TÀI LIỆU CƠ BẢN CRÔ-A-TIA

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CỘNG HÒA CRÔ-A-TI-A

 

I/ Thông tin cơ bản:

-         Tên nước: Cộng hòa Crô-a-ti-a (Republic of Croatia)

-         Thủ đô: Da-grép (Zargeb)

-         Ngày Quốc khánh: 25/6/1991

-         Vị trí địa lý: Ở Đông Nam Âu, trên bán đảo Ban-căng; phía Tây giáp Xlô-vê-ni-a, phía Bắc giáp Hung-ga-ri, phía Đông Bắc và Đông giáp Xéc-bi-a, Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na, phía Đông Nam giáp Môn-tê-nê-grô, phía Tây Nam và Nam giáp biển A-đri-a-tích (dọc bờ biển có trên 1.000 đảo, nhiều lâu đài và thành cổ, phong cảnh rất đẹp).

-         Diện tích: 56.594 km2

-         Khí hậu: Crô-a-ti-a có hai vùng khí hậu, ven biển có khí hậu Địa Trung Hải – mùa hè nóng, khô, nắng, mùa đông ẩm ướt, trong đất liền có khí hậu lục địa với mùa đông lạnh, có tuyết và mùa hè nóng gắt.

-         Dân số: 4,313 triệu người, trong đó, 58% sống ở đô thị; phân bố lao động: nông nghiệp chiếm 2,1%, công nghiệp 29%, dịch vụ 69%; tỷ lệ tăng dân số: -0,11%; tuổi thọ trung bình: 76,2 tuổi (2018).

-         Dân tộc: Người Crô-át chiếm 89,63%, người Xéc-bi 4,54%, các dân tộc khác (Bô-xni-ắc, Hung-ga-ri, Xlô-vê-ni-a, Séc, Di-gan…) 5,9%.

-         Ngôn ngữ chính thức: Tiếng Crô-át.

-         Tôn giáo: Đạo Thiên chúa chiếm 87,8%; Cơ đốc giáo chính thống 4,4%...

-         Cơ cấu hành chính: Crô-a-ti-a được chia thành 20 tỉnh và thủ đô Da-grép.

-         Đơn vị tiền tệ: Cu-na (Kuna); 1 USD = 6,93 Cu-na (2018)

-         GDP: 48,85 tỷ USD (2018), trong đó, nông nghiệp chiếm 5%, công nghiệp 25,8%, dịch vụ 69,2%.

-         GDP/đầu người: 22.400 USD (2018)

-         Lãnh đạo chủ chốt hiện nay:

o   Tổng thống: Cô-lin-đa Gráp-ba Ki-ta-rô-vích (Kolinda Grabar-Kitarovic; từ 19/02/2015).

o   Thủ tướng: An-đơ-rây Pờ-len-ko-vic (Andrej Plenkovic; từ 19/10/2016).

o   Chủ tịch Quốc hội: Gio-đan Dan-đờ-rô-cô-víc (Gordan Jandrokovic; từ 05/5/2017).  

o       Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Công tác Châu Âu: Ma-ri-a Pei-xi-nô-vích Bu-rích (Marija Pejcinovic Buric, từ 19/6/2017).

 

 

II/ Khái quát lịch sử

Các bộ tộc người Crô-át (thuộc dòng Xla-vơ) đã di cư từ miền Tây U-crai-na đến lãnh thổ Crô-a-ti-a ngày nay từ thế kỷ thứ VI sau Công nguyên (trước đó, lãnh thổ này thuộc về đế chế Đông La Mã - Byzantine). Vào đầu thế kỷ thứ IX, họ đã lập nên 2 Nhà nước đầu tiên của Crô-a-ti-a là Công quốc Pa-nô-ni-a (Bắc Crô-a-ti-a) và Công quốc Đan-mát-xi-a (Nam Crô-a-ti-a). Năm 925, Vương quốc Crô-a-ti-a thống nhất được hình thành. Năm 1527, trước nguy cơ bị Thổ Nhĩ Kỳ đô hộ, Crô-a-ti-a phải tôn Phéc-đi-năng Đệ nhất, là người của Hoàng tộc Áo làm Vua để được Áo bảo hộ. Sau Chiến tranh thế giới thứ I, Đế quốc Áo-Hung tan rã, Crô-a-ti-a tham gia “Vương quốc của người Xéc-bi, người Crô-át và người Xlô-ven” được thành lập năm 1918 (năm 1929 đổi thành Vương quốc Nam Tư). Trong Thế chiến II, Crô-a-ti-a lần lượt bị phát-xít Ý và Đức chiếm đóng, phong trào du kích chống phát-xít do Ti-tô lãnh đạo đã phát triển mạnh tại đây. Ngày 29/11/1945, Quốc hội Nam Tư tuyên bố Nam Tư là nước Cộng hòa Liên bang Nhân dân (đến năm 1963 đổi tên thành CHXHCN Liên bang Nam Tư) và Crô-a-ti-a là một trong 6 nước Cộng hòa của Liên bang. Ngày 25/06/1991, Crô-a-ti-a tuyên bố độc lập, tách khỏi Liên bang Nam Tư, sự kiện này đã làm bùng nổ chiến tranh với người Xéc-bi muốn duy trì Liên bang. Tháng 12/1995, các bên liên quan ký Hiệp định Đây-tơn, công nhận nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Crô-a-ti-a. Crô-a-ti-a đã chính thức gia nhập NATO vào tháng 4/2009 và trở thành thành viên EU từ 01/07/2013.

 

III/ Thể chế Nhà nước

Crô-a-ti-a theo mô hình Nhà nước cộng hòa nghị viện – Tổng thống. Quốc hội Crô-a-ti-a có 151 ghế được dân bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 4 năm. Tổng thống là Nguyên thủ quốc gia, được bầu trực tiếp với nhiệm kỳ 5 năm. Tổng thống có quyền chỉ định Thủ tướng để Quốc hội phê chuẩn; có quyền giải tán Quốc hội. Chính phủ Crô-a-ti-a do Thủ tướng đứng đầu, bao gồm 2 Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng.

 

IV/ Giới thiệu về kinh tế

Crô-a-ti-a là một trong 2 nước cộng hoà có nền kinh tế phát triển nhất của Nam Tư trước đây, với một số ngành tương đối phát triển như: du lịch, dược phẩm, đóng tàu, chế tạo máy, thiết bị y tế, khai thác và lọc dầu, đồ gỗ, hóa chất, nhựa, vật liệu xây dựng, dệt may, chế biến thực phẩm và đồ uống, thép cuốn, nhôm, điện tử, giấy... Giai đoạn 1991-1995, do chiến tranh, nền kinh tế Crô-a-ti-a bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Giai đoạn 2000-2007, kinh tế Crô-a-ti-a phát triển tốt, GDP tăng 4-6%/năm, chủ yếu nhờ phát triển du lịch (hàng năm thu hút khoảng 10 triệu lượt khách, đem lại 8-9 tỷ USD/năm) và tăng tín dụng tiêu dùng. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và tư nhân hóa còn gặp nhiều khó khăn; rủi ro cao do quá dựa vào du lịch. Những năm gần đây, kinh tế Crô-a-ti-a bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Chính phủ phải thực hiện các biện pháp khắc khổ như cắt giảm chi tiêu, tăng thuế VAT và áp dụng thêm nhiều loại thuế mới.

Một số công ty lớn của Crô-a-ti-a: Agrokor Group, Podravka (thực phẩm), Konzum (vận tải), HEP (năng lượng), Pliva (dược phẩm)…

 

Một số số liệu kinh tế năm 2018

-         Tăng trưởng GDP: 1%

-         Thất nghiệp: 15,8%

-         Lạm phát: 1,4%

 

V/ Chính sách đối ngoại

Crô-a-ti-a ưu tiên hội nhập EU và quan hệ với Mỹ (gửi quân sang Afganistan); tăng cường quan hệ với các nước láng giềng trong khu vực Ban-căng (nhất là các nước thuộc Nam Tư cũ); mở rộng quan hệ với các nước lớn ở châu Á và các nước ASEAN. Crô-a-ti-a là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế (đã tham gia 15 phái bộ gìn giữ hòa bình quốc tế).

 

Crô-a-ti-a là thành viên của: Liên hợp quốc, EU, NATO, FAO, IAEA, ICAO, ICC (các ủy ban quốc gia), IMF, Interpol, IPU, ISO, ITU, Phong trào không liên kết - NAM (quan sát viên), Tổ chức quốc tế Pháp ngữ - OIF (quan sát viên), UNESCO, UNHCR, UPU, WHO, WTO, OSCE, BSEC (quan sát viên), EBRD…

 

QUAN HỆ VIỆT NAM - CRÔ-A-TI-A

 

I.      Quan hệ chính trị

Ngày 01/07/1994, Việt Nam tuyên bố công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ với Cộng hòa Crô-a-ti-a.

Quan hệ Việt Nam - Crô-a-ti-a là quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống. Hiện ta cử Đại sứ tại Hung-ga-ri kiêm nhiệm Crô-a-ti-a. Đại sứ đầu tiên của Việt Nam trình Quốc thư ngày 28/02/2002. Phía Crô-a-ti-a cử Đại sứ tại Ma-lai-xi-a kiêm nhiệm Việt Nam. Đại sứ đầu tiên của Crô-a-ti-a trình Quốc thư tháng 9/1996.

Về trao đổi đoàn, Thứ trưởng Ngoại giao ta đã thăm Crô-a-ti-a (7/2001; 5/2007). Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Croatia, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiến hành tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng với Bộ Ngoại giao Croatia (7/2014). Về phía Crô-a-ti-a thăm ta có Thứ trưởng Ngoại giao (12/1998), Bộ trưởng Kinh tế (22-24/10/2001). Tháng 3/2008, Tổng thống Crô-a-ti-a Xtia-pan Mê-xích đã thăm chính thức Việt Nam, nhân dịp này, hai bên ký Hiệp định về hợp tác kinh tế, Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gặp Trưởng đoàn Crô-a-ti-a (Thứ trưởng Ngoại giao) bên lề Phiên họp cấp cao Khóa 22 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Thụy Sỹ (2/2013).

 

Hợp tác tại các Tổ chức quốc tế: Bạn đã ủng hộ ta vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016. Ta và Bạn đã ủng hộ nhau ứng cử vào WHC nhiệm kỳ 2013-2017.

 

II.   Quan hệ kinh tế

Kim ngạch thương mại Việt Nam - Crô-a-ti-a còn thấp:

 

                                             Đơn vị tính: triệu USD

 

2014

2015

2016

2017

2018

Ta xuất

25,50

32,64

45,59

60,77

77,20

Ta nhập

17,70

23,41

31,95

28,95

38,53

Tổng kim ngạch

43,20

56,05

77,54

89,72

115,73

Nguôn: Tổng cục Hải quan Việt Nam

 

 

III.     Cộng đồng người Việt Nam tại Crô-a-ti-a

Theo số liệu do Đại sứ Crô-a-ti-a tại Ma-lai-xi-a cung cấp năm 2007, có khoảng 80 phụ nữ Việt Nam lấy chồng người Crô-a-ti-a và một số chuyên gia ngành đóng tàu người Crô-a-ti-a làm việc tại Việt Nam.

 

IV.     Các hiệp định khung đã ký

-         Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (2001)

-         Hiệp định hợp tác kinh tế (2008)

-         Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ (2009)

-         Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (2018)

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn