Tài liệu cơ bản Bỉ 2018
TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ VƯƠNG QUỐC BỈ
I. THÔNG TIN CƠ BẢN:
Tên nước: Vương quốc Bỉ (Kingdom of Belgium)
Thủ đô: Bruxelles – Bờ-rúc-xen (có trụ sở NATO, Nghị viện Châu Âu, Uỷ ban Châu Âu)
Ngày Quốc khánh: 21/07
Vị trí địa lý: Nằm ở Tây Âu, phía Đông giáp Đức và Luxembourg, phía Tây giáp biển Bắc, phía Nam giáp Pháp, phía Bắc giáp Hà Lan.
Diện tích: 30.528 km2
Khí hậu: Ôn đới
Dân số: 11,35 triệu (2016)
Dân tộc: Người Flamand 58%, người Wallonie 31%, khác 11%.
Ngôn ngữ: Có 3 ngôn ngữ chính thức: tiếng Pháp, tiếng Flamand - Hà Lan và tiếng Đức. Bỉ không có ngôn ngữ riêng.
Đơn vị tiền tệ: Euro
GDP: 466,4 tỷ USD (2016) (theo The World Bank)
GDP/người: 45.308 USD (2016) (theo The World Bank)
Tôn giáo: 90% theo Thiên chúa giáo
Lãnh đạo chủ chốt: Vua Phi-lip Đệ Nhất (Philippe I, lên ngôi 21/7/2013); Thủ tướng Sác-lơ Mi-xen (Charles Michel, 10/2014); Bộ trưởng Ngoại giao Đi-đi-ê Ren-đơ (Didier Reynders, 10/2011); Chủ tịch Thượng viện Crít-tin Đờ-phe (Christine Defraigne, 10/2014); Chủ tịch Hạ viện Si-phai Brắc (Siegfried Bracke , 10/2014)
II. KHÁI QUÁT LỊCH SỬ:
Ban đầu, Bỉ, Vương quốc Hà Lan và Luxembourg được biết đến dưới cái tên là vùng “đất thấp” (Hà Lan) và có diện tích lãnh thổ rộng hơn diện tích Benelux bây giờ. Từ cuối thời Trung cổ đến thế kỷ XVII, vùng lãnh thổ thuộc Bỉ bây giờ, là một trung tâm thương mại và văn hóa sầm uất và đa sắc tộc. Từ thế kỷ XVI tới cuộc Cách mạng Bỉ năm 1830, khi Bỉ tách ra khỏi Hà Lan, Bỉ liên tục là chiến trường của các xung đột và tranh giành giữa các quốc gia châu Âu, kể cả hai cuộc chiến tranh thế giới.
Năm 1830, Cách mạng Bỉ thành công. Vua Leopold I lên ngôi năm 1831, Bỉ trở thành một nhà nước quân chủ lập hiến và dân chủ nghị viện. Trong thế kỷ XX, Bỉ tham gia Cách mạng công nghiệp và có nhiều thuộc địa tại châu Phi. Từ nửa cuối thế kỷ XX, chính trị nội bộ luôn căng thẳng vì xung đột giữa người dân Flamand và Wallonie do khác biệt ngôn ngữ và phát triển kinh tế. Căng thẳng dẫn đến cuộc cải cách sâu rộng nhất là sự chuyển đổi từ một Nhà nước nhất thể thành Nhà nước liên bang.
Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Bỉ là thành viên sáng lập NATO, nhóm quốc gia BENELUX (Bỉ, Hà Lan và Luxembourg) và Cộng đồng Kinh tế châu Âu, nay là Liên minh châu Âu (EU). Thủ đô Bruxelles là nơi đặt trụ sở của NATO và các cơ quan đầu não của Liên minh châu Âu.
III. THỂ CHẾ NHÀ NƯỚC VÀ CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ:
Bỉ là một quốc gia thống nhất, theo chế độ quân chủ đại nghị, có Vua và Quốc hội. Quyền lập pháp thuộc về Vua và Quốc hội. Quyền hành pháp thuộc về Vua và Chính phủ. Quyền tư pháp thuộc về các toà án. Những lần sửa đổi Hiến pháp kế tiếp nhau từ năm 1970 đến nay đã dần hình thành ở Vương quốc Bỉ một Nhà nước theo mô hình liên bang đặc thù với việc phân chia thẩm quyền giữa chính quyền Liên bang và chính quyền địa phương (gồm 3 Cộng đồng ngôn ngữ: Pháp, Hà Lan, Đức và 3 Vùng : Wallonie, Flanders, Bruxelles – Thủ đô).
- Vua là nguyên thủ quốc gia có thẩm quyền phê chuẩn và ban hành các đạo luật, giải tán Quốc hội hoặc một trong hai viện của Quốc hội, triệu tập các kỳ họp bất thường của Quốc hội, bổ nhiệm và bãi nhiệm các Bộ trưởng, ân xá.
- Quốc hội gồm Thượng viện và Hạ viện, đều có nhiệm kỳ 4 năm. Thượng viện có 71 ghế, gồm 25 ghế do cử tri đoàn cộng đồng tiếng Flamand bầu, 15 ghế do cử tri đoàn cộng đồng tiếng Pháp bầu, 10 ghế do Hội đồng cộng đồng tiếng Flamand chỉ định, 10 ghế do Hội đồng cộng đồng tiếng Pháp chỉ định, 01 ghế do Hội đồng tiếng Đức chỉ định, các ghế còn lại được chỉ định theo quy định của Hiến pháp (Hội đồng là Cơ quan lập pháp của các Cộng đồng ngôn ngữ). Hạ viện gồm 150 ghế được bầu theo hình thức phổ thông đầu phiếu.
- Nhà nước liên bang với chính quyền và cơ quan lập pháp có thẩm quyền chung về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, định hướng phát triển tổng thể. Các Vùng và Cộng đồng ngôn ngữ đều có chính quyền và cơ quan lập pháp độc lập, với thẩm quyền riêng biệt.
- Các cộng đồng ngôn ngữ và các Vùng của Vương quốc Bỉ được trao các thẩm quyền chuyên biệt và độc lập với phạm vi rộng. Mỗi Cộng đồng ngôn ngữ và mỗi Vùng có một Nghị viện riêng, một Chính phủ riêng và một hệ thống hành chính riêng; có quyền chủ động phát triển quan hệ quốc tế trong các lĩnh vực quản lý thuộc thẩm quyền nội bộ của mình. Các Cộng đồng ngôn ngữ và các Vùng là chủ thể của pháp luật quốc tế, có tư cách pháp lý để ký kết điều ước và hiệp định quốc tế.
- Chính quyền Vùng có thẩm quyền chuyên biệt liên quan đến quy hoạch lãnh thổ và phát triển kinh tế. Chính quyền Cộng đồng có thẩm quyền chuyên biệt liên quan đến con người (văn hoá, y tế, giáo dục - đào tạo).
IV. GIỚI THIỆU VỀ KINH TẾ:
Bỉ là một trong những nước tư bản phát triển ở Tây Âu, là một trong những nước đứng đầu thế giới về sản xuất gang thép (10 triệu tấn/năm) và kim ngạch xuất khẩu tính theo đầu người và tính theo GDP (cảng Antwerp của Bỉ là một trong những hải cảng trung chuyển hàng hóa lớn ở châu Âu), tuy nhiên phần lớn trao đổi thương mại tập trung trong nội bộ khối EU.
Điểm mạnh cơ bản của kinh tế Bỉ là có một số ngành truyền thống phát triển đến trình độ tiên tiến như luyện kim (có từ thế kỷ 12), chế tạo cơ khí, hoá chất, dệt, thuỷ tinh, đầu máy xe lửa, điện, lọc dầu, vận tải biển. Ngoài ra, Bỉ còn có hệ thống đường bộ, đường không, hải cảng phát triển cao. Về công nghệ, Bỉ có một số mặt mạnh như công nghệ môi trường, tin học ứng dụng.
Bỉ nghèo tài nguyên, phải nhập khẩu tới 80% nguyên nhiên liệu từ bên ngoài.
V. CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI:
Bỉ nằm ở trung tâm của Châu Âu, nơi đặt trụ sở của 1100 đại diện tổ chức quốc tế (trong đó có NATO và 6 cơ quan của EU), 600 hãng tin quốc tế, 400 cơ quan đại diện ngoại giao, 1700 đại diện của các công ty quốc tế và Châu Âu.
Là thành viên sáng lập Liên minh Châu Âu, Bỉ chủ trương và đi tiên phong trong quá trình xây dựng một EU mạnh và nhất thể hoá; triển khai chính sách phù hợp với chính sách chung của EU (trong khuôn khổ Chiến lược châu Âu về an ninh - 2003).
Bỉ ưu tiên quan hệ với Mỹ và NATO; ủng hộ Mỹ trong quan hệ với các cường quốc và giải quyết những điểm nóng trên thế giới, chống khủng bố, nhân quyền.
Với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Bỉ duy trì tương đối đồng đều quan hệ với các nước: tiếp tục duy trì quan hệ tin cậy, truyền thống với Nhật, Hàn Quốc và ngày càng coi trọng quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ. Tại khu vực Đông Nam Á, Bỉ nhấn mạnh việc đặt ngang bằng hai vấn đề dân chủ và thịnh vượng trong việc thúc đẩy quan hệ song phương và coi trọng quan hệ với Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines. Bỉ đánh giá cao sự phát triển kinh tế của Việt Nam và là một đối tác quốc tế đã ủng hộ và đóng góp tích cực vào sự thành công của Việt Nam qua chương trình hợp tác phát triển.
Trên diễn đàn đa phương, Bỉ coi trọng và tham gia tích cực tiến trình ASEM (Bỉ tổ chức ASEM-8 tại Brussels tháng 10/2010), ủng hộ đối thoại EU – ASEAN và hỗ trợ ASEAN.
VI. GIỚI THIỆU VỀ CÁC VÙNG VÀ CỘNG ĐỒNG:
1. Vùng Flanders nằm ở phía Bắc, chiếm 44% diện tích lãnh thổ, với dân số xấp xỉ 6,5 triệu dân, ngôn ngữ chính thức là tiếng Flamand. Vùng Flanders có nền kinh tế năng động, tăng trưởng bình quân đầu người cao hơn 13% so với vùng Wallonie, tập trung vào xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao và phát triển khoa học công nghệ số. Thành phố cảng Antwerp là thị trường hàng đầu thế giới về xuất khẩu kim cương, chiếm 10% giá trị xuất khẩu của Bỉ. Ngoài ra, vì có sự đồng nhất về lãnh thổ và ngôn ngữ nên cộng đồng người Flamand không có chính quyền riêng.
2. Vùng Wallonie nằm ở phía Nam, chiếm 55% diện tích lãnh thổ, dân số khoảng 3,5 triệu người, nói tiếng Pháp. Vào những năm 1960, kinh tế phát triển, dựa vào công nghiệp khai khoáng. Hiện nay, kinh tế Vùng kém phát triển hơn, tập trung vào nông lâm nghiệp.
Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp, Vùng Wallonie và Uỷ ban Cộng đồng Pháp ngữ Vùng thủ đô Bruxelles sử dụng tên gọi chung là “Wallonie-Bruxelles” và triển khai các hoạt động đối ngoại thông qua hệ thống cơ quan hợp tác quốc tế “Wallonie-Bruxelles International” (WBI), các phái đoàn đại diện ở nước ngoài – Délégation de Wallonie – Bruxelles, Cơ quan xuất khẩu và đầu tư nước ngoài Vùng Wallonie – AWEX, Hiệp hội Thúc đẩy Giáo dục và Đào tạo ở nước ngoài - APEFE (phụ trách mảng hợp tác kỹ thuật và có mạng lưới điều phối viên, chuyên gia riêng).
3. Vùng Bruxelles - Thủ đô, chiếm 1% diện tích lãnh thổ và 10% dân số, là khu vực hành chính đặc biệt. Nằm trọn trong lãnh thổ vùng Flamand nhưng người dân ở đây sử dụng hai ngôn ngữ chính thức là tiếng Pháp (90% dân số) và tiếng Flamand (10%). Là Thủ đô của Vương quốc và là nơi đặt trụ sở của các cơ quan của EU và NATO. Là trung tâm công nghiệp lớn thứ hai của Bỉ sau Antwerp và tạo nhiều công ăn việc làm nhất, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ.
4. Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp: bao gồm những người sống trong vùng Wallonie và vùng Bruxelles – Thủ đô.
5. Cộng đồng tiếng Flamand: là những người sống tại vùng Flanders và số ít tại vùng Bruxelles – Thủ đô. Tuy nhiên, cộng đồng tiếng Flamand không có chính quyền riêng mà hợp nhất với vùng Flanders.
6. Cộng đồng tiếng Đức: khoảng 600.000 dân, sống trong lãnh thổ vùng Wallonie, tại 9 xã giáp ranh với Đức.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |
Attachment files:
- Tài liệu cơ bản Bỉ 2018 - Kích cỡ 72.6 kB