I. KHÁI QUÁT:
- Tên nước: Cộng hòa Hợp tác Guy-a-na (Cooperativa República de Guyana).
- Thủ đô: Thành phố Gio-giơ-thao (Georgetown); 10 tỉnh gồm: Barima- waini; Pomeroon-supenaam; Essequibo Islands- West Demerara; Demerara-Mahaica; East Berbice-Corentyne; Cuyuni-Mazaruni; Potaro-Siparuni; Upper Takutu-Upper Essequibo; Upper Demerara-Berbice.
- Vị trí địa lý: nằm ở Nam Mỹ; phía đông Guy-a-na giáp với Su-ri-nêm (Suriname); phía nam và tây nam giáp với biên giới Bra-xin (Brasil) và phía tây giáp với Vê-nê-xu-ê-la (Venezuela).
- Diện tích: 214.970 km2.
- Dân số: 750.000 (2016).
- Khí hậu: nhiệt đới gió mùa, có hai mùa mưa tháng 5 tới tháng 8 và từ tháng 11 đến tháng 1.
- Tôn giáo: Đạo Thiên chúa (57%); đạo Hinđu (33%); đạo Hồi (8%), tôn giáo khác (2%).
- Ngôn ngữ: Tiếng Anh chính thức, các thổ ngữ được sử dụng rộng rãi.
- GDP: 3,164 tỷ USD (2015)
- GDP/đầu người: 4,218 USD
- Tiền tệ: Đô la Guy-a-na (GYD) 1 USD = 205 Đô la Guy-a-na
- Quốc khánh: 23/2/1970.
- Tổng thống: Đa-vít Gơ-ran-gơ (David Granger) từ tháng 5/2015.
- Thủ tướng: Mô-xết Na-ga-mô-tô (Moses Nagamootoo) từ tháng 5/2015.
- Phó Tổng thống, Ngoại trưởng: Carl Greenidge (Cao-lơ Gơ-rin-nít-giơ).
II. LỊCH SỬ:
1498: Cô-lôn phát hiện ra Guy-a-na trong chuyến đi lần thứ 3 của ông.
1616: Người Hà Lan lập ra ba thuộc địa: Essequibo (1616), Berbice (1627) và Demerara (1752).
1814: Người Hà Lan chính thức rời khỏi Guy-a-na.
1831: Ba vùng sát nhập thành thuộc địa của Anh dưới tên Guy-a-na.
1834: Xóa bỏ chế độ nô lệ.
1953: Vùng lãnh thổ này dành được quyền tự trị
1966: Độc lập khỏi Anh quốc
1970: Chính thức trở thành nền Cộng hòa.
III. CHÍNH TRỊ:
Chính trị Guy-a-na theo khuôn khổ cộng hoà đại diện dân chủ bán Tổng thống, theo đó Tổng thống Guy-a-na là nguyên thủ quốc gia, và một hệ thống chính trị đa đảng. Quyền hành pháp thuộc chính phủ. Quyền lập pháp do Quốc hội Guy-a-na đảm nhiệm. Tư pháp độc lập với hành pháp và lập pháp. Cuộc bầu cử quốc gia năm 2006 là cuộc bầu cử hòa bình đầu tiên trong thời gian gần đây.
- Cơ quan lập pháp: Quốc hội một viện gồm 68 ghế, trong đó 63 ghế được bầu theo phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 5 năm.
- Cơ quan tư pháp: Tòa án Công lý Tối cao, được chia thành hai: Tòa Tối cao và Tòa Phúc thẩm.
IV. KINH TẾ:
Nền kinh tế Guy-a-na tăng trưởng vừa phải trong những năm gần đây, trung bình 4%/năm và chủ yếu dựa vào nông nghiệp và các ngành công nghiệp khai khoáng; chủ yếu xuất khẩu đường, vàng, bô-xít, tôm, gỗ, gạo; nhập khẩu đồ gia dụng, thực phẩm, máy móc. Các đối tác chính gồm Hoa Kỳ, Canada, Trinidad và Tobago, Venezuela. Nền kinh tế của Guy-a-na dần phục hồi kể từ sau những cuộc lũ lụt năm 2005 thông qua sự gia tăng kiều hối, đầu tư trực tiếp nước ngoài trong các ngành công nghiệp đường, gạo, ngành khai thác mỏ, cũng như thỏa thuận năng lượng đạt được với nước láng giếng Venezuela. Ngoài ra, Guy-a-na cũng được đánh giá là có nhiều mỏ đá quý, kim cương chưa được khai thác.
V. CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI:
Sau khi độc lập vào năm 1970, Guy-a-na đã tìm kiếm một vai trò có ảnh hưởng trong các vấn đề quốc tế, đặc biệt trong thế giới thứ ba và các quốc gia không liên kết. Hai lần vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (1975-1976 và 1982-1983). Nguyên Phó Tổng thống, Phó Thủ tướng Mohamed Shahabuddeen đã phục vụ 9 năm trong Tòa án Tư pháp Quốc tế (1987-1996).
Đóng một vai trò quan trọng trong việc thành lập Cộng đồng Caribbean và thị trường chung (CARICOM) Guy-a-na luôn nỗ lực thực hiện chính sách đối ngoại trong sự liên kết chặt chẽ với sự đồng thuận của các thành viên CARICOM, đặc biệt là trong cuộc bầu chọn trong LHQ, OAS và tích cực tham gia các cơ chế hợp tác quan trọng khác trên thế giới và tại khu vực như IMF, NAM, UPU, WTO, CELAC, UNASUR…
VI. QUAN HỆ VIỆT NAM - GUY-A-NA:
Việt Nam và Guyana thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 19/4/1975, hai bên duy trì quan hệ chính trị tốt đẹp, phối hợp và hợp tác thường xuyên tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương. Trao đổi thương mại song phương còn rất khiêm tốn, trung bình khoảng 5 triệu USD/năm./.