BỘ NGOẠI GIAO
VỤ ĐNA-NA-NTBD
***
TÀI LIỆU CƠ BẢN
CỘNG HÒA LIÊN BANG MI-AN-MA
------
I. KHÁI QUÁT CHUNG:
1. Tên nư¬ớc: Cộng hoà Liên bang Mi-an-ma (the Republic of the Union of Myanmar)
Quốc kỳ:
2. Thủ đô: Nây-pi-tô (Nay Pyi Taw).
3. Vị trí địa lý: Mi-an-ma nằm ở Đông Nam Á, có biên giới chung với Trung Quốc (2.185 km), Lào (235 km), Thái Lan (1.800 km), Ấn Độ (1.463 km), và Băng-la-đét (193 km) và bờ biển dài 2.276 km với biển An-đa-man (Andaman) và Vịnh Ben-gan (Bengal).
4. Diện tích: 676.577 km2.
5. Khí hậu: khô nóng, có 2 mùa: mùa mưa và mùa khô.
6. Tài nguyên thiên nhiên: rất giàu có. Với hơn 50% diện tích là rừng, mỗi năm Mi-an-ma cung cấp cho thế giới khoảng 40 triệu m3 gỗ, trong đó có 30% là gỗ tếch (chiếm 75% lượng gỗ tếch xuất khẩu của thế giới). Về đá quý, Mi-an-ma tự hào với vị trí cao nhất trong các nước Châu Á sản xuất đá quý với sự đa dạng về thể loại. Mi-an-ma cũng dồi dào các khoáng sản khác như vàng, sắt thép và đồng; có trữ lượng dầu và khí tự nhiên rất lớn, đứng thứ 10 trên thế giới với trữ lượng dầu khoảng 3,2 tỷ thùng và khí ước tính 89,7 nghìn tỷ m3.
7. Thu nhập bình quân đầu người: khoảng 1.250 USD ( tháng 4/2015)
8. Đơn vị tiền tệ: chạt (kyat) (MMK) (1 USD ≈ 979 MMK).
9. Dân số: 51,4 triệu (5/2014).
10. Dân tộc: Gồm 135 dân tộc và bộ tộc, trong đó người Miến Điện (Burma) chiếm 68%, người Xan (Shan) chiếm 9%, người Ca-ren (Karen) chiếm 7%, người Ra-khai (Rakhine) chiếm 4%, người Hoa chiếm 3%, người Ấn chiếm 2%, người Mon chiếm 2% và các dân tộc khác chiếm 5%.
11. Tôn giáo: Phật giáo (89,3%), Hồi giáo (4%), Thiên chúa giáo (4%) và các tôn giáo khác.
12. Ngôn ngữ: Tiếng Miến Điện.
13. Ngày độc lập (Quốc khánh): 04/01/1948.
14. Thể chế nhà nước:
- Mi-an-ma theo chế độ Cộng hòa với 7 Bang (Shan, Chin, Kachin, Rakhine, Mon, Kayin, Kayah) và 7 Khu hành chính (tương đương bang) (Yangon, Mandalay, Bago, Magwe, Ayeyarwady, Tanninthayi, Sagaing).
- Lãnh đạo nhà nước hiện nay:
+ Nguyên thủ Quốc gia: Tổng thống Tin Chô (Htin Kyaw);
+ Phó Tổng thống thứ nhất: Min Suề ( Myint Swe);
+ Phó Tổng thống thứ hai: Hen-ry Van Thi-o (Henry Van Thio);
+ Chủ tịch Hạ viện: Uyn Min (Win Myint);
+ Chủ tịch Thượng viện (đồng thời là Chủ tịch Quốc hội): Ma Uyn Khai Than (Mahn Win Khaing Than).
II. QUAN HỆ VIỆT NAM - MI-AN-MA
1. Ngày thiết lập quan hệ Ngoại giao với Việt Nam: 28/5/1975.
2. Quan hệ chính trị: Mi-an-ma có quan hệ rất sớm với ta. Năm 1947, ta đặt Cơ quan thông tin tại Yangon, sau được nâng cấp lên thành Cơ quan đại diện chính phủ (1948). Chính phủ và nhân dân Mi-an-ma luôn dành cho nhân dân Việt Nam sự ủng hộ trong hai cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay. Sau khi ta giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hai nước đã nâng quan hệ Tổng Lãnh sự lên quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ (28/5/1975). Hai nước đã thành lập Hội Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam – Mi-an-ma và Hội Nghị sỹ hữu nghị Mi-an-ma – Việt Nam (6/2013). Ta thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam – Mi-an-ma (8/2014). Năm 2015, hai bên cũng đã có nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (28/5/1975-28/5/2015); tổ chức Kỳ họp lần thứ 8 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam – Mi-an-ma (từ ngày 28-29/5/2015 tại Mi-an-ma). Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mi-an-ma của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (24-26/8/2017), hai bên đã ra tuyên bố chung thiết lập khuôn khổ quan hệ mới, quan hệ “Đối tác Hợp tác toàn diện”, ghi một dấu mốc mới trong quan hệ hai nước.
3. Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư:
Trong những năm qua, hai bên tiếp tục duy trì 12 lĩnh vực hợp tác ưu tiên (nêu trong Tuyên bố chung nhân chuyến thăm Mi-an-ma của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tháng 4/2010). Về thương mại, kim ngạch thương mại song phương đạt 434,7 triệu USD năm 2015 và 548,3 triệu USD năm 2016, vượt mục tiêu kim ngạch 500 triệu USD mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đặt ra. Trong 6 tháng đầu năm 2017, thương mại hai chiều đạt 116,725 triệu USD, tăng gần 44% so với cùng kỳ năm 2016. Tính đến hết tháng 6/2017, Việt Nam xếp vị trí thứ 7 trong tổng số 49 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Mi-an-ma với tổng vốn đăng ký cho 14 dự án, trong đó có 5 dự án 100% vốn Việt Nam, còn lại là các dự án liên doanh với đối tác Mi-an-ma. Một số dự án có tiếng vang và tạo dựng được hình ảnh như Trung tâm phức hợp Hoàng Anh Gia Lai tại I-ăng-gun, chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), hợp tác thăm dò dầu khí, dự án cung cấp mạng viễn thông (Mytel) của Viettel. Như vậy, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Mi-an-ma.
Hai bên cũng duy trì thường xuyên cơ chế họp Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương, Tiểu ban hỗn hợp về Thương mại.
4. Trao đổi đoàn cấp cao:
- Ta có các đoàn thăm Mi-an-ma: Chủ tịch Hồ Chí Minh (1958); Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt (5/1994); Tổng Bí thư Đỗ Mười (5/1997); Thủ tướng Phan Văn Khải (5/2000); Chủ tịch nước Trần Đức Lương (5/2002); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (8/2007, 4/2010 và 12/2011) và dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á (6/2013), dự Hội nghị cấp cao ACMECS-6 và CLMV-7 (6/2015); Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (29/11-01/12/2012); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (7/2013); Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (8/2017); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (9/2016) kết hợp dự AIPA 37; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (3/2015); Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân (3/2015).
- Mi-an-ma có các đoàn thăm ta: Thủ tướng U Nu (1954); Chủ tịch Than Suề (3/1995 và 3/2003); Thủ tướng Khin Nhun (8/2004); Thủ tướng Xô Uyn (4/2005); Thủ tướng Thên Sên (11/2007); Tổng thống Thên Sên (3/2012); Tổng thống Tin Chô (10/2016) kết hợp dự ACMECS 7 và CLMV 8; Chủ tịch Thượng viện (đồng thời là Chủ tịch Quốc hội) Khin Ong Min (6/2012); Chủ tịch Quốc hội Thura U Shwe Mann (9/2014); Chủ tịch Quốc hội U Ma Uyn Khai Than (5/2017)./.