TƯ LIỆU CƠ BẢN VỀ CỘNG HÒA ĐÔNG U-RU-GOAY VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
I. Khái quát:
- Tên nước: Cộng hòa Đông U-ru-goay (República Oriental del Uruguay)
- Thủ đô: Môn-tê-vi-đê-ô (Montevideo).
- Vị trí địa lý: ở vùng Đông Nam Nam Mỹ, phía Bắc và Đông Bắc giáp Bra-xin, Nam giáp sông Bạc (River Plate), Đông và Đông Nam giáp Đại Tây Dương và Tây giáp Ác-hen-ti-na.
- Dân số: 3.351.000 triệu người (7/2016).
- Diện tích: 176.216 km2.
- Quốc khánh: 25/8/1825
- Tôn giáo: Thiên chúa giáo (66%), Tin lành (2%), Do thái (1%), các đạo khác (31%).
- Đơn vị tiền tệ: Đồng Pê-xô U-ru-goay (tỷ giá: 27 Pê-xô = 1 USD).
- Ngôn ngữ: Tiếng Tây Ban Nha.
- Tổng thống: Ta-ba-rê Vát-xkết (Tabaré Vázquez, từ 11/2014).
- Ngoại trưởng: Rô-đôn-phô Nin Nô-vô-a (Rodolfo Nin Novoa, từ 3/2015).
II. Lịch sử:
- Năm 1516, Hoan Đi-át đê Xô-lít (người Tây Ban Nha) phát hiện ra vùng lãnh thổ U-ru-goay hiện nay. U-ru-goay thành thuộc địa của Tây Ban Nha. Năm 1821, U-ru-goay bị Bồ Đào Nha sáp nhập vào Bra-xin.
- Ngày 25/8/1828, sau nhiều cuộc khởi nghĩa, U-ru-goay tuyên bố độc lập bằng việc ký Hiệp ước Môn-tê-vi-đê-ô (1828), U-ru-goay trở thành một quốc gia độc lập. Hiến pháp đầu tiên được thông qua năm 1830.
- Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, U-ru-goay tiến hành cải cách sâu rộng trên lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội. Từ năm 1973-1985, giới quân sự đã lên nắm quyền tại U-ru-goay.
- Năm 1984, Lãnh tụ của Đảng Mầu Hu-li-ô M. Xan-ghi-nê-ti thắng cử Tổng thống. U-ru-goay bắt đầu cải cách kinh tế và củng cố nền dân chủ mạnh mẽ.
- Năm 2004, ứng cử viên liên minh cánh tả gồm các đảng Gặp gỡ Tiến bộ, Mặt trận Rộng rãi và Đa số Mới Ta-ba-rê Vát-xkết (Tabaré Vázquez) đắc cử Tổng thống, chấm dứt 170 năm cầm quyền của 2 chính đảng truyền thống U-ru-goay (Đảng Màu và Đảng Dân tộc). Năm 2009, ứng cử viên Liên minh cánh tả Mặt trận rộng rãi (FA) Hô-xê Mu-hi-ca (José Mujica) đắc cử Tổng thống (2010-2015).
- Năm 2014, ứng cử viên T. Vát-xkết của Liên minh cầm quyền tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ 2015-2020.
III. Về chính trị:
U-ru-goay theo chế độ Cộng hoà. Tổng thống được bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm, là Nguyên thủ quốc gia và đứng đầu Chính phủ. Tổng thống chỉ định các thành viên Nội các.
Quốc hội bao gồm 2 viện (Thượng viện: 30 thượng nghị sĩ, Hạ viện: 90 hạ nghị sĩ) được bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm. Phó Tổng thống đồng thời là Chủ tịch Thượng viện.
Các đảng phái chính gồm: Đảng Mầu (PC), Đảng Dân tộc (PN), Liên minh Mặt trận rộng rãi - Gặp gỡ tiến bộ (FA-EP), Đảng Xã hội U-ru-goay...
IV. Về kinh tế:
U-ru-goay có nền kinh tế phát triển khá, chủ yếu dựa vào xuất khẩu nông sản. U-ru-goay chú trọng đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước bạn hàng truyền thống trong khối MERCOSUR, EU và Bắc Mỹ. GDP giai đoạn 2008-2013 đạt 5,5%, sau giảm xuống còn 3% ( năm 2014) và 1,5% (năm 2015).
Các mặt hàng xuất khẩu chính: thịt bò, lúa mạch, sắn, dầu hướng dương, đậu, mía, đường…). Các ngành kinh tế chính: chăn nuôi (bò, cừu…); chế biến nông sản (thịt, da thuộc, len), sản xuất nguyên vật liệu xây dựng, đồ gia dụng; dịch vụ tài chính, giao thông-vận tải, công nghệ tin học - phần mềm và du lịch.
V. Về đối ngoại:
U-ru-goay là thành viên sáng lập Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), chú trọng quan hệ với các nước khu vực; thúc đẩy các sáng kiến tăng cường hợp tác Nam-Nam với châu Á, châu Phi; cam kết nỗ lực thúc đẩy Vòng đàm phán Doha nhằm bảo vệ lợi ích các quốc gia đang phát triển; là thành viên LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR)...
VI. Quan hệ với Việt Nam:
Việt Nam và U-ru-goay thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 11/8/1993. Đại sứ quán ta tại Ác-hen-ti-na kiêm nhiệm U-ru-goay. Ngày 16/8/2011, Đoàn Đại sứ lưu động U-ru-goay vào Việt Nam mở Cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam. Ngày 21/2/2012, Đại sứ Các-lốt I-ri-ga-ray Xan-ta-na trình quốc thư lên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Hai bên trao đổi đoàn một số đoàn, nổi bật về phía U-ru-goay có Tổng thống Ta-ba-rê Vát-xkết (11/2007), Ngoại trưởng Lu-ít An-ma-gơ-rô (6/2010), Phó Tổng thống Đa-ni-lô Át-xtô-ri (11/2012), Bộ trưởng Ngoại giao Uruguay Rodolfo Nin Novoa (10/2016). Về phía Việt Nam có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (5/2009), Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (12/2013). Hai bên cũng duy trì các tiếp xúc song phương tại các diễn đàn đa phương; ký nhiều văn kiện hợp tác về kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ; duy trì phối hợp chặt chẽ tại các tổ chức quốc tê và diễn đàn đa phương./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |