Thông Tin Cơ Bản Về Nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào Và Quan Hệ Việt Nam - Lào
KHÁI QUÁT CHUNG
1. Tên nước: Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào (Lao People’s Democratic Republic).
2. Thủ đô: Viêng-chăn (Vientiane).
3. Quốc kỳ:
4. Quốc khánh: 02/12/1975.
5. Diện tích: 236.800 km2.
6. Dân số: khoảng 7,2 triệu người (2019).
7. Vị trí địa lý: phía Đông giáp Việt Nam 2.337,507 km; phía Tây Bắc giáp Mi-an-ma 230 km và Tây Nam giáp Thái Lan 1.730 km; phía Nam giáp Cam-pu-chia 492 km và phía Bắc giáp Trung Quốc 416 km. Từ Bắc xuống Nam, Lào có 10 tỉnh có chung đường biên giới với 10 tỉnh của Việt Nam (Phong-xa-lỳ, Hủa-phăn, Luông-pha-băng, Xiêng-khoảng, Bo-li-khăm-xay, Khăm-muồn, Xạ-vẳn-na-khệt, Xa-la-văn, Xê-công, Ắt-ta-pư; các tỉnh của Việt Nam là Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng TRị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum).
8. Đơn vị tiền tệ: Kíp (₭), 1 USD = 8.976 LAK (2020).
9. Thu nhập đầu người: 2.677 USD (2019).
10. Dân tộc: gồm 49 nhóm sắc tộc, có những dân tộc gồm nhiều nhánh tộc và được chia thành
11. Tôn giáo: Đạo Phật (chủ yếu), Thiên chúa giáo, Vật linh.
12. Ngôn ngữ: Tiếng Lào là ngôn ngữ chính thức, ngoài ra có nhiều ngôn ngữ khác được sử dụng, chia làm 04 nhóm: Lào - Thái, Môn - Khơ Me, Mông - Dao, Hán - Tây Tạng.
TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - XÃ HỘI
1. Chính trị:
- Chế độ chính trị: dân chủ nhân dân.
- Đảng phái: Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (Đảng duy nhất).
- Các Lãnh đạo cấp cao:
+ Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào: ông Bun-nhăng Vo-la-chít (Bounnhang Vorachith), từ tháng 01/2016).
+ Chủ tịch nước: ông Bun-nhăng Vo-la-chít, từ tháng 4/2016.
+ Thủ tướng: ông Thoong-lun Xi-xu-lít (Thongloun Sisoulith).
+ Chủ tịch Quốc hội: bà Pa-ny Ya-tho-tu.
+ Lãnh đạo Ngoại giao: Bộ trưởng Ngoại giao Xạ-lởm-xay Côm-ma-xít (Saleumxay Kommasith).
- Chính sách đối ngoại: CHDCND Lào hiện nay thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, hữu nghị và hợp tác, độc lập; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; sẵn sàng làm bạn, đối tác với các nước; tăng cường và thắt chặt quan hệ hợp tác với các nước láng giềng chung biên giới và các đối tác chiến lược.
2. Kinh tế - xã hội:
Lào là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất ASEAN và duy trì tỉ lệ khoảng 6,5%/năm trong những năm gần đây (từ 2009). Tỉ giá ngoại hối ổn định và tỉ lệ lạm phát thấp (khoảng 2%/năm). Cơ chế đầu tư đơn giản, mở rộng tín dụng ngân hàng cho nông nghiệp và doanh nghiệp nhỏ, phát triển các đặc khu kinh tế… đã góp phần thu hút nhà đầu tư nước ngoài và giúp kinh tế Lào phát triển tốt. Việc phát triển kinh tế của Lào phụ thuộc phần lớn vào ngành khai khoáng, điện năng, đầu tư nước ngoài (FDI) và viện trợ nước ngoài.
QUAN HỆ VIỆT NAM - LÀO
1. Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: 05/9/1962.
2. Khuôn khổ quan hệ: Quan hệ đặc biệt (18/71977).
3. Những mốc lớn trong quá trình phát triển quan hệ:
- Ngày 16/10/1945: hai nước Ký Hiệp ước Tương trợ Việt Nam – Lào.
- Tháng 10/1945: Chính phủ Lào Issara lập Cơ quan đại diện ngoại giao tại Hà Nội.
- Ngày 27/9/1950: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Hoàng thân Souphanouvon, Thủ tướng Lào tại Việt Bắc.
- Năm 1962: mở Đại sứ quán Việt Nam tại Viêng-chăn, Lào.
- Ngày 05/9/1962: thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào.
- Ngày 18-24/4/1963: Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Lào Kaysone Phomvihane thăm, hội đàm với đoàn Đảng Lao động Việt Nam.
- Ngày 20/7/1963: Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm Lào.
- Ngày 31/8/1976: Việt Nam-Lào ký Hiệp định thành lập Ủy ban hợp tác Kinh tế, Văn hóa, Giáo dục và Khoa học Kỹ thuật (nay là Ủy ban hợp tác Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam).
- Tháng 7/1977: ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác, Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam – Lào.
- Năm 1985: Mở Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Savanakhet.
- Ngày 23-24/01/1986: HNBT Ngoại giao ba nước Đông Dương 12 tại Vientiane; Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch thăm chính thức Lào, ký Hiệp ước bổ sung về biên giới Việt-Lào.
- Năm 1990: Mở Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Paksé.
- Năm 2005: Mở Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Luang Prabang.
- Ngày 16/3/2016: Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong thăm chính thức; ký Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam-Lào.
- Tháng 12/2014: Phó Thủ tướng, BTNG Phạm Bình Minh thăm và đồng chủ trì Tham vấn Chính trị cấp BTNG Việt Nam – Lào lần thứ 1 tại Vientiane.
- Ngày 24-26/02/2019: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm hữu nghị chính thức Lào; hai bên thống nhất nâng mức quan hệ từ “quan hệ hữu nghị truyền thống” lên “quan hệ hữu nghị vĩ đại”.
4. Quan hệ trên các lĩnh vực cụ thể:
- Quan hệ chính trị: tiếp tục phát triển tốt, lòng tin chính trị chiến lược và sự gắn bó giữa hai nước được củng cố vững chắc. Quan hệ hợp tác giữa hai Đảng tiếp tục được củng cố sâu sắc. Lãnh đạo Cấp cao hai Đảng, hai nước thường xuyên gặp gỡ dưới nhiều hình thức, tạo động lực thúc đẩy các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và nhân dân hai nước tăng cường trao đổi, giao lưu, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau. Hai bên đã tổ chức thành công Kỳ họp lần thứ 42 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào tại Hà Nội (03/01/2020). Các cơ chế hợp tác giữa các Ban, Bộ, ngành, trong đó có cơ chế tham vấn giữa hai Bộ Ngoại giao được duy trì, phát huy hiệu quả.
- Quan hệ kinh tế: tiếp tục được tăng cường và có những chuyển biến thực chất. Hai bên tích cực phối hợp thúc đẩy triển khai thực hiện các Thỏa thuận cấp cao hai nước đã đạt được và kết quả Kỳ họp lần thứ 42 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào (01/2020). Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2019 đạt 1,16 tỷ USD tăng 12,4% so với năm 2018 và trong quý I/2020 đạt 276,3 triệu USD, giảm 2,73% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Lào, với hơn 400 dự án (có 05 dự án cấp phép mới năm 2019) với tổng vốn đăng ký là hơn 4,2 tỷ USD, tập trung nhiều vào một số lĩnh vực thủy điện, khai khoáng, dịch vụ, nông nghiệp và viễn thông.
- Quan hệ giáo dục đào tạo - văn hóa: tiếp tục được quan tâm. Hai bên phối hợp triển khai hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 -2020”, chú trọng tăng cường đào tạo cán bộ chiến lược cho bạn. Các hoạt động tuyên truyền, giao lưu, văn hóa nghệ thuật, xúc tiến du lịch được quan tâm thúc đẩy ở cả cấp trung ương và địa phương, góp phần tăng cường sự gần gũi, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, tạo được dư luận tốt.
- Quan hệ quốc phòng, an ninh: tiếp tục là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Lào. Hai bên tích cực, chủ động thực hiện hiệu quả Nghị định thư hợp tác 5 năm và Kế hoạch hợp tác hàng năm về quốc phòng, an ninh, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở mỗi nước; thực hiện tốt Hiệp định về Quy chế biên giới, phối hợp triển khai Thỏa thuận giữa hai Chính phủ về giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong khu vực biên giới hai nước; tiếp tục công tác tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào trong thời kỳ chiến tranh./.
Tháng 6/2020Back Top page Print Email |