Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Sunday, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Tài liệu cơ bản về Trung Quốc và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc


KHÁI QUÁT CHUNG

1. Tên nước: Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (The People's Republic of China)

2. Quốc khánh: 01/10/1949

3. Thủ đô: Bắc Kinh

4. Vị trí địa lý: Trung Quốc nằm ở phần nửa phía Bắc của Đông bán cầu; phía Đông Nam đại lục Á - Âu, phía Đông và giữa Châu Á, phía Tây của Thái Bình Dương. Trung Quốc có đường biên giới chung với 14 nước gồm: Nga, Mông Cổ (phía Bắc); Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan (phía Tây); Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ, Nepal, Butan (phía Tây Nam); Myanmar, Lào, Việt Nam (phía Nam); Triều Tiên (phía Đông).

5. Diện tích: 9,6 triệu km2

6. Dân số: 1,38 tỷ người (cuối 2016), tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,58%, trong đó dân số thành thị 793 triệu, chiếm 57,35%, dân số nông thôn khoảng 589 triệu, chiếm 42,65%.

7. Dân tộc: Trung Quốc có 56 dân tộc, trong đó dân tộc Hán chiếm đa số (94%), 55 dân tộc thiểu số khác chiếm 6% dân số và sinh sống phân bố trên 50 - 60% diện tích cả nước.

8. Hành chính: 04 thành phố trực thuộc Trung ương, 23 tỉnh và 05 khu tự trị, 02 Đặc khu hành chính (Hồng Công, Ma Cao). Ba cấp hành chính gồm tỉnh, huyện, xã.

9. Tôn giáo: 04 tôn giáo lớn là Phật giáo, Đạo giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo.

10. Ngôn ngữ: Tiếng Hán phổ thông lấy âm Bắc Kinh làm tiêu chuẩn.

11. Chế độ chính trị:
- Thể chế nhà nước: Hiến pháp Trung Quốc quy định, CHND Trung Hoa là Nhà nước xã hội chủ nghĩa của nền chuyên chính nhân dân, do giai cấp công nhân lãnh đạo, lấy liên minh công - nông làm nền tảng; chế độ xã hội chủ nghĩa là chế độ cơ bản; chuyên chính nhân dân là thể chế của nhà nước.

Cơ cấu Nhà nước bao gồm: Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội), Chủ tịch nước, Quốc vụ viện (Chính phủ), Ủy ban Quân sự Trung ương, Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Ở địa phương: Đại hội Đại biểu Nhân dân (HĐND), Chính quyền và Toà án, Viện Kiểm sát các cấp.

- Chính Đảng: Đảng cầm quyền là Đảng Cộng sản Trung Quốc (thành lập 01/7/1921). Tính đến cuối năm 2017, Đảng Cộng sản Trung Quốc có gần 90 triệu Đảng viên, hơn 4,5 triệu tổ chức Đảng cơ sở. Ngoài Đảng Cộng sản, Trung Quốc còn có 8 đảng phái khác, đều thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong khuôn khổ “hợp tác đa đảng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản”. Các đảng phái này bao gồm: Hội Cách mạng Dân chủ, Liên minh Dân chủ, Hội Kiến quốc dân chủ, Hội Xúc tiến dân chủ, Đảng Dân chủ công nông, Đảng Chí công, Cửu tam học xã và Đồng minh tự trị dân chủ Đài Loan.

Hội nghị Hiệp thương Chính trị nhân dân (Chính hiệp) là tổ chức chính trị - xã hội rất quan trọng của Trung Quốc, có chức năng, vai trò tương tự như Mặt trận Tổ quốc của ta.

12. Lãnh đạo chủ chốt hiện nay:
- Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương: Tập Cận Bình.
- Thủ tướng Quốc vụ viện: Lý Khắc Cường.
- Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Chủ tịch Quốc hội): Lật Chiến Thư.
- Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị nhân dân (Chủ tịch Chính hiệp): Uông Dương.

TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Mục tiêu chiến lược và các bước phát triển của Trung Quốc:
Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc (11/2012) xác định hai “mục tiêu 100 năm”: (i) Đến năm 2020, hoàn thành xây dựng toàn diện xã hội khá giả, với tổng lượng GDP và thu nhập bình quân đầu người đều tăng gấp đôi so với năm 2010; (ii) Đến năm 2049, xây dựng thành công nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa. Để thực hiện mục tiêu này, Đại hội đã đưa ra Bố cục tổng thể “Năm trong một” và Bố cục chiến lược “Bốn toàn diện”.

Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc (10/2017) xác định giai đoạn từ Đại hội 19 đến Đại hội 20 (2017-2022) là giai đoạn giao thoa lịch sử của hai “mục tiêu 100 năm”, xác định rõ lộ trình hai bước từ năm 2020 đến giữa thế kỷ XXI (nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước CHND Trung Hoa) là:

- Giai đoạn thứ nhất (từ 2020 đến 2035): Cơ bản hoàn thành hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa với các tiêu chí: (i) Thực lực kinh tế, thực lực khoa học công nghệ được xếp vào hàng đầu các quốc gia loại hình sáng tạo; (ii) Cơ bản hoàn thành xây dựng nhà nước pháp trị, chính phủ pháp trị, xã hội pháp trị, cơ bản hoàn thành hiện đại hóa hệ thống và năng lực quản trị đất nước; (iii) Sức mạnh mềm văn hóa quốc gia được tăng cường rõ rệt, tầm ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa sâu rộng hơn; (iv) Đời sống nhân dân giàu có hơn, tỉ lệ nhóm người có mức thu nhập trung bình được nâng cao rõ rệt, khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, thành thị và nông thôn và mức sống cư dân được thu hẹp rõ rệt; (v) Cơ bản hình thành bố cục quản trị xã hội hiện đại, hài hòa, có trật tự; môi trường sinh thái căn bản có chuyển biến tốt, cơ bản thực hiện mục tiêu Trung Quốc tươi đẹp.

- Giai đoạn thứ hai (từ 2035 đến giữa thế kỷ XXI): Xây dựng Trung Quốc thành cường quốc hiện đại xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp với các tiêu chí như: (i) Văn minh vật chất, văn minh chính trị, văn minh tinh thần, văn minh xã hội, văn minh sinh thái được nâng cao toàn diện; (ii) Hoàn thành hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị đất nước; (iii) Trở thành quốc gia có sức mạnh tổng hợp quốc gia và tầm ảnh hưởng quốc tế dẫn đầu; (iv) Cơ bản thực hiện toàn thể nhân dân cùng giàu có.

Tại Kỳ họp thứ nhất khóa 13 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) tháng 3/2018, Trung Quốc đã cụ thể hóa các nhóm giải pháp nhằm thực hiện những mục tiêu phát triển kinh tế đã được Đại hội 19 đề ra: (i) Đi sâu thúc đẩy cải cách kết cấu theo hướng trọng cung; (ii) Đẩy nhanh xây dựng quốc gia theo mô hình sáng tạo, đi sâu thực hiện chiến lược lấy sáng tạo thúc đẩy phát triển; (iii) Đi sâu cải cách trong các lĩnh vực then chốt mang tính nền tảng; (iv) Xử lý tốt ba vấn đề then chốt là phòng ngừa rủi ro tài chính, xóa đói giảm nghèo và phòng chống ô nhiễm môi trường; (v) Đẩy mạnh chiến lược chấn hưng làng xã; (vi) Thúc đẩy vững chắc chiến lược phát triển nhịp nhàng giữa các vùng miền; (vii) Tích cực mở rộng tiêu dùng và thúc đẩy đầu tư hiệu quả; (viii) Thúc đẩy hình thành cục diện mới mở cửa toàn diện; (vix) Nâng cao trình độ bảo đảm và cải thiện dân sinh.

2. Khái quát tình hình phát triển Trung Quốc hiện nay:
Sau 39 năm tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức 9-10%, quy mô kinh tế Trung Quốc lần lượt vượt qua Đức (năm 2008) và Nhật Bản (năm 2010), vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau Hoa Kỳ.

Trong 5 năm (2012-2017), Trung Quốc đã thúc đẩy đồng bộ bố cục tổng thể “Năm trong một”, thúc đẩy nhịp nhàng bố cục chiến lược “Bốn toàn diện”, hoàn thành thắng lợi Quy hoạch 5 năm lần thứ 12 và triển khai thuận lợi Quy hoạch 5 năm lần thứ 13, mở ra cục diện mới toàn diện cho sự nghiệp của Đảng và Nhà nước. Kinh tế Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình cao, đứng ở tốp đầu trong các quốc gia chủ yếu trên thế giới, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng từ 54.000 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 8.130 tỷ USD) năm 2012 lên 80.000 tỷ Nhân dân tệ (12.000 tỷ USD) năm 2017, đứng vững vị trí thứ hai thế giới, đóng góp trên 30% cho tăng trưởng GDP toàn cầu. Cải cách kết cấu theo hướng trọng cung được thúc đẩy đi vào chiều sâu, kết cấu kinh tế không ngừng cải thiện, các ngành nghề mới nổi như kinh tế số phát triển mạnh mẽ, xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sắt cao tốc, đường bộ, cầu, cảng biển, sân bay được đẩy nhanh. Hiện đại hóa nông nghiệp được thúc đẩy vững chắc, năng lực sản xuất lương thực đạt 600 triệu tấn. Tỷ lệ đô thị hóa mỗi năm tăng 1,2 điểm phần trăm, có hơn 80 triệu dân số nông thôn trở thành cư dân thành thị. Phát triển kết nối vùng miền được tăng cường, việc xây dựng “Vành đai và Con đường”, Chiến lược phát triển nhịp nhàng Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc, Vành đai kinh tế sông Trường Giang đạt được những kết quả nổi bật.

Khoa học kỹ thuật của Trung Quốc thời gian qua phát triển vượt bậc, nhất là trong các lĩnh vực hàng không vũ trụ, công nghệ thông tin, vật liệu mới, hải dương học, kỹ thuật quân sự (chế tạo thành công tàu lặn chở người xuống độ sâu 10.000m, tàu vũ trụ đưa người lên quỹ đạo Trái đất, tàu thám hiểm Mặt trăng, đưa vào vận hành đầu máy tàu cao tốc Phục Hưng tốc độ 350km/h, phát minh máy tính quang lượng tử đầu tiên trên thế giới, đi đầu thế giới trong việc khai thác ổn định băng cháy). Cơ sở hạ tầng phát triển nhanh chóng, trong đó đường sắt cao tốc rất phát triển với tổng chiều dài lên tới 23.000 km (chiếm hơn 60% tổng chiều dài đường sắt cao tốc toàn thế giới); tổng chiều dài đường bộ cao tốc đạt trên 120.000 km. Văn hoá, giáo dục được đầu tư mạnh (xấp xỉ 4% GDP) và đạt nhiều thành tựu nổi bật.

CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI

Tại Đại hội 19, Trung Quốc xác định kiên trì con đường phát triển hòa bình, thúc đẩy xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại vì một thế giới hòa bình lâu dài, an ninh rộng khắp, cùng phồn vinh, mở cửa, bao trùm, trong sạch, tươi đẹp; chủ trương xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới tôn trọng lẫn nhau, công bằng chính nghĩa, hợp tác cùng thắng; kêu gọi các nước từ bỏ tư duy Chiến tranh lạnh và chính trị cường quyền, đi theo con đường mới trong quan hệ giữa quốc gia với quốc gia là đối thoại không đối đầu, làm bạn không làm đồng minh; kiên trì giải quyết tranh chấp bằng đối thoại, giải quyết bất đồng bằng hiệp thương. Trọng tâm đối ngoại của Trung Quốc trong thời gian tới là thúc đẩy xây dựng mô hình quan hệ quốc tế kiểu mới và cộng đồng chung vận mệnh nhân loại, trong đó tập trung triển khai sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI). Bên cạnh đó, Trung Quốc chủ trương xây dựng khuôn khổ quan hệ ổn định tổng thể, phát triển cân bằng với các nước lớn; làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước láng giềng theo quan điểm “thân, thành, huệ, dung”; tăng cường đoàn kết và hợp tác với các nước đang phát triển theo quan điểm “chân, thực, thân, thành”.

Với ASEAN, Trung Quốc tiếp tục xác định ASEAN là ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng, chú trọng đẩy mạnh hợp tác với ASEAN trong khuôn khổ sáng kiến “2+7” , “Vành đai và Con đường”. ASEAN hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Năm 2017, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc với ASEAN đạt 514,8 tỷ USD, tăng 14%, chiếm tỉ trọng 12,5% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN đạt 279,1 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu từ các nước ASEAN của Trung Quốc đạt 235,7 tỷ USD, tăng 20%.

QUAN HỆ VIỆT NAM - TRUNG QUỐC

1. Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao: 18/01/1950

2. Khuôn khổ quan hệ: Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc (năm 2008).

3. Giao lưu, trao đổi đoàn:
Hai bên duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao:

Lãnh đạo Trung Quốc thăm Việt Nam: Từ năm 1991 đến nay, Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Quốc vụ viện, Ủy viên trưởng Nhân Đại toàn quốc, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc) đã tiến hành 17 chuyến thăm song phương và dự các hoạt động đa phương tại Việt Nam. Riêng từ năm 2013 đến nay, tất cả Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đều sang thăm Việt Nam, gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình (11/2015, 11/2017), Thủ tướng Lý Khắc Cường (10/2013), Ủy viên trưởng Nhân Đại Trương Đức Giang (11/2016), Chủ tịch Chính hiệp Du Chính Thanh (12/2014). Trong đó, chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 11/2017) là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Trung Quốc ngay sau Đại hội 19.

Lãnh đạo Việt Nam thăm Trung Quốc: Từ năm 1991 đến nay, Lãnh đạo cấp cao Việt Nam (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội) đã tiến hành 39 chuyến thăm chuyến thăm song phương và dự các hoạt động đa phương tại Trung Quốc. Riêng từ năm 2011 đến nay, Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã tiến hành 11 chuyến thăm, dự hoạt động quốc tế tại Trung Quốc, gồm: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 03 lần (10/2011, 4/2015, 01/2017), Chủ tịch nước Trần Đại Quang 01 lần (05/2017), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 01 lần (9/2016); Chủ tịch nước Trương Tấn Sang 03 lần (6/2013, 11/2014, 9/2015), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng 02 lần (9/2012, 9/2013), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng 01 lần (12/2015).

4. Các cơ chế hợp tác quan trọng:
Tính đến nay, Việt Nam và Trung Quốc có 53 cơ chế giao lưu, hợp tác giữa hai Đảng, Chính phủ, Quốc hội và giữa các tổ chức chính trị xã hội, địa phương. Cụ thể:

4.1. Cơ chế hợp tác bao trùm các Bộ ngành, địa phương, lĩnh vực (01 cơ chế):
- Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc.

4.2. Cơ chế hợp tác kênh Đảng (06 cơ chế):
- Cuộc gặp đại diện hai Bộ Chính trị Việt Nam - Trung Quốc.
- Kế hoạch hợp tác giữa hai Đảng giai đoạn 2016 – 2021.
- Hội thảo lý luận giữa hai Đảng.
- Cơ chế hợp tác, giao lưu trao đổi kinh nghiệm công tác tuyên truyền, báo chí giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Tuyên truyền Trung ương Trung Quốc.
- Chương trình Đào tạo 1500 cán bộ Đảng (ta cử đoàn sang Trung Quốc) giai đoạn 2016 – 2021.
- Thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2017-2020 (ta cử 300 cán bộ cấp cao sang Trung Quốc đào tạo).

4.3. Cơ chế đàm phán/quản lý biên giới lãnh thổ (12 cơ chế):
- Đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới - lãnh thổ.
- Cuộc gặp giữa hai Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ.
- Ủy ban liên hợp về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.
- Đàm phán cấp chuyên viên về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ Việt Nam - Trung Quốc.
- Đàm phán hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển Việt Nam - Trung Quốc.
- Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển trong khuôn khổ Đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới - lãnh thổ.
- Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
- Cơ chế hợp tác biên phòng giữa Bộ Quốc phòng hai nước.
- Tuần tra chung biên giới trên bộ (Bộ Quốc phòng).
- Tuần tra chung của lực lượng hải quân hai nước trên Vịnh Bắc Bộ (Bộ Quốc phòng).
- Kiểm tra liên hợp nghề cá giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Tổng đội Ngư chính Trung Quốc trên Vịnh Bắc Bộ.
- Ủy ban liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ.

4.4. Cơ chế Đường dây nóng (04 cơ chế):
- Đường dây nóng giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước.
- Đường dây nóng giữa hai Bộ Ngoại giao.
- Đường dây thông tin điện thoại bảo mật trực tiếp giữa Bộ Quốc phòng hai nước.
- Đường dây nóng giữa hai Bộ Nông nghiệp về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển (đang tạm dừng hoạt động do hết hạn).

4.5. Cơ chế hợp tác giữa các Bộ/ngành, địa phương (25 cơ chế):
- Trao đổi thường niên cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
- Đối thoại chiến lược quốc phòng thường niên cấp Thứ trưởng (Quốc phòng).
- Cơ chế hợp tác biên phòng và các quân khu giáp biên (theo Thỏa thuận Hợp tác biên phòng, trao đổi đoàn các cấp Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, cấp Cơ quan đại diện biên phòng/biên giới của hai nước).
- Cơ chế cử đoàn nghỉ dưỡng giữa hai Bộ Quốc phòng (định kỳ thường niên, Việt Nam cử cử đoàn 05 gia đình cấp tướng (10 người) sang nghỉ dưỡng tại Trung Quốc; từ 2004 đến nay ta đã cử 09 đoàn).
- Cơ chế giao lưu sỹ quan trẻ giữa hai Bộ Quốc phòng.
- Cơ chế cử tàu hải quân thăm lẫn nhau (Bộ Quốc phòng).
- Hội nghị thường niên về hợp tác phòng chống tội phạm (Công an).
- Đối thoại An ninh cấp Thứ trưởng giữa Bộ Công an và Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc.
- Cơ chế gặp gỡ giữa ngành Công an hai nước theo 3 cấp Trung ương, Tỉnh/Khu tự trị biên giới và cấp Huyện/Thành phố biên giới (Công an).
- Ủy ban hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam-Trung Quốc (Công Thương).
- Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng (liên Bộ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
- Cơ chế triển khai Thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp Việt Nam và Tổng Cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch Trung Quốc về hợp tác trong lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm dịch động thực vật xuất nhập khẩu.
- Kế hoạch thực hiện hiệp định Văn hóa Việt - Trung giai đoạn 2016 – 2018 (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch).
- Phiên họp Ủy ban hỗn hợp hợp tác Khoa học và Công nghệ Việt - Trung (Bộ Khoa học Công nghệ).
- Cơ chế giao lưu, trao đổi theo Thỏa thuận hợp tác giữa Ủy ban dân tộc Việt Nam và Ủy ban dân tộc Nhà nước Trung Quốc.
- Cơ chế triển khai Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực thông tin báo chí và thông tin đối ngoại giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với Văn phòng Báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc.
- Cơ chế họp luân phiên thường niên giữa Bộ Thông tin và truyền thông với Bộ Công nghiệp và tin tức hóa Trung Quốc về phối hợp quản lý tần số vô tuyến điện vùng biên Việt Nam - Trung Quốc.
- Nhóm công tác về hợp tác tài chính tiền tệ (Nhân hàng Nhà nước).
- Nhóm công tác hỗ trợ các dự án do doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện tại Việt Nam (Bộ Công Thương).
- Thỏa thuận hợp tác giáo dục giai đoạn 2016 - 2020 (Bộ Giáo dục và Đào tạo).
- Hội nghị kiểm điểm tình hình hợp tác giữa các Bộ, ngành, địa phương Việt Nam - Quảng Đông, Trung Quốc.
- Ủy ban công tác liên hợp 4 tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang (Việt Nam) với Quảng Tây, Trung Quốc.
- Gặp gỡ đầu xuân Bí thư các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang (Việt Nam) với Quảng Tây, Trung Quốc.
- Nhóm công tác liên hợp 4 tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
- Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế giữa 5 tỉnh, thành phố Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

4.6. Cơ chế giao lưu nhân dân (05 cơ chế):
- Diễn đàn Nhân dân Việt - Trung.
- Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt - Trung.
- Giao lưu nhân dân biên giới Việt - Trung.
- Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt - Trung.
- Liên hoan thanh niên Việt - Trung.

5. Hợp tác kinh tế:
Trung Quốc liên tục nhiều năm liền là đối tác thương mại, thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam, hiện đang là nhà đầu tư lớn thứ 8/122 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại, du lịch lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Thương mại:
Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam, là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương từ mức 32 triệu USD năm 1991 lên mức 70,5 tỷ USD năm 2016, tăng gấp hơn 2200 lần. Năm 2016, Việt Nam đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Trong 11 tháng đầu năm 2017, kim ngạch thương mại song phương đạt 83,48 tỷ USD, tăng 29,1 % so với cùng kỳ năm 2016, trong đó xuất khẩu đạt 30,94 tỷ USD (tăng 57,85%), nhập khẩu đạt 54,54 tỷ (tăng 16,6%).

Du lịch:
Từ năm 2007 đến nay, Trung Quốc luôn là thị trường khách du lịch lớn nhất của Việt Nam; năm 2016 có 2,7 triệu lượt du khách Trung Quốc sang Việt Nam và khoảng 2,2 triệu lượt du khách Việt Nam sang Trung Quốc, đứng đầu trong số du khách ASEAN đi Trung Quốc. Trong 11 tháng đầu năm 2017 có gần 3,6 triệu lượt khách Trung Quốc đi du lịch Việt Nam, tăng 44,9% so với cùng kỳ.

Đầu tư trực tiếp:
Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tiếp tục tăng. Tính đến ngày 20/11/2017, Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 1784 dự án với số vốn đăng ký đạt 12,03 tỷ USD, đứng thứ 8/126 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam (Tính riêng 11 tháng năm 2017 có 244 dự án với số vốn đăng ký 2 tỉ USD đúng thứ 4/112 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư).

Thời gian qua, Lãnh đạo hai nước đạt nhận thức chung về việc hai bên tăng cường phối hợp, áp dụng các biện pháp hữu hiệu, cùng nhau thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại, năng lực sản xuất và đầu tư, cơ sở hạ tầng, tài chính - tiền tệ phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững. Hai bên đã thiết lập Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng và Nhóm công tác về hợp tác tiền tệ (4/2015), ký Hiệp định gia hạn và bổ sung Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 2017 - 2021 (9/2016), Hiệp định thương mại biên giới sửa đổi (9/2016) và nhiều Bản ghi nhớ hợp tác về cùng xây dựng kế hoạch hợp tác cơ sở hạ tầng, hợp tác năng lực sản xuất; tạo khuôn khổ tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước.

6. Các lĩnh vực khác:
- Chính phủ Trung Quốc cung cấp một số khoản tín dụng ưu đãi, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam như khoản 1 tỷ nhân dân tệ dùng trong lĩnh vực dân sinh trong giai đoạn 2016 - 2021 và 600 triệu NDT trong vòng 03 năm tới, 50 triệu Nhân dân tệ cải thiện điều kiện y tế, giáo dục tại một số tỉnh phía Bắc Việt Nam; cung cấp vật tư viện trợ nhân đạo khẩn cấp trị giá 10 triệu Nhân dân tệ để ủng hộ nhân dân khu vực miền Trung - Nam Bộ khắc phục thiên tai.
- Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, nguồn nước, môi trường, khoa học công nghệ, giao thông vận tải, văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế.
- Quan hệ giữa các địa phương được tăng cường với nhiều hình thức và thiết thực. Hai bên có trên 30 cặp tỉnh/thành phố thiết lập quan hệ hữu nghị. Hai bên đã thiết lập và tiến hành 08 phiên họp Ủy ban công tác liên hợp giữa 04 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và 06 phiên họp Nhóm công tác liên hợp giữa 04 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang với tỉnh Vân Nam; 06 phiên họp Hội nghị kiểm điểm tình hình hợp tác giữa các Bộ/ngành, địa phương Việt Nam với tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc; 08 kỳ họp Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế giữa 5 tỉnh, thành phố Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; 02 chương trình Gặp gỡ đầu xuân giữa Bí thư 4 tỉnh Việt Nam và Bí thư Quảng Tây, Trung Quốc.
- Giao lưu nhân dân và thế hệ trẻ hai nước được tăng cường. Hai bên đã tổ chức 03 Liên hoan Thanh niên Việt Nam - Trung Quốc tại Quảng Tây (2010, 2013) và Hà Nội (2016); 02 lần Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Trung Quốc (2010, 2013), 09 lần Diễn đàn nhân dân Việt - Trung, 17 lần Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt - Trung.

7. Về biên giới lãnh thổ:
Hai nước đã giải quyết được hai trong ba vấn đề khó khăn, tồn tại về biên giới lãnh thổ do lịch sử để lại là hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền (năm 2008) và phân định Vịnh Bắc Bộ (năm 2000). Với việc hoàn thành phân định Vịnh Bắc Bộ, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên phân định thành công một vùng biển với Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề Biển Đông vẫn tồn tại và có xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp. Năm 2011, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã ký kết Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, hai bên nhất trí giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Hai bên duy trì trao đổi về vấn đề Biển Đông trong các cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt - Trung và 03 Nhóm công tác về khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển và hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển; nhất trí tiếp tục thực hiện toàn diện và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), sớm xây dựng “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông./.

Tháng 7 năm 2018
 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer