Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thư tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thông tin cơ bản về In-đô-nê-xi-a và quan hệ Việt Nam - In-đô-nê-xi-a


KHÁI QUÁT CHUNG

1. Tên nư­ớc: Cộng hòa In-đô-nê-xi-a (Republic of Indonesia).

2. Thủ đô: Gia-các-ta (Jakarta).

3. Quốc kỳ:                                                                 

4. Quốc khánh: 17/8/1945 (Ngày Độc lập).

5. Diện tích: Đất liền và đảo tổng diện tích 1.904.569km2 (thứ 14 thế giới); các vùng biển rộng 6.400.000km2.

6. Dân số: 267 triệu người (2018), thứ 4 thế giới.

7. Vị trí địa lý: In-đô-nê-xi-a là quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới, gồm trên 17.500 hòn đảo lớn nhỏ nằm giữa lục địa Châu Á và Châu Đại Dư­ơng, nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dư­ơng. Phía Bắc giáp với Ma-lai-xi-a, Xinh-ga-po, Phi-líp-pin và Biển Đông; phía Nam giáp với Ôt-xtrây-li-a và Ấn Độ Dương; phía Tây giáp với Ấn Độ Dương; phía Đông giáp với Pa-pua Niu Ghi-ni và Thái Bình Dương. Khí hậu nhiệt đới gió mùa với 2 mùa mưa và khô.

8. Đơn vị tiền tệ: Rupiah (Rp), 1 USD =15.000 IDR (5/2020).

9. GDP bình quân đầu người: 4.050 USD (WB, 7/2020), đạt mức quốc gia thu nhập trung bình cao (higher middle income).

10. Dân tộc: tổng cộng 1.340 tộc người chia thành hơn 300 nhóm sắc tộc (2010). Phần lớn dân số Indonesia có nguồn gốc từ chủng Mã Lai. Các nhóm sắc tộc lớn là Gia-va chiếm 40% dân số, Xun-đa 15,5%, Ba-tắc 3,5%, Ma-đu-ra 3%, Bơ-ta-uy 2,9%, Mi-nang-ka-bau 2,7%.

11. Tôn giáo: có 6 tôn giáo được thừa nhận chính thức là đạo Hồi chiếm 87,2% (không phải là quốc đạo); đạo Tin lành 6,9%; đạo Thiên chúa 2,9%; đạo Hindu 1,7%; đạo Phật 0,7% và đạo Khổng 0,07%.

12. Ngôn ngữ: tiếng In-đô-nê-xi-a, ngoài ra còn có hơn 700 ngôn ngữ khác và thổ ngữ.

TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Chính trị:

- Thể chế chính trị: cộng hòa dân chủ đại nghị tổng thống, Tổng thống Giô-cô Uy-đô-đô (Joko Widodo) tái đắc cử nhiệm kỳ 2 và nhậm chức từ 20/10/2019; kiêm Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang. Hội đồng Hiệp thương Nhân dân (MPR) tức Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, có quyền sửa đổi Hiến pháp, luận tội và phế truất Tổng thống, bao gồm 707 đại biểu nhiệm kỳ 5 năm trong đó 575 thuộc Hội đồng Đại biểu Nhân dân (DPR) và 132 thuộc Hội đồng Đại biểu Địa phương (DPD) từ 33 tỉnh và đặc khu, mỗi địa phương có 4 đại biểu. Lãnh đạo Quốc hội nhiệm kỳ 2019 - 2024 gồm: Chủ tịch MPR Bambang Xu-xa-ti-ô (Bambang Soesatyo ), Chủ tịch DPR Pu-an Ma-ha-ra-ni (Puan Maharani), Chủ tịch DPD La Ni-a-la Ma-ta-li-ti (La Nyalla Mattalitti).

- Cơ chế bầu cử: Từ 2004 Indonesia thực hiện chế độ phổ thông đầu phiếu, người dân trực tiếp Tổng thống - Phó Tổng thống. Bắt đầu từ năm 2019 Indonesia tiến hành bầu cử 3 trong 1, gồm đại biểu DPR, DPD và liên danh Tổng thống - Phó Tổng thống nhiệm kỳ 2019 - 2024, được coi là cuộc bầu cử  dân chủ lớn nhất thế giới, với gần 200 triệu cử tri đi bầu chỉ trong 1 ngày (17/4/2019).

- Hệ thống tư pháp bao gồm Toà án (bao gồm cả Tòa án Hiến pháp), công tố, viện kiểm sát theo mô hình Nhà nư­ớc Cộng hoà.

- Đảng phái chính trị: đa đảng (tổng cộng hơn 100 đảng, nhưng hiện chỉ có 9 đảng có ghế trong Quốc hội). Trong tổng tuyển cử 2019, đảng Dân chủ In-đô-nê-xi-a Đấu tranh (PDI-P) của Tổng thống Giô-cô Uy-đô-đô có số ghế nhiều nhất (128 ghế) và dẫn đầu liên minh cầm quyền 6 đảng, chiếm 427/575 ghế, phe đối lập gồm 3 đảng, chiếm 148 ghế.

2. Kinh tế:

- Indonesia là thành viên nhóm G20 và là nền kinh tế lớn nhất của Đông Nam Á, được xếp vào nhóm nước mới công nghiệp hóa. GDP năm 2019 là 1.122 tỷ USD, đứng thứ 16 thế giới; tính theo ngang giá sức mua (PPP) là 3.470 tỷ USD, đứng thứ 7 thế giới. Cơ cấu nền kinh tế gồm nhóm dịch vụ chiếm 43,4% GDP, công nghiệp chiếm 39,7% và nông nghiệp 12,8%.

- Indonesia có trữ lượng dồi dào tài nguyên thiên nhiên bao gồm dầu, khí, than, thiếc, đồng, vàng và ni-ken; nông nghiệp có các sản phẩm chính là gạo, dầu cọ, trà, cà phê, ca-cao, thảo dược, gia vị và cao su. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là dầu cọ và than bùn, các thị trường chính bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Xinh-ga-po, Ấn Độ, Ma-lai-xi-a, Hàn Quốc và Thái Lan.

QUAN HỆ VIỆT NAM - IN-ĐÔ-NÊ-XI-A

1. Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao: 30/12/1955

2. Khuôn khổ quan hệ: Đối tác Chiến lược (27/6/2013)

3. Những mốc lớn trong quá trình phát triển quan hệ:

- Ngày 18 24/4/1955: Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Á - Phi lần thứ nhất tại Ban-đung, In-đô-nê-xi-a.

- Ngày 30/12/1955: hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Tổng Lãnh sự.

- Ngày 26/2 - 11/3/1959: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm In-đô-nê-xi-a.

- Ngày 24 - 29/6/1959: Tổng thống In-đô-nê-xi-a Xu-các-nô (Sukarno) thăm Việt Nam.

- Ngày 15/8/1964: Hai nước nâng cấp quan hệ lên cấp Đại sứ, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Gia-các-ta.

- Ngày 20 - 23/9/1978: Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm chính thức In-đô-nê-xi-a trong chuyến công du Đông Nam Á.

- Ngày 9 - 12/11/1990: Tổng thống In-đô-nê-xi-a Xu-hác-tô (Suharto) thăm chính thức Việt Nam.

- Ngày 26/6/2003: Tổng thống In-đô-nê-xi-a Mê-ga-oa-ti Xu-các-nô-pu-tri thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, hai nước ký Tuyên bố chung thiết lập Quan hệ hữu nghị và Toàn diện bước vào thế kỷ 21, ký Hiệp định phân định ranh giới thềm lục địa.

- Ngày 27 - 28/6/2013: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp Nhà nước tới In-đô-nê-xi-a, hai bên ra Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược.

- Ngày 22 - 24/8/2017: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên thăm chính thức In-đô-nê-xi-a.

3. Hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư:

Về thương mại, kim ngạch hai nước cơ bản tăng dần, tuy nhiên ta luôn nhập siêu và trong vài năm trở lại đây có xu hướng nhập siêu lớn hơn. Năm 2017 kim ngạch đạt trên 6,5 tỷ USD; năm 2018 đạt 8,45 tỷ USD, tăng 30% (ta xuất 3,53 tỷ; nhập 4,92 tỷ); năm 2019 đạt 9,1 tỷ USD (ta xuất 3,7 tỷ, nhập 5,7 tỷ). Trong Q1/2020 kim ngạch đạt 2,17 tỷ USD (ta xuất 843 triệu, nhập 1,33 tỷ). Hai bên đang phấn đấu đạt mốc 10 tỷ USD trong thời gian tới. Các mặt hàng ta xuất chủ yếu gồm gạo, dầu thô, xi măng, linh kiện điện tử, hàng nông sản; ta nhập của In-đô-nê-xi-a phân bón, xăng dầu, bao bì, thiết bị máy móc, vải sợi, giấy và bánh kẹo.

Về đầu tư­, tính đến hết năm 2019, In-đô-nê-xi-a tiếp tục đứng thứ 5 trong ASEAN và thứ 28/130 quốc gia đầu tư vào Việt Nam với với 74 dự án trị giá 565,1 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, khai thác than, ngân hàng, khách sạn, chế biến xuất khẩu gỗ, sản xuất sợi và may mặc; một số dự án đầu tư lớn gồm: Khu đô thị Nam Thăng Long - Ciputra (2,1 tỷ USD), Liên doanh khách sạn Horizon - Pullman Hà Nội (66 triệu USD). Hiện Việt Nam có 13 dự án đầu tư sang In-đô-nê-xi-a với số vốn 54,7 triệu USD trong các lĩnh vực dầu khí và khai khoáng.

4. Hợp tác an ninh quốc phòng: In-đô-nê-xi-a là một trong những nước khu vực có quan hệ sớm nhất về an ninh - quốc phòng với ta, đặt phòng Tùy viên quân sự từ năm 1964. Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn, Bộ trưởng Quốc phòng (5/2010 và 8/2016), Tổng Tư lệnh quân đội In-đô-nê-xi-a (02/2014) thăm Việt Nam. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam thăm In-đô-nê-xi-a nhiều lần (5/2011, 10/2017); Bộ trưởng Công an Việt Nam thăm In-đô-nê-xi-a (6/2016). Hai bên đã ký Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giữa hai nước giai đoạn 2017-2022; MOU về Hợp tác Quốc phòng (10/2010); Hiệp định Dẫn độ Tội phạm và Hiệp định Tương trợ Tư pháp về hình sự (2013); Ý định thư về tăng cường hợp tác cảnh sát biển (8/2017).

5. Hợp tác trong các lĩnh vực khác: Hàng năm, In-đô-nê-xi-a cung cấp cho Việt Nam một số học bổng ngắn hạn, trung hạn trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, ngôn ngữ... Hai nước đã ký MOU về Hợp tác Nghề cá và các vấn đề Biển (10/2010), MOU về Hợp tác Nông nghiệp, Tài chính, Năng lượng (2013); MOU lần thứ 2 về Giáo dục (2017); Tư pháp và Pháp luật; hợp tác cung cấp than; Phát triển nông thôn; cung cấp khí gas khu vực xuyên biên giới (8/2017); Thông cáo chung về tự nguyện tham gia hợp tác quốc tế về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và thúc đẩy quản lý nghề cá bền vững (9/2018)... Hiện có 06 cặp tỉnh/thành phố kết nghĩa (Jakarta - Hà Nội; Bà Rịa-Vũng Tàu - Padang; Huế - Yogyakarta; Đà Nẵng - Semarang; Sóc Trăng - Lampung và Kiên Giang - Tây Kalimantan. Tp. Hồ Chí Minh đang xúc tiến việc thiết lập quan hệ kết nghĩa với tỉnh Bali.

6. Các cơ chế hợp tác:

- Uỷ ban Hợp tác Song phương cấp Bộ trưởng Ngoại giao (JCBC): Thiết lập năm 2011, họp luân phiên 2 năm/lần; kỳ họp thứ 3 vào tháng 4/2018 tại Việt Nam;

- Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế, Khoa học và Kỹ thuật (JC-ESTC) do Bộ trưởng Thương mại chủ trì, thành lập năm 1991, họp 2 năm/lần, kỳ họp thứ 7 vào tháng 8/2017 tại Việt Nam;

- Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng: Thiết lập năm 2010, họp lần thứ nhất tháng 6/2019 tại Việt Nam;

- Đối thoại an ninh cấp Thứ trưởng: Thiết lập năm 2016, họp luân phiên thường niên, họp lần 3 vào tháng 12/2017 tại In-đô-nê-xi-a;

- Tham vấn hải quân cấp Phó Tham mưu trưởng: Thiết lập năm 2013, họp luân phiên thường niên, kỳ họp lần thứ 4 vào tháng 9/2018 tại Việt Nam;

- Tham khảo Hoạch định chính sách đối ngoại cấp Vụ trưởng Bộ Ngoại giao: Thiết lập năm 2005, họp luân phiên thường niên; kỳ họp thứ 08 tại Việt Nam tháng 7/2019;

- Nhóm làm việc chung cấp Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng: Thiết lập năm 2010, họp luân phiên thường niên, kỳ họp thứ 2 vào tháng 4/2017 tại Việt Nam.

- Nhóm làm việc chung về giáo dục - đào tạo cấp Thứ trưởng: Thiết lập năm 2017.

Tháng 6/2020

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer