Tài liệu quan hệ Bỉ 2018
QUAN HỆ VIỆT NAM – VƯƠNG QUỐC BỈ
I. QUAN HỆ CHÍNH TRỊ:
Việt Nam và Bỉ thiết lập quan hệ Ngoại giao ngày 22/3/1973. Bỉ mở sứ quán tại Hà Nội tháng 11/1975; cử Đại sứ thường trú tháng 6/1976. Việt Nam mở Đại sứ quán tại Bruxelles tháng 01/1991.
Bỉ có Lãnh sự danh dự tại TP. HCM. Tháng 3/2005, Việt Nam đã khai trương văn phòng Lãnh sự danh dự tại tỉnh Antwerp.
Đoàn ra:
Tháng 2/1995 Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh;
Tháng 4/1998 Thủ tướng Phan Văn Khải;
Tháng 9/2002 Thủ tướng Phan Văn Khải;
Tháng 9/2006 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm làm việc tại Bỉ nhân dịp dự ASEM 6;
Tháng 9/2008 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm;
Tháng 9/2008 Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thăm làm việc;
Tháng 7/2010 Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng thăm kết hợp làm việc với Nghị viện châu Âu;
Tháng 10/2010 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Bỉ Yves Leterme bên lề ASEM-8 tại Brussels;
Tháng 6/2011 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ Steven Vanackere bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEM FMM-10 tại Budapest;
Tháng 12/2011 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm chính thức;
Tháng 6/2012 Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm chính thức;
Tháng1/2013 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức;
Tháng 9/2013 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thăm chính thức
Tháng 10/2014 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức;
Tháng 12/2015 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm làm việc.
Tháng 9/2017 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm làm việc.
Đoàn vào:
Tháng 12/1994 Thái tử Bỉ Philippe cùng đoàn doanh nghiệp;
Tháng 02/1996 Thủ tướng Jean Luc Dehaene;
Tháng 11/1997 Thủ tướng Jean Luc Dehaene dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ 7 tại Hà Nội;
Tháng 7/2001 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Louis Michel;
Tháng 1/2002 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng André Flahaut;
Tháng 10/2003 Thái tử Bỉ Philippe cùng đoàn doanh nghiệp;
Tháng 12/2003 Bộ trưởng Hợp tác Phát triển Marc Verwillghen;
Tháng 6/2008 Bộ trưởng Ngoại giao Karel De Gucht;
Tháng 8/2009 Bộ trưởng Ngoại giao Yves Leterme;
Tháng 4/2010 Chủ tịch Hạ viện Patrick Dewael;
Tháng 5/2011 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính và Cải cách Thể chế Didier Reynders dự Hội nghị Thường niên lần thứ 44 Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB);
Tháng 02/2012 Chủ tịch Nghị viện Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp (Wallonie
Tháng 3/2012 Thái tử Bỉ Philippe cùng đoàn doanh nghiệp;
Tháng 4/2013 Thủ hiến Cộng đồng nói tiếng Pháp và Chủ tịch Vùng Wallonie Rudy Demotte;
Tháng 01/2014 Phó Thủ tướng Johan Vande Lanotte;
Tháng 11/2015 Chủ tịch Thượng viện Bỉ Christine Defraigne;
Tháng 9/2016 Bộ trưởng – Thủ hiến Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp Rudy Demotte;
Tháng 4/2017 Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Ngoại giao Didier Reynders
Tháng 10/2017 Quốc Vụ khanh về Ngoại thương Bỉ Pieter De Crem gặp Bộ Trưởng Bộ Y tế
Tháng 11/2017 Tổng Thư ký các vấn đề ngoại giao và các vấn đề Châu Âu Dirk Achten tham vấn chính trị lần 3 với Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn
Tháng 2/2018 Bộ trưởng Nông nghiệp Denis Ducarme gặp Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường
II. QUAN HỆ HỢP TÁC KINH TẾ:
Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế là cơ chế trao đổi cấp Chính phủ về các lĩnh vực hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Bỉ, được thiết lập năm 2011 theo thỏa thuận giữa hai Thủ tướng nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Bỉ Yves Leterme (2009), họp định kỳ 2 năm và luân phiên tại Hà Nội và Bruxelles. Kỳ họp lần 3 đã được tổ chức vào ngày 23/11/2015 tại Bruxelles. Ủy ban hỗn hợp về kinh tế lần 4 đã được tổ chức vào ngày 24/11/2017 tại Hà Nội.
1. Thương mại:
Giai đoạn 2000-2010, kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng nhanh, ổn định, từ 395,4 triệu USD năm 2000 lên đến 1,2 tỷ USD năm 2010. Việt Nam liên tục xuất siêu trong giai đoạn này. Tuy Bỉ là một thị trường nhỏ nhưng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Bỉ ở mức cao so với nhiều nước EU và châu Âu khác, do hàng xuất khẩu của Việt Nam quá cảnh cảng Antwerp để sang các nước Tây Âu khác. Hiện Bỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Việt Nam trong EU (sau Đức, Hà Lan, Anh, Italia, Pháp, Tây Ban Nha và Áo). Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ chủ yếu là giày dép, hàng dệt may, hải sản, cà phê, đồ du lịch. Ngoài ra, gỗ, cao su, sản phẩm nhựa, đá và kim loại quý là những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh và tiềm năng còn lớn. Việt Nam nhập từ Bỉ chủ yếu là máy móc thiết bị phụ tùng, hóa chất, đá quý, kim loại quý và sản phẩm, tân dược. Bỉ là thị trường nhập khẩu lớn nhất trong EU và thứ 3 châu Âu (sau Nga và Ucraina) về sắt thép; là thị trường lớn thứ 4 trong EU về máy móc thiết bị và phụ tùng.
Trao đổi thương mại đồng thời giữa các tổ chức kinh tế trung ương, địa phương của Việt Nam với 3 vùng Wallonie, Flanders và Bruxelles - Thủ đô được tăng cường và mở rộng.
Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Bỉ
(đơn vị: triệu USD)
2013 2014 2015 2016 2017
Nhập khẩu 502,1 520,5 495,3 473,9 442,3
Xuất khẩu 1.324,8 1.807 1.779 1.996 2.225
Tổng cộng 1.826,9 2.327 2.275 2.444 2.668
(nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam)
2. Đầu tư:
- Việt Nam và Bỉ ký Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư ngày 24/1/1991.
- Đầu tư (FDI) của Bỉ vào Việt Nam: Tính đến tháng 01/2017, Bỉ có 63 dự án với tổng số vốn đầu tư đạt 592,106 triệu USD (đứng thứ 29/116). FDI của Bỉ chủ yếu vào các lĩnh vực kinh doanh bất động sản (04 dự án với tổng số vốn đạt 400,4 triệu USD), công nghiệp chế biến, chế tạo (21 dự án với tổng số vốn đạt 97,8 triệu USD), vận tải kho bãi (05 dự án với tổng số vốn đạt 26,9 triệu USD). Các dự án chủ yếu là 100% vốn nước ngoài với quy mô tương đối nhỏ. Hiện Bỉ có một số dự án có vốn đầu tư trên 10 triệu USD là: (1) dự án Khu Công nghiệp Đình Vũ (giai đoạn 1 trị giá 30 triệu USD), mở rộng ra dự án Khu Công nghiệp Cát Hải, dự kiến trị giá 290 triệu USD, (2) Dự án sản xuất sản phầm từ plastic, kim loại và đóng gói sản phẩm nước tại Bắc Ninh (Asia Packaging Industries Vietnam), tổng vốn đầu tư là 24 triệu USD; (3) Dự án sản xuất giấy dính cao cấp tại Bình Thuận (Vinateck) với tổng vốn là 19 triệu USD. Bỉ tập trung đầu tư vào 16 tỉnh thành của Việt Nam, trong đó Hải Phòng là địa phương dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư (06 dự án), tiếp theo là Bắc Ninh (02 dự án) và Bình Dương (04 dự án).
- Đầu tư của Việt Nam sang Bỉ: Hiện Việt Nam mới có 2 dự án là Trung tâm xúc tiến thương mại tại Bruxelles (152.000 USD) và dự án Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại Thủy sản châu Âu (90.000 USD).
III. HỢP TÁC PHÁT TRIỂN:
Quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Bỉ bắt đầu từ năm 1977, bị gián đoạn từ năm 1979 đến 1989 và chính thức được nối lại năm 1992. Hiện Việt Nam là nước châu Á duy nhất nhận hỗ trợ phát triển của Chính phủ Bỉ.
Hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ được thực hiện qua nhiều kênh: Chính phủ liên bang, các Cộng đồng, các Vùng thông qua các tổ chức như Văn phòng Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ Kỹ thuật vùng Flamand (VVOB), Hội đồng liên trường đại học vùng Flamand (VLIR), Tổ chức Khuyến học và Đào tạo tại nước ngoài (APEFE), cũng như các tổ chức phi chính phủ (NGOs)...
Từ năm 1977 đến nay, Bỉ đã cho Việt Nam vay tín dụng ưu đãi và viện trợ không hoàn lại gần 300 triệu USD (trong đó viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 60%):
- Viện trợ không hoàn lại trong khuôn khổ song phương: 170 triệu Euro (số liệu cam kết trong các năm gần đây: giai đoạn 2001-2005: 19 triệu Euro; giai đoạn 2007-2010: 37,5 triệu Euro; giai đoạn 2011-2015: 60 triệu Euro).
- Viện trợ thông qua hợp tác vùng và NGOs: 2 triệu Euro/năm.
- Đến nay, tổng giá trị vốn vay ưu đãi của Chính phủ Bỉ đã giải ngân cho Việt Nam đạt khoảng 66 triệu Euro cho 11 dự án.
Các chương trình hợp tác tập trung vào các lĩnh vực: (1) quản lý nguồn nước, cấp thoát nước, thủy lợi và xử lý rác thải (chiếm 55-60%); (2) quản lý nhà nước, tăng cường thể chế, cải cách hành chính và giáo dục (chiếm 30-35%); (3) nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế, học bổng... (chiếm 5-10%).
Chương trình hợp tác được thực hiện dựa trên các thỏa thuận ký kết tại các kỳ họp của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Bỉ về Hợp tác Phát triển (kỳ họp lần 6 ngày 21/6/2011 tại Hà Nội). Bỉ không tiếp tục viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam giai đoạn sau 2015 theo Chương trình hợp tác định hướng - ICP.
IV. KHOA HỌC - KỸ THUẬT:
Tháng 9/2002, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Bỉ ký Hiệp định hợp tác Khoa học - Công nghệ, theo đó Ủy ban hỗn hợp Việt – Bỉ về hợp tác Khoa học Công nghệ được tổ chức thường kỳ 3 năm/lần, là cơ chế kiểm điểm và định hướng các chương trình, dự án hợp tác giữa hai nước (kỳ họp lần thứ 5 được tổ chức vào tháng 9/2016 tại Hà Nội). Hiện có 18 dự án nghiên cứu (8 triệu USD) đã và đang được triển khai dưới các hình thức hợp tác ưu tiên như hợp tác giữa các trường đại học và viện nghiên cứu, trao đổi chuyên gia, triển khai các chương trình nghiên cứu chung.
Vùng Flanders là vùng phát triển mạnh nhất của Bỉ về nghiên cứu vật liệu mới, nuôi trồng thủy sản bền vững, công nghệ thông tin và chế phẩm y học. Năm 2007, nhân chuyến thăm của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế, Doanh nghiệp, Khoa học, Đổi mới và Thương mại vùng Flanders, hai nước đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực này.
V. GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO:
Từ năm 2003, Chính phủ Bỉ cấp trung bình mỗi năm 40 suất học bổng đào tạo sau đại học cho sinh viên Việt Nam, trong các lĩnh vực Bỉ có thế mạnh như cầu cảng, môi trường, du lịch… Hàng năm Bỉ viện trợ cho lĩnh vực giáo dục – đào tạo thông qua các chương trình hợp tác giữa các trường đại học và viện nghiên cứu khoảng 2 triệu euro.
Ngoài ra, nhiều dự án về ngôn ngữ, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực, v.v… đã được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác với các chính quyền Vùng và Cộng đồng.
VI. VĂN HÓA:
Giao lưu văn hóa, trao đổi các đoàn nghệ thuật, tổ chức triển lãm, tuần lễ phim được tổ chức thường xuyên tại cả Việt Nam và Bỉ cũng như tại các Vùng và địa phương của Bỉ. Vì đặc thù văn hóa của Bỉ, các hoạt động văn hóa giữa Việt Nam và Bỉ rất đa dạng về hình thức, tùy theo ngôn ngữ tại nơi triển khai.
Việt Nam và Wallonie – Bruxelles (bao gồm Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp, Vùng Wallonie và Vùng Bruxelles-Thủ đô) cùng là thành viên của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), đã cùng triển khai nhiều chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật.
Với Vùng Flanders (tiếng Flamant), hai bên triển khai các chương trình quảng bá du lịch kết hợp với xúc tiến thương mại. Điển hình là sự tham gia thường xuyên của các địa phương Việt Nam tại Hội chợ quốc tế Accenta được tổ chức thường niên tại Thành phố Gent.
VII. HỢP TÁC QUỐC PHÒNG – AN NINH:
Hai nước có hợp tác trên các lĩnh vực: xử lý bom mìn, quân y, khoa học kỹ thuật quân sự, trao đổi và đào tạo học viên quân sự. Hai bên đã ký Thỏa thuận khung về mối quan hệ và hợp tác giữa hai Bộ Quốc phòng (trao đổi các đoàn quân sự, trao đổi thông tin liên quan đến chính sách quốc phòng, giúp đào tạo, huấn luyện quân sự và thể thao quân sự, hợp tác quân y). Việt Nam đã cử Tùy viên quân sự tại Pháp kiêm nhiệm Bỉ và Bỉ cũng đã có tùy viên quân sự tại Việt Nam, tuy nhiên Phòng Tùy viên quân sự Bỉ tại Hà Nội đã đóng cửa ngày 30/6/2010 vì lý do ngân sách.
Trong lĩnh vực an ninh, Cục Ngoại kiều (Bỉ) và Bộ Công an triển khai cơ chế trao đổi, tham vấn thường kỳ về việc nhận trở lại công dân từ nhiều năm.
VIII. CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT NAM:
Cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ có khoảng 13.000 người, hình thành từ những năm 1960, thành phần chủ yếu là sinh viên du học trước năm 1975, người di tản tháng 4/1975 và đi hợp pháp theo diện đoàn tụ gia đình, sống tập trung ở một số thành phố lớn thuộc Vùng ngôn ngữ tiếng Pháp. Cộng đồng người Việt tại Bỉ đa phần là lao động tự do, kinh tế trung bình, số khá giả không nhiều, nghề kinh doanh chủ yếu là nhà hàng, tiệm ăn. Có khoảng trên 100 gia đình kinh doanh buôn bán có vốn khá.
Tri thức có khoảng 600-700 người, phần lớn là sinh viên du học từ những năm 60-70 ở lại. Số người có bằng cấp làm việc trong các cơ quan hành chính của Bỉ, EU không nhiều. 2/3 số trí thức người Việt làm trong các ngành khoa học kỹ thuật. Lưu học sinh, sinh viên có gần 300 người, thành phần không phức tạp, chủ yếu là cán bộ Nhà nước và giảng viên các trường đại học được cử đi đào tạo theo chương trình hợp tác giữa hai chính phủ.
Tại địa bàn có 12 hội đoàn người Việt. Các hội đoàn là những nhóm nhỏ, ít thành viên và hoạt động riêng lẻ, có sự chia rẽ sâu sắc do những mâu thuẫn từ lâu cũng như đặc thù về cộng đồng ngôn ngữ của Bỉ.
IX. CÁC HIỆP ĐỊNH ĐÃ KÝ:
- Hiệp định khung hợp tác kinh tế, công nghiệp và kỹ thuật (10/1977);
- Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (01/1991);
- Hiệp định xoá nợ đợt I (10/1992);
- Hiệp định vận chuyển hàng không (10/1992);
- Hiệp định xoá nợ đợt II (9/1993);
- Hiệp định tránh đánh thuế trùng (02/1996);
- Hiệp định xoá nợ đợt III (12/2000);
- Hiệp định hợp tác khoa học kỹ thuật (9/2002);
- Hiệp định về con nuôi (3/2005);
- Bản ghi nhớ về các vấn đề di cư (01/2009);
- Nghị định thư sửa đổi Hiệp định tránh đánh thuế trùng (3/2012).
Cập nhật tháng 1/2018
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |
Attachment files:
- Tài liệu quan hệ Bỉ 2018 - Kích cỡ 91.5 kB