duy trì trật tự quốc tế; (iv) Thúc đẩy các giá trị Hoa Kỳ.
- Về phương châm, nước Mỹ dưới Chính quyền Trump chủ trương: (i) Đặt lợi ích Hoa Kỳ lên trên hết, trong đó chú trọng vấn đề kinh tế - thương mại; (ii) “Hòa bình thông qua sức mạnh”; (iii) Coi trọng lợi ích cụ thể và thực chất song vẫn quan tâm đến lợi ích chiến lược; (iv) Tăng can dự song phương và điều chỉnh can dự đa phương theo hướng có chọn lọc hơn; (v) Tiếp tục củng cố hệ thống quốc tế mà Hoa Kỳ đã xác lập, song tìm cách giảm gánh nặng tài chính.
- Về triển khai chính sách: Chính quyền Trump nhìn chung tiếp tục can dự nhiều mặt với thế giới, không “quay vào bên trong” hay thi hành chính sách biệt lập như nhiều đánh giá trước đây; chủ trương tiếp tục củng cố hệ thống quốc tế mà Hoa Kỳ xác lập từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai song tìm cách giảm bớt gánh nặng tài chính; chú trọng đạt được lợi ích kinh tế - thương mại; đề cao tính “bất ngờ”, “khó dự đoán” trong triển khai chính sách. Hoa Kỳ tiếp tục coi quan hệ với các nước đồng minh có tính chất then chốt đối với việc duy trì và tăng cường vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong “trật tự quốc tế tự do” và để xử lý các thách thức khu vực và toàn cầu. Về các vấn đề mang tính giá trị (dân chủ, nhân quyền, tôn giáo), Chính quyền Trump thể hiện rõ tính thực dụng, có thể dịu giọng hoặc nêu đậm trong quan hệ với các nước khi phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ. Ngoài ra, với chủ trương tăng cường sức mạnh quốc phòng cả về ngân sách, quân số (tăng cả lục quân và hải quân), số lượng tàu chiến, máy bay, vũ khí hạt nhân, nhiều khả năng ông Trump sẽ củng cố hơn nữa hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trên thế giới, đặc biệt tại Châu Á - Thái Bình Dương.
2. Với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là sự kế thừa Chiến lược Tái cân bằng của Chính quyền Obama, song mở rộng phạm vi địa lý để bao gồm Ấn Độ và chú trọng hơn việc tập hợp lực lượng và triển khai các sáng kiến. Mục tiêu chính của Chiến lược là nhằm: (i) Đảm bảo duy trì vị thế lãnh đạo lâu dài của Mỹ tại khu vực và trên toàn cầu; (ii) Thúc đẩy cấu trúc tự do, rộng mở tại khu vực do Mỹ giữ vai trò chủ đạo; (iii) Thúc đẩy thương mại “tự do, công bằng, có đi có lại”; (iv) Xử lý hiệu quả các nguy cơ tại khu vực như vấn đề Triều Tiên và bảo vệ lợi ích của Mỹ, bao gồm quyền tự do hàng hải, hàng không.
Trong thời gian gần đây, Chính quyền Trump đang từng bước cụ thể hóa Chiến lược này trên một số lĩnh vực chính. Cụ thể:
- Về kinh tế - thương mại: (i) Công bố gói viện trợ 113 triệu USD để thiết lập các cơ chế hợp tác, hỗ trợ huy động vốn trong 3 lĩnh vực là hạ tầng, năng lượng và kinh tế số[2]; (ii) Thúc đẩy vai trò chủ đạo của khu vực tư nhân, nâng cao tính minh bạch, tránh đưa các nước vào “bẫy nợ” và không dùng các khoản đầu tư để đổi lấy lợi ích chính trị; (iii) Cùng Nhật, Úc đã đạt được Thỏa thuận hợp tác huy động vốn đầu tư hạ tầng ba bên; (iv) Ban hành đạo luật BUILD[3] cấp 60 tỉ hỗ trợ phát triển nước ngoài.
Bên cạnh đó, Chính quyền Trump tiếp tục: (i) Ưu tiên quan hệ thương mại song phương (hoàn tất đàm phán lại FTA với Hàn Quốc; đàm phán Hiệp định thương mại song phương với Nhật Bản); (ii) Triển khai nhiều biện pháp phòng vệ thương mại cứng rắn với Trung Quốc.
- Về an ninh – quân sự: Chính quyền Trump: (i) Tăng cường hiện diện quân sự[4]; (ii) Củng cố mạng lưới quốc phòng với các đồng minh, đối tác (đáng chú ý có Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc; công bố gói đầu tư 300 triệu USD; ký ban hành luật ARIA[5] phân bổ 1,5 tỷ USD/năm hỗ trợ an ninh khu vực); (iii) Có các động thái cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, Đài Loan.[6]
- Về chính trị – ngoại giao: (i) Có nhiều động thái quảng bá về Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương[7]; (ii) Mặc dù thúc đẩy Chiến lược trên tinh thần “không loại trừ bất kì quốc gia nào” nhưng đặt ưu tiên vai trò Nhật – Ấn – Úc[8], coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN[9] và xác định Trung Quốc là đối thủ chiến lược[10]. Bên cạnh đó, cũng gây sức ép về dân chủ - nhân quyền với một số nước khu vực, trong đó có Trung Quốc, Philippines, Campuchia, Myanmar.
- Với Trung Quốc, mặt cạnh tranh thời gian qua đặc biệt nổi trội, nhất là về cạnh tranh thương mại. Mỹ đã áp trừng phạt với tổng 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, tuyên bố áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại, ban hành Đạo luật FIRRMA thắt chặt kiểm soát đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ, yêu cầu Trung Quốc đàm phán về những vấn đề mang tính “cơ cấu”. Chính quyền Trump cũng từng bước mở rộng sức ép đối với Trung Quốc sang nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt nhắm vào những “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc: (i) Với Đài Loan, tăng cường xuất khẩu vũ khí; (ii) Với Biển Đông, tăng cường FONOP và công khai yêu cầu Trung Quốc rút tên lửa khỏi các thực thể đang tranh chấp; (iii) Về vấn đề dân chủ- nhân quyền, công khai lên án Trung Quốc ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ và ra dự luật nhân quyền cân nhắc biện pháp trừng phạt với Trung Quốc. Ngoài ra, Hoa Kỳ đẩy mạnh hợp tác quân sự với Nhật - Hàn và triển khai vũ khí chiến lược đến Đông Bắc Á (đặc biệt là hệ thống THAAD ở Hàn Quốc).
- Tại Đông Bắc Á, Hoa Kỳ duy trì hiện diện và hợp tác quân sự ở mức cao với Nhật Bản và Hàn Quốc (triển khai hệ thống THAAD đến Hàn Quốc), yêu cầu đồng minh tăng chia sẻ chi phí quân sự; đạt được bước tiến quan trọng trong quan hệ với Triều Tiên và tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, thiết lập được cơ chế gặp mặt giữa lãnh đạo hai nước (hai lần tổ chức thượng đỉnh vào tháng 6/2018 và tháng 2/2019, gặp mặt tại Khu phi quân sự tháng 6/2019; ra được tuyên bố chung; tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan.
- Tại Đông Nam Á, Hoa Kỳ tiếp tục coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược với ASEAN và các cơ chế với ASEAN là trung tâm; đẩy quan hệ với đồng minh và một số đối tác quan trọng như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Singapore, Việt Nam. Trong vấn đề Biển Đông: Chính quyền Trump hiện cơ bản kế thừa những nét lớn trong chính sách của Obama, song tăng cường hoạt động trên thực địa và trực diện hơn trong việc chỉ trích các hoạt động tôn tạo đảo và quân sự hóa của Trung Quốc, chỉ đích danh Trung Quốc đưa tên lửa đến đảo nhân tạo trên Biển Đông, nêu quan ngại về chiến lược “vùng xám” của Trung Quốc ./.
[1] Thời Tổng thống Clinton, Bush, Obama và Trump.
[2] Phát biểu của Ngoại trưởng Pompeo tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (7/2018 tại Mỹ).
[3] Đạo luật “Sự dụng tốt hơn nguồn lực đầu tư cho phát triển 2018” (10/2018).
[4] Tiếp tục kế hoạch điều động 60% tàu Hải quân Mỹ, 55% lực lượng lục quân, và hai phần ba lực lượng lính thủy đánh bộ tới khu vực dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương.
[5] Đạo luật Sáng kiến Tái đảm bảo Châu Á (31/12/2018).
[6] Hủy lời mời Trung Quốc tham gia tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC); đẩy mạnh tần suất các FONOP (10 cuộc); Thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao với Đài Loan; bắn tín hiệu về việc cử tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan.
[7] PTLNT Alex Wong đến một số Đông Nam Á (3/2018), Tổ chức Diễn đàn Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ - Thái Bình Dương (7/2018); NT Mike Pompeo dự AMM+ và thăm Malaysia, Indonesia (8/2018) đề cập Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
[8] Cựu NT Rex Tillerson (10/2017) tuyên bố Ấn Độ cùng với Nhật Bản là các "mỏ neo" trong chính sách Ấn - Thái của Mỹ; đồng thời nhấn mạnh vai trò chiến lược của Úc tại Nam Thái Bình Dương.
[9] Ngoại trưởng Pompeo tham gia và thể hiện vai trò tại các diễn đàn khu vực như AMM+, ARF; cam kết tăng cường hỗ trợ các cơ chế khu vực như ASEAN, APEC, Sáng kiến Hạ nguồn Mekong (LMI)…
[10] Chiến lược Quốc phòng (1/2018).
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |