Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Sunday, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Tài liệu cơ bản Ai-len và quan hệ Việt Nam - Ai-len


TÀI LIỆU CƠ BẢN AI-LEN

I. THÔNG TIN CHUNG:

- Tên nước:                     Ai-len (Ireland)    

- Là thành viên EU

- Thủ đô:                        Dublin       

- Ngày Quốc khánh:       17/3 (Ngày Thánh Patrick)       

- Vị trí địa lý:                 Ai-len là quốc đảo, nằm trong biển Bắc Băng Dương, ở cực Tây - Bắc Châu Âu, phía đông giáp biển nằm giữa Ai-len và nước Anh, phía Tây giáp Bắc Băng Dương.

- Diện tích:                               70.282 km2

- Khí hậu:                       Do ảnh hưởng dòng hải lưu Gulf Stream, nên có nhiều gió mạnh thổi theo hướng Tây Nam và nhiệt độ toàn quốc không khác nhau. Tháng lạnh nhất là tháng Giêng và tháng hai từ 4-70 C. Tháng ấm nhất là 7 và 8, nhiệt độ 14-160C. Hòn đảo Ai-len bị tách khỏi châu Âu vào thời kỳ cuối của kỷ nguyên Băng hà, do đó các loại động thực vật ít hơn châu Âu.

- Dân số:                        4,952 triệu người (tháng 7/2016)

- GDP:                           324 tỷ USD (2016)

- GDP đầu người:           69.400 USD (2016)

- Đơn vị tiền tệ:              Euro

- Tôn giáo:                     Thiên chúa giáo 87,4%; không tôn giáo 5,7%; còn lại là tôn giáo khác         

- Ngôn ngữ:                    Tiếng Anh và tiếng Ai-len (gọi là tiếng Gaelic hoặc Gaeilge; tiếng mẹ đẻ hoặc ngôn ngữ thứ hai của khoảng 38,7% dân số, chủ yếu ở các vùng duyên hải phía tây) 

- Cơ cấu hành chính:      Thủ đô Dublin, 28 tỉnh và 2 thành phố thuộc tỉnh (Cork và Galway)

- Lãnh đạo chủ chốt:      + Tổng thống: Ông Mai-cơn Đ. Hích-ghin  (Michael D. Higgins), nhậm chức tháng 11/2011

                                      + Thủ tướng: Ông Lê-ô Va-rát-ca (Leo Varadkar) nhậm chức ngày 14/6/2017 (đảng Fine Gael)

                                      + Chủ tịch Thượng viện: Ông San O Pha-ghin (Seán Ó Fearghaíl), nhậm chức tháng 3/2016 (đảng Fianna Fáil)

                                      + Chủ tịch Hạ viện: Đen-nít Âu Đô-nô-van (Dennis O’Donovan), nhậm chức tháng 6/2016 (đảng Fianna Fáil)

                                      + Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại: Ông Xai-mơn Ca-vơ-ni (Simon Coveney) nhậm chức ngày 14/6/2017 (đảng Fine Gael)

 

II. KHÁI QUÁT LỊCH SỬ:

Ai-len ra đời năm 1922 sau khi 26 tỉnh của đảo Ai-len tách ra khỏi nước Anh (6 tỉnh còn lại vẫn thuộc Anh, được gọi là xứ Bắc Ai-len). Trước đó, Ai-len nằm dưới quyền cai trị của nước Anh trong nhiều thế kỷ.

Từ năm 1874, người Ai-len đã đấu tranh xây dựng một hệ thống luật pháp riêng nhằm giành quyền tự trị mà không buộc đảo này phải tách hẳn khỏi nước Anh. Tuy nhiên, từ đó đã nảy sinh mâu thuẫn trong nội bộ Ai-len giữa một bên là những người Tin lành theo chủ nghĩa liên minh (unionism), muốn Ai-len tiếp tục nằm trong nước Anh và một bên là những người Thiên chúa giáo theo phe Sinn Fein, muốn Ai-len tách hoàn toàn khỏi Anh thành quốc gia độc lập. Chủ nghĩa liên minh đặc biệt phát triển mạnh ở khu vực Ulster phía bắc, nơi công nghiệp hóa phát triển mạnh so với phần còn lại của Ai-len chủ yếu làm nông nghiệp. Năm 1914, để tránh một cuộc nội chiến ở Ulster, Thủ tướng Anh Asquith đã trao quyền tự trị cho 26 trong số 32 tỉnh của Ai-len, 6 tỉnh phía Bắc nằm ngoài thỏa thuận này. Tuy nhiên do Thế chiến thứ nhất nổ ra năm 1914, thỏa thuận này chưa được áp dụng.

Năm 1919, sau cuộc bầu cử Quốc hội, 73 trong số 106 nghị sỹ quốc hội thuộc đảng Sinn Fein từ chối không tham gia Hạ viện Anh mà thay vào đó lập Quốc hội riêng của Ai-len (Dáil Éireann). Tháng 01/1919, Quốc hội Ai-len đơn phương ra bản Tuyên ngôn độc lập và tuyên bố thành lập Cộng hòa Ai-len. Tuy nhiên Cộng hòa Ai-len không được quốc tế công nhận (trừ Liên bang Xô Viết). Sau cuộc chiến giành độc lập, Anh và Ai-len đàm phán Hiệp định Anh - Ai-len năm 1921, cho ra đời nước Ai-len Tự do. Ai-len Tự do bao gồm 26 tỉnh, 6 tỉnh phía bắc còn lại được quyền chọn hoặc gia nhập quốc gia mới, hoặc vẫn giữ thuộc về Anh và họ đã chọn ở lại Vương quốc Anh. Đứng đầu nước Ai-len độc lập là Nhà Vua Ai-len. Cuộc nội chiến Ai-len là hệ quả của Hiệp định này. Cuộc nội chiến đã chia rẽ quân đội Cộng hòa Ai-len (IRA) thành hai phe: phe chống và phe ủng hộ Hiệp định. Các lực lượng chống Hiệp định muốn chấm dứt hoàn toàn ảnh hưởng của Anh và muốn Ai-len từ bỏ khối Thịnh vượng chung của Anh. Chiến tranh liên miên đã làm kiệt quệ nền kinh tế Ai-len trong nhiều năm.

Ngày 29/12/1937, Hiến pháp mới của Ai-len ra đời thay tên nước Ai-len Tự do bằng tên mới Ai-len và quy định người đứng đầu nhà nước Ai-len là Tổng thống. Ai-len đã gia nhập Liên hợp quốc năm 1955 và gia nhập Khối Thị trường chung châu Âu, tiền thân của Liên minh châu Âu, năm 1973 (cùng với Anh).

Vấn đề Bắc Ai-len:

Từ 1921 - 1972, Bắc Ai-len dưới quyền kiểm soát của Anh, các nghị sỹ ở đây được bầu vào Quốc hội Anh, nhưng thực tế các vấn đề địa phương được tự do giải quyết và do đảng liên minh (Unionist Party) chi phối, là đảng được sự ủng hộ của đa số cử tri hướng vào liên minh với Anh. Còn nhóm Cộng đồng theo quốc gia chiếm 1/3 dân số mong muốn thống nhất với Ai-len, thường bị phân biệt đối xử nghiêm trọng. Đầu những năm 1970, sự phục hồi các hoạt động quân sự của Quân đội Cộng hòa Ai-len (IRA) lẻ tẻ nổ ra làm nảy sinh các nhóm trung thành quá khích đã khiến tình hình an ninh bất ổn định và buộc Chính phủ Anh trực tiếp lãnh đạo toàn bộ Bắc Ai-len. Từ 1974, Bắc Ai-len được đặt quyền chỉ đạo trực tiếp của một Bộ trưởng (phụ trách vấn đề Ai-len) thuộc Chính phủ Anh.

Năm 1998 đánh dấu một mốc lớn trong vấn đề giải quyết đụng độ kéo dài ở Bắc Ai-len, trong quan hệ Anh - Ai-len và trong nội bộ châu Âu: ngày 10/4/1998 hai chính phủ Anh và Ai-len đồng bảo trợ và 8 chính đảng ở Ai-len, dưới sự trung gian của Thượng Nghị sỹ Mỹ George Mitchell đã ký Hiệp định hòa bình Belfast, dần dần đi đến chấm dứt cuộc chiến ở Bắc Ai-len. Cuộc trưng cầu dân ý tháng 6/1998 đã bảo đảm Hiệp định trên có hiệu lực thi hành, sau đó đã bầu ra một Nghị viện Bắc Ai-len riêng.

Năm 2002, Nghị viện Bắc Ai-len đã bị Chính phủ trung ương của Anh ngưng hoạt động, liên quan chủ yếu đến mâu thuẫn trong nội bộ các đảng trong chính phủ địa phương này, mà mấu chốt là thời hạn IRA giải giáp vũ khí. Tháng 5/2006, Anh ra đạo luật mở đường cho Nghị viện Bắc Ai-len hoạt động trở lại. Tháng 5/2007, Nghị viện đã bầu ra chính phủ mới sau 5 năm chịu sự quản lý trực tiếp từ London.

Ngày 9/3/2010, Nghị viện Bắc Ai-len thông qua một Hiệp định về việc chấp thuận chuyển giao quyền lực tư pháp và cảnh sát từ London về cho Belfast (giai đoạn cuối cùng của Hiệp định Belfast 1998). Hiệp định này chấm dứt những mâu thuẫn tại Bắc Ai-len trong nhiều thập niên qua.

III. THỂ CHẾ NHÀ NƯỚC VÀ ĐẢNG PHÁI CHÍNH TRỊ:

- Tổng thống: được dân bầu trực tiếp, phải từ 35 tuổi trở lên, nhiệm kỳ 07 năm và chỉ được bầu lại một lần. Tổng thống là Nguyên thủ quốc gia, Tổng tư lệnh các lực lượng quốc phòng, có quyền bổ nhiệm Thủ tướng, bổ nhiệm và mãn nhiệm thành viên Chính phủ (theo đề nghị của Quốc hội).

- Chính phủ: Hiến pháp quy định thành viên Chính phủ không ít hơn 07 và không nhiều hơn 15 Bộ trưởng. Thủ tướng, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính phải là thành viên Quốc hội, các thành viên khác có thể là Nghị sỹ trong Hạ viện hay Thượng viện và không nhiều hơn 2 thành viên thuộc Thượng viện. Thủ tướng do Tổng thống bổ nhiệm theo đề nghị của Hạ viện, và có thể bị buộc từ chức nếu không được đa số ủng hộ của Hạ viện. Bộ trưởng có thể đứng đầu nhiều hơn một Bộ. Chính phủ thiểu số hiện nay là liên minh giữa Đảng Fine Gael một số Nghị sỹ độc lập.

- Quốc hội (Oireachtas) được chia làm 2 Viện.

+ Thượng viện (Seanad Éireann): có 60 Thượng Nghị sỹ, trong đó 11 do Thủ tướng đề cử, 43 bầu từ 5 Ban chuyên trách (Văn hóa và Giáo dục; Nông nghiệp; Lao động; Công nghiệp và thương mại; Hành chính), và 6 Thượng Nghị sỹ do Đại học Quốc gia Ai-len và Đại học Trinity bầu. Thượng viện chỉ có thể trì hoãn chứ không có quyền phủ quyết các dự luật. Tỷ lệ số Thượng Nghị sĩ phản ánh tỷ lệ thắng cử của các đảng tại bầu cử Quốc hội.

+ Hạ viện (Dáil Éireann ): có 158 Hạ Nghị sĩ, được bầu từ 40 đơn vị bầu cử, nhiệm kỳ 5 năm. Hạ Nghị sỹ có thể thuộc các đảng phái hoặc là Nghị sỹ độc lập. Hạ viện là cơ quan lập pháp chủ yếu, bầu Thủ tướng và Chính phủ.

- Hệ thống tư pháp: Tòa án địa phương (dân sự và hình sự), Tòa án cấp vùng (dân sự và hình sự), Tòa án cấp cao (dân sự), Tòa án hình sự trung tâm, Tòa án hình sự đặc biệt, Tòa án phúc thẩm (dân sự và hình sự), Tòa án Tối cao (dân sự và hình sự).

- Các đảng phái chính trị và số ghế tại Hạ viện:

+ Đảng Fine Gael:          50/158 (thuộc Chính phủ liên minh cầm quyền)

+ Các Nghị sỹ độc lập tham gia Chính phủ: 07/158

+ Đảng Fianna Fáil: 45/158 (có thỏa thuận hợp tác với Chính phủ)

+ Đảng Sinn Féin: 23/158

+ Đảng Lao động: 07/158

+ Các đảng phái và Nghị sỹ độc lập khác: 26/158

 

IV. KINH TẾ:

Trong giai đoạn 1993 - 2007, nhờ thực hiện thành công chính sách chuyển đổi nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp và dịch vụ tập trung xuất khẩu, Ai-len trở thành một trong những nền kinh tế phát triển năng động nhất thế giới, tăng trưởng GDP đạt trung bình 10% trong giai đoạn 1995 - 2000 và 7% giai đoạn 2001 - 2004. Chính sách kinh tế của chính phủ Ai-len tập trung vào xuất khẩu và khuyến khích đầu tư nước ngoài đã đem lại sự tăng trưởng vượt bậc cho Ai-len trong suốt thập kỷ 90. Ai-len xuất khẩu chủ yếu là các mặt hàng chế biến thực phẩm, đồ uống, quần áo, đồ thủ công, hoá chất, dược, máy điện tử, thiết bị thông tin. Ai-len gia nhập Liên minh tiền tệ châu Âu năm 2002. Hiện nay có hơn 1000 công ty đa quốc gia hoạt động tại Ai-len, hầu hết trong số đó là công ty của Mỹ.

Từ năm 2008, do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, kinh tế Ai-len rơi vào suy thoái, khủng hoảng nợ công trầm trọng và phải chấp nhận gói cứu trợ 92 tỷ USD từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tài tệ quốc tế (IMF) vào tháng 11/2010. Cuối năm 2013, Ai-len chính thức thoát khỏi khủng hoảng nợ công, kinh tế nhanh chóng phục hồi với mức tăng trưởng cao bậc nhất trong EU, đạt 4,9% năm 2016. Ai-len hiện được đánh giá là một trong những nước đứng đầu thế giới về môi trường kinh doanh, khởi nghiệp và giáo dục - đào tạo.

 

V. CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI:

Chính sách đối ngoại truyền thống của Ai-len tập trung thúc đẩy quan hệ với Anh, EU, Mỹ và chú trọng tranh thủ nguồn lực của cộng đồng người gốc Ai-len trên thế giới. Ai-len theo đuổi chính sách đối ngoại hòa bình và hợp tác hữu nghị với các nước theo luật pháp quốc tế, bảo đảm quyền lợi quốc gia trên cơ sở tôn trọng luật pháp, gìn giữ giá trị dân chủ tự do và tôn trọng nhân quyền.

Sau khi vượt qua khủng hoảng nợ công, tháng 01/2015, Ai-len đã ra chính sách đối ngoại mới (lần đầu tiên sau gần 20 năm), trong đó ưu tiên hội nhập sâu hơn nữa vào EU; tiếp tục tăng cường quan hệ với Anh và Mỹ; chú trọng tranh thủ nguồn lực của cộng đồng người gốc Ai-len trên thế giới; tích cực tham gia các hoạt động của Liên hợp quốc về xóa đói giảm nghèo, gìn giữ hòa bình, giải trừ quân bị và phát triển bền vững.

Chính sách đối ngoại mới của Ai-len đưa ngoại giao kinh tế trở thành một trụ cột quan trọng, chủ trương mở rộng quan hệ thương mại - đầu tư với các thị trường tiềm năng trên thế giới, nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, nhóm BRICS, các nước ASEAN, tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của Ai-len như giáo dục - đào tạo, dịch vụ tài chính, bảo hiểm, công nghệ thông tin, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, y tế, dược phẩm, thực phẩm, đồ uống… Ai-len đã thiết lập Đối tác chiến lược với Trung Quốc.

 


QUAN HỆ VIỆT NAM – AI-LEN

------

 

I.  QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - NGOẠI GIAO:

Từ tháng 11/1993, nhân chuyến thăm Việt Nam của Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Ai-len Tom Kitt, Việt Nam đã nêu vấn đề thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tháng 12/1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Ai-len John Bruton gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEM 2 (Bangkok) đã thảo luận về hợp tác đầu tư hai nước và khả năng lập quan hệ ngoại giao.

Ngày 05/4/1996, quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ giữa hai nước được thiết lập. Đại sứ quán Ai-len tại Malaysia kiêm nhiệm Việt Nam đến năm 2005. Tháng 11/2005, Ai-len mở Đại sứ quán tại Hà Nội do Đại biện lâm thời đứng đầu. Tháng 02/2007, Đại sứ Ai-len đầu tiên Brendon Lions trình Quốc thư lên Chủ tịch nước.

Đoàn Việt Nam thăm Ai-len:

+ 4/2004:    Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEM 6

+ 8/2005:    Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải

+ 2005:       Bộ trưởng Năng lượng Thái Phụng Nê

+ 3/2008:    Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

+ 10/2009:  Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải

+ 9/2012:    Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường

+ 02/2013:  Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh

+ 6/2015:    Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử

+ 4/2016:    Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng

Đoàn Ai-len thăm Việt Nam:

+ 10/2004:  Thủ tướng Bertie Ahern dự Hội nghị cấp cao ASEM 5

+ 3/2008:    Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Brian Cowen

+ 9/2011:    Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại và Thương mại Quốc hội

+ 11/2011:  Bộ trưởng Thương mại và Phát triển

+ 01/2012: Bộ trưởng phụ trách các vấn đề về Trẻ em và Thanh thiếu niên

+ 10/2012:  Bộ trưởng Thương mại và Phát triển

+ 11/2016:  Tổng thống Michael D. Higgins

Ngoài ra, hai nước duy trì tiếp xúc bên lề các diễn đàn đa phương. Gần đây nhất, tháng 7/2016, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gặp Ngoại trưởng Ai-len Charles Flanagan bên lề Hội nghị cấp cao ASEM-11 tại Ulaan Baatar (Mông Cổ).

Hai nước đã ủng hộ lẫn nhau vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (Ai-len nhiệm kỳ 2013 - 2015, Việt Nam nhiệm kỳ 2014 - 2016).

Trên cơ sở Bản ghi nhớ về hợp tác ký tháng 10/2009, Bộ Ngoại giao hai nước đã ba lần tiến hành Tham vấn chính trị cấp Vụ trưởng Vụ khu vực.

 

II. QUAN HỆ KINH TẾ - THƯƠNG MẠI - ĐẦU TƯ:

1. Thương mại:

Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2016 đạt 1,14 tỷ USD (tăng 183% so với 2015), trong đó xuất khẩu của ta sang Ai-len đạt 112 triệu USD, nhập khẩu từ Ai-len đạt 1,03 tỷ USD.

Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Ai-len gồm: gỗ và sản phẩm gỗ, giày dép các loại, dệt may. Các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dược phẩm, máy vi tính và linh kiện điện tử…

Số liệu thương mại Việt Nam - Ai-len

Đơn vị: triệu USD. Nguồn: Hải quan Việt Nam

 

2011

2012

2013

2014

2015

2016

6 tháng 2017

Xuất khẩu

64

81

74

102

116

112

52,7

Nhập khẩu

267

647

958

212

286

1026

656,5

Tổng XNK

331

728

1.032

314

402

1138

709,2

 

2. Đầu tư:

Đến 20/7/2017, Ai-len có 16 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 20,6 triệu USD, đứng thứ 71/122 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Một số công ty Ai-len có mặt tại Việt Nam từ đầu những năm 1990. Có mặt sớm nhất là EBS International của ngành điện lực Ai-len, tham gia tư vấn cho các dự án tuốc-bin khí hỗn hợp tại Bà Rịa (vốn của WB), nhà máy Phú Mỹ 2 (giai đoạn 1 bằng vốn Ai-len, giai đoạn 2 bằng vốn WB); trường đào tạo tại Công ty điện lực 2 (miền Nam - vốn WB); dự án Nâng cao năng lực thể chế và tổ chức ngành điện Việt Nam (vốn WB và 50.000 USD tài trợ của Chính phủ Ai-len). Tổng số vốn các dự án nói trên khoảng 5 triệu USD.

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Ai-len Michael D. Higgins tháng 11/2016, doanh nghiệp hai nước đã ký 06 thỏa thuận hợp tác và hợp đồng thương mại trong các lĩnh vực điện gió, bưu chính viễn thông, thiết bị y tế và hàng không, trong đó có: Bản ghi nhớ hợp tác giữa tập đoàn Phú Cường, công ty Mainstream Renewable Power và công ty General Electric Việt Nam về dự án điện gió công suất 800 MW tại Sóc Trăng, trị giá 02 tỷ USD; Bản ghi nhớ hợp tác giữa công ty Thái Bình Dương với công ty Mainstream Renewable Power về các dự án điện gió tại Bình Thuận; Thỏa thuận hợp tác giữa tập đoàn FPT, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Tập đoàn Escher về dự án “Thiết kế, cung cấp và triển khai hệ thống phần mềm bưu chính MPITS”, trị giá 10 triệu USD.

 

III. HỢP TÁC PHÁT TRIỂN:

Việt Nam hiện là quốc gia châu Á duy nhất trong số 09 nước đối tác ưu tiên nhận viện trợ phát triển của Ai-len. Cơ quan Viện trợ Phát triển của Ai-len (Irish Aid) được thành lập trong Đại sứ quán Ai-len tại Hà Nội và phụ trách cả quan hệ với Lào và Cam-pu-chia. Chính phủ Ai-len đã thông qua hai Chiến lược quốc gia Ai-len - Việt Nam (CSP) giai đoạn 2007 - 2010 và giai đoạn 2011 - 2015.

Ngân sách dành cho các chương trình/dự án hợp tác trong giai đoạn 2007 - 2010 là 85,5 triệu Euro (120 triệu USD) dành cho các chương trình hợp tác phát triển sau: Đồng tài trợ với WB trong chương trình Tín dụng hỗ trợ giảm nghèo (PRSC); Chương trình 135 giai đoạn II; Hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ; Phát triển khu vực tư nhân Mekong (MPDF) theo sáng kiến của Công ty Tài chính Quốc tế IFC; Hỗ trợ chuyển đổi kinh tế và phát triển khu vực tư nhân (Celtic Tiger); Tăng cường năng lực của các cơ quan dân cử; Triển khai sáng kiến “Một Liên Hợp Quốc” tại Việt Nam; Hỗ trợ các chương trình, dự án thực hiện tại các địa phương. Để cụ thể hóa các chương trình hợp tác và tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động hợp tác phát triển của Ai-len tại Việt Nam, hai Bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển nhân chuyến thăm chính thức Ai-len của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 3/2008).

Tháng 11/2011, trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Thương mại và Phát triển Ai-len, phía Ai-len đã công bố Chiến lược Quốc gia về Hợp tác phát triển Việt Nam - Ai-len giai đoạn 2011 - 2015 với tổng trị giá 55 triệu Euro. Mục tiêu tổng quát là nhằm hỗ trợ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 - 2015 của Chính phủ Việt Nam thông qua hai kết quả chính: (i) Giảm nghèo trong các nhóm dễ bị tổn thương; (ii) Tăng trưởng kinh tế hòa nhập hơn và có khả năng phục hồi tốt hơn trước các cú sốc. Ba mục tiêu cụ thể là: (i) Nâng cao khả năng của cấp cơ sở trong việc lập kế hoạch và điều chỉnh các nguồn đầu tư công nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhóm yếu thế nhất; (ii) Tăng cường việc hoạch định và thực hiện chính sách ở cấp trung ương trong giải quyết vấn đề nghèo và giảm thiệt thòi; và (iii) Tăng cường năng lực của các cơ quan Chính phủ, cơ quan nghiên cứu và khu vực tư nhân trong quản lý kinh tế.

Trong năm 2017, Chính phủ Ai-len sẽ công bố Chiến lược quốc gia về hợp tác phát triển với Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020.

 

IV. HỢP TÁC TRONG CÁC LĨNH VỰC KHÁC:

1. Hợp tác quốc phòng - an ninh:

          Hợp tác quốc phòng giữa hai nước còn ở mức hạn chế, hai bên chưa trao đổi Tùy viên Quốc phòng. Tháng 4/2009, đoàn cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam đã thăm và làm việc tại Ai-len, mở ra hướng hợp tác về khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, hợp tác xử lý hậu quả chất độc da cam, tìm kiếm cứu nạn.

2. Hợp tác nông nghiệp:

Ngày 03/11/2014, hai bên đã ký “Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Biển Ai-len về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp”. Trong năm 2015, Bộ NN&PTNT đã có buổi làm việc với đại diện Đại học Cork (UCC) về hợp tác đào tạo, trao đổi chuyên gia và sinh viên. Ngày 5/9/2016, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có buổi tiếp Ngài Andrew Doyle, Thứ trưởng Lương thực, Lâm nghiệp và Cây trồng Ai-len về việc thúc đẩy hợp tác phát triển nông nghiệp và đề xuất 04 lĩnh vực hợp tác trọng tâm với Ai-len thời gian tới, bao gồm: đào tạo quản lý nền nông nghiệp hiện đại; chia sẻ kinh nghiệm phát triển nền nông nghiệp hữu cơ; xây dựng hệ thống quản lý thực phẩm nông sản an toàn, có khả năng truy xuất nguồn gốc; thúc đẩy hợp tác về chăn nuôi bò.

3. Hợp tác giáo dục - đào tạo:

Ngày 28/11/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Kỹ năng Ai-len đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục đại học. Trong những năm qua, Ai-len đã cung cấp khoảng 185 suất học bổng cho Việt Nam thông qua hai chương trình:

- Chương trình học bổng toàn phần Irish Aid (IDEAS 1) được triển khai từ 2009, dành cho các ngành thạc sỹ về quản trị kinh doanh, tài chính, kinh tế, marketing, quản lý dự án, kinh doanh quốc tế, khoảng 22 - 25 người/năm. Chương trình mở cho cả khu vực công và tư, nguồn tuyển sinh dồi dào, chất lượng tốt.

- Chương trình học bổng kỹ thuật Irish Aid (IDEAS 2) triển khai từ 2013, chủ yếu dành cho các ngành thạc sỹ về kỹ thuật như công nghệ thông tin, khoa học máy tính, kỹ thuật, dược, ngôn ngữ ứng dụng, từ 2016 thêm khoa học xã hội. Đối tượng là ứng viên công tác trong khu vực công và các cơ sở giáo dục đại học. Số lượng trúng tuyển mới chỉ là 3-5 người/năm.

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Ai-len Michael D. Higgins tháng 11/2016, hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục đại học giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Kỹ năng Ai-len cho giai đoạn 2016 - 2021; Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực đào tạo công nghệ thông tin và truyền thông giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Tổ chức Khảo thí tin học Châu Âu (ECDL); và 06 thỏa thuận hợp tác giữa các cơ sở đào tạo đại học và nghiên cứu hai nước[1].

4. Hợp tác trong lĩnh vực con nuôi:

Giai đoạn trước tháng 9/2012: Trong 05 năm thực hiện Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi được ký kết ngày 23/9/2003, hai bên đã giải quyết được 629 hồ sơ của công dân Ai-len xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi. Hiệp định chấm dứt ngày 01/5/2009 theo đề nghị của phía Ai-len.

Tháng 9/2012, trong chuyến thăm Ai-len của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, hai bên đã ký Bản ghi nhớ về các thủ tục hành chính áp dụng trong việc giải quyết hồ sơ con nuôi giữa Việt Nam và Ai-len trong khuôn khổ Công ước La Haye về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế. Hiện chỉ có 01 Tổ chức nuôi con nuôi của Ai-len được cấp phép hoạt động ở Việt Nam là Tổ chức Helping Hands. Đến nay đã có hơn 60 hồ sơ xin con nuôi của công dân Ai-len được giải quyết.

 

V. CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT NAM TẠI AI-LEN:

Cộng đồng người Việt Nam tại Ai-len mới hình thành từ cuối thập kỷ 1970 với số lượng không nhiều, ban đầu có khoảng hơn 200 người, đến nay đã tăng lên gần 4.000 người từ các nguồn đoàn tụ gia đình, di cư từ quốc gia khác và một số ít ở lại định cư sau khi kết thúc học tập, nghiên cứu… Người Việt Nam tại Ai-len đa phần có cuộc sống ổn định, lao động chăm chỉ, chủ yếu kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng nhỏ, có việc làm và thu nhập ở mức trung bình khá. Ngày càng có nhiều cửa hàng của người Việt Nam tại Ai-len như: Ho Sen Vietnamese Restaurant (tại Dublin), Kim Quy Vietnamese, Dragon House Vietnamese, San San, Do Son… Bà con nhìn chung sống đoàn kết, biết đùm bọc giúp đỡ nhau, gắn bó và luôn hướng về quê hương.

Hội người Việt tại Ai-len được thành lập năm 1980, đến năm 1991 đổi tên thành “Hội Liên hiệp Ái Việt”, đã được Chính phủ Ai-len cấp giấy phép hoạt động và hỗ trợ để Hội có được trụ sở sinh hoạt rộng rãi, khang trang. Trụ sở của Hội là nơi tổ chức các hoạt động cộng đồng như Tết âm lịch, Trung thu, Phật đản… và các hoạt động tâm linh (đạo Phật) thu hút ngày càng đông đảo bà con.

 

VI. CÁC HIỆP ĐỊNH ĐÃ KÝ GIỮA HAI NƯỚC:

- Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Ai-len về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập.

 

(Cập nhật  tháng 8/2017)



[1] Gồm các thỏa thuận hợp tác giữa: Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Ai-len Cork; Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Trinity Dublin; Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và Đại học Trinity Dublin; Đại học Huế và Học viện Công nghệ Dublin; Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Công nghệ Cork; Đại học Kinh tế thuộc Đại học Đà Nẵng và Học viện Công nghệ Cork.

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer