Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CỘNG HOÀ PA-RA-GOAY VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM


I. KHÁI QUÁT :

- Tên nước: Cộng hoà Pa-ra-goay (República del Paraguay)

- Thủ đô: A-xun-xi-ôn (Asunción).

- Vị trí địa lý: nằm ở miền Trung lục địa Nam Mỹ, không có biển. Bắc và Đông Bắc giáp Bra-xin, Nam và Tây Nam giáp Ác-hen-ti-na, Tây Bắc giáp Bô-li-vi-a. Về địa hình, sông Pa-ra-goay chảy giữa và chia đất nước thành hai vùng khác biệt rõ rệt: phía Đông có nhiều đồng cỏ, đồi núi, rừng nhiệt đới rậm rạp, khí hậu ôn hoà; phía Tây địa hình thấp, bằng phẳng, nhiều đầm lầy, khí hậu bán khô hạn.

- Diện tích: 406.752 km2.

- Dân số: 6,8 triệu người (2008), trong đó 95% là người lai, 3% người thổ dân và 2% người gốc Âu.

- Tôn giáo: Thiên chúa giáo (90%), Tin lành (10%).

- Ngôn ngữ: tiếng Tây Ban Nha, thổ ngữ Goa-ra-ni.

- Quốc tệ: Đồng Goa-ra-ni (Guarani). Tỷ giá: 4,3 goa-ra-ni = 1 USD (2008).

- Quốc khánh: 14/5 (Ngày Độc lập: 14/5/1811).

- Tổng thống: Ông Phéc-nan-đô Lu-gô (Fernando Lugo, Đảng Liên minh Yêu nước vì sự thay đổi, nhậm chức ngày 15/8/2008).

- Bộ trưởng Ngoại giao: Ếc-to Ri-các-đô La-cốc-na-ta Xa-ra-gô-xa (2009).

II. LỊCH SỬ :

- Trước khi bị thực dân Tây Ban Nha xâm chiếm, Pa-ra-goay là nơi cư trú của các tộc người bản địa Goa-ra-ni.

- Năm 1537, nhà thám hiểm Tây Ban Nha Hoan đê Sa-la-xa (Juan de Salazar) thành lập thành phố A-xun-xi-ôn, sau này trở thành một trung tâm thuộc địa Tây Ban Nha.

- Năm 1811, Pa-ra-goay lật đổ chính quyền thực dân Tây Ban Nha và tuyên bố độc lập.

- Từ 1865-1870: Pa-ra-goay tiến hành chiến tranh với 3 nước Ác-hen-ti-na, U-ru-goay và Bra-xin để mở rộng lãnh thổ và tìm đường ra biển. Cuộc chiến gây nhiều thiệt hại cho Pa-ra-goay, bị quân đội Bra-xin chiếm đóng đến năm 1876.

- Từ 1880-1940: Đảng Màu (Colorado) và Đảng Tự do liên tục cầm quyền. Trong các thập kỷ 1930 và 1940, Pa-ra-goay mất ổn định chính trị trầm trọng, luôn xẩy ra nội chiến và xung đột biên giới với Bô-li-vi-a.

- Năm 1954, Tướng An-phrê-đô Xtrô-xnơ (Alfredo Stroessner) làm đảo chính, thiết lập chế độ độc tài quân sự kéo dài gần 35 năm cho tới khi bị Tướng An-đrết Rô-đri-ghết (Andres Rodriguez) lật đổ tháng 2/1989. Trong cuộc bầu cử tháng 5/1989, A. Rô-dri-ghết, với tư cách là ứng cử viên Đảng Màu, đã thắng cử lên làm Tổng thống.

- Năm 1992, thông qua Hiến pháp, thiết lập chế độ dân chủ, cải thiện đáng kể việc bảo vệ các quyền cá nhân cơ bản.

- Trong cuộc bầu cử tháng 5/1993, ứng cử viên Đảng Màu Huan Các-lốt Va-xmô-xi (Juan Carlos Wasmosy) thắng cử và trở thành Tổng thống dân sự đầu tiên sau gần 40 năm. Quốc hội do phe đối lập chiếm đa số chủ trương độc lập với cơ quan hành pháp.

- Tại cuộc bầu cử tháng 5/1998, ứng cử viên Đảng Màu Ra-un Cu-bát Grau (Raul Cubas Grau) đắc cử Tổng thống. Sau 8 tháng cầm quyền, trước nguy cơ bị Quốc hội phế truất, ông Ra-un Cu-bát buộc phải từ chức. Chủ tịch Thượng viện Lu-ít Gôn-xa-lết Mác-chi (Luis Gonzalez Macchi) lên thay.

- Tháng 4/2003, ứng cử viên Đảng Màu Ni-ca-nô Du-ác-tê Phru-tốt (Nicanor Duarte Frutos) đắc cử và nhậm chức Tổng thống từ tháng 8/2003.

- 20/4/2008, ứng cử viên Đảng Liên minh Yêu nước vì sự thay đổi Phéc-nan-đô Lu-gô đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ 2008-2013, chấm dứt 61 năm Đảng Màu liên tục cầm quyền. Tổng thống Phéc-nan-đô Lu-gô chính thức nhậm chức từ 15/8/2008.

III. CHÍNH TRỊ :

Hệ thống chính trị: Pa-ra-goay theo chế độ Cộng hoà. Tổng thống được bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm, là Nguyên thủ quốc gia và đứng đầu Chính phủ, Tổng Tư lệnh các Lực lượng vũ trang. Tổng thống chỉ định các thành viên Nội các.

Quốc hội gồm 2 viện: Thượng viện có 45 thượng nghị sĩ và Hạ viện có 80 hạ nghị sĩ, nhiệm kỳ 5 năm.

Toà án Tối cao là cơ quan cao nhất của ngành tư pháp. Thống đốc các bang được bầu trực tiếp.

Các đảng phái chủ yếu: Đảng Màu, Đảng Tự do Cấp tiến Chân chính (PLRA), Phong trào Liên minh Quốc gia những đảng viên Đảng Màu Đạo đức (UNACE), Phong trào Tổ quốc Yêu dấu (MPQ), Đảng Đất nước Đoàn kết (PPS) và Đảng Gặp gỡ Quốc gia (PEN).

IV. KINH TẾ :

Kinh tế Pa-ra-goay chủ yếu dựa vào nông nghiệp, thương mại và xuất khẩu điện. Pa-ra-goay đang phấn đấu trở thành một nước nông-công nghiệp, có các mặt hàng thế mạnh là thịt (10 triệu đầu gia súc), bông, đậu tương, mía đường, gỗ, vừng, lạc… nhưng chủ yếu là xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô (chiếm khoảng 27% GDP). Thương mại chủ yếu tập trung trong lĩnh vực tái xuất hàng tiêu dùng nhập khẩu từ Mỹ và các nước châu Á sang các nước láng giềng như Bra-xin, Ác-hen-ti-na. Pa-ra-goay có nguồn thuỷ điện dồi dào, hàng năm sản xuất khoảng 45 tỷ Kwh, tiêu thụ trong nước khoảng 3 tỷ Kwh, số còn lại xuất khẩu.

Từ năm 1989, chính phủ Pa-ra-goay tiến hành cải cách kinh tế theo hình mẫu tự do hóa như giảm quản lý nhà nước, bỏ kiểm soát ngoại hối, thả nổi tỷ giá, cải cách thuế, thu hút đầu tư nước ngoài, lập thị trường chứng khoán và cải cách tài chính....

Một số chỉ số kinh tế cơ bản năm 2009:

- GDP: 13,77 tỷ USD với tỷ trọng các ngành kinh tế chủ chốt: nông nghiệp 22,3%, công nghiệp 18,1%, dịch vụ 59,6%

- Tăng trưởng GDP -3,5%

- GDP bình quân đầu người: 4100 USD.

- Lạm phát: 1,9%

- Nợ nước ngoài: 24% GDP

- Thất nghiệp: 7,9%

- Xuất khẩu: 3,167 tỷ USD với các mặt hàng chính là đậu tương, bông, thực phẩm, dầu chế biến, điện, gỗ, da.

- Nhập khẩu: 6,487 tỷ USD với các mặt hàng chính là phụ tùng và phương tiện giao thông đường bộ, đồ tiêu dung, xì gà, sản phẩm xăng dầu, máy móc điện tử, hóa chất.

          (theo CIA Factbook và một số nguồn khác)

V. CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI:

Pa-ra-goay thực hiện chính sách đối ngoại chú trọng tăng cường quan hệ và hội nhập khu vực, đặc biệt trong khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR); là nước Nam Mỹ duy nhất có quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Pa-ra-goay là thành viên các thể chế hợp tác kinh tế, thương mại quốc tế: Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Tổ chức Nông Lương (FAO), Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IADB), Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA).  

V. QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM :

Nhân dân Pa-ra-goay vốn có tình cảm đoàn kết, hữu nghị đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến giành độc lập trước đây, mặc dù chính quyền độc tài quân sự Xtrô-xnơ ủng hộ chính quyền Sài Gòn.

Việt Nam và Pa-ra-goay thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 30/5/1995. Hiện Đại sứ quán ta tại Ác-hen-ti-na kiêm nhiệm Pa-ra-goay và Đại sứ quán bạn tại Nhật kiêm nhiệm Việt Nam.

Trao đổi Đoàn: Đoàn Tổng Vụ trưởng Chính sách song phương Bộ Ngoại giao Pa-ra-goay thăm Việt Nam (3/2005); Đại sứ Pa-ra-goay tại Nhật Bản kiêm nhiệm Việt Nam Isao Taoka trình Quốc thư (5/2006); Thứ trưởng Ngoại giao - Đặc phái viên TTCP Lê Văn Bàng thăm Pa-ra-goay (3/2007); bạn khẳng định ủng hộ Việt Nam ứng cử làm Uỷ viên không thường trực HĐBA/LHQ khoá 2008-2009 và nhân dịp này, hai nước ký Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ.

Trao đổi thương mại hai chiều còn rất khiêm tốn, năm 2008 đạt khoảng 27,3 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất 18,4 triệu USD, nhập 8,9 triệu USD. 

Tháng 8/2010

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer