TƯ LIỆU CƠ BẢN GIA-MAI-CA VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
I. KHÁI QUÁT:
- Tên nước: Gia-mai-ca (Jamaica)
- Thủ đô: King-xtơn (Kingston).
- Vị trí địa lý: thuộc quần đảo An-ti lớn nằm trong vùng biển Ca-ri-bê, phía Nam Cu-ba. Địa hình 80% là đồi núi.
- Diện tích: 10.991 km².
- Dân số: 2,97 triệu (7/2016), trong đó 92.1% là người da đen, 6.1% là người lai, 0.8% là người gốc Ấn.
- GDP: 24,65 tỉ USD (2015), xếp thứ 138 thế giới.
- GDP đầu người: 8.800 USD (2015)
- Ngôn ngữ: tiếng Anh.
- Tôn giáo: Tin Lành (64,8%), các tôn giáo khác (35,2%).
- Ngày Quốc khánh: 6/8/1962 (Ngày Độc lập)
- Tiền tệ: Đồng Đô la Gia-mai-ca. Tỷ giá 1 JMD = 0,0077 USD (2016)
- Toàn quyền: ông Pa-trích Lin-tơn A-lân (Patrick Linton Allen).
- Thủ tướng: ông En-đriu Mai-cơn Hon-nít (Andrew Micheal Holness) (kể từ 3/2016, là nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp).
II. LỊCH SỬ:
- Năm 1494: Đô đốc C. Cô-lông phát hiện ra Gia-mai-ca, quốc đảo lớn thứ ba tại Ca-ri-bê.
- Năm 1509: Gia-mai-ca trở thành thuộc địa của Tây Ban Nha.
- Năm 1655: là thuộc địa của Anh.
- Năm 1959: Gia-mai-ca giành được quyền tự quyết về đối nội.
- Năm 1962: Gia-mai-ca tuyên bố độc lập (ngày 6/8).
III. CHÍNH TRỊ:
- Thể chế nhà nước: Gia-mai-ca là quốc gia độc lập nằm trong Khối Liên hiệp Anh theo chế độ quân chủ lập hiến. Trên danh nghĩa, Nguyên thủ quốc gia là Nữ hoàng Anh Ê-li-da-bét II (Elizabeth II). Toàn quyền, đại diện cho Nữ hoàng tại Gia-mai-ca, do Nguyên thủ quốc gia bổ nhiệm. Từ năm 2009, Toàn quyền là ông Pa-trích Lin-tơn A-lân (Patrick Linton Allen). Quyền hành pháp nằm trong tay nội các do Thủ tướng đứng đầu. Thủ tướng là thủ lĩnh của đảng chiếm đa số tại Hạ viện.
- Hệ thống lập pháp: Quốc hội lưỡng viện: Thượng viện (21 thượng nghị sĩ, do Toàn quyền bổ nhiệm, trong đó 13 thượng nghĩ sĩ thuộc đảng cầm quyền, số còn lại thuộc đảng đối lập) và Hạ viện (60 hạ nghị sĩ được bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm).
- Hệ thống tư pháp: Tòa án tối cao (các thẩm phán do Toàn quyền bổ nhiệm) và các Tòa án phúc thẩm, sơ thẩm.
IV. KINH TẾ- XÃ HỘI:
Là nước giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là bô-xít; Gia-mai-ca có nền kinh tế tương đối phát triển so với các nước nói tiếng Anh ở Ca-ri-bê. Từ những năm 70, Gia-mai-ca trở thành nước xuất khẩu bô-xít và nhôm lớn thứ hai trên thế giới. Nông nghiệp chuyên về trồng chuối, mía, cà phê, ca cao... Du lịch có vai trò ngày càng quan trọng. Những năm gần đây, Chính phủ Gia-mai-ca chú trọng thu hút và khuyến khích đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực, tạo việc làm và sử dụng nguyên vật liệu thô trong nước (như chế biến gỗ, chế biến thực phẩm, dệt...).
Các ngành công nghiệp chính: luyện kim (nhôm), chế biến thực phẩm, may mặc, lọc dầu, công nghiệp nhẹ, viễn thông; Các nông sản chính: mía, chuối, cà phê, cam, chanh, ca cao, thịt bò, dê, cừu, gia cầm... Năm 2015, GDP tăng trưởng 1,1%, thất nghiệp 14%, dân số dưới mức nghèo đói 16,5%, lạm phát 3,7%. Dự kiến tăng trưởng GDP 1,6% năm 2016 và 1,9% năm 2017.
V. ĐỐI NGOẠI:
Gia-mai-ca có quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới. Duy trì quan hệ chặt chẽ với Anh; củng cố và phát triển quan hệ thương mại-tài chính với Mỹ (đối tác thương mại quan trọng nhất của Gia-mai-ca); thúc đẩy quan hệ với các nước nói tiếng Anh trong Cộng đồng Ca-ri-bê thông qua tổ chức CARICOM.
Gia-mai-ca là thành viên của Liên hợp quốc, Khối Liên hiệp Anh (Commonwealth), Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), Phong trào Không liên kết, G15, G77...
VI. QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM:
Việt Nam và Gia-mai-ca thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 5/01/1976. Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Cu-ba kiêm nhiệm Gia-mai-ca. Đại sứ quán Gia-mai-ca tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam.
Tháng 9/1979, sau khi dự Hội nghị Cấp cao VI Phong trào Không liên kết tại La Ha-ba-na (Cu-ba), Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thăm hữu nghị chính thức Gia-mai-ca, đánh dấu bước phát triển trong quan hệ hai nước. Gia-mai-ca ủng hộ ta gia nhập WTO, ứng cử làm Uỷ viên không thường trực HĐBA/LHQ khoá 2008-2009.
Quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước hầu như chưa có gì. Tuy nhiên, giữa hai nước có những tiềm năng và thế mạnh có thể bổ trợ, hợp tác với nhau: Gia-mai-ca có nền công nghiệp bô-xít/nhôm, trồng và chế biến nông sản nhiệt đới, du lịch, thể thao… khá phát triển và có nhu cầu nhập khẩu hầu hết các loại hàng hóa tiêu dùng./.
Back Top page Print Email |