TƯ LIỆU CƠ BẢN CỘNG HÒA ÔN-ĐU-RÁT VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
I. KHÁI QUÁT:
- Tên nước: Cộng hòa Ôn-đu-rát (República de Honduras).
- Thủ đô: Thành phố Tê-gu-ci-gan-pa (Tegucigalpa), chia làm 18 khu.
- Vị trí địa lý: nằm ở Trung Mỹ; phía tây giáp biên giới với Goa-tê-ma-la, phía Tây Nam giáp Ên Xan-va-đo, phía Đông Nam giáp với Ni-ca-ra-goa, phía Nam giáp với Thái Bình Dương và phía Bắc giáp Bê-li-xê, vịnh Ôn-đu-rát và biển Ca-ri-bê.
- Diện tích: rộng 112.492 km2.
- Dân số: 8,893 triệu (7/2016), đứng thứ 94 trên thế giới.
- Khí hậu: Nhiệt đới; mùa mưa nóng, ẩm kéo dài.
- Tôn giáo: Đạo Thiên chúa (97%); đạo Tin lành (3%).
- Ngôn ngữ: Tiếng Tây Ban Nha.
- GDP: 20,3 tỷ đô-la Mỹ (2017)
- GDP đầu người: 4.900 đô-la Mỹ/năm (2017)
- Tiền tệ: đồng Lempira (HNL) 1 đô-la Mỹ = 23 Lempira.
- Quốc khánh: 15/9/1821.
- Tổng thống: Hoan Ô-lan-đô Ê-nan-đết (27/1/2018)
- Ngoại trưởng: Ma-ri-a Đo-lo-rết A-guê-rô (27/3/2017)
II. LỊCH SỬ:
- Thực dân Tây Ban Nha chiếm đóng Ôn-đu-rát từ thế kỷ thứ XVI.
- Năm 1821: Ôn-đu-rát thoát khỏi ách thực dân và sát nhập vào Đế chế Mê-hi-cô mới được thành lập của I-tu-bi-đê (Iturbide).
- Năm 1823: Sau khi đế chế I-tu-bi-đê bị lật đổ, Trung Mỹ tách ra lập thành Liên bang các Tỉnh Thống nhất. Năm 1838, Liên bang này giải thể và các bang trở thành các quốc gia độc lập.
- Ngày 8/12/1941: Sau vụ tấn công Trân Châu Cảng, Ôn-đu-rát gia nhập quân Đồng minh.
- Năm 1942: Ôn-đu-rát cùng với 25 Chính phủ khác ký kết Tuyên bố Liên minh Quốc gia.
- Năm 1963: Đảo chính quân sự lật đổ Tổng thống Vi-giê-gát Mô-ra-lết (Villegas Morales), lập hội đồng quân sự lãnh đạo đất nước.
- Năm 1981: Ông Xu-a-xô Cô-đô-va (Suazo Cordova) được bầu làm Tổng thống, chuyển từ chế độ cầm quyền quân sự sang bầu cử dân chủ.
- Từ 1986-2002: Tình hình chính trị tương đối ổn định. Các kỳ Tổng thống: Át-cô-na đên Ô-giô (Azcona Del Hoyo) nhiệm kỳ 1986-1990; Ra-pha-en Ca-giê-khát (Rafael Callejas) nhiệm kỳ 1990-1994; Các-lốt Rô-béc-tô Rê-i-na (Carlos Roberto Reina) nhiệm kỳ 1994-1998; Phơ-lo-rết Pha-quy-xê (Flores Facusse) nhiệm kỳ 1998-2002.
- Năm 2004 thông qua luật bầu cử, theo đó các cuộc bầu cử Tổng thống và Thị trưởng được tổ chức riêng biệt.
- Ngày 27/11/2005, Ông Ma-un-en Xê-la-gia (Manuel Zelaya) thuộc Đảng Tự do Ôn-đu-rát (PLH) giành đa số phiếu trong cuộc bầu củ Tổng thống. Tuy nhiên, ngày 28/6/2009, xảy ra đảo chính phế truất Tổng thống Ma-nu-en Xê-la-gia, Chủ tịch Quốc hội Rô-béc-tô Mi-chê-lê-ti (Roberto Micheletti) làm Tổng thống tạm quyền.
- Ngày 27/1/2014, ông Hoan Ô-lan-đô Ết-nan-đết đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ 2014-2018.
III. CHÍNH TRỊ:
- Thể chế nhà nước: Ôn-đu-rát theo chế độ Cộng hoà Tổng thống. Tổng thống là Nguyên thủ quốc gia và đứng đầu Chính phủ, được bầu trực tiếp thông qua tuyển cử, nhiệm kỳ 4 năm.
- Cơ quan lập pháp: Quốc hội nhất viện gồm 128 ghế theo phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 4 năm. Các đảng phái chính trị chính gồm: Đảng Quốc gia Ôn-đu-rát (Partido Nacional de Honduras-PNH) cầm quyền 71 ghế, Đảng Tự do Ôn-đu-rát (Partido Liberal de Honduras-PLH) 45 ghế, Dân chủ Thiên chúa giáo (Partido Demócrata-Cristiano-PDC) 5 ghế, Dân chủ Thống nhất (Partido Unificación Democrática-PUD) 4 ghế và Đảng Dân chủ Xã hội (Partido Innovación Nacional y Social Demócrata-PINUSD) 3 ghế. Trong đó hai đảng chính lớn là PNH và PLH đã thay nhau cầm quyền đất nước trong nhiều thập kỷ.
- Cơ quan tư pháp: Toà án tối cao có 15 thẩm phán do Quốc hội bầu, nhiệm kỳ 7 năm.
IV. KINH TẾ:
Ôn-đu-rát là quốc gia nghèo thứ hai ở Trung Mỹ, nền kinh tế tăng trưởng trung bình 3% giai đoạn 2013-2016, nông nghiệp chiếm 13,9%, công nghiệp 26,6% và dịch vụ 59,5% GDP. Nhập khẩu năm 2015 đạt 11,1 tỷ đô-la Mỹ và xuất khẩu đạt 8,0 tỷ đô-la Mỹ, xuất khẩu chủ yếu là các mặt hàng như: chuối, cà phê, chuối, tôm, tôm hùm…, mới đây thêm hàng may mặc và dây điện, nhập khẩu chủ yếu máy móc, trang trang thiết bị vận tải, nguyên nhiên liệu, hóa chất, nhiên liệu, thức ăn. Đối tác thương mại chính là Mỹ, Mexico, El Salvador, Guatemala.
V. CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI:
Chính phủ của Tổng thống Hoan Ô-lan-đô Ết-nan-đết ưu tiên tái thiết lập quan hệ với tất cả các nước trong và ngoài khu vực, xây dựng đất nước duy trì mô hình phát triển trong những thập kỷ gần đây vốn dựa trên sự phụ thuộc kinh tế và tài trợ của các quỹ trợ cấp từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng phát triển liên Mỹ (IDB), Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Hội nhập Kinh tế Trung Mỹ (BCIE). Hiện Chính phủ Ôn-đu-rát chủ trương mở rộng quan hệ với các nước ở Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Ôn-đu-rát là thành viên của hơn 40 các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, nhóm G-77, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức các nước Châu Mỹ (OAS), Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Petrocaribe…
VI. QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM:
Việt Nam và Ôn-đu-rát thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 5/2005. Đại sứ quán Việt Nam tại Mê-hi-cô kiêm nhiệm Ôn-đu-rát, bạn chưa có Đại sứ quán kiêm nhiệm Việt Nam. Hai bên duy trì phối hợp và hợp tác tốt tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế. Trao đổi thương mại hai chiều năm 2015 đạt 22 triệu đô-la Mỹ và 9 tháng đầu năm 2016 đạt 14,9 triệu đô-la Mỹ.
Back Top page Print Email |