Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Wednesday, ngày 25 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Mỹ phải nhận trách nhiệm đối với các nạn nhân Đioxin Việt Nam


Hà Nội (TTXVN) - Theo dự kiến, ngày 28/2/2005, Tòa án quận Brooklyn, Niu Yoóc sẽ nghe luật sư hai bên của vụ kiện đòi các công ty hóa hất Mỹ bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân chất độc da cam/Điôxin Việt Nam trình bày chứng cứ  trước tòa.

Trước sự kiện này, khi trả lời phỏng vấn TTXVN, ông Len Aldis, Chủ tịch Hội Hữu nghị Anh-Việt - người đã lập website nhằm thu thập các chữ ký ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trong vụ kiện này – khẳng định: “Các công ty đã sản xuất ra loại hoá chất nói trên phải có trách nhiệm trước những thiệt hại khủng khiếp và ghê sợ mà người dân và đất nước Việt Nam phải gánh chịu. Xét một cách công bằng, Chính phủ Mỹ cũng phải nhận trách nhiệm về việc đã ra lệnh sử dụng loại chất độc này".

Về lý do Hội Hữu nghị Anh-Việt lập website để ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/Điôxin Việt Nam trong vụ kiện này, ông L.Aldis giải thích: "Khi hay tin có các nạn nhân da cam Việt Nam khởi đơn kiện 36 công ty hoá chất của Mỹ có liên quan đến việc sản xuất chất độc màu da cam/Điôxin, như bao người dân ở Việt Nam và các quốc gia khác, tôi ủng hộ hành động này. Tôi đã thảo luận với các người bạn ở Mỹ và Thuỵ Điển và đi đến quyết định không nên hành động như một luật sư bào chữa. Cách tốt nhất để tập hợp sự giúp đỡ của mọi người đối với vụ kiện này là lập một trang web trên Internet để thu thập các chữ ký ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và các ý kiến về vụ kiện này. Các kiến nghị thu thập qua trang web sẽ được gửi đến Tổng thống Mỹ cũng như Thượng viện và Hạ viện Mỹ."

Theo ông L.Aldis, trang web này kêu gọi Chính phủ Mỹ và các công ty hoá chất Mỹ liên quan đến vụ kiện này cần phải thừa nhận trách nhiệm của mình và phải bồi thường cho các nạn nhân Điôxin cùng gia đình họ.

Ông L.Aldis cho biết: "Lúc đầu, do có ít người biết nên việc thu thập chữ ký diễn ra chậm. Tại Việt Nam, các phương tiện thông tin như các báo Vietnam News, Nhân Dân, Tuổi trẻ và một số tờ báo khác đã nắm bắt được thông tin về trang web này và đã kịp thời công bố một cách rộng rãi. Tôi đã gửi 1.400 thư điện tử đến các tổ chức và cá nhân trên khắp thế giới, kêu gọi ủng hộ và đề nghị họ thiết lập liên lạc với trang web của chúng tôi".

"Thành công đã đến. Trong vòng vài tuần sau đó, nhiều người đã ký tên vào trang web, đồng thời họ đề nghị bạn bè, người thân làm theo. Có những ngày, số chữ ký ủng hộ nạn nhân chất độc da cam đã lên đến 15.000. Nhiều người đã gửi thư cám ơn tôi và cho biết người thân của họ đã bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam như thế nào. Có nhiều lá thư rất cảm động. Internet quả thật là một công cụ hữu hiệu trong việc kêu gọi sự ủng hộ của mọi người. Nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra về vấn đề bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân”.

Về trách nhiệm pháp lý của chính quyền và các công ty hóa chất Mỹ đối với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, ông L.Aldis cho rằng: “Năm 1996, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã thừa nhận những tác hại mà chất độc màu da cam tác động lên các quân nhân Mỹ trong chiến tranh tại Việt Nam, đồng thời tuyên bố sẽ đền bù cho họ. Như vậy, trên thực tế Chính phủ Mỹ đã nhận trách nhiệm. Chính quyền Bush làm sao có thể đảo ngược lại quyết định này!"

Ông L.Aldis cho rằng: "Các nạn nhân da cam (hiện tại gồm gần 3 triệu người) và gia đình họ, những người cũng đã và đang phải gánh chịu hậu quả của loại chất độc nói trên cần phải được bồi thường.”

Ông L.Aldis cho biết Niu Dilân đã thừa nhận ảnh hưởng của chất độc da cam đối với các cựu chiến binh nước này từng tham chiến tại Việt Nam. Sau đó, nước này đã lên tiếng xin lỗi các cựu chiến binh.

Ông nói: "Việc Niu Dilân sau nhiều năm đã thừa nhận rằng các quân nhân nước này, những người từng tham chiến tại Việt Nam, bị ảnh hưởng của chất độc da cam, rất đáng được hoan nghênh. Việc họ xin lỗi các cựu chiến binh cũng đáng được hoan nghênh, nhưng những lời xin lỗi không thôi là chưa đủ. Chỉ riêng lời xin lỗi thì chẳng có ích gì trong việc giảm đi những tác động khủng khiếp mà các quân nhân nói trên phải chịu đựng. Các cựu chiến binh Niu Dilân vẫn đang tiếp tục đấu tranh đòi bồi thường, giống như các cựu binh Hàn Quốc và Ôxtrâylia. Nhiều cựu binh Mỹ cũng đang theo dõi vụ kiện này, bởi vì trong số họ, có nhiều nạn nhân Điôxin chưa được nhận bồi thường”.

Theo ông, khi mà chất độc da cam đã tác động đến ba thế hệ người Việt Nam, việc duy trì áp lực đòi Chính phủ và các công ty liên đới của Mỹ phải nhận trách nhiệm là một việc cần thiết phải làm. Đây là một trong những nội dung của các bức thư mà tôi gửi đến Tổng thống Bush, Thượng nghị sĩ Mỹ Kerry, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan và những người đứng đầu các công ty hoá chất Monsanto và Dow Chemicals. Cả hai công ty này đều có văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi rất đồng tình với việc một số người ủng hộ đã viết thư gửi đến các văn phòng này yêu cầu họ nhận trách nhiệm và sớm có chế độ bồi thường cho các nạn nhân Điôxin.

Ông L. Aldis cũng chia sẻ nỗi đau mà rất nhiều thế hệ sau này của các nạn nhân Điôxin cùng gia đình họ phải chịu đựng. Ông cho biết trong các lần đến thăm Việt Nam, ông đã có dịp gặp gỡ và nói chuyện với các nạn nhân Điôxin và gia đình họ. Những chuyến thăm này đã nung nấu trong tôi quyết tâm làm sao để công lý phải thuộc về những con người này.

Ðến ngày 17/2/2005, số chữ ký ủng hộ nạn nhân Điôxin Việt Nam đã lên tới 680.570 ./.

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer