Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Monday, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA DÂN CHỦ XRI LAN-CA VÀ QUAN HỆ VIỆT NAM - XRI LAN-CA


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA DÂN CHỦ XRI LAN-CA (SRI LANKA)

I. Khái quát chung:
- Tên nước : Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Dân chủ Xri Lan-ca
- Địa lý :  Xri Lan-ca nằm ở Ấn Độ Dương, cực Nam Tiểu lục địa Ấn Độ.
- Diện tích :  65.610 km2, gồm đất liền: 64740km2, biển: 870km2.
- Thủ đô :  Cô-lôm-bô (Colombo).
- Địa hình :  Là nước đảo có đường biển bao bọc dài 1340km, không có biên   giới đất liền, có núi ở chính giữa phía Nam.
- Dân tộc : 73,8% là người Xin-ha-li (Sinhalese), 4,6% là người Ta-min Ấn Độ (Tamil); 3,9% người Ta-min Xri Lan-ca, 7,2% là người Hồi giáo; 0,5% là dân tộc khác và khoảng 10% không được xác định
- Dân số : 20.242.000 người (2009-số liệu IMF); Tỷ lệ tăng: 0,904% (2009).
- Tôn giáo : 69,1% dân số theo Phật giáo, 7,1% theo Ấn giáo, 7,6% theo Hồi giáo, 6,2% theo Thiên chúa giáo, 10% không xác định
- Ngôn ngữ : Tiếng Xin-ha-la là ngôn ngữ chính thức và là quốc ngữ (74%), một bộ phận nói tiếng Ta-min (18%) Hin-đi và 8% là các ngôn ngữ khác. Tiếng Anh được sử dụng rộng rãi (chiếm 10% dân số).
- Học vấn : Tỷ lệ biết chữ chiếm 90,7% dân số.
- Thu nhập bình quân: 2041USD/người năm 2009 (số liệu IMF)

II. Lịch sử phát triển:
Theo truyền thuyết, vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, một số người gốc Ấn từ khu vực phía Bắc Ấn Độ  đã đến định cư tại Xri Lan-ca, là tổ tiên của người dân tộc Xin-ha-li. Các bộ lạc gốc người Ta-min từ miền Nam Ấn Độ cũng di cư tới phía Bắc và Đông Xri Lan-ca. Hai dân tộc chính là Xin-ha-li (nói tiếng Xin-ha-li và theo đạo Phật) và Ta-min (nói tiếng Ta-min, theo đạo Hin-đu) hình thành và cư trú tại Xri Lan-ca từ thời kỳ đầu.
Từ đầu thế kỷ thứ 16, Xri Lan-ca bị đế quốc Bồ Đào Nha xâm lược. Năm 1505, Bồ Đào Nha chiếm được vương quốc Cô-tê của người Xin-ha-li ở khu vực ven biển  (gần thủ phủ Cô-lôm-bô ngày nay). Tuy nhiên đến tận năm 1621, Bồ Đào Nha mới chinh phục được vương quốc của người Ta-min (ở vùng phía Bắc và Đông Xri Lan-ca); và đến năm 1815, một vương quốc khác của người Xin-ha-li ở cao nguyên trung phần mới bị thực dân Anh sát nhập. Sau Bồ Đào Nha, Xri Lan-ca lần lượt rơi vào ách cai trị của thực dân Hà Lan (1656) và Anh (1796). Các nước thực dân chia Xri Lan-ca thành các khu vực riêng rẽ để cai trị.  Đến năm 1833, để tiện cho việc quản lý, thực dân Anh đặt toàn bộ Xri Lan-ca dưới một cơ quan quyền lực chính trị thống nhất là chính phủ Xây-lan (Ceylon). Ngày 4/2/1948, thực dân Anh trao trả quyền tự trị cho Xri Lan-ca nằm trong Khối Liên hiệp Anh. Xri Lan-ca trở thành một quốc gia thống nhất, với chính phủ và quốc hội có cả đại diện của người Xin-ha-li và người Ta-min.
Năm 1977, Đảng Quốc dân Thống nhất (UNP) do ông J.R. Giai-ê-va-đê-nê (J.R. Jayewardene) làm lãnh tụ thắng cử, lập Chính phủ và đổi tên nước thành Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Dân chủ Xri Lan-ca.

III. Thể chế chính trị:
-  Chính thể   : Cộng hoà
-  Ngày Quốc khánh :  Ngày 4 tháng 2 năm 1948
+ Tổng thống: là người đứng đầu Nhà nước, trực tiếp điều hành chính phủ, được bầu nhiệm kỳ 6 năm. Tổng thống chỉ định Thủ tướng. Nội các do Tổng thống chỉ định có bàn với Thủ tướng. Tổng thống hiện nay là ông Ma-hin-đa Ra-gia-pắc-xơ (Mahinda Rajapaksa), bầu từ 11/2005.
+ Thủ tướng:  Ông Ratnasiri Wickramanayka (Rát-na-si-ri Uýt-kra-ma-nai-ca). (tuyên thệ ngày 21/11/2005).
+ Chủ tịch quốc hội: Ông W.J.M Lokubandra (Lô-cu-ban-đơ-ra), từ tháng 4/2004, khóa 13.
- Lập pháp: Quốc hội gồm 225 ghế, nhiệm kỳ 6 năm. Hiến pháp được ban hành từ  16/8/1978.
- Tư pháp: Là tổng thể hỗn hợp giữa các luật phổ thông của Anh,  Hà Lan, Đạo Hồi, Xin-ha-la, và luật theo thông lệ không bị bắt buộc phải chấp nhận theo tư pháp. Chánh án Toà án Tối cao và Toà Thượng thẩm do Tổng thống chỉ định.
-  Phân cấp hành chính: 10 thành phố và 9 Tỉnh miền Trung, Bắc Trung Bộ, Bắc (Jaffna), Đông Bắc, Tây Bắc, Xa-ba-ra-ga-mu-va, Miền Nam, U-va và Miền Tây.

* Tình hình chính trị -nội bộ:
Hai đảng lớn nhất là Đảng Tự do Xri Lan-ca (SLFP) và Đảng Quốc dân Thống nhất (UNP) thay nhau cầm quyền từ khi Xri Lan-ca giành được độc lập (1948).
Vào những năm đầu thập niên 70, sinh viên và thanh niên Ta-min bắt đầu các hoạt động khủng bố, tấn công vũ trang chống chính phủ. Năm 1976, tổ chức Những con hổ giải phóng Ta-min (LTTE) ra đời. Là một tổ chức chính trị vũ trang, LTTE chủ trương đòi ly khai, lập lãnh thổ riêng cho người thiểu số Ta-min. Năm 2002, Chính phủ Xri Lan-ca và LTTE ký hiệp định ngừng bắn, tiến hành đối thoại để tìm giải pháp hoà bình. Tuy nhiên hiệp định này sớm bị vi phạm, LTTE tiếp tục đụng độ và giao tranh với quân Chính phủ, với nhiều vụ với quy mô nghiêm trọng trong thời gian cuối 2006, và trong năm 2007, chính phủ đã chiếm lại Tỉnh phía Đông. Tháng 1/2008, Chính phủ chính thức rút khỏi hiệp định ngừng bắn và đẩy mạnh tấn công với mục đích tiêu diệt hoàn toàn lực lượng LTTE ở khu vực phía Bắc. Đến ngày 19/5/2009, Tổng thống Xri Lan-ca tuyên bố kết thúc thành công chiến dịch quân sự và tiêu diệt hoàn toàn lực lượng LTTE.
Kể từ năm 2000 đến nay đã diễn ra 4 cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống trước thời hạn (10/2000; 12/2001; 4/2004; và 11/2005). Tháng 11/2005, Sri Lan-ca tổ chức bầu trực tiếp Tổng thống . Trong cuộc bầu cử này, ông Ma-hin-đa Ra-gia-pắc-xơ (thuộc đảng SLFP) đắc cử với 50,29% phiếu bầu. Ngày 21/11/2005,  Tổng thống Ma-hin-đa bổ nhiệm ông Rát-na-si-ri Uýt-kra-ma-nai-ca làm thủ tướng. Sắp tới, Xri Lan-ca tổ chức bầu cử Tổng thống trước thời hạn 2 năm (dự kiến vào ngày 26/1/2010).
 
IV- Kinh tế - xã hội:
- GDP bình quân/người: năm 2009 đạt khoảng 2041 USD (số liệu IMF).
- Tỷ lệ tăng trưởng GDP: 3 % (năm 2009- số liệu IMF)
- Lạm phát: 4,6%
- Tỉ lệ các thành phần tham gia GDP: Nông nghiệp 15,5 % - Công nghiệp 27% và dịch vụ 57,5 % (2008)
- Tài nguyên tự nhiên: Đá vôi, đất sét, than chì, phốt phát, dầu khí, cát tự nhiên, đá quý, thủy điện.
- Xuất khẩu: 4,55 tỉ USD (9/2009-số liệu Ngân hàng trung ương Xri Lan-ca); 
- Nhập khẩu : 6,18 tỉ USD (9/2009).
- Dự trữ vàng và ngoại tệ: 5,9 tỷ USD (đến 9/2009- số liệu Ngân hàng trung ương Xri Lan-ca).
Xri Lan-ca về cơ bản vẫn là nước nông nghiệp. Ba sản phẩm truyền thống nổi tiếng là chè, dừa và cao su. Đây cũng là những sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của nước này, đóng góp trên 60% nguồn thu từ xuất khẩu. Hiện Xri Lan-ca đứng đầu thế giới về sản xuất cao su bán thành phẩm và xuất khẩu chè đen, xơ dừa.
Từ khi giành độc lập đến năm 1976, Xri Lan-ca phát triển chậm do xây dựng nền kinh tế theo mô hình tập trung, thành phần kinh tế nhà nước cồng kềnh, kém hiệu quả, cộng thêm tình hình an ninh liên tục diễn biến xấu. Từ năm 1977, Xri Lan-ca tiến hành cải cách kinh tế theo cơ chế thị trường, đẩy mạnh tư nhân hoá và mở cửa, chú trọng xuất khẩu. Quan hệ thương mại của Xri Lan-ca với các bạn hàng truyền thống như Ấn Độ, Mỹ, các nước Phương Tây, Trung Cận Đông, Nhật Bản ngày càng phát triển. Thực hiện chính sách hướng Đông, Xri Lan-ca ngày càng chú trọng phát triển quan hệ hợp tác với Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Xin-ga-po. Trong những năm 90, kinh tế Xri Lan-ca phát triển khá với tốc độ tăng GDP bình quân 5,2%/năm. Năm 2001, do nạn đình công, thiếu hụt năng lượng, mất an ninh trong nước và khủng bố tại Mỹ (thị trường xuất khẩu chính của Xri Lan-ca), GDP giảm 1,4%. Tuy nhiên, kể từ năm 2002, kinh tế Xri Lan-ca đã nhanh chóng hồi phục và phát triển nhanh, đạt tốc độ tăng GDP trung bình  6%/ năm. Chính phủ Xri Lan-ca chủ trương phát triển kinh tế - xã hội công bằng và hài hoà và tập trung xây dựng nền kinh tế Xri Lan-ca tự cường. Hiện Xri Lan-ca là một trong những nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất khu vực Nam Á (chỉ sau Man-đi-vơ và Bu-tan).

V- Chính sách đối ngoại:
Xri Lan-ca thi hành chính sách đối ngoại hoà bình, độc lập, không liên kết, coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, nhất là với ấn Độ, Pa-ki-xtan; chủ trương phát triển cân bằng quan hệ cân bằng với các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, các nước Phương Tây, các nước trong các tổ chức khu vực và liên khu vực. Từ đầu những năm 90, Xri Lan-ca đã điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ. Từ  tháng  6/2002, Xri Lan-ca tranh thủ môi trường hoà bình và ổn định, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại với các nước, nhất là các nước và các tổ chức tài trợ nhằm hỗ trợ cho quá trình hoà đàm, cô lập lực lượng LTTE và đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội. Hiện nay Xri Lan-ca cũng đang chú trọng triển khai chính sách hướng Đông, tăng cường quan hệ với các nước Đông Bắc Á và các nước ASEAN, tận dụng sự năng động của khu vực này để phát triển kinh tế. Xri Lan-ca đang tích cực vận động để trở thành bên đối thoại của ASEAN và thành viên APEC. Xri Lan-ca tích cực hoạt động trong các tổ chức quốc tế, khu vực và liên khu vực như SAARC (Hợp tác các nước khu vực Nam Á), BIMSTEC (Nhóm hợp tác kinh tế một số các nước khu vực Nam Á và Đông Nam Á); IOR-ARC (Tổ chức  Hợp tác khu vực các nước ven Ấn Độ Dương).

VI- Quan hệ với Việt Nam:
 Ngày 21/7/1970, hai nước nâng quan hệ lên cấp Đại sứ. Ta lập Đại sứ quán thường trú tại Cô-lôm-bô năm 1971, rút năm 1982. Xri Lan-ca mở Đại sứ quán tại Việt Nam tháng 1/2003.
Việt Nam-Xri Lan-ca có quan hệ chính trị hữu nghị và truyền thống phát triển tốt đẹp. Xri Lan-ca ủng hộ ta trong cuộc kháng chiến giành độc lập trước đây. Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Xri Lan-ca năm 1978. Chủ tịch Quốc hội Xri Lan-ca thăm ta tháng 2/2006. Thủ tướng Xri Lan-ca Rát-na-si-ri Uých-kra-ma-nai-ca (Ratnasiri Wickramanayka) thăm chính thức Việt Nam (26-29/11/2006). Ngày 19/5/2009, Tổng thống Xri Lan-ca đã chọn ta là một trong những nước đầu tiên gọi điện thông báo thắng lợi của Chính phủ Xri Lan-ca đối với lực lượng LTTE. Tổng thống Xri Lan-ca Ma-hin-đa Ra-gia-pắc-xơ (Mahinda Rajapaksa) thăm chính thức Việt Nam (22-24/10/2009).
Hai nước ủng hộ và phối hợp tốt với nhau tại các diễn đàn quốc tế, trong đó có Phong trào Không liên kết, hợp tác Nam-Nam và các hoạt động tại Liên Hợp Quốc.
Quan hệ kinh tế phát triển đều trong những năm gần đây:
- Về thương mại:  Năm 2000 kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 30,1 triệu USD (Việt Nam xuất 14,5 triệu và nhập 15,6 triệu), năm 2001 đạt khoảng 31,2 triệu USD ( ta xuất 15 triệu và nhập 16,2 triệu); năm 2002 đạt 33 triệu USD (ta xuất 16 triệu và nhập 17 triệu),  năm 2003 chỉ đạt 15 triệu USD, năm 2004 đạt 25 triệu (ta xuất hơn 18 triệu và nhập hơn 6 triệu), năm 2005 đạt 30.5 triệu USD (ta xuất 20,1 triệu và nhập 10,4 triệu). Trong năm 2007, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt khoảng 53,70 triệu USD (ta xuất 38,77 triệu và nhập 14,93 triệu). Năm 2008, kim ngạch thương mại song phương đạt 61,6 triệu USD (ta xuất 40 triệu và nhập 21,6 triệu). Sáu tháng đầu năm 2009, kim ngạch  thương mại hai chiều đạt 21,7 triệu USD
Các mặt hàng ta xuất chủ yếu sang Xri Lan-ca gồm đá quý và kim loại quý, vải các loại, máy và công cụ nông nghiệp, cao su, hải sản,  thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ… Các mặt hàng nhập khẩu bao gồm thức ăn gia súc, kim cương thô, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy, chất dẻo và hoá chất…
- Về đầu tư: Tính đến tháng 9/2009, Xri Lan-ca có 5 dự án có hiệu lực với số vốn đăng ký 13,2 triệu USD, đứng thứ 59/88 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
- Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp cũng được thúc đẩy trong thời gian gần đây. Năm 2007, hai bên đã thông qua Kế hoạch hành động giai đoạn 2007-2009 triển khai MOU hợp tác nông nghiệp và thuỷ sản. Năm 2009, hai bên tiếp tục ký Kế hoạch hành động giai đoạn 2010-2013. 
- Cơ chế Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Xri Lan-ca (chủ trì cấp Bộ trưởng Ngoại giao) được thành lập từ năm 2003; đến nay hai bên đã tổ chức được 2 kỳ họp ( kỳ họp lần thứ 1 vào tháng 10/2003 tại Hà Nội, kỳ họp lần thứ 2 vào tháng 8/2009 tại Colombo, Sri Lanka).
- Tính đến năm 2009, Việt Nam và Xri Lan-ca ký được 9 Hiệp định hợp tác về Văn hoá; Thương mại; Bưu chính; Vận tải Hàng không; Kinh tế, Khoa học và Kỹ thuật;  Miễn trừ thị thực cho công dân hai nước mang Hộ chiếu Công vụ và Ngoại giao; Du lịch; Tránh đánh thuế hai lần; Khuyến khích và bảo hộ đầu tư.

Trao đổi đoàn giữa hai nước  trong thời gian gần đây gồm:
+ Về phía Xri Lan-ca:  Bộ trưởng Ngoại giao Xri Lan-ca Lắc-xơ-man Ca-đia-ga-ma (Lakshman Kadirgamar) thăm chính thức Việt Nam (5/1999). Bí thư Bộ Quốc phòng Xri Lan-ca Chan-đờ-ra-nan-đa (A. Chandrananda) thăm Việt Nam (6/2000). Bộ trưởng Thương mại - Tiêu dùng Xri Lan-ca thăm (6/2002). Bộ trưởng Ngoại giao Ti-ron-nê Phéc-nan-đô, Xri Lan-ca thăm Việt Nam (10/2003) và dự  phiên họp đầu tiên Uỷ ban Hỗn hợp hai nước. Bộ trưởng Nông nghiệp-chăn nuôi-đất đai và thuỷ lợi Xri Lan-ca thăm Việt Nam (12/2004). Chủ tịch Quốc hội Xri Lan-ca W.J.M. Lô-ku-ban-đa-ra thăm Việt Nam (2/2006). Thủ tướng Xri Lan-ca  Uých-kra-ma-nai-ca thăm chính thức Việt Nam (26-29/11/2006). Bộ trưởng Bộ phát triển chăn nuôi Xri Lan-ca thăm Việt Nam (28/3-5/4/2007). Thứ trưởng thường trực Bộ Quốc phòng, An ninh, Luật pháp và Trật tự Xri Lan-ca Gô-ta-bai-a Ra-ja-pắc-xơ (Gotabaya Rajapaksa) thăm Việt Nam (4/2008). Bộ trưởng Phát triển Doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư Xri Lan-ca A-ru-na Pri-a-đa-sa-na I-a-pa (Anura Priyadarshana Yapa) thăm TP. HCM (9/2008), cùng đi có 12 doanh nghiệp hàng đầu Xri Lan-ca. Bộ trưởng Ngoại giao Xri Lan-ca Rô-hi-tha Bô-gô-la-ga-ma (Rohitha Bogollagama) thăm chính thức Việt Nam (5-6/3/2009).Tổng thống Xri Lan-ca Ma-hin-đa Ra-gia-pắc-xơ thăm chính thức Việt Nam (22-24/10/2009).
+ Về phía Việt Nam: Thứ trưởng Ngoại giao Lê Công Phụng thăm Xri Lan-ca (3/2002). Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên thăm Xri Lan-ca (7/2003). Thứ trưởng Thương mại Đỗ Như Đính thăm Xri Lan-ca (10-2003). Bộ trưởng Thuỷ sản Tạ Quang Ngọc thăm Xri lan-ca (3/2005). Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Diệp Kỉnh Tần thăm Xri Lan-ca (6/2006). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điện đàm với Tổng thống Xri Lan-ca (tháng 5/2009). Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm gặp Bộ trưởng Ngoại giao Sri Lanka bên lề Hội nghị AMM-41, tại Xinh-ga-po (ngày 24/7/2008), bên lề Hội nghị cấp cao NAM-15, tại Ai Cập (ngày 14/7/2009). Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh gặp Bộ trưởng Ngoại giao Xri Lan-ca tại Hội nghị An ninh Châu Á lần thứ 8 tại Xinh-ga-po (tháng 5/2009). Thứ trưởng Ngoại giao Đào Việt Trung dự UBHH Việt Nam- Sri Lan-ca lần thứ 2  tại Colombo (10-11/8/2009). Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào thăm Xri Lan-ca (4-8/10/2009). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Uých-kra-ma-nai-ca bên lề Hội chợ Kinh tế - Thương mại quốc tế miền Tây Trung Quốc lần thứ 10 tại Thành Đô – Tứ Xuyên (từ ngày 14-16/10/2009). Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng dự Hội nghị Bộ trưởng Đối thoại hợp tác châu Á lần thứ 8 tại Colombo (14-15/10/2009).

Tháng 12/2009

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer