TƯ LIỆU CƠ BẢN CỘNG HÒA Ê-QUA-ĐO VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
I. KHÁI QUÁT:
- Tên nước: Cộng hòa Ê-qua-đo (República del Ecuador).
- Thủ đô: Ki-tô (Quito).
- Vị trí địa lý: nằm ở Nam Mỹ, bắc giáp Cô-lôm-bi-a, đông nam giáp Pê-ru, phía tây giáp Thái Bình Dương.
- Diện tích: 283.520 km2.
- Dân số: 16 triệu (2016); lai 72%, da đỏ 22%, khác 6%.
- Quốc khánh: 10/8 (Ngày độc lập: 10/8/1830).
- Tôn giáo: Thiên chúa giáo (94,4%).
- Ngôn ngữ: Tiếng Tây Ban Nha chính thức; thổ ngữ Kê-choa (Quechua).
- Tiền tệ: Ê-qua-đo thực hiện chính sách đô-la hóa (trước năm 2001 dùng đồng Sucre).
- Tổng thống: Ra-pha-en Vi-xên-tê Cô-rê-a Đên-ga-đô (Rafael Vicente Correa Delgado).
- Ngoại trưởng: Gui-dau-mê Long (Guillaume Long).
II. LỊCH SỬ:
- Trước khi bị thực dân Tây Ban Nha xâm chiếm năm 1534, Ê-qua-đo thuộc vùng lãnh thổ của Đế chế In-ca.
- Năm 1822, Ê-qua-đo thoát khỏi ách đô hộ của Tây Ban Nha và gia nhập nước Cộng hoà Đại Cô-lôm-bi-a (bao gồm Ê-qua-đo, Cô-lôm-bi-a, Pa-na-ma và Vê-nê-xu-ê-la).
- Ngày 10/8/1830, Ê-qua-đo tách ra khỏi Cộng hoà Đại Cô-lôm-bi-a và tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Ê-qua-đo.
- Trong các thập niên 60 và 70 thế kỷ XX, giới quân sự nắm quyền. Từ năm 1979, chế độ dân sự được phục hồi.
- Năm 1988, ứng cử viên Đảng Cánh tả Dân chủ Bô-rơ-ha (khuynh hướng xã hội dân chủ) thắng cử và nhậm chức Tổng thống, tiến hành cải cách theo trào lưu tự do mới, chống độc tài quân sự. Tuy nhiên, những biện pháp cải cách mang dấu ấn của chủ nghĩa tự do kinh tế mới đã làm suy giảm vai trò của Nhà nước, làm trầm trọng hơn khủng hoảng chính trị - xã hội ở Ê-qua-đo.
- Tháng 7/1998, Ông Ha-min Ma-u-át (Jamil Mahuad), ứng cử viên của Đảng Dân chủ Nhân dân thắng cử và nhậm chức Tổng thống, song uy tín suy giảm do những khó khăn về kinh tế - xã hội, buộc Tổng thống phải từ chức. Tháng 1/2000, Phó Tổng thống Nô-bô-a (Noboa) lên cầm quyền.
- 15/1/2003, Cựu đại tá quân đội Lu-xi-ô Gu-ti-ê-rết đắc cử Tổng thống. Sau khi lên cầm quyền, Chính phủ Gu-ti-ê-rết không thực hiện các cam kết tranh cử, bị bãi nhiệm Tổng thống tháng 4/2005.
- Ngày 26/11/2006, lãnh đạo Phong trào Liên minh Đất nước Ra-pha-en Vi-xên-tê Cô-rê-a Đên-ga-đô, theo đường lối dân tộc - thiên tả, đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ 2007-2011. Tổng thống Ra-pha-ên Cô-rê-a tiến hành cải tổ bộ máy nhà nước, bầu cử Quốc hội mới, đẩy mạnh chống tham nhũng, triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, chống đói nghèo, phê phán chủ nghĩa tự do kinh tế mới, đề cao tính chất ưu việt của chủ nghĩa xã hội; khẳng định Ê-qua-đo tiến hành "Cách mạng công dân", xây dựng "Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI".
- Ngày 20/10/2008, Ê-qua-đo thông qua Hiến pháp sửa đổi và tiến hành tổ chức tổng tuyển cử trước hạn vào năm 2009. Tổng thống Ra-pha-ên Cô-rê-a tái đắc cử nhiệm kỳ 2009-2013 và tái đắc cử lần 3 nhiệm kỳ 2013-2017 ngày 17/2/2013 với 57% số phiếu bầu.
III. CHÍNH TRỊ:
- Thể chế nhà nước: Ê-qua-đo theo chế độ Cộng hoà.
- Cơ quan hành pháp: Tổng thống và Phó Tổng thống được bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 4 năm. Tổng thống là Nguyên thủ Quốc gia đứng đầu Nhà nước và Chính phủ. Các Bộ trưởng được Tổng thống chỉ định.
- Cơ quan lập pháp: Quốc hội Ê-qua-đo là quốc hội nhất viện. Quốc hội bầu ra Chủ tịch Quốc hội và 02 Phó Chủ tịch nhiệm kỳ 02 năm, có thể tái cử. Các đại biểu Quốc hội khác nhiệm kỳ 04 năm. Chủ tịch Quốc hội bà Ga-bơ-ri-en Ri-van-đê-nây-ra (Gabriel Rivadeneira); Phó chủ tịch thứ nhất bà Rô-xa-na An-va-ra-đô (Rosana Alvarado) và Phó chủ tịch thứ hai bà Mác-xê-la A-ghi-nha-ga (Marcela Aguiñaga) đều thuộc đảng PAIS.
- Cơ quan tư pháp: Hội đồng Thẩm phán là cơ quan quản lý, kiểm soát hệ thống tư pháp. Toà án Tư pháp quốc gia có thẩm quyền xét xử với 21 thẩm phán, nhiệm kỳ 9 năm.
IV. KINH TẾ:
Kinh tế Ê-qua-đo chủ yếu dựa vào sản xuất dầu lửa, sản lượng hơn 500.000 thùng/ngày, năm 2012 xuất khẩu đạt kỷ lục 12 tỷ thùng dầu. Nông nghiệp, chiếm 6,4% GDP (chuối, hoa tươi, ca-cao, tôm, mía đường, bông, gạo, ngô, cà-phê). Ê-qua-đo là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu chuối và là nước xuất khẩu tôm quan trọng. Gần đây, do ảnh hưởng tiêu cực từ việc giá dầu thế giới giảm mạnh (nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất dầu lửa) cũng như thiên tai động đất vào tháng 4/2016 gây thiệt hại về tài sản, kinh tế Ê-qua-đo gặp nhiều khó khăn: năm 2015 tăng trưởng âm 0,6%; năm 2016 âm 2%. GDP tính theo sức mua đạt 183 tỷ USD; tỷ lệ thất nghiệp 4,3%, lạm phát 4%; cơ cấu nền kinh tế: nông nghiệp 6%, công nghiệp 34,2% và dịch vụ 59,7%; xuất khẩu 18,8 tỷ USD và nhập khẩu 18,5 tỷ USD. Các đối tác kinh tế chính gồm: Mỹ, Cô-lôm-bi-a, Chi-lê, Pa-na-ma, Pê-ru, Trung Quốc…
V. CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI:
Chính phủ của Tổng thống Cô-rê-a đề cao độc lập, tự chủ; chủ trương tăng cường liên kết, đoàn kết Mỹ La tinh, tăng cường quan hệ với Vê-nê-xu-ê-la, các nước theo xu hướng dân tộc, thiên tả khu vực đồng thời mở rộng, đa dạng hóa quan hệ với các nước ngoài khu vực châu Mỹ.
Ê-qua-đo là thành viên của trên 50 tổ chức khu vực và quốc tế, trong đó có Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), Tổ chức các nước Châu Mỹ (OAS), Tổ chức các nước Nam Mỹ (UNASUR), thành viên liên kết của Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)…
VI. QUAN HỆ VIỆT NAM - Ê-QUA-ĐO:
Việt Nam và Ê-qua-đo thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ ngày 01/01/1980. Hiện nay, Đại sứ Việt Nam tại Chile kiêm nhiệm Ê-qua-đo và Đại sứ Ê-qua-đo tại Ma-lay-xi-a kiêm nhiệm Việt Nam.
Hai nước thường xuyên tiếp xúc, trao đổi đoàn. Phía Việt Nam: Đoàn UVTƯ Đảng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PetroVietnam Đinh La Thăng (5/2007), Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng (8/2007), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Hội nghị Liên minh Nghị viện Quốc tế tại Ê-qua-đo (3/2013). Phía Ê-qua-đo thăm Việt Nam có các đoàn: Thứ trưởng Ngoại giao, Thương mại và Hội nhập Ê-qua-đo Kin-tô Lu-cát (9/2011); Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Thương mại và Hội nhập Mác-cô An-bu-ha (01/2013); Bộ trưởng Ngoại giao Ri-các-đô Pa-ti-nhô (6/2013). Ngoài ra, Tổng thống R. Cô-rê-a tiếp xúc song phương với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bên lề Đại hội đồng/Liên hợp quốc 62 (9/2007).
Trao đổi thương mại hai nước có xu thế tăng, từ 43 triệu năm 2007 lên hơn 110 triệu USD năm 2015. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Ê-qua-đo cà phê, giầy dép, dệt may, túi xách, ô, dù, gỗ và sản phẩm gỗ, hải sản, hàng chất dẻo, gốm sứ…và nhập khẩu từ thị trường này nguyên liệu phụ kiện dệt may, nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc, gỗ và nguyên liệu gỗ…
Về văn kiện hợp tác, hai nước đã ký Hiệp định miễn thị thực cho hộ chiếu Ngoại giao và Công vụ (8/2007), Thỏa thuận Liên minh Chiến lược giữa PetroVietnam và PetroÊ-qua-đo (7/2008), Bản Ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Điện lực và Năng lượng Tái sinh Ê-qua-đo (8/2008), Bản Ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Mỏ và Dầu khí Ê-qua-đo (8/2008), Thỏa thuận thiết lập cơ chế tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao (9/2011), Bản ghi nhớ về Hợp tác Kinh tế và Thương mại (3/2014).
Về đa phương, hai bên duy trì sự phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương. Trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Đông Á, Mỹ Latinh, ta đã cùng với Ecuador đồng chủ trì: Nhóm Công tác Kinh tế-Xã hội và Tiểu nhóm Du lịch của FEALAC (nhiệm kỳ 2013-2015); Nhóm Công tác Văn hóa - Thanh niên - Giới và Thể thao (kể từ 8/2014-2015; nhiệm kỳ 2015-2017)./.
Back Top page Print Email |