I. KHÁI QUÁT:
- Tên nước: Cộng hoà Ni-ca-ra-goa (República de Nicaragua).
- Thủ đô: Ma-na-goa (Managua).
- Vị trí địa lý: Nằm ở Trung Mỹ, giữa Thái Bình Dương và biển Ca-ri-bê, phía Bắc giáp Ôn-đu-rát, Nam giáp Cô-xta Ri-ca.
- Diện tích: 129.494 km².
- Dân số: 6,167 triệu (2012), trong đó 69% là người lai, 17% người da trắng, 9% người da đen, 5% người gốc thổ dân.
- Ngôn ngữ: Tây Ban Nha.
- Tôn giáo: Thiên chúa giáo (96%).
- Đơn vị tiền tệ: Đồng Coóc-đô-ba vàng (1 USD = 23,5 Coóc-đô-ba vàng).
- Ngày quốc khánh: 15/9.
- Ngày lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: 03/9/1979.
- Tổng thống: Đa-ni-en Oóc-tê-ga Sa-vê-đra (Daniel Ortega Saavedra, nhậm chức nhiệm kỳ lần 4 liên tiếp 2017-2022).
- Ngoại trưởng: Denis Moncada.
II. LỊCH SỬ:
- Năm 1502, Cri-xtô-ban Cô-lông phát hiện ra lãnh thổ có nhiều bộ lạc thổ dân sinh sống thuộc Ni-ca-ra-goa ngày nay.
- Năm 1552, thực dân Tây Ban Nha chiếm Ni-ca-ra-goa làm thuộc địa và đặt vùng đất này trong địa phận Goa-tê-ma-la.
- Từ 1687- 1783: là thuộc địa của Anh.
- Ngày 15/9/1821, Ni-ca-ra-goa tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha. Sau đó, gia nhập Khối các Nước Trung Mỹ.
- Ngày 30/4/1838, Ni-ca-ra-goa trở thành nước Cộng hoà độc lập.
- Năm 1911, Mỹ can thiệp và dựng lên chính phủ bảo thủ nhằm bảo vệ quyền lợi Mỹ tại Kênh đào Pa-na-ma.
- Năm 1912, quân Mỹ đổ bộ vào Ni-ca-ra-goa đàn áp cuộc nổi dậy của phe cấp tiến và chiếm đóng nước này cho đến năm 1925. Hai năm sau, khi nội chiến nổ ra, quân Mỹ lại một lần nữa can thiệp và chiếm đóng nước này đến năm 1933. Sau đó Ni-ca-ra-goa rơi vào ách thống trị độc tài của gia đình Xô-mô-xa trong hơn 40 năm.
- Năm 1962, Mặt trận giải phóng dân tộc Xan-đi-nô (FSLN) ra đời, lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân Ni-ca-ra-goa lật đổ chế độ độc tài Xô-mô-xa và lên cầm quyền từ 1979-1990.
- Năm 1981, Mỹ cắt viện trợ kinh tế cho Ni-ca-ra-goa và bắt đầu tài trợ cho lực lượng vũ trang "Contras" chống lại Chính phủ FSLN.
- Năm 1983, Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và từ năm 1985, cấm vận hoàn toàn Ni-ca-ra-goa.
- Năm 1990, do nội chiến và khủng hoảng kinh tế gây nhiều khó khăn, Mặt trận giải phóng dân tộc Xan-đi-nô (FSLN) thất cử. Mặc dù chính phủ của nữ Tổng thống Vi-ô-le-ta Ba-ri-ốt đê Cha-mô-rô được Mỹ và đồng minh châu Âu hỗ trợ, nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội Ni-ca-ra-goa tiếp tục diễn biến nghiêm trọng.
- Tháng 10/1996, Đảng Liên minh tự do, bảo thủ lên cầm quyền sau khi thắng cử, Tổng thống Ác-nôn-đô A-lê-man bị cáo buộc tham nhũng và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng của đất nước.
- Tổng thống thuộc Đảng Tự do hợp hiến Ên-ri-kê Bô-la-nốt Hê-giê (Enrique Bolanos Geyer) (từ tháng 1/2002) không giải quyết được tình trạng khủng hoảng.
- Bầu cử ngày 6/11/2016, lãnh tụ Mặt trận Giải phóng dân tộc Xan-đi-nô (FSLN) Đa-ni-en Oóc-tê-ga Sa-vê-đra giành thắng lợi với 72,5% phiếu bầu, tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ 2017-2022, là nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp và lần thứ 4 của ông Đa-ni-en Oóc-tê-ga.
III. CHÍNH TRỊ:
- Thể chế chính trị: chế độ Cộng hoà. Tổng thống là Nguyên thủ quốc gia đồng thời là người đứng đầu Chính phủ, nhiệm kỳ 5 năm và được bầu theo phổ thông đầu phiếu.
- Hệ thống lập pháp: Quốc hội nhất viện, gồm 92 nghị sĩ được bầu với nhiệm kỳ 5 năm.
- Hệ thống tư pháp: Toà án Tối cao là cơ quan cao nhất, gồm 16 thẩm phán.
- Các đảng chính trị: Đảng Tự do hợp hiến (PLC), Mặt trận giải phóng dân tộc Xan-đi-nô (FSLN), Liên minh Tự do Ni-ca-ra-goa (ALN), Đảng Bảo thủ (PC), Phong trào Đổi mới Xan-đi-nô (MRS), Đảng Tự do Độc lập (PLI).
IV. KINH TẾ - XÃ HỘI :
Sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi là trụ cột chính của nền kinh tế trên cơ sở đất đai phì nhiêu và nguồn nước ngọt dồi dào; ngành công nghiệp tập trung vào các lĩnh vực chế biến nông sản, sản xuất điện năng mà chủ yếu là địa nhiệt. Cơ cấu GDP: nông nghiệp (17,3%), công nghiệp (25,9%), dịch vụ (56.8%). Một số nông sản chính: cà phê, mía đường, chuối, bông, ngô, ca-cao, thuốc lá, lúa gạo, đậu, thịt bò, lợn, gia cầm. Một số ngành công nghiệp chính: thực phẩm, đồ uống, lọc dầu, hoá chất. Năm 2015, tăng trưởng GDP: 4,5%, lạm phát: 7,2%, thất nghiệp: 7,4%. Các bạn hàng chính: Mỹ, Ca-na-đa, Mê-hi-cô, Vê-nê-xu-ê-la Cô-xta Ri-ca, Goa-tê-ma-la, Pa-na-ma. Dự kiến tăng trưởng kinh tế Nicaragua 2016 là 4,4%.
V. ĐỐI NGOẠI:
Ni-ca-ra-goa dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Giải phóng dân tộc Xan-đi-nô chủ trương tăng cường đoàn kết, liên kết Mỹ Latinh, đẩy mạnh quan hệ hợp tác chặt chẽ với Cu-ba, Vê-nê-xu-ê-la và các nước dân tộc, độc lập ở khu vực; gia nhập khối “Lựa chọn Bô-li-va cho châu Mỹ” (ALBA) ngày 15/1/2007. Là thành viên của Liên hợp quốc, WTO, Nhóm 77 (G-77), Tổ chức năng lượng nguyên tử (IAEA), Hội đồng Tổ chức Hàng không dân sự quốc tế (ICAO), Qũy tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức các nước Châu Mỹ (OEA), Nhóm Río, Phong trào KLK…
VI. QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM:
Việt Nam và Ni-ca-ra-goa thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 03/9/1979. Tháng 7/1980, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Ni-ca-ra-goa và tháng 8/1987, Ni-ca-ra-goa khai trương Đại sứ quán tại Hà Nội. Ngay sau khi Tổng thống Đa-ni-en Oóc-tê-ga thuộc Mặt trận Giải phóng Dân tộc Xan-đi-nô thất cử, tháng 12/1990, Chính phủ của Tổng thống Vi-ô-lê-ta Cha-mô-rô đã đóng cửa Đại sứ quán Ni-ca-ra-goa tại Hà Nội. Tháng 4/1991, Việt Nam rút cơ quan đại diện ngoại giao tại Ma-na-goa. Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba kiêm nhiệm Ni-ca-ra-goa và phía Ni-ca-ra-gua đang dự kiến mở lại Cơ quan đại diện tại Việt Nam.
Quan hệ chính trị-ngoại giao giữa hai nước được nối lại sau khi Tổng Bí thư FSLN Đa-ni-en Oóc-tê-ga đắc cử Tổng thống (11/2006). Tháng 9/2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Đa-ni-en Oóc-tê-ga có cuộc gặp bên lề Khoá họp 62 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York; về phía ta có các đoàn Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh (9/2013), Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Hoàng Bình Quân (7/2014) thăm Nicaragua. Bộ trưởng Ngoại giao Ma-nu-en Xan-tốt cũng đã thăm Việt Nam (11/2011) và tham dự Diễn đàn Việt Nam – Mỹ Latinh về Thương mại và Đầu tư tại Hà Nội (7/2012)... Hai bên có quan hệ tốt tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương (Nicaragua đã ủng hộ Việt Nam làm Uỷ viên không thường trực HĐBA/LHQ khoá 2008-2009; công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam). Hai bên đã ký Bản ghi nhớ Thiết lập cơ chế tham khảo chính trị giữa BNG hai nước (11/2011).
Kim ngạch thương mại song phương hai chiều còn khiêm tốn, trung bình đạt 6,6 triệu USD/năm (ta xuất khẩu 5,9 triệu USD và nhập khẩu 700 nghìn USD). Các mặt hàng chính hai nước trao đổi thương mại gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, gạo, hàng dệt may, máy móc thiết bị và phụ tùng./.