Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

TÀI LIỆU CƠ BẢN QUAN HỆ VIỆT NAM - BỒ ĐÀO NHA


THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CỘNG HÒA BỒ ĐÀO NHA

 

 

I.                  THÔNG TIN CHUNG:

Tên nước:

Cộng hòa Bồ Đào Nha (Portuguese Republic)

Quốc kỳ:


Thành viên:

Liên minh châu Âu (EU), Liên hợp quốc, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Liên minh Địa Trung Hải…

Thủ đô:

Lít-xbon (Lisbon)

Quốc khánh:

10/6 (1580)[1]

Vị trí địa lý:

Nằm ở Tây Nam châu Âu trên bán đảo Iberia, phía Bắc và phía Đông giáp Tây Ban Nha, phía Tây và phía Nam giáp Đại Tây Dương.

Diện tích:

92.212 km2

Khí hậu:

Ôn hòa, chịu ảnh hưởng của khí hậu Đại dương; khô và ấm ở miền Nam; ẩm và nhiều mưa ở miền Bắc; nhiệt độ trung bình mùa đông 12°C, mùa hè 35°C

Địa hình:

Đồi núi, thung lũng và đồng bằng ven biển.

Dân số:

10,8 triệu[2], trong đó 96,3% là người Bồ Đào Nha, 3,7% là các dân tộc khác. 

Ngôn ngữ:

Tiếng Bồ Đào Nha

Tôn giáo:

85% Đạo Công giáo, 3,3% Cơ đốc giáo,  11,7% các tôn giáo khác.

Đơn vị tiền tệ:

Euro

GDP:

297,1 tỷ USD (năm 2016)

GDP đầu người:

28.500 USD

Khu vực hành chính:

18 tỉnh và 2 vùng tự trị[3]

Lãnh đạo chủ chốt:

- Tổng thống: Mác-xê-lô Hê-bê-lô đơ Sâu-da (Marcelo Rebelo de Sousa);

- Thủ tướng: An-tô-ni-ô Cốt-xta (António Costa);

- Chủ tịch Quốc hội: Ê-đu-a-rờ-đô Phê-rô Rô-đờ-ri-gết (Eduardo Ferro Rodrigues);

- Bộ trưởng Ngoại giao: Au-gút-xtô Xan-tốt Xin-va (Augusto Santos Silva).

II. KHÁI QUÁT LỊCH SỬ:

Bồ Đào Nha hình thành từ thế kỷ thứ nhất trước công nguyên. Lãnh thổ Bồ Đào Nha được sáp nhập vào đế chế La Mã thành tỉnh Lusitania. Vào thế kỷ thứ 5, sau khi đế chế La Mã sụp đổ, những bộ tộc Đức tràn vào xâm chiếm Bồ Đào Nha.  Đầu thế kỷ thứ 8, người Moor theo đạo Hội giáo từ Bắc Phi chiếm được Lusitania. Những thế kỷ tiếp theo, người Thiên chúa giáo đánh bại người Hồi giáo, thành lập Vương quốc Galicia vào năm 1143. Bồ Đào Nha chính thức là trở thành quốc gia độc lập và bước vào thời kỳ thịnh vượng.

Từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 16, nhờ thế mạnh về ngành hàng hải, Bồ Đào Nha trở thành cường quốc đi thám hiểm và xâm chiếm thuộc địa tại châu Phi, châu Á và Nam Mỹ ....  Năm 1580, Bồ Đào Nha liên minh với Tây Ban Nha tạo thành Liên minh Iberia. Tuy nhiên, vào năm 1640, Bồ Đào Nha khôi phục lại nền độc lập chủ quyền và tách khỏi liên minh với Tây Ban Nha.

Việc Lisbon bị phá hủy vì trận động đất năm 1755, Bồ Đào Nha bị Tây Ban Nha và Pháp xâm lược cũng như bị mất thuộc địa lớn nhất là Braxin đã dẫn đến sự suy thoái kinh tế và bất ổn chính trị của Bồ Đào Nha. Năm 1910, chế độ quân chủ tại Bồ Đào Nha bị lật đổ, nền cộng hòa được thành lập (5/10/1910) và sau đó là chế độ độc tài. Trong cuộc Cách mạng Hoa cẩm chướng vào năm 1974, nền độc tài Xa-la-xa bị lật đổ (25/4/1974), nhiều thuộc địa của Bồ Đào Nha tuyên bố độc lập và Bồ Đào Nha buộc phải trao trả lại thuộc địa. Hiến pháp mới được thông qua năm 1976 quy định đất nước theo chế độ cộng hòa nghị viện.

Bồ Đào Nha là thành viên của NATO và giao nhập EC (EU ngày nay) từ năm 1986.

III. THỂ CHẾ NHÀ NƯỚC VÀ CÁC ĐẢNG PHÁI CHÍNH TRỊ:

- Thể chế nhà nước: Cộng hòa nghị viện.

- Hiến pháp: Hiến pháp mới được thông qua năm 1976 quy định đất nước theo chế độ cộng hòa nghị viện. Tổng thống được bầu trực tiếp có nhiệm kỳ 5 năm và đồng thời là người chỉ huy tối cao của quân đội. Tổng thống bổ nhiệm Thủ tướng và Hội đồng Bộ trưởng theo kết quả của bầu cử Quốc hội. Hội đồng Quốc gia là hội đồng cố vấn Tổng thống bao gồm tất cả các cựu Tổng thống, Thủ tướng, Chánh án của Tòa án Hiến pháp, Thanh tra nhân dân, hai Tổng thống của 2 vùng tự trị Azores và Madeira, 5 người do Tổng thống chọn lựa và 5 người do Quốc hội bầu ra. Tổng thống có quyền yêu cầu giải tán Quốc hội và tiến hành bầu cử.

- Đứng đầu cơ quan hành pháp là Thủ tướng do Tổng thống bổ nhiệm (theo kết quả của bầu cử Quốc hội). Thủ tướng thành lập Hội đồng Bộ trưởng. Tất cả các chính phủ mới thành lập đều phải được thông qua tại Quốc hội.

- Cơ quan lập pháp: Quốc hội có một viện với 230 ghế (nhiệm kỳ 4 năm). Theo Hiến pháp Bồ Đào Nha, đảng/liên minh chính trị nào chiếm đa số tại Quốc hội sẽ đứng ra lập Chính phủ. Tại cuộc bầu cử Quốc hội tháng 4 năm 2015: Đảng Xã hội (PS) được 86/230 ghế, Đảng Xã hội dân chủ (PSD) được 89/230 ghế, Đảng liên minh Dân chủ và Xã hội Trung tâm – Nhân dân (CDS – PP) được 18/230 ghế, các đảng nhỏ khác được 37 ghế.

- Cơ quan tư pháp: Tòa án Tối cao là cơ quan cao nhất của nền tư pháp Bồ Đào Nha, gồm có các tòa án tối cao về quân sự, luật lệ hành chính và thuế. Tòa án Hiến pháp bao gồm 9 thành viên, có nhiệm vụ giám sát việc thi hành luật theo đúng Hiến pháp.

  - Các chính đảng:

  Hai đảng lớn nhất tại Bồ Đào Nha là: i) Đảng Xã hội (Partido Socialista - PS) thành lập năm 1972 là đảng trung tả, theo định hướng dân chủ xã hội, ủng hộ hội nhập châu Âu và ii) Đảng Xã hội dân chủ (Partido Social Democrata - PSD) thành lập năm 1974 theo định hướng trung hữu, bảo thủ. Ngoài ra còn có Đảng Nhân dân (Partido Popular) là đảng thiên hữu; Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha có truyền thống lâu đời, thành lập năm 1921; Khối cánh tả (Bloco de Esquerda) của giới trí thức cánh tả. Tất cả 5 đảng này đều có đại diện tại Quốc hội. Đảng Xanh Bồ Đào Nha (Partido Ecologista) luôn liên minh với Đảng Cộng sản và thường có một đại biểu tại Quốc hội.

- Chính phủ hiện nay: Tại cuộc bầu cử Quốc hội tháng 10/2015, Đảng Xã hội dân chủ (PSD) thắng cử. Tuy nhiên, ngày 10/11/2015, Chính phủ vừa tuyên thệ của Thủ tướng Pedro Passos Coelho đã buộc phải từ chức sau khi Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính sách “thắt lưng buộc bụng” mà ông đưa ra. Ngày 26/11/2015, Lãnh đạo phe đối lập (Đảng Xã hội trung tả) là Antonio Costa đã nhậm chức Thủ tướng của Bồ Đào Nha sau khi liên minh với 3 đảng cánh tả (Cộng sản, Khối cánh tả, đảng Xanh) để đạt số ghế cần thiết tại Quốc hội (122/230).

Đến nay, sau hơn một năm cầm quyền, Chính phủ của Thủ tướng Costa đã đạt được một số kết quả tích cực bước đầu về phát triển kinh tế - xã hội. Được sự ủng hộ của Tổng thống Marcelo Rebelo de Sousa (người có uy tín cả trong chính giới lẫn người dân), Chính phủ thúc đẩy đối thoại với các đảng phái chính trị nhằm triển khai các biện pháp ổn định tình hình trong nước với trọng tâm cải cách thị trường lao động, hành chính công, chính sách thuế và chấm dứt áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng.

IV. KINH TẾ, THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ:

- Từ khi gia nhập Cộng đồng châu Âu (EU ngày nay) vào năm 1986, kinh tế Bồ Đào Nha đã phát triển mạnh và có định hướng về dịch vụ nhiều hơn (chiếm 2/3 GDP). Trong hai thập kỷ qua, Bồ Đào Nha đã tiến hành tư nhân hóa thành công nhiều công ty của nhà nước, thực hiện chính sách mở cửa kể cả với ngành tài chính và viễn thông.  

Kinh tế Bồ Đào Nha dựa chủ yếu vào xuất khẩu, phát triển công nghệ cao và các ngành công nghiệp truyền thống (dệt may, giày dép, đồ gỗ, đồ uống). Do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới, năm 2008 GDP chỉ đạt 0,9%. Từ cuối năm 2014, kinh tế Bồ Đào Nha bắt đầu phục hồi nhờ những nỗ lực tài chính công trung hạn. Tuy nhiên, so với các nước Tây Âu khác,  công nghiệp, nông nghiệp, hệ thống giáo dục và cơ sở hạ tầng Bồ Đào Nha còn ở mức trung bình. 

Những vấn đề về năng lực cạnh tranh, nợ công ở mức cao khiến Chính phủ đang phải nỗ lực thực hiện các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với hàng loạt các biện pháp hỗ trợ đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế năm 2016 đạt 1,4% (dự kiến 1,5% trong năm 2017), tỷ lệ thất nghiệp tuy giảm nhưng vẫn còn ở mức cao (từ gần 17,5% xuống còn khoảng 10,8%). Thách thức trong ngắn hạn của Chính phủ là duy trì đà tăng trưởng, giảm nợ công (129% GDP), tái cân bằng tỷ trọng giữa các khu vực kinh tế (nông nghiệp 2,4%; công nghiệp 23%; dịch vụ 74,6%), giảm thâm hụt cán cân thương mại (gần 11 tỷ Euro) và nhất là cải thiện đời sống người dân (giảm tỉ lệ thất nghiệp trong giới trẻ, bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa các vùng miền, khôi phục lại các chính sách xã hội như tăng mức lương tối thiểu từ 505 euro lên 600 euro từ nay đến 2019) nhưng vẫn tiếp tục đảm bảo thực hiện cam kết với EU giảm mức thâm hụt ngân sách.

- Ngành công nghiệp: Nhìn chung mới chỉ ở mức trung bình, phụ thuộc chủ yếu vào năng lượng và nguyên liệu nhập khẩu. Các ngành sản xuất chính là quần áo, dệt may (1/3 sản lượng xuất khẩu), cá đóng hộp (chủ yếu là cá sardine, cá ngừ), xi măng, bột giấy, phân hóa học và dầu ô liu tinh luyện. Bồ Đào Nha là nước sản xuất rượu vang đứng hàng thứ 6 trên thế giới.

- Du lịch: chiếm 8% GDP và có chiều hướng tăng.

- Thương mại:

+ Xuất khẩu: nông sản, thực phẩm, rượu vang, hóa chất, đồ gỗ, đồ đa, quần áo và vật liệu dệt may, máy móc, công cụ, kim loại cơ bản. Các đối tác xuất khẩu chính là Tây Ban Nha (24%), Đức (12%), Pháp (12%), Angola (6,5%), Anh (5,5%), Hà Lan (4%), Hoa Kỳ (4%).

+ Nhập khẩu: sản phẩm nông nghiệp, hóa chất, phương tiện vận tải, dụng cụ quang học và cơ khí chính xác, phụ kiện máy tính, hàng điện tử, kim loại cơ bản, thực phẩm…  Các đối tác nhập khẩu chính là Tây Ban Nha (32%), Đức (11,5%), Pháp (7%), Italia (5%), Hà Lan (5%), Angola (4,7%).

- Đầu tư: Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Bồ Đào Nha suy giảm trong giai đoạn 2009-2010. Sau nhiều nỗ lực của Chính phủ, các nhà đầu tư đã phản ứng tích cực, tăng cường đầu tư vào Bồ Đào Nha từ năm 2014. FDI hiện được coi là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Bồ Đào Nha, đặc biệt vào lĩnh vực năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng từ sóng biển…). Lisbon cũng đang là điểm đến cho các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản. 

- Một số chỉ số kinh tế chính: (2016)

+ Tỷ trọng công nghiệp 23%, nông nghiệp 2,6% và dịch vụ 74,4% GDP.

+ Lực lượng lao động: khoảng 5,16 triệu.

+ Tỷ lệ thất nghiệp: 11,3%.

+ Tỷ lệ lạm phát: 1,4%.

+ Xuất khẩu: 52,2 tỷ Euro; nhập khẩu: 61,7 tỷ Euro.

+ Đầu tư từ nước ngoài: 152 tỷ Euro; đầu tư ra nước ngoài: 100 tỷ Euro.

     IV. CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI:

Bồ Đào Nha ưu tiên hàng đầu quan hệ với các nước trong khu vực, đặc biệt với các nước thành viên EU, chủ trương ủng hộ xây dựng một châu Âu mạnh, nhất thể hóa sâu rộng, trong đó ủng hộ sáng kiến châu Âu đa tốc độ và củng cố khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Bồ Đào Nha chú trọng tăng cường quan hệ với Mỹ, tham gia tích cực Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ngoài ra, Bồ Đào Nha ưu tiên thúc đẩy quan hệ với các nước thuộc Cộng đồng nước nói tiếng Bồ Đào Nha gồm: Bra-xin, Angola, Mô-dăm-bích, Guiné-Bissau, São Tomé và Príncipe, Cabo Verde và Đông Timor.

Trong quan hệ với Châu Á – Thái Bình Dương, Bồ Đào Nha chủ trương duy trì quan hệ với tất cả các nước, nhất là với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ.

Đối với châu Phi, dù có quan hệ lịch sử với khu vực này nhưng hiện nay Bồ Đào Nha chủ trương tăng cường quan hệ với các nước châu Phi thông qua EU và giữ vai trò nhất định trong trong các chính sách của EU đối với châu Phi.

V. CHÍNH SÁCH HỢP TÁC PHÁT TRIỂN:

Hàng năm Bồ Đào Nha dành khoảng 0,2%% GDP  cho viện trợ phát triển, chủ yếu cho các nước trong khối nói tiếng Bồ Đào Nha tại châu Phi (Angola, Mô-dăm-bích, Cape Verde), Ma-cao, Đông Timor tại châu Á và một số nước khác mà Bồ Đào Nha có quan hệ chặt chẽ (An-ba-ni, Bosnia – Herzegovina, Croatia, Georgia, Kazakhstan, Montenegro, Cộng hòa Moldova, Slovenia). Các lĩnh vực ưu tiên trong chính sách ODA của Bồ Đào Nha là: Giáo dục, y tế, phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển kinh tế, khối tư nhân, phát triển ngôn ngữ và văn hóa Bồ Đào Nha./.

 

 

 



[1] Bồ Đào Nha lấy ngày mất của nhà thơ nổi tiếng người Bồ Đào Nha Luis Vaz de Camoen  làm ngày Quốc khánh.

[2] Đứng thứ 83 trên thế giới.

[3] Aveiro, Beja, Braga, Braganza, Castelo Branco, Coimbra, Evora, Faro, Guarda, Leiria, Lisbon, Portalegre, Porto, Santarém,  Setúbal, Viana do Castelo, Vila Real, Viseu; 2 vùng tự trị Azores và Madera.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer