Vài Nét Về Nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào
I. Khái quát chung:
Nước CHDCND Lào, tiền thân là Vương quốc Lan-xang (Triệu Voi) được vua Phạ-ngừm thành lập từ thế kỷ 14. Lào gia nhập ASEAN năm 1997 và WTO năm 2013.
1. Tên đầy đủ: Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào (Lao People’s Democratic Republic)
2. Thủ đô: Viêng Chăn (Vientiane). Dân số Viêng Chăn khoảng: 665.000 (2018).
Cùng với Thủ đô, Lào có 17 tỉnh: Ắt-ta-pư; Bò-kẹo; Bò-li-khăm-xay; Chăm-pa-sắc; Hủa-phăn; Khăm-muộn; Luổng-nặm-tha; Luổng-phạ-bang; U-đôm-xay; Phông-xa-ly; Xa-la-văn; Xa-vẳn-na-khet; tỉnh Viêng-chăn; Xay-nhạ-bu-lu; Xê-công; Xiêng-khoảng; Xay-xổm-bun.
3. Vị trí địa lý: Phía Bắc giáp Trung Quốc 475 km; Tây Bắc giáp Mi-an-ma 238 km; Tây Nam giáp Thái Lan 1.845 km; Nam giáp Cam-pu-chia 555 km và phía Đông giáp Việt Nam 2.161 km (10/2018).
Từ Bắc xuống Nam, Lào có 10 tỉnh có chung đường biên giới với 10 tỉnh của Việt Nam (Phông-xa-ly, Hủa-phăn, Luổng-phạ-bang, Xiêng-khoảng, Bò-li-khăm-xay, Khăm-muộn, Xa-vẳn-na-khet, Xa-la-văn, Xê-công, Ắt-ta-pư; các tỉnh của Việt Nam là Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum).
4. Diện tích: 236.800 km2. Lào nằm sâu trong lục địa, không có biển, diện tích chủ yếu là đồi núi. Trong đó, diện tích mặt nước khoảng 6.000 km2.
5. Khí hậu: Lục địa, chia làm hai mùa là mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 4) và mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11).
6. Tài nguyên thiên nhiên: Lào có nguồn tài nguyên phong phú về lâm, nông nghiệp, khoáng sản (gỗ, thạch cao, thiếc, khí đốt) và thuỷ năng.
7. Kinh tế: Lào là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất ASEAN và duy trì tỉ lệ khoảng 7%/năm trong những năm gần đây (từ 2009-2017). Tỉ lệ lạm phát khá thấp (1,3 - 2%/năm). Cơ chế đầu tư đơn giản, mở rộng tín dụng ngân hàng cho nông nghiệp và doanh nghiệp nhỏ, phát triển các đặc khu kinh tế… đã góp phần thu hút nhà đầu tư nước ngoài và giúp kinh tế Lào phát triển tốt.
- Mặc dù vậy, kinh tế Lào vẫn còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng đang trong giai đoạn phát triển, năng suất lao động và chất lượng lao động còn thấp. Việc phát triển kinh tế của Lào phụ thuộc phần lớn vào ngành khai khoáng, điện năng, đầu tư nước ngoài (FDI) và viện trợ nước ngoài.
8. GDP bình quân đầu người: khoảng 2.609 USD (10/2018).
9. Đơn vị tiền tệ: Kíp (LAK). Tỉ giá: 1 USD ~ 8527-8540 Kip (Buy-Sell tháng 10/2018).
10. Dân số: khoảng 6.9 triệu người, tập trung ở các thành phố lớn như Viêng Chăn, Xa-van-na-khet, Luông-pha-bang và dọc hai bên sông Mê Công. Tỉ lệ tăng dân số trung bình là 1.51%, tuổi trung bình là ~23 tuổi (2017).
11. Dân tộc: Lào có 49 dân tộc, có những dân tộc gồm nhiều nhánh tộc và được chia thành 04 nhóm ngôn ngữ: nhóm ngôn ngữ Lào-Thái, nhóm ngôn ngữ Mon-Khơ Me, nhóm ngôn ngữ Mông-Dao, nhóm ngôn ngữ Hán-Tây Tạng.
12. Tôn giáo: Đạo Phật (chủ yếu), Thiên chúa giáo.
13. Ngôn ngữ: Tiếng Lào (Ngôn ngữ chính thức), Anh, Pháp.
14. Mùi giờ: GMT +7:00.
15. Nguồn điện dân dụng: 220v/50Hz.
16. Điện thoại/Internet: Chủ yếu ở các thành phố.
17. Sân bay quốc tế: Viêng-chăn (Vientiane-VTE); Luổng-phạ-bang (Luang Prabang - LPQ); Xa-vẳn-na-khet (Savannakhet - ZVK); Pạc-xế (Pakse - PKZ). Quá cảnh ở Hà Nội và Băng-cốc.
18. Đảng chính trị: Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (LPRP).
19. Ngày Quốc khánh: 02/12/1975.
20. Thể chế Nhà nước: Lào đang trong giai đoạn xây dựng và phát triển chế độ Dân chủ Nhân dân, tạo tiền đề để từng bước tiến lên Chủ nghĩa xã hội.
21. Chính sách đối ngoại: CHDCND Lào hiện nay đang thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, hữu nghị và hợp tác, độc lập; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; sẵn sàng làm bạn, đối tác với các nước khác; tăng cường và thắt chặt quan hệ hợp tác với các nước láng giềng chung biên giới và các đối tác chiến lược.
22. Lãnh đạo cấp cao (từ 2016-nay):
- Lãnh đạo Đảng: Tổng Bí thư Bun-nhăng Vo-la-chít (được bầu tại Đại hội Đảng X, tháng 01/2016).
- Lãnh đạo Nhà nước: Chủ tịch nước Bun-nhăng Vo-la-chít (được bầu tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Lào khóa VIII tháng 4/2016).
Phó Chủ tịch nước: Phăn-khăm Vị-pha-văn (4/2016).
- Lãnh đạo Chính phủ: Thủ tướng Thoong-lun Xi-xu-lit;
Phó Thủ tướng: Bun-thong Chít-ma-ni; Xỏn-xay Xỉ-phăn-đon; Xổm-đi Đuông-đi.
- Lãnh đạo Quốc hội: Chủ tịch Pa-ny Da-tho-tu (Nữ).
- Lãnh đạo Ngoại giao: Bộ trưởng Xạ-lởm-xay Côm-ma-xít.
II. Sơ lược lịch sử Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào:
Trước thế kỷ 14, lịch sử Lào không được ghi chép rõ ràng, chủ yếu là theo truyền thuyết. Theo đó, vào khoảng thế kỷ thứ 7 (năm 658), "Khun-lo" lập nước tại Mường-xoa (Luông-pha-bang ngày nay). Sáu người em của "Khun-lo" chia nhau cai trị các tiểu vương quốc lân cận.
- Vào thế kỷ 14 (năm 1353), vua Phạ-ngừm thống nhất các tiểu vương quốc (Hủa-phăn, Viêng-chăn, Mương-phương, Chăm-pa-sắc...) thành Vương quốc Lạn-xạng (Triệu Voi). Sau khi thống nhất, Vua Phạ-ngừm đã xây dựng chế độ phong kiến tập trung, mở ra thời kỳ rực rỡ nhất của lịch sử phong kiến Lào.
- Giữa thế kỷ 16 (năm 1556), Vua Xệt-thả-thi-lạt đã rời đô từ Luông-pha-bang về Viêng-chăn.
- Thời kỳ 1559-1571, Vương quốc Lạn-xạng bị Miến Điện xâm lược ba lần. Năm 1581 Vương quốc Lạn-xạng giành lại được độc lập.
- Dưới thời Vua Xu-li-nha Vông-xả, đất nước Lạn-xạng được khôi phục về mọi mặt. Tuy nhiên, sau khi Vua Xu-li-nha Vông-xả mất, năm 1713, Vương quốc Lạn-xạng bị chia thành 03 Vương quốc nhỏ là: Luông-pha-bang, Viêng-chăn, Chăm-pa-sắc.
- Năm 1778-1779, Xiêm xâm lược biến các vương quốc Lạn-xạng thành thuộc địa. Nhân dân các dân tộc Lào dưới sự lãnh đạo của Vua A-nụ đã liên tục vùng lên chống lại sự thống trị của vương quốc Xiêm.
- Năm 1893, thực dân Pháp xâm chiếm Lào.
- Ngày 12-10-1945, nước Lào độc lập.
- Đầu năm 1946, thực dân Pháp quay lại xâm lược Lào.
- Tháng 7-1954, Pháp ký Hiệp định Geneva công nhận nền độc lập của Lào.
- Từ năm 1955, Mỹ gây chiến tranh chống lại nhân dân Lào.
- Ngày 21-2-1973, Hiệp định Vientiane lập lại hòa bình và thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào được ký kết giữa Mặt trận yêu nước Lào và phái hữu Vientiane.
- Ngày 2-12-1975, Đại hội Đại biểu Nhân dân Lào họp ở Vientiane tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
III. Tình hình Lào hiện nay
-
Lào đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ X Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (18-22/01/2016), bầu cử Quốc hội khóa VIII và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (20/3/2016), Đại hội lần thứ X Mặt trận Lào xây dựng đất nước (08-10/6/2016).
-
Năm 2018, tình hình nội trị Lào cơ bản ổn định, an ninh – quốc phòng được đảm bảo, vai trò lãnh đạo của Đảng NDCM Lào tiếp tục được giữ vững. Quốc hội và Chính phủ Lào đẩy mạnh việc sửa đổi, ban hành các luật mới nhằm hoàn thiện hệ thống pháp lý, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước. Kinh tế Lào tiếp tục giữ được đà tăng trưởng khá; GDP đạt khoảng 6,5%, thu hút được hơn 2,1 triệu khách du lịch. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 8-9 tỷ USD/năm. Lạm phát ở mức thấp, khoảng 2-3.0%/năm. Lực lượng lao động khoảng 3,582 triệu người. Tuy nhiên, hiện Chính phủ đang phải đối phó với các vấn đề kinh tế - tài chính như thâm hụt ngân sách, nợ công và nợ nước ngoài tăng cao, cũng như khắc phục hậu quả của thiên tai, lũ lụt và sự cố vỡ đập thủy điện Xê-piền – Xê-nậm-noi, tỉnh Át-ta-pư (7/2018).
-
Theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X, Lào tiếp tục kiên định đường lối đổi mới toàn diện có nguyên tắc của Đảng, tập trung thực hiện công tác “3 xây” , “4 đột phá” và xóa nghèo; cơ cấu kinh tế chuyển biến theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa bền vững, là yếu tố và điều kiện cơ bản vững chắc cho hội nhập khu vực và quốc tế. - Về đối ngoại, hiện nay Lào có quan hệ ngoại giao với 141 nước và hơn 130 Đảng Chính trị trên thế giới, quan hệ thương mại với 60 nước và vùng lãnh thổ. Lào là thành viên chính thức của ASEAN (7/1997) và đã 02 lần giữ chức Chủ tịch ASEAN (2004 và 2016). Lào tiếp tục tích cực chủ động hội nhập, tăng cường các hoạt động đối ngoại nhằm mở rộng quan hệ, tranh thủ nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nước.
-
Gần đây, Lào đã đón nguyên thủ một số nước thăm chính thức: Tổng thống Mỹ (9/2016); Thủ tướng Nhật Bản (9/2016); Thủ tướng Trung Quốc (9/2016); Tổng thống Hàn Quốc (9/2017);Tổng Bí thư Trung Quốc (11/2017).
Tháng 12/2018
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |