Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Monday, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HÒA HAI-TI VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM


I. KHÁI QUÁT:
- Tên nước: Cộng hòa Hai-ti (Republique du Haiti).
- Thủ đô: Poóc-tô Pơ-ranh-xơ (Port-au-Prince).
- Vị trí địa lý: Thuộc vùng biển Ca-ri-bê, phía Tây CH Đô-mi-ni-ca-na.
- Diện tích: 27.750 km2
- Dân số: 10.485.000 (7/2016)
- Quốc khánh: 01/01/1804
- Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: 26/9/1997
- Đơn vị tiền tệ: Đồng Guốc-đơ (50 Gourde = 1 USD)
- Tôn giáo: Thiên chúa giáo (96%); Vudu (3%); 1% các đạo khác.
- Ngôn ngữ: tiếng Pháp và thổ ngữ Creole.
- Tổng thống tạm quyền: Giô-xê-mê Pờ-ri-ve (Jocerme Privert), từ 14/2/2016.
- Thủ tướng: Ê-nê Giăng Sác-lơ (Enex Jean Charles), từ 25/3/2016.
- Bộ trưởng Ngoại giao và Tôn giáo: Pi-e-rô Đơ-liên (Pierrot Délienne).

 
II. LỊCH SỬ:
- Thực dân Tây Ban Nha chiếm đóng Hai-ti từ thế kỷ thứ XVI. Năm 1697, Tây Ban Nha nhượng lại cho Pháp phần phía Tây đảo La Es-pa-nho-la (La Española) có là Xen Đô-minh-ghê (Saint Domingue). Trong thế kỷ XVIII, Xen Đô-minh-ghê là thuộc địa thịnh vượng nhất của Pháp tại châu Mỹ, sản xuất đường, ca cao, cà phê.
- Từ 1791- 1794, cách mạng giải phóng nô lệ xoá bỏ hoàn toàn chế độ nô lệ ở Hai-ti.
- Từ 1794-1801, Pháp chiếm lại toàn bộ đảo La Es-pa-nho-la (La Española).
- Từ 1801-1803, nhân dân Hai-ti nổi dậy dưới sự lãnh đạo của Tua-xăng Lu-véc-tua (Toussaint Louverture) và sau đó của Giắc Đê-sa-lin (Jacques Dessalines) đánh bại đội quân Na-pô-lê-ông (Napoleon).
- Năm 1804, Giắc Đê-sa-lin lên ngôi Hoàng đế và tuyên bố Hai-ti độc lập. Hai-ti trở thành nước đầu tiên ở Mỹ Latinh giành được độc lập.  
- Từ nửa cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, Hai-ti trải qua thời kỳ dài bất ổn chính trị, nhiều cuộc đảo chính đã xảy ra. Từ 1915-1934, Mỹ chiếm đóng Hai-ti. Sau khi Mỹ rút quân, Hai-ti bất ổn chính trị kéo dài (từ 1957-2004, 7 lần thay Tổng thống và 4 lần đảo chính)
- Tháng 2/2004, đảo chính đã buộc Tổng thống Giăng Béc-thăng A-rít-tít (Jean Bertrand Aristide) từ chức và sống lưu vong. HĐBA/LHQ ra NQ 1529 cho phép gửi Lực lượng đa quốc gia (MIF) đến Hai-ti theo yêu cầu của Chính phủ lâm thời Hai-ti. Lực lượng này do Mỹ đứng đầu và Ca-na-đa, Pháp và Chi-lê góp quân.
- Ngày 30/4/2004, HĐBA ra NQ 1542 lập Phái bộ Duy trì ổn định của LHQ tại Hai-ti (MINUSTAH) và duy trì hiện diện ở Hai-ti cho đến nay.
- Tháng 2/2006, Tổng thống Rơ-nê Prơ-van (René Preval) đắc cử.
- Ngày 20/3/2011, ông Mi-chen Mác-tơ-li (M. Martelly) thuộc Đảng vì Nông dân (Farmer’s Response) đắc cử Tổng thống (nhiệm kỳ 2011-2015).
- Ngày 7/2/2016, Tổng thống Mi-chen Mác-tơ-li kết thúc nhiệm kỳ trong bối cảnh chưa có người kế nhiệm.
- Ngày 25/3/2016, Chủ tịch Thượng viện Jocelerme Privert được Quốc hội bầu làm Tổng thống lâm thời.
- Ngày 03/01/2017, doanh nhân Giơ-vơ-nên Moi-xơ (Jovenel Moise) đã đắc cử Tổng thống Cộng hòa Hai-ti với tỷ lệ phiếu 55,6% và sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 07/02/2017. 

III. CHÍNH TRỊ:  
- Hai-ti theo chế độ Cộng hoà. Tổng thống là Nguyên thủ quốc gia, nhiệm kỳ 5 năm. Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ, do Tổng thống bổ nhiệm và được Quốc hội thông qua. Quốc hội lưỡng viện gồm Thượng viện (30 thượng nghị sĩ được bầu trực tiếp với nhiệm kỳ 6 năm, cứ hai năm lại bầu mới 1/3 thượng nghị sĩ) và Hạ viện (100 hạ nghị sĩ được bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 4 năm).
 - Hai-ti theo chế độ đa đảng. Các đảng phái chính là: Đảng Phan-mi La-va-lát (FL), Liên minh hội tụ Dân chủ (CD), Tổ chức của Nhân dân tranh đấu (OPL), Mặt trận dân tộc vì thay đổi và dân chủ (FNCD), Đại hội dân tộc của các phong trào dân chủ (KONAKOM), Phong trào vì sự thiết lập nền dân chủ ở Hai-ti (MIDH), Phong trào tái thiết quốc gia (MRN), Đảng dân chủ Thiên chúa giáo Hai-ti (PDCH).

IV. KINH TẾ - XÃ HỘI:
- Kinh tế Hai-ti chịu ảnh hưởng nặng nề sau trận động đất năm 2010, làm 300.000 người chết và 3 triệu người mất nhà cửa, thiệt hại kinh tế lên tới 13 tỷ USD. Năm 2011, tăng trưởng GDP phục hồi đạt trên 5,5%, tuy nhiên đến năm 2015 đã giảm còn 2% do ảnh hưởng từ khủng hoảng chính trị trong nước kéo dài. Hai-ti có lợi thế từ việc hưởng chế độ miễn thuế nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ (ưu đãi từ Đạo luật Khuyến khích hợp tác đối tác - HOPE của Hoa Kỳ).
- Cơ cấu nền kinh tế: Nông nghiệp 24%; công nghiệp 20% và dịch vụ 56% (2013). Các sản phẩm nông nghiệp chính: cà phê, mía, chuối, ngô, khoai, lúa gạo. Các ngành công nghiệp chính: chế biến thực phẩm, luyện kim, dệt may, chế tạo máy. Xuất khẩu: 1.029 tỷ USD (2015), trong đó 85,1% xuất sang Mỹ. Các mặt hàng xuất khẩu chính: dệt may, ca cao, xoài, cà phê. Nhập khẩu: 4,37 tỷ USD (2015). Các đối tác chính là CH Đô-mi-ni-ca-na (35%); Mỹ (24%); Hà Lan (9%) và Trung Quốc (9,0%). Các mặt hàng nhập khẩu chính: thực phẩm, máy móc thiết bị sản xuất, phương tiện vận tải, nguyên nhiên liệu.

V. ĐỐI NGOẠI:

Hai-ti là thành viên của LHQ, Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), Cộng đồng Ca-ri-bê (CARICOM, giữ chức Chủ tịch năm 2013), Hiệp hội các nước Ca-ri-bê (AEC) và các tổ chức khác như CELAC, ILO, WTO; tham gia Thỏa thuận đối tác kinh tế 14 quốc gia Ca-ri-bê (CARIFORUM) với EU.

VI. QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM:

Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Hai-ti ngày 26/9/1997. Hiện Đại sứ quán ta tại Cuba kiêm nhiệm Hai-ti; tháng 12/2013, Hai-ti mở Đại sứ quán và cử Đại biện thường trú tại Hà Nội. Sau trận động đất ngày 12/1/2010 tại Hai-ti; Chính phủ ta thông qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam viện trợ 150.000 USD cho Hai-ti để khắc phục hậu quả. Hai bên đã trao đổi đoàn các cấp, nổi bật về phía Việt Nam có: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (3/2014), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son (2/2013), Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (tháng 4 và 6/2013), đoàn công tác kỹ thuật Việt Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tháng 1/2013). Về phía Hai-ti có: Thủ tướng Laurent Lamothe (12/2012); Đoàn liên Bộ gồm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính kiêm Bộ trưởng Công thương Wilson Laleau và Bộ trưởng Nông nghiệp Jacques Thomas (7/2013) thăm Việt Nam. Hai bên đã ký nhiều văn kiện hợp tác về kinh tế, thương mại, nông nghiệp…; duy trì phối hợp chặt chẽ tại các tổ chức quốc tê và diễn đàn đa phương./.   

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer