I. KHÁI QUÁT:
- Tên nước: Nhà nước Đa Dân tộc Bô-li-vi-a
(Estado Plurinacional de Bolivia).
- Thủ đô: La Pát (La Paz).
- Diện tích: 1.098.581 km2.
- Vị trí địa lý: nằm ở miền
trung Nam Mỹ, là một trong hai nước ở Nam Mỹ không có biển; Bắc và Đông giáp Bra-xin, Đông Nam giáp
Pa-ra-goay, Nam giáp Ác-hen-ti-na, Tây giáp Pê-ru và Tây Nam giáp Chi-lê. Địa
hình cao nguyên có dãy An-đết chạy qua, bình nguyên và đồng bằng.
- Dân số: 11,3 triệu (2018).
- GDP: 37,78 tỷ USD (2017).
- GDP/đầu người: 7.600 USD (2017).
- Khí hậu: thay
đổi rõ rệt theo độ cao, từ khô lạnh ôn đới tới nhiệt đới nóng ẩm (nhiệt độ
trung bình tương ứng ba vùng từ 10oC đến 25oC).
- Tôn giáo: 78%
theo Thiên chúa giáo và Công giáo, 18% Tin lành và 4% tôn giáo khác.
- Ngôn ngữ: tiếng
Tây Ban Nha, các thổ ngữ Kê-chua, Ay-ma-ra, Goa-ra-ni, Mô-xê-nhô và 127 thổ ngữ
khác.
- Tiền tệ: Đồng
Bô-li-vi-a-nô, 6,9 BOB = 1 USD (2016).
- Quốc khánh:
6/8 (Ngày Độc lập: 6/8/1825).
- Tổng thống: Lu-ít Ác-xê (Luis Arce), nhậm chức ngày 8/11/2020.
- Ngoại trưởng:
Rô-hê-li-ô
May-ta May-ta (Rogelio
Mayta Mayta, từ 11/2020).
II. LỊCH SỬ:
Trước khi bị người Tây Ban Nha xâm chiếm, Bô-li-vi-a là một
trong những nôi phát triển của văn hoá bản địa. Từ năm 1450, Bô-li-vi-a là vùng
đất thuộc đế chế In-ca. Năm 1531, Tây Ban Nha xâm chiếm Bô-li-vi-a và đặt vùng
đất này dưới sự cai quản của Phó Vương Pê-ru. Trong thời kỳ đô hộ của thực dân
Tây Ban Nha, đã nổ ra nhiều cuộc khởi nghĩa của người bản địa. Bô-li-vi-a cũng
là một trong những thuộc địa Tây Ban Nha đầu tiên ở Châu Mỹ đánh đổ ách thống
trị thực dân. Năm 1824, quân khởi nghĩa của các Tướng Xi-môn Bô-li-va (Simón
Bolivar) và An-tô-ni-ô Hô-xê Đê Xu-crê (Antonio José de Sucre) đánh bại quân Tây
Ban Nha chiếm đóng. Ngày 6/8/1825, Bô-li-vi-a tuyên bố độc lập và tên nước được
đặt là Cộng hoà Bô-li-vi-a để tưởng nhớ đến công lao của Tướng Xi-môn Bô-li-va.
Trong những thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ XX, các chế độ
quân sự thay nhau cầm quyền tại Bô-li-vi-a và đã xảy ra nhiều cuộc đảo chính
quân sự. Từ đầu những năm 80, cũng như tại nhiều nước Mỹ Latinh khác, chế độ
dân chủ được phục hồi ở Bô-li-vi-a.
Trong cuộc tổng tuyển cử tháng 6/2002, ông Gôn-xa-lô
Xan-chê đê Lô-xa-đa (Gonzalo Sánchez de Lozada), ứng cử viên của Đảng Phong
trào Cách mạng Dân tộc (MNR) đã giành thắng lợi và nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ
2002-2007. Tuy nhiên, do tác động của suy thoái kinh tế liên tục 4 năm trước
đó, tình hình tài chính eo hẹp, căng thẳng sắc tộc kéo dài, chính biến của lực
lượng cảnh sát (tháng 2/2003), đặc biệt là những cuộc biểu tình liên tiếp chống
chính phủ (tháng 10/2003) đã buộc Tổng thống Lô-xa-đa phải từ chức (17/10/2003)
và chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống Các-lốt Mê-xa (Carlos Mesa). Chính
phủ của ông Mê-xa tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, nhất là tình trạng xã
hội bị chia rẽ sâu sắc, sự chống đối của các nhóm cực đoan và tình trạng thâm hụt
ngân sách trầm trọng.
Ngày 19/10/2020, ứng viên đảng Phong trào tiến lên Chủ
nghĩa xã hội (MAS) Lu-ít Ác-xê giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử Tổng
thống với 3.393.801 phiếu bầu, tương ứng 55,1%.
III. THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ:
Bô-li-vi-a theo chế độ Cộng hoà. Tổng thống và Phó Tổng
thống được bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm, tối đa hai nhiệm kỳ liên tiếp. Tổng
thống là Nguyên thủ quốc gia và đứng đầu Chính phủ. Tổng thống chỉ định các
thành viên Nội các.
- Quốc hội gồm 2 viện: Thượng viện có 36 thành viên và Hạ
viện có 130 thành viên. Nhiệm kỳ của các Thượng, Hạ nghị sĩ là 5 năm. Phó Tổng
thống đồng thời là Chủ tịch Quốc hội.
- Toà án tối cao: Các Thẩm phán được bầu cử trực tiếp
trên cơ sở đề cử của Quốc hội với nhiệm kỳ 6 năm.
- Các đảng phái chính trong Quốc hội hiện nay gồm: Đảng
Phong trào tiến lên Chủ nghĩa xã hội (MAS) chiếm đa số với 26/36 ghế ở Thượng
viện, 89/130 ghế ở Hạ viện; Đảng Kế hoạch Tiến bộ vì Bô-li-vi-a – Hội tụ quốc
gia (PPB-CN), Đảng Quốc gia Thống nhất, Đảng Liên minh Xã hội.
IV. KINH TẾ:
Bô-li-vi-a giàu tài nguyên
thiên nhiên như dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, thiếc, kẽm, vôn-phram, bạc, đồng,
chì, gỗ, tung-xten, sắt, vàng, thủy điện (trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ
hai ở Nam Mỹ với sản lượng 35 triệu m3/ngày). Kinh tế hiện phụ thuộc chủ yếu
vào khai thác khí đốt và khoáng sản. Tỉ trọng các ngành trong GDP (2011): dịch
vụ chiếm 50%, công nghiệp 40%, nông nghiệp 10%. Nông sản chính: đậu tương (thứ
8 trên thế giới, thứ 4 tại khu vực Nam Mỹ), bông, ngô, mía đường, gạo, khoai
tây, cà phê, quả hạch Bra-xin, gỗ, lá coca (thứ 3 trên thế giới, sau
Cô-lôm-bi-a và Pê-ru). Bô-li-vi-a có nhu cầu lớn về đầu tư nước ngoài cho khai
thác dầu khí và khoáng sản.
Kể từ khi cầm quyền
(22/1/2006), Tổng thống Ê-vô Mô-ra-lết quốc hữu hóa ngành dầu khí, cải cách ruộng
đất; phản đối thành lập Khu vực tự do thương mại Châu Mỹ (ALCA) do Mỹ khởi xướng…Năm
2009, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, Bô-li-vi-a vẫn đạt mức tăng
trưởng cao nhất Mỹ Latinh (4%). Sản phẩm xuất khẩu chính là khí đốt tự nhiên,
thiếc, kẽm, vàng, bạc, cà phê, đậu tương và sản phẩm phụ, đường, gỗ; bạn hàng
chính của Bô-li-vi-a chủ yếu là khu vực có thỏa thuận thương mại ưu đãi song
phương như Cộng đồng An-đết (CAN), Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), khối
Liên minh Bô-li-va cho Châu Mỹ (ALBA), Mỹ,
Hàn Quốc, và Nhật Bản. Hàng nhập khẩu chính: máy móc và phương tiện vận tải,
hàng tiêu dùng, nguyên liệu và bán thành phẩm, hoá chất, các chế phẩm từ dầu mỏ,
nhựa, giấy, máy bay, ô tô, thực phẩm chế biến sẵn; bạn hàng chính: Chi-lê,
Bra-xin, Ác-hen-ti-na, Mỹ, Pê-ru, Trung Quốc.
Bô-li-vi-a là thành viên các thể chế hợp tác kinh tế,
thương mại quốc tế: Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển
(UNCTAD), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Nông Lương (FAO), Ngân
hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân
hàng Phát triển liên Mỹ (IADB), Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), Cộng đồng
các Quốc gia An-đết (CAN) và thành viên liên kết của nhóm Thị trường chung Nam
Mỹ (MERCOSUR).
V. CHÍNH SÁCH ĐỐI
NGOẠI:
Chính phủ Bô-li-vi-a từ thời Tổng thống
Ê-vô Mô-ra-lết triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự
chủ, chống đế quốc chủ nghĩa, tăng cường quan hệ với các chính thể thiên tả, tiến
bộ, tư tưởng theo xã hội chủ nghĩa. Với khu vực, Bô-li-vi-a tăng cường quan hệ
và hội nhập sâu rộng trong khuôn khổ Liên minh Bô-li-vi-a vì các dân tộc châu Mỹ
(ALBA); thúc đẩy hình thành không gian hợp tác giữa Cộng đồng các Quốc gia An-đết
và khối Thị trường chung Nam Mỹ MERCOSUR; nỗ lực tham gia vào dự án hợp tác
năng lượng Nam Mỹ trong khuôn khổ Liên minh các Quốc gia Nam Mỹ (UNASUR).
Bô-li-vi-a
là thành viên của Liên hợp quốc, Cộng đồng Caribe (CARICOM), Liên minh các Quốc
gia Nam Mỹ (UNASUR), Tổ chức các Quốc gia Châu Mỹ (OEA), Nhóm Ri-ô, Phong trào
Không Liên kết, Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU)…
VI. QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM:
1. Chính
trị-Ngoại giao:
Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ ngày 10/02/1987. Hiện Đại
sứ quán Việt Nam tại Bra-xin kiêm nhiệm Bô-li-vi-a và Đại sứ quán Bô-li-vi-a tại
Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam. Về trao đổi Đoàn, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh
(12/2013) và Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (5/2015) thăm Bô-li-vi-a; phía Bô-li-vi-a
có Thứ trưởng Ngoại giao Pa-blô Gu-xman (10/2008) và Phó Tổng thống An-va-rô
Gác-xi-a Li-nê-ra (9/2012).
Lãnh đạo Bô-li-vi-a bày tỏ khâm phục
những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống
nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước
hiện nay, đề nghị ta chia sẻ kinh nghiệm quản lý đất nước theo mô hình kinh tế
thị trường định hướng XHCN và khẳng định mong muốn thúc đẩy quan hệ giữa hai nước
thông qua việc trao đổi đoàn các cấp, ký kết các văn kiện hợp tác trên lĩnh vực
kinh tế-thương mại, nhất là về dầu khí, nông nghiệp, xây dựng...
Hai bên đã ký Hiệp định miễn thị thực
cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ, MOU về việc thiết lập cơ chế tham
khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao (9/2012), Bản Ghi nhớ về hợp tác giữa
PetroVietnam và Công ty Dầu khí quốc gia Bô-li-vi-a (2009), Hiệp định khung về
Thương mại và Đầu tư (12/2013). Hai bên đang xúc tiến trao đổi về Hiệp định
tránh đánh thuế song trùng, Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư, MOU hợp
tác về năng lượng.
2. Kinh tế:
Trao đổi thương mại song phương còn rất khiêm tốn nhưng có đà gia tăng, từ
2,3 triệu USD năm 2007 lên hơn 50 triệu USD năm 2018, tuy nhiên vẫn chỉ
chiếm dưới 1% trong tổng kim ngạch ngoại thương của Bolivia. Các mặt hàng Việt
Nam xuất khẩu chủ yếu là giày dép, sản phẩm dệt may, cao su, linh kiện, phụ
tùng xe máy, và nhập khẩu gỗ, nguyên liệu dệt may và da giầy. Tuy nhiên, còn
nhiều lĩnh vực có tiềm năng hợp tác cùng có lợi như khai thác và chế biến
khoáng sản, khí đốt tự nhiên, nông nghiệp, xây dựng...
3. Hợp tác đa phương:
Bô-li-vi-a là một trong những nước Mỹ Latinh sớm ủng hộ Việt Nam gia nhập
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và làm Uỷ viên không thường trực HĐBA/LHQ
khóa 2008-2009. Hai bên trao đổi phiếu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc
(Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2016, Bô-li-vi-a nhiệm kỳ 2015-2017) và Hội đồng Kinh tế
Xã hội - ECOSOC (Bô-li-vi-a nhiệm kỳ 2013-2015, Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2018). Hiện
ta đang vận đông Bạn ủng hộ vào Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021./.
Tháng 12/2020