Thông tin cơ bản về Pa-na-ma và quan hệ với Việt Nam
I. KHÁI QUÁT:
- Tên nước: Cộng hòa Pa-na-ma (República de Panamá).
- Thủ đô: Thành phố Pa-na-ma; 11 tỉnh và 1 huyện: Bô-cát đên Tô-rô (Bocas del Toro), Cô-ma-rơ-ca Cu-na Gia-la (Comarca Kuna Yala), Cô-ma-rơ-ca Nờ-gô-bê-bu-gơ-lê (Comarca Ngoble-Bugle), Chi-ri-ki (Chiriqui), Cốc-lê (Cocle), Cô-lôn (Colon), Đa-ri-ên (Darien), Ê-rê-ra (Herrera), Lốt Xan-tốt (Los Santos), Pa-na-ma (Panama), Xan Blát (San Blas) và Vê-ra-goát (Veraguas).
- Vị trí địa lý: nằm ở Trung Mỹ; phía Bắc là biển Ca-ri-bê, phía Đông giáp Cô-lôm-bi-a (Colombia), phía Nam giáp là biển Thái Bình Dương, phía Tây giáp Cô-xta Ri-ca (Costa Rica).
- Diện tích: rộng 75.420 km2.
- Dân số: 3,3 triệu người (7/2010).
- Khí hậu: biển nhiệt đới: mùa mưa nóng, ẩm kéo dài(từ tháng 5 đến tháng 1), mùa khô ngắn (từ tháng 1 đến tháng 5).
- Tôn giáo: Cơ đốc giáo (85%), Tin lành (15%).
- Ngôn ngữ: Tiếng Tây Ban Nha.
- GDP: 24,71 tỷ USD (2009)
- Tiền tệ: Đồng Đô-la Mỹ.
- Quốc khánh: 03/11/1903.
- Tổng thống: Ri-các-đô Mác-ti-nê-li (Ricardo Martinelli, từ 01/07/2009).
- Ngoại trưởng: Hoan Các-lốt Va-rê-la (Juan Carlos Varela).
II. LỊCH SỬ:
- Thực dân Tây Ban Nha tìm ra và bắt đầu chiếm đóng Pa-na-ma từ thế kỷ thứ XVI.
- Năm 1821, Pa-na-ma thoát khỏi ách thực dân và gia nhập nước Cộng hòa Đại Cô-lôm-bi-a (República de Gran Colombia) bao gồm: Cô-lôm-bi-a, Ê-qua-đo và Vê-nê-xuê-la.
- Sau khi nước Cộng hòa Đại Cô-lôm-bi-a tan rã vào năm 1830, Pa-na-ma tiếp tục là một phần của Cô-lôm-bi-a.
- Năm 1903, với sự ủng hộ của Mỹ, Pa-na-ma tách khỏi Cô-lôm-bi-a và ký kết thỏa thuận với Mỹ cho phép quân đội Mỹ xây dựng Kênh đào Pa-na-ma (từ năm 1904 đến năm 1914) và sở hữu hai dải đất hai bên kênh đào này.
- Năm 1977, Mỹ và Pa-na-ma ký kết một thỏa thuận về việc Mỹ trao trả toàn bộ kênh đào cho phía Pa-na-ma vào cuối thế kỷ XX, các phần còn lại của khu vực được hoàn trả dần theo thời gian.
- Năm 1989, với sự trợ giúp của Mỹ, chế độ độc tài Ma-nu-ên No-ri-ê-ga bị hạ bệ, và năm 1999, toàn bộ Kênh đào Pa-na-ma, khu vực xung quanh kênh đào và các căn cứ quân sự của Mỹ được chuyển giao cho Panama.
- Năm 2006, Chính phủ Pa-na-ma đã thông qua một kế hoạch trị giá 5,3 tỷ Đô-la nhằm mở rộng kênh đào và được triển khai vào năm 2007, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2014-2015.
- Ngày 3/5/2009, Pa-na-ma tổ chức Tổng tuyển cử bầu Tổng thống, ông Ri-các-đô Mác-ti-nê-li, ứng cử viên của Liên minh vì Thay đổi thiên hữu (gồm 4 đảng: Đảng Thay đổi Dân chủ - CD, Đảng của những người Pa-na-ma, Đảng Phong trào Tự do Cộng hòa Quốc gia – MOLIRENA-, Đảng Liên minh Yêu nước -UP) đã đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ 2009 - 2014 với 62% số phiếu và chính thức nhậm chức Tổng thống vào ngày 1/7/2009.
III. CHÍNH TRỊ:
Pa-na-ma theo thể chế Cộng hoà, có 11 tỉnh thành và một huyện.
Cơ quan hành pháp: Tổng thống là Nguyên thủ quốc gia và đứng đầu Chính phủ.
Cơ quan lập pháp: Quốc hội bao gồm 71 ghế đại biểu, được bầu 5 năm 1 lần.
Cơ quan tư pháp: Toà án tối cao, bao gồm 10 thẩm phán, được bầu 10 năm 1 lần.
Các đảng phái chính trị chính: Đảng Thay đổi Dân chủ (CD), Đảng Dân chủ Cách mạng (PRD), Phong trào Tự do Cộng hòa Quốc gia (MOLINERA), Đảng Pa-na-ma, Đảng Đoàn kết Yêu nước (UP), Đảng Nhân dân (PP)...
IV. KINH TẾ:
Nền kinh tế Pa-na-ma chủ yếu dựa vào ngành dịch vụ (chiếm 76,8% GDP) ; thu nhập phần lớn đến từ các dịch vụ của Kênh đào Pa-na-ma, ngân hàng, Khu Tự do Thương mại Cô-lôn, bảo hiểm, cảng kho, đăng ký cờ tàu, và du lịch. Mỹ và Trung Quốc là hai nước có số lượng tàu đi qua kênh đào nhiều nhất. Kinh tế Pa-na-ma luôn có tăng trưởng cao (GDP năm 2007: 12,1%, 2008: 10,7%). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu, tăng trưởng kinh tế Pa-na-ma suy giảm đáng kể (GDP 2009: 2,4%), thu nhập từ kênh đào và Khu Tự do Thương mại cũng giảm theo. Tuy nhiên với việc mở rộng Kênh đào (bắt đầu triển khai từ năm 2007), dự đoán tăng trưởng kinh tế của Pa-na-ma sẽ được đẩy mạnh khi kênh đào mới được đưa vào sử dụng. Pa-na-ma chủ yếu xuất khẩu sang Hy Lạp, Mỹ, Nhật Bản, Đức và Ý với các mặt hàng: chuối, tôm, đường, cà phê và đồ may mặc; nhập khẩu thực phẩm, hàng tiêu dùng và hóa chất chủ yếu từ Nhật Bản, Singapore, Mỹ và Trung Quốc.
V. CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI:
Pa-na-ma liên tục tích cực triển khai nhiều hoạt động đối ngoại nhằm tạo vị thế cho mình trên trường quốc tế; duy trì ưu tiên quan hệ đồng minh với Mỹ; tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với các nước Châu Á- Thái Bình Dương, kể cả với Trung Quốc mặc dù vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan; ủng hộ Pu-ê-rơ-tô Ri-cô độc lập và đặc biệt là cải thiện quan hệ ngoại giao với Cu-ba... Pa-na-ma tham gia tích cực vào quá trình hội nhập khu vực và quốc tế, cụ thể là tham gia kế hoạch Pu-ê-bla về phát triển tiểu vùng Mê-hi-cô, các nước Trung Mỹ và Cô-lôm-bi-a; ký các FTA với Mỹ, Xin-ga-po, các quốc gia Trung Mỹ và Ca-ri-bê. Pa-na-ma đã được bầu làm Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ (nhiệm kỳ 2007-2008) và là thành viên của các tổ chức sau: nhóm G-77, Tổ chức thương mại Quốc tế (WTO), Liên hiệp Quốc tế về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Tổ chức các nước Châu Mỹ (OAS), là quan sát viên của Tổ chức các nước Nam Mỹ (UNASUR)...
VI. QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM:
Về chính trị-ngoại giao: Việt Nam và Pa-na-ma thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 28/8/1975. Ta mở TLSQ tại Thủ đô Pa-na-ma năm 2001, sau nâng cấp thành ĐSQ tháng 9/2002 và cử Đại sứ thường trú tháng 4/2002. Bạn mở TLSQ tại TP Hồ Chí Minh tháng 12/1997, lập Đại sứ quán và cử Đại sứ thường trú tại Hà Nội tháng 5/2006. Về trao đổi đoàn từ trước đến nay giữa hai nước, nổi bật có đoàn của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng thăm chính thức Pa-na-ma (9/1979); nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (9/2002), các đoàn Thứ trưởng Ngoại giao ta thăm Pa-na-ma (vào các năm 2001, 2003, 2007) . Về phía Pa-na-ma có đoàn Bộ trưởng Phát triển Nông nghiệp Ghi-giếc-mô Xa-lát (6/2008) và một số Đoàn Quốc hội, doanh nghiệp Pa-na-ma đã thăm Việt Nam.
Về quan hệ kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật: Quan hệ kinh tế- thương mại giữa hai nước còn ở mức khiêm tốn nhưng gia tăng nhanh trong những năm gần đây (năm 2005 đạt trên 50 triệu USD, ta xuất siêu 46 triệu; 2006: trên 80 triệu USD, ta xuất siêu 73 triệu; năm 2007 đạt 137 triệu USD, ta xuất siêu gần 100%; năm 2008 đạt trên 230 triệu USD, ta xuất siêu 180 triệu USD và năm 2009 đạt 146 triệu USD, ta xuất siêu 136 triệu USD). Việt Nam xuất sang Pa-na-ma máy móc nông nghiệp, sản phẩm gỗ, giầy dép, dệt may, sản phẩm chất dẻo, hàng mây-tre cói, túi xách, ví, va li, mũ, ô dù, xe đạp và phụ tùng; nhập chất dẻo, nguyên liệu, gỗ và sản phẩm gỗ. Hai bên còn nhiều tiềm năng có thể tăng cường hợp tác với nhau trên các lĩnh vực thương mại, vận tải hàng hải, nông nghiệp, y học cổ truyền... Hiện có một vài công ty Việt Nam đã và đang xúc tiến mở văn phòng đại diện tại Pa-na-ma và khu thương mại tự do Cô-lôn.
Về hợp tác song phương: Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới ký Nghị định thư về trung lập hóa vĩnh viễn kênh đào Pa-na-ma. Hai nước đã ký Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ (9/2002), Bản ghi nhớ Hợp tác về châm cứu (3/2006), Hiệp định Hợp tác Khoa học- Công nghệ (11/2007) và MOU hợp tác giữa hai Bộ Nông nghiệp (6/2008).
Về hợp tác đa phương: Pa-na-ma là một trong những nước sớm ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và bỏ phiếu bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ khóa 2008-2009. Pa-na-ma đã chính thức đề nghị Việt Nam ủng hộ bạn gia nhập APEC khi quy tắc ngừng kết nạp Hội viên mới được gỡ bỏ vào năm 2010./.
Tháng 09/2010
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |