VƯƠNG QUỐC ĐAN MẠCH
I. THÔNG TIN CƠ BẢN
Đất nước, con người
Tên nước |
Vương quốc Đan Mạch (Kingdom of Denmark) |
Thủ đô |
Cô-pen-ha-gen (Copenhagen) |
Quốc khánh |
5/6 (Ngày ban hành Hiến pháp) |
Vị trí địa lý |
Phía Nam giáp Đức, ba mặt còn lại giáp biển Bắc và biển Baltic. |
Diện tích |
Chính quốc: 43.094 km2 ; Quần đảo Faroe: 1.399 km2; Đảo Greenland: 2.175 km2 |
Khí hậu |
Ôn hòa, nhờ có dòng hải lưu nóng Gulf Stream chảy qua. Nhiệt độ trung bình cả năm khoảng 7,90C. Tháng 2 có nhiệt độ lạnh nhất (trung bình -40C), tháng 7 nóng nhất (trung bình 16,6 0C) |
Dân số |
5,55 triệu người (7/2010), trong đó 9,9% là người nước ngoài |
Ngôn ngữ |
Tiếng Đan Mạch (gần giống tiếng Na Uy và Thụy Điển) |
Đơn vị tiền tệ |
DKK (cuaron) Đan Mạch; 1 USD = 5.774 DKK (năm 2010) |
GDP |
311,9 tỷ USD (năm 2010) |
Thu nhập bình quân đầu người |
56.790 USD (năm 2010) |
Tôn giáo |
95% người dân Đan Mạch theo đạo Tin lành (dòng Luther),
3% theo Cơ đốc giáo, 2% theo đạo Hồi |
Lãnh đạo chủ chốt |
- Nữ hoàng Ma-gơ-rét Đệ nhị (Magrethe II), lên ngôi ngày 14/1/1972
- Thủ tướng La-xơ Lúc-kơ Ra-xơ-mu-xơn (Lars Løkke Rasmussen) (Đảng Tự do)
- Chủ tịch Quốc hội Tho Pi-đơ-xơn (Thor Pederson ) (Đảng Dân chủ tự do)
- Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Li-nơ Étx-pơ-xơn (Lene Espersen) (Đảng Bảo thủ, được bầu làm Ngoại trưởng ngày 23/2/2010 thay ông Per Stig Møller) |
II. KHÁI QUÁT LỊCH SỬ
- Trong lịch sử, Đan Mạch được thế giới biết đến qua các cuộc chinh chiến của người Viking (sống ở vùng Bắc Âu) vào thế kỷ IX sau Công nguyên như chiến tranh với Anh năm 886 và chiếm miền Trung nước Anh ngày nay; chiến tranh chống lại ảnh hưởng của Đức (1157-1241); chiến tranh với Estonia (1219-1346).
- Năm 1370, Đan Mạch chiếm Thụy Điển và Na Uy lập ra liên minh Can-ma (Karlma) gồm Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy do Nữ hoàng Magrethe I đứng đầu, sau đó chiếm quần đảo Faroe, Greenland và Ai-xơ-len.
- Năm 1523, liên minh Karlma tan rã. Đan Mạch thua trận trong cuộc chiến 7 năm (1563 – 1570) với Thụy Điển để giành ảnh hưởng ở khu vực Scandinavia (Bắc Âu).
- Năm 1660 Đan Mạch phải ký Hòa ước Roskild với Thụy Điển, theo đó Đan Mạch cắt 3 tỉnh phía Đông cho Thụy Điển (miền Nam Thụy Điển ngày nay).
- Năm 1807 Thụy Điển liên minh với Anh, Nga đánh Đan Mạch.
- Năm 1813 Đan Mạch bị suy yếu và đến năm 1814 phải nhượng Na Uy cho Thụy Điển.
- Năm 1943 Đan Mạch trao trả độc lập cho Ai-xơ-len.
III. CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ
1. Thể chế
1.1. Chế độ quân chủ lập hiến
Đan Mạch theo thể chế quân chủ lập hiến và hệ thống chính trị đa đảng, đứng đầu Nhà nước là Nữ hoàng. Nữ hoàng chỉ mang tính lễ nghi, không còn quyền lực chính trị. Quyền lực chính trị thuộc về cơ quan hành pháp (Chính phủ), đứng đầu là Thủ tướng.
1.2. Cơ quan lập pháp (Folketing-Quốc hội):
Kể từ năm 1953, Quốc hội Đan Mạch bỏ việc phân chia Quốc hội thành Thượng viện và Hạ viện (do hai viện nay có quyền hạn như nhau nên rất khó để phân biệt) và theo chế độ một viện (unicameral) với 179 nghị sỹ (trong đó 2 ghế dành riêng cho đảo Greenland và 2 ghế dành cho quần đảo Faroes), được bầu trực tiếp với nhiệm kỳ 4 năm.
Đặc điểm nổi bật của hệ thống chính trị ở Đan Mạch là nền dân chủ liên hiệp (collaborative democracy). Từ năm 1909, không có một đảng nào giành đa số tuyệt đối trong bầu cử; phần lớn là chính phủ thiểu số của một đảng hoặc chính phủ liên minh 2-3 đảng. Kể từ thập kỷ 80, trong quốc hội luôn có đại diện của ít nhất là 7 đảng.
Tại cuộc bầu cử Quốc hội ngày 13/11/2007 có 10 đảng chính trị tham gia. Tuy nhiên, chỉ có 8 đảng đủ số phiếu để có mặt trong quốc hội, cụ thể Đảng Tự do; Đảng Dân chủ xã hội; Đảng Nhân dân Đan Mạch; Đảng Nhân dân XHCN; Đảng Bảo thủ; Đảng Cấp tiến; Đảng Liên minh tự do cánh hữu; Liên minh Xanh - Đỏ; Đảo Greenland và Quần đảo Faroe.
1.3. Cơ quan hành pháp (Chính phủ)
Đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng, do Nữ hoàng Đan Mạch chỉ định (thường là lãnh đạo đảng chiếm đa số hoặc lãnh đạo của liên minh cầm quyền). Thủ tướng có quyền thành lập nội các và trình lên Nữ hoàng để xem xét chấp thuận.
Chính phủ hiện nay là chính phủ của Thủ tướng Lars Lokke Rasmussen, liên minh trung hữu giữa 2 đảng Tự do và Bảo thủ với sự ủng hộ của Đảng Nhân dân Đan Mạch. Chính phủ hiện có 18 Bộ (không bao gồm Văn phòng Thủ tướng).
2. Các đảng phái chính trị
- Đảng Tự do, thành lập năm 1870, do Thủ tướng Lars Løkke Rasmussen đứng đầu.
- Đảng Bảo thủ, do Bộ trưởng Tư pháp Lars Barfoed đứng đầu.
- Đảng Dân chủ xã hội, thành lập năm 1871, do bà Helle Thorning-Schmidt đứng đầu.
- Đảng Nhân dân Đan Mạch, thành lập năm 1995, do bà Pia Merete Kjærsgaard đứng đầu.
- Đảng Nhân dân Xã hội chủ nghĩa, thành lập năm 1916, do ông Villy Søvndal đứng đầu.
- Đảng Tự do xã hội, thành lập năm 1905, do bà Margrethe Vestager đứng đầu.
- Đảng Liên minh xanh – đỏ cánh tả, thành lập năm 1989, lãnh đạo tập thể.
- Đảng Liên minh Tự do cánh hữu, thành lập năm 2007, do ông Anders Samuelsen đứng đầu.
IV. KINH TẾ
1. Khái quát chung
Đan Mạch là nước công nghiệp phát triển, có nền kinh tế thị trường tư bản hỗn hợp kết hợp, cạnh tranh cao với chế độ phúc lợi lớn. Nền kinh tế Đan Mạch là một trong 10 nền kinh tế hiệu quả nhất thế giới với mức thu nhập bình quân đầu người thuộc diện cao nhất thế giới.
Do nghèo tài nguyên và thiếu nguyên liệu buộc người Đan Mạch phải học cách sử dụng nguyên liệu một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất như ứng dụng năng lượng gió và các năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, Đan Mạch cũng phụ thuộc lớn vào các hoạt động ngoại thương, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu lương thực và năng lượng. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của Đan Mạch chiếm 31,8% GDP (tương đương 99,37 tỷ USD) và kim ngạch nhập khẩu đạt 29,1% GDP cả nước (tương đương 90,83 tỷ USD). Nền kinh tế Đan Mạch trong năm 2010 tuy chưa thực sự phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 nhưng cũng đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại với mức tăng GDP 1% trong năm 2010 (so với mức suy thoái -5,2% vào năm 2009), tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ còn 4,2% trong năm 2010, tuy nhiên tỷ lệ lạm phát tăng ở mức 2,6%.
2. Các ngành kinh tế chính
Các ngành kinh tế thế mạnh của Đan Mạch gồm vận tải biển, cơ khí đóng tàu, xây dựng cảng biển, chế tạo thiết bị năng lượng, xi măng, công nghiệp dược, chế biến thủy sản và thực phẩm, sản xuất và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, năng lượng gió và năng lượng tái tạo, môi trường và công nghệ xanh - sạch, thiết kế công nghiệp và hàng tiêu dùng. Các công ty Đan Mạch chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ; nhiều công ty có thương hiệu nổi tiếng thế giới do trình độ chuyên môn hóa cao, có tầm nhìn và phạm vi hoạt động toàn cầu. Một số công ty lớn gồm Tập đoàn AP Moller - Maersk (vận tải biển), Carlsberg (bia, đồ uống), Công ty Danfos và Grundfos (sản xuất thiết bị điều hòa nhiệt độ và máy bơm), Công ty dược Nouvo Nordisk, Lundbeck, Scandinavian Tobaco Company, Vestas Wind Systems (tuabin gió), Danisco (chế biến thực phẩm); FLSmith (xi măng), Lego (sản xuất đồ chơi).
3. Yếu tố con người:
Người Đan Mạch tham gia các thỏa ước lao động thông qua tổ chức công đoàn; thị trường lao động theo mô hình “hệ thống an sinh linh hoạt” (flexicurity), kết hợp sự linh hoạt về việc làm và mức độ an toàn cao về tài chính, đảm bảo an sinh xã hội, làm cho người lao động thường xuyên được nâng cao kỹ năng làm việc. Nhờ vào mô hình này, Đan Mạch có lực lượng lao động có chất lượng cao và thích nghi nhanh với yêu cầu công việc.
Tài nguyên lớn nhất và có ý nghĩa to lớn là con người Đan Mạch. Đan Mạch sớm nhận ra chỉ có phát triển nguồn lực con người thì mới có thể phát triển và thịnh vượng. Người Đan Mạch có tinh thần tập thể và hợp tác làm việc. Đan Mạch dành 7,5% GDP cho giáo dục và có hệ thống giáo dục phát triển và có chất lượng cao trên thế giới.
4. Chính sách ODA
Hiện nay, Đan Mạch là một trong số nước đi đầu trong viện trợ phát triển, dành gần 1% GDP cho viện trợ phát triển. Viện trợ phát triển của Đan Mạch tập trung cho 15 nước nghèo tại châu Phi (59,4%), châu Á (28,35%) và châu Mỹ Latinh (12,23%). Trong năm 2010, Chính phủ Đan Mạch thông qua “Chiến lược mới về hợp tác phát triển”, khẳng định tiếp tục chính sách viện trợ phát triển cho các nước, trong đó dành ưu tiên cao giúp các nước nghèo ở Châu Phi củng cố ổn định về chính trị, tạo việc làm để xóa nghèo đói và thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (năm 2010, số ODA của Đan Mạch là 215,2 tỷ curon, đạt 0,83% GNI).
V. CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI
Đan Mạch luôn theo đuổi chính sách đối ngoại rộng mở, tích cực và gắn bó với Tây Âu và Mỹ; ủng hộ việc xây dựng một châu Âu thống nhất, vững về kinh tế, mạnh về chính trị, an ninh và quốc phòng.
Với EU: Năm 2010, Đan Mạch tiếp tục ưu tiên tăng cường quan hệ với EU, hoan nghênh phê chuẩn Hiệp ước Lisbon, ủng hộ lập Quỹ cứu trợ giúp các nước giải quyết khủng hoảng nợ công; đơn phương cam kết cho Ai-len vay 400 triệu bảng Anh để khắc phục khó khăn tài chính. Đan Mạch ủng hộ EU lập Cơ quan đối ngoại chung và tích cực đóng góp để EU có vai trò quan trọng tại diễn đàn Liên Hợp Quốc (LHQ) và trên thế giới. Chính phủ Đan Mạch hiện nay chủ trương Đan Mạch cần tham gia đầy đủ vào các cơ chế của EU, tiến tới gia nhập khu vực đồng Euro và tích cực phát huy vai trò khi đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên EU trong 6 tháng đầu năm 2012.
Với Châu Âu: Năm 2010, Đan Mạch làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tổ chức hợp tác khu vực Bắc Âu và Hội đồng các nước vùng Bắc cực, đã tích cực thúc đẩy hợp tác với các nước này về đối ngoại, an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đan Mạch tăng cường quan hệ với Nga, nhất là về kinh tế, năng lượng.
Với Châu Á: Đan Mạch đánh giá cao sự phát triển kinh tế và vai trò to lớn của Trung Quốc, Ấn Độ và các nền kinh tế mới nổi ở Châu Á, coi đây là khu vực ưu tiên hàng đầu trong chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu và quan hệ kinh tế đối ngoại đến năm 2020. Tháng 12/2010, Đan Mạch công bố “Chiến lược đối ngoại đến năm 2020”, trong đó xác định ưu tiên phát triển quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và các nước mới nổi về kinh tế.
Các vấn đề quốc tế: Đan Mạch ủng hộ tăng cường vai trò của LHQ, cải tổ NATO, tăng cường phối hợp NATO, LHQ và các cơ chế đa phương khác để đảm bảo hòa bình và ổn định trên thế giới. Đan Mạch tiếp tục cam kết chống khủng bố và giúp bình ổn tình hình ở Afghanistan; nỗ lực cải thiện quan hệ với các nước Hồi giáo, cùng EU đóng góp thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông, giải quyết vấn đề hạt nhân Iran, tham gia lực lượng chống hải tặc ở vùng ngoài khơi Xô-ma-li.
Đan Mạch có quan hệ ngoại giao với trên 100 nước, là thành viên của hầu hết các tổ chức chính trị, kinh tế, tài chính quốc tế và khu vực, tham gia Khu vực mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA) năm 1959, Hội đồng Bắc Âu và Quỹ Dự án Bắc Âu (NOPEF)(1952), gia nhập Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) (1949), nhưng không cho phép NATO thiết lập căn cứ hạt nhân NATO trên lãnh thổ Đan Mạch trong thời bình. Ngoài ra, Đan Mạch là thành viên tích cực của Liên Hợp Quốc (UN), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Đan Mạch lập Đại sứ quán tại Hà Nội ngày 12/05/1980 và Tổng Lãnh sự quán tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 01/04/1994.
Việt Nam lập Đại sứ quán tại Copenhagen ngày 12/08/2000 (kiêm nhiệm Ai-xơ-len).
Trao đổi đoàn cấp cao:
- Phía Việt Nam thăm Đan Mạch:
Thủ tướng: Phạm Văn Đồng (tháng 6/1977), Võ Văn Kiệt (tháng 6/1995), Phan Văn Khải (tháng 9/1999), Nguyễn Tấn Dũng (tháng 9/2009); Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (tháng 9/1998); Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn Yểu (tháng 10/2002) và Nguyễn Đức Kiên (tháng 4/2008), các Phó Thủ tướng : Trần Đức Lương (tháng 7/1992), Nguyễn Mạnh Cầm (tháng 11/2001), Vũ Khoan (tháng 11/2004), Nguyễn Sinh Hùng (tháng 6/2008).
- Phía Đan Mạch thăm Việt Nam:
Hoàng thân Đan Mạch (tháng 9/2003), Chủ tịch Quốc hội (tháng 9/1995), Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Bendt Bendtsen (tháng 9/2006); Nữ hoàng Đan Mạch Magrethe II (tháng 11/2009).
II. QUAN HỆ HỢP TÁC KINH TẾ
1. Thương mại
Kim ngạch thương mại hai nước qua các năm:
(Đơn vị: Triệu USD)
Năm |
2005 |
2006 |
2007 |
2008 |
2009 |
2010 |
Xuất khẩu |
88,25 |
109,5 |
138,1 |
171,7 |
165,57 |
195 |
Nhập khẩu |
70,54 |
111,7 |
170,5 |
146,4 |
187,11 |
116 |
Tổng |
158,79 |
221,2 |
308,6 |
318,1 |
352,68 |
311 |
(Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam)
Các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Đan Mạch gồm dệt may, giầy dép, đồ gỗ, hàng kim khí, thủ công mỹ nghệ, thiết bị điện, cà phê…và nhập chủ yếu là thiết bị điện, hoá chất, sản phẩm cơ khí, dụng cụ cắt gọt, sản phẩm sữa, nguyên liệu thô …
2. Đầu tư
Đan Mạch là một trong số các nước Bắc Âu sớm đầu tư vào Việt Nam. Tính đến tháng 11/2010, Đan Mạch có 90 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 592 triệu USD, đứng thứ 25 trong tổng số 93 nước, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam và đứng thứ 7 trong số các nước EU đầu tư vào Việt Nam.
Các doanh nghiệp của Đan Mạch đầu tư chủ yếu theo hình thức liên doanh với 34 dự án có tổng vốn đầu tư 357 triệu USD; doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài với 31 dự án có tổng vốn đầu tư 57 triệu USD và 5 doanh nghiệp theo hình thức công ty cổ phần với tổng vốn đầu tư 21 triệu USD.
Các dự án đầu tư của Đan Mạch tập trung tại các địa phương có cơ sở hạ tầng tốt, có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Bà Rịa Vũng Tàu (2 dự án với tổng vốn đầu tư 189 triệu USD); Hà Nội (25 dự án với tổng vốn đầu tư 87,8 triệu USD) và Tp. Hồ Chí Minh (19 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 58 triệu USD).
III. HỢP TÁC PHÁT TRIỂN (HTPT)
Đan Mạch là một trong những nước Tây Âu sớm cung cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam và hiện nay thuộc vào nhóm các nước cung cấp nhiều vốn ODA không hoàn lại nhất cho Việt Nam.
Từ 1972 – 2007 Đan Mạch đã viện trợ cho Việt Nam tổng cộng khoảng 900 triệu USD vốn ODA. Năm 2007 là 82,5 USD (trong đó 65,5 triệu USD cho không và 17 triệu USD vay ưu đãi). Tại Hội nghị CG (12/2007), Đan Mạch cam kết tài trợ cho ta năm 2008 là 84,4 triệu USD (tăng 2,3 % : 1,9 triệu USD so với 2007). Tại Hội nghị CG 2008, Đan Mạch cam kết viện trợ cho Việt Nam 63,7 triệu USD trong năm 2009 (giảm 24,5% so với 2007). Mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng toàn cầu trong năm 2009, Đan Mạch vẫn tiếp tục cam kết gia tăng viện trợ tài khóa 2010 cho Việt Nam là 67.9 triệu USD (tăng 6,59% so với năm 2008 là 63,7 triệu USD) tại hội nghị CG tổ chức tại Hà Nội tháng 12/2009. Mức cam kết tài trợ của Đan Mạch cho Việt Nam năm 2011 giảm 16,89% so với năm 2010, với mức viện trợ là 56,43 triệu USD (công bố tại hội nghị CG tháng 12/2010).
Đan Mạch cam kết cung cấp ODA cho Việt Nam đến hết năm 2015. Viện trợ phát triển của Đan Mạch thông thường tập trung vào các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững, cải cách hành chính, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tài chính – ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên sau năm 2010 sẽ không duyệt thêm bất kỳ dự án ODA nào nằm trong chương trình tín dụng hỗn hợp của nước này. Phía Đan Mạch cho biết, trong thời gian từ nay cho đến năm 2015, có thể giải ngân nốt nguồn tín dụng nhưng sẽ không vào các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo hay các dự án phục vụ dân sinh (cải thiện hệ thống cấp thoát nước, nước thải, cơ sở hạ tầng v.v….) mà sẽ tập trung vào các vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, công nghệ xanh và an ninh lương thực do Việt Nam đã bước vào ngưỡng các nước có mức thu nhập trung bình.
Riêng trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), Đan Mạch cho đến nay là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam với mức tài trợ lên tới 40 triệu USD cho “Chương trình thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu” (Hai bên đã ký Hiệp định hợp tác vào tháng 12/2008 tại Hà Nội). Ngày 9/3/2011, Đại sứ Đan Mạch và Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký thỏa thuận tài trợ 45 triệu curon (tương đương với 8 triệu USD) cho chương trình nghiên cứu ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam từ 2011 đến 2013. Hiện Việt Nam là nước duy nhất ở Châu Á được Đan Mạch triển khai chương trình nghiên cứu ứng phó với BĐKH.
Trong lĩnh vực tư pháp, Đan Mạch đang phối hợp với Thụy Điển và EC tài trợ cho “Chương trình đối tác tư pháp” với tổng mức kinh phí lên tới 18,7 triệu Euro.
IV. GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO, VĂN HÓA, DU LỊCH
Về hợp tác giáo dục, đào tạo: trong những năm qua, Đan Mạch đã tài trợ cho Việt Nam một số dự án trong lĩnh vực giáo dục đào tạo như: dự án "Giáo dục môi trường trong trường phổ thông Việt Nam”; d/a "Hợp tác giữa trường Đại học Cần Thơ và Đại học Aarhus về khoa học môi trường”; d/a "Hỗ trợ giáo dục mỹ thuật cho các trường tiểu học”. Ngày 17/9/2009, Thứ trưởng Phạm Vũ Luận đã cùng Bộ trưởng Giáo dục Đan Mạch, Bertel Haarde ký Ý định thư về hợp tác giáo dục giữa Bộ Giáo dục hai nước và trường Đại học kinh doanh Niels Brocks. Tháng 12/2010, hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục và đào tạo cấp Bộ.
Về hợp tác văn hóa: Từ năm 1999 Đan Mạch bắt đầu viện trợ cho lĩnh vực văn hóa tại Việt Nam thông qua Quỹ phát triển, hợp tác và trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và Đan Mạch (gọi tắt là Quỹ Văn hóa Việt Nam - Đan Mạch) nhằm tài trợ cho các dự án nhỏ của Việt Nam trong các lĩnh vực bảo tồn di sản, xuất bản, giao lưu văn hóa, hỗ trợ nghệ sỹ ... Từ năm 1999 - 2005, Đan Mạch đã hỗ trợ 3 triệu DKK cho Quỹ. Nhân chuyến thăm Việt Nam của Nữ hoàng Đan Mạch (11/2009), hai bên đã ký bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật giai đoạn 2009-2014. Ngày 24/5/2011, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt dự án “Chương trình hợp tác phát triển Việt Nam – Đan Mạch về lĩnh vực văn hóa cho giai đoạn 2011-2015” do Đan Mạch tài trợ không hoàn lại cho Việt Nam.
Năm 2006, Đan Mạch thông qua Chiến lược quốc gia về hợp tác phát triển của Đan Mạch đối với Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010, trong đó có chiến lược cụ thể về hỗ trợ văn hóa Việt Nam nhằm thúc đẩy sự sáng tạo, khả năng tiếp cận và sự tham gia của người dân vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Trong khuôn khổ chiến lược này, Đan Mạch đưa ra 7 dự án với tổng giá trị hỗ trợ là 13.895.000 DKK, gồm Quỹ Văn hóa Vùng và Dân tộc Thiểu số (2 triệu DKK); Quỹ Giao lưu văn hoá (3 triệu DKK); Dự án “Đối thoại giữa các nhà quản lý và hoạch định chính sách văn hoá” (960.000 DKK); Dự án Giáo dục Nghệ thuật (3,4 triệu DKK); Dự án “Văn học thiếu nhi” (1,9 triệu DKK); Dự án “Không gian Nghệ thuật” (1,8 triệu DKK) và Dự án “Quản lý các sự kiện nghệ thuật” (750.000 DKK).
Từ khi triển khai chiến lược văn hóa tại Việt Nam, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật giữa hai nước diễn ra ngày càng sôi động với nhiều sự kiện, chương trình văn hóa như Cuộc thi tài năng âm nhạc 2006; Tài năng múa đương đại 2007; Tài năng nghệ thuật trình diễn 2008; Tuần lễ hoạt động ngoại giao Đan Mạch tại Việt Năm 2007 v.v..
Về du lịch: Từ năm 2005, Việt Nam đã đơn phương miễn thị thực cho công dân Đan Mạch du lịch Việt Nam trong vòng 15 ngày. Năm 2007, Việt Nam đón 21.138 lượt khách Đan Mạch, tăng 17,1% so với năm 2006.
V. CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI ĐAN MẠCH
Tại Đan Mạch hiện có khoảng 12.000 người Việt Nam, đến theo nhiều đợt (trước và sau 1975, thuyền nhân, từ Nga và Đông Âu sang từ những năm 90 và đoàn tụ gia đình), là cộng đồng khá ổn định so với Na Uy và Ai-xơ-len. Do hoàn cảnh ra đi khác nhau, trừ những Việt kiều nòng cốt, có quan hệ tốt với Đại sứ quán, đã nhiều lần về thăm thân hoặc làm ăn với trong nước, một số đông vẫn còn dè dặt, giữ khoảng cách, do những mặc cảm trước đây không dễ xóa bỏ.
Trình độ học vấn của người Việt tại Đan Mạch nói chung không cao, chủ yếu tốt nghiệp tiểu học, trung học; đa số buôn bán nhỏ, mở nhà hàng hoặc công nhân (thế hệ I). Một số do không biết tiếng địa phương hoặc nhiều tuổi nên sống nhờ trợ cấp xã hội. Việt kiều thế hệ II, III có trình độ cao hơn, nhiều người tốt nghiệp đại học, thạc sỹ, tiến sỹ, có việc làm và cuộc sống ổn định. Nhìn chung, cộng đồng người Việt Nam tại Đan Mạch có cuộc sống ổn định, hòa nhập, cần cù, chăm chỉ làm việc, tôn trọng luật pháp sở tại. Bà con vẫn theo dõi tình hình trong nước và phấn khởi về thành tựu đổi mới, về chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
VI. CÁC HIỆP ĐỊNH QUAN TRỌNG ĐÃ KÝ KẾT
- 6/1977 |
Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, khoa học, công nghệ |
- 7/1992 |
Hiệp định khung về Hợp tác phát triển hai nước |
- 8/1993 |
Hiệp định về nguyên tắc và thủ tục cho hợp tác phát triển giữa hai nước |
- 8/1993 |
Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư |
- 1994 |
Hiệp định xoá nợ chính phủ (330 triệu DKK) và giảm 50% nợ thương mại (9,4 triệu USD trên tổng số 18,8 triệu USD) |
- 1995 |
Hiệp định tránh đánh thuế hai lần |
- 1997 |
Hiệp định vận chuyển hàng không |
- 4/2007 |
Hiệp định khung về Chương trình tín dụng hỗn hợp Đan Mạch dành cho Việt Nam |
- 3/2011 |
Hiệp định khung về Chương trình hợp tác nghiên cứu giai đoạn 2011 - 2013 |
Hà Nội, tháng 7 năm 2011