Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Sunday, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Tài liệu cơ bản về Vương quốc Đan Mạch và Quan hệ Việt Nam - Đan Mạch


TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ VƯƠNG QUỐC ĐAN MẠCH

 

I. Thông tin cơ bản

Đất nước, con người

Tên nước: Vương quốc Đan Mạch (Kingdom of Denmark)

Thủ đô: Cô-pen-ha-gen (Copenhagen) với 1,213 triệu dân

Quốc khánh: 5/6 (Ngày ban hành Hiến pháp)

Vị trí địa lý: Phía Nam giáp Đức, ba mặt còn lại giáp biển Bắc và biển Baltic.

Diện tích Chính quốc: 43.098 km2 ; Quần đảo Faroe: 1.399 km2; Đảo Greenland1: 2.175 km2

Khí hậu: Ôn hòa, nhờ có dòng hải lưu nóng Gulf Stream chảy qua. Nhiệt độ trung bình cả năm khoảng 7,90C. Tháng 2 có nhiệt độ lạnh nhất (trung bình -40C), tháng 7 nóng nhất (trung bình 16,60C).

Dân số: 5,584 triệu người (8/2013), trong đó 10,2 % là người nước ngoài

Ngôn ngữ: Tiếng Đan Mạch (gần giống tiếng Na Uy và Thụy Điển)

Đơn vị tiền tệ: DKK (cuaron) Đan Mạch; 1 USD = 5.9 DKK  (năm 2013)

GDP: 349,1 tỷ USD

Thu nhập bình quân đầu người: 40.200 USD

Tôn giáo: 95% người dân Đan Mạch theo đạo Tin lành (dòng Luther), 3% theo Cơ đốc giáo, 2% theo đạo Hồi

Lãnh đạo chủ chốt:

- Nữ hoàng Ma-gơ-rét  Đệ nhị (Magrethe II), lên ngôi ngày 14/1/1972

- Thủ tướng Hê-lơ Tho-ning Sờ-mít (Helle Thorning-Schmidt) (Đảng Dân chủ Xã hội) (thắng cử tại cuộc bầu cử ngày 15/9/2011)

- Chủ tịch Quốc hội Mo-gơn Lích-cơ-tóp (Mogens Lykketoft) (Đảng Dân chủ Xã hội, được bầu ngày 1/10/2011)

- Bộ trưởng Ngoại giao Mác-tin Li-đê-guốt (Martin Lidegaard) (Đảng Tự do Xã hội) (được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao ngày 03/02/2014).

II. Khái quát lịch sử

- Trong lịch sử, Đan Mạch được thế giới biết đến qua các cuộc chinh chiến của người Viking (sống ở vùng Bắc Âu) vào thế kỷ IX sau Công nguyên như  chiến tranh với Anh năm 886 và chiếm miền Trung nước Anh ngày nay; chiến tranh chống lại ảnh hưởng của Đức (1157-1241); chiến tranh với Estonia (1219-1346).

- Năm 1370, Đan Mạch chiếm Thụy Điển và Na Uy lập ra liên minh Can-ma (Karlma) gồm Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy do Nữ hoàng Magrethe I đứng đầu, sau đó chiếm quần đảo Faroe, Greenland và Ai-xơ-len.

- Năm 1523, liên minh Karlma tan rã. Đan Mạch thua trận trong cuộc chiến 7 năm (1563 – 1570) với Thụy Điển để giành ảnh hưởng ở khu vực Scandinavia (Bắc Âu).

- Năm 1660, Đan Mạch phải ký Hòa ước Roskild với Thụy Điển, theo đó Đan Mạch cắt 3 tỉnh phía Đông cho Thụy Điển (miền Nam Thụy Điển ngày nay).

- Năm 1807, Thụy Điển liên minh với Anh, Nga đánh Đan Mạch.

- Năm 1813, Đan Mạch bị suy yếu và đến năm 1814 phải nhượng Na Uy cho Thụy Điển.  

- Năm 1943, Đan Mạch trao trả độc lập cho Ai-xơ-len.

III. Chế độ chính trị

1. Thể chế 

1.1. Chế độ quân chủ lập hiến 

Đan Mạch theo thể chế quân chủ lập hiến và hệ thống chính trị đa đảng, đứng đầu Nhà nước là Nữ hoàng. Nữ hoàng chỉ mang tính lễ nghi, không còn quyền lực chính trị. Quyền lực chính trị thuộc về cơ quan hành pháp (Chính phủ), đứng đầu là Thủ tướng.

1.2. Cơ quan lập pháp (Folketing-Quốc hội):

Kể từ năm 1953, Quốc hội Đan Mạch bỏ việc phân chia Quốc hội thành Thượng viện và Hạ viện (do hai viện nay có quyền hạn như nhau nên rất khó để phân biệt) và theo chế độ một viện (unicameral) với 179 nghị sỹ (trong đó 2 ghế dành riêng cho đảo Greenland và 2 ghế dành cho quần đảo Faroes), được bầu trực tiếp với nhiệm kỳ 4 năm.

Đặc điểm nổi bật của hệ thống chính trị ở Đan Mạch là nền dân chủ liên hiệp (collaborative democracy). Từ năm 1909, không có một đảng nào giành đa số tuyệt đối trong bầu cử; phần lớn là chính phủ thiểu số của một đảng hoặc chính phủ liên minh 2-3 đảng. Kể từ thập kỷ 80, trong quốc hội luôn có đại diện của ít nhất là 7 đảng.

Tại cuộc bầu cử Quốc hội ngày 15/9/2011 có 10 đảng chính trị tham gia. Tuy nhiên, chỉ có 8 đảng đủ số phiếu để có mặt trong quốc hội, cụ thể Đảng Tự do; Đảng Dân chủ xã hội; Đảng Nhân dân Đan Mạch; Đảng Nhân dân XHCN; Đảng Bảo thủ; Đảng Cấp tiến;  Đảng Liên minh tự do cánh hữu; Liên minh Xanh - Đỏ;  Đảo Greenland và Quần đảo Faroe.

Kết quả cuộc bầu cử ngày 15/9/2011: a) Liên minh Trung tả: 89 ghế, trong đó: Đảng Dân chủ Xã hội giành 44 ghế, Đảng Nhân dân Xã hội Chủ nghĩa: 16 ghế, Đảng Tự do Xã hội: 17 ghế, Liên minh Xanh – Đỏ: 12 ghế; b) Liên minh Trung hữu: 88 ghế, trong đó: Đảng Tự do giành 47 ghế, Đảng Nhân dân Đan Mạch: 22 ghế, Đảng Bảo thủ: 10 ghế, Liên minh Tự do: 9 ghế.

1.3. Cơ quan hành pháp (Chính phủ)

Đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng, do Nữ hoàng Đan Mạch chỉ định (thường là lãnh đạo đảng chiếm đa số hoặc lãnh đạo của liên minh cầm quyền). Thủ tướng có quyền thành lập nội các và trình lên Nữ hoàng để xem xét chấp thuận.

Chính phủ hiện nay là chính phủ thiểu số liên minh trung tả giữa 2 đảng: Dân chủ Xã hội và Tự do xã hội do Thủ tướng Helle Thorning-Schmidt (nữ Thủ tướng đầu tiên của Đan Mạch) đứng đầu. Chính phủ hiện có 19 Bộ trưởng.

2. Các đảng phái chính trị

- Đảng Tự do, thành lập năm 1870.

- Đảng Bảo thủ, thành lập năm 1830.

- Đảng Dân chủ xã hội, thành lập năm 1871.

- Đảng Nhân dân Đan Mạch, thành lập năm 1995.

- Đảng Nhân dân Xã hội chủ nghĩa, thành lập năm 1916.

- Đảng Tự do xã hội, thành lập năm 1905.

- Đảng Liên minh xanh – đỏ cánh tả, thành lập năm 1989, lãnh đạo tập thể.

- Đảng Liên minh Tự do cánh hữu, thành lập năm 2007.

IV. Kinh tế

1. Khái quát chung 

Đan Mạch là nước công nghiệp phát triển, có nền kinh tế thị trường tư bản hỗn hợp, cạnh tranh cao với chế độ phúc lợi lớn. Nền kinh tế Đan Mạch là một trong 10 nền kinh tế hiệu quả nhất thế giới với mức thu nhập bình quân đầu người thuộc diện cao nhất thế giới.

Do khan hiếm tài nguyên và thiếu nguyên liệu buộc người Đan Mạch phải học cách sử dụng nguyên liệu một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất như ứng dụng năng lượng gió và các năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, Đan Mạch cũng phụ thuộc lớn vào các hoạt động ngoại thương, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu lương thực và năng lượng. Tuy nhiên, là nền kinh tế mở, Đan Mạch tiếp tục chịu tác động từ khủng hoảng tài chính, khủng hoảng nợ công kéo dài và suy giảm kinh tế ở các nước khu vực đồng Euro và EU nói chung. Nhờ chính sách kích thích kinh tế và tăng xuất khẩu sang các thị trường chủ chốt ở Châu Âu (Đức, Thụy Điển, Anh, Na Uy...) nên từ cuối năm 2010, kinh tế Đan Mạch từng bước có dấu hiệu phục hồi. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của Đan Mạch chiếm 31,8% GDP (tương đương 99,37 tỷ USD) và kim ngạch nhập khẩu đạt 29,1% GDP cả nước (tương đương 90,83 tỷ USD).

Ngay sau khi có Chính phủ mới vào tháng 9/2011, Chính phủ đã kích hoạt tăng trưởng kinh tế bằng gói kích thích 18,7 tỷ DKK (trên 3 tỷ USD), tăng đầu tư công, đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế xanh, tạo nhiều việc làm, đồng thời tăng một số loại thuế để từng bước giảm thâm hụt ngân sách. Với các biện pháp mạnh mẽ trên, kinh tế Đan Mạch trong năm 2011 đã có một số dấu hiệu phục hồi như GDP năm 2011 tăng 1% (so với 2% của năm 2010), tuy nhiên thâm hụt ngân sách còn lớn (bằng 4% GDP), tỷ lệ thất nghiệp cao (6,2% năm 2011), khả năng cạnh tranh của nền kinh tế giảm.

Trong năm 2013, Đan Mạch đã nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua một loạt các biện pháp như đưa ra gói kích cầu nhằm tăng thêm việc làm; kích cầu tiêu dùng, mở rộng thương mại và đầu tư tại châu Á để tìm kiếm thêm thị trường. Dự kiến GDP năm 2013 đạt mức 0,5% (năm 2012 là 0,2%), và 1,1% năm 2014.

2. Các ngành kinh tế:

Các ngành kinh tế thế mạnh của Đan Mạch gồm công nghiệp chế biến thực phẩm, xi măng, chế tạo thiết bị năng lượng (Đan Mạch là nước đứng đầu thế giới trong sử dụng và chế tạo tuốc-bin chạy bằng sức gió), công nghiệp dược, chế biến thủy sản và thực phẩm, thiết kế công nghiệp và hàng tiêu dùng.

Các công ty Đan Mạch chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ; nhiều công ty có thương hiệu nổi tiếng thế giới do trình độ chuyên môn hóa cao, có tầm nhìn và phạm vi hoạt động toàn cầu. Một số công ty lớn gồm Tập đoàn AP Moller - Maersk (vận tải biển), Carlsberg (bia, đồ uống), Công ty Danfos và Grundfos (sản xuất thiết bị điều hòa nhiệt độ và máy bơm), Công ty dược Novo Nordisk, Lundbeck, Scandinavian Tobaco Company, Vestas Wind Systems (tuốc-bin gió), Danisco (chế biến thực phẩm); FLSmidth (xi măng), Lego (sản xuất đồ chơi).

3. Yếu tố con người: 

Người Đan Mạch tham gia các thỏa ước lao động thông qua tổ chức công đoàn; thị trường lao động theo mô hình “hệ thống an sinh linh hoạt” (flexicurity), kết hợp sự linh hoạt về việc làm và mức độ an toàn cao về tài chính, đảm bảo an sinh xã hội, làm cho người lao động thường xuyên được nâng cao kỹ năng làm việc. Nhờ vào mô hình này, Đan Mạch có lực lượng lao động có chất lượng cao và thích nghi nhanh với yêu cầu công việc. Người Đan Mạch có tinh thần tập thể và hợp tác.

Đan Mạch chủ trương đầu tư vào con người để có thể phát triển và thịnh vượng. Đan Mạch dành 7,5% GDP cho giáo dục và là nước có hệ thống giáo dục phát triển và có chất lượng cao hàng đầu trên thế giới.

4. Chính sách ODA

Hiện nay, với việc dành 1% GDP cho viện trợ phát triển, Đan Mạch là một trong số nước đi đầu trên thế giới trong lĩnh vực này. Tháng 8/2012, Đan Mạch đã công bố Ngân sách Hợp tác Phát triển giai đoạn 2013 – 2017, dựa trên các ưu tiên trong chiến lược mới của Đan Mạch là “Quyền được có cuộc sống tốt hơn”. Theo đó, mục tiêu Hợp tác Phát triển của Đan Mạch trong giai đoạn mới là gắn chống nghèo đói với quyền con người và tăng trưởng kinh tế. Bốn lĩnh vực chiến lược là: Quyền con người và Dân chủ, Tăng trưởng xanh, Tiến bộ xã hội, Ổn định và Bảo trợ xã hội. Năm 2013, Chính phủ Đan Mạch tăng ngân sách hợp tác phát triển lên tới 16.045 triệu DKK, tập trung ở châu Phi và châu Á – Mỹ La tinh như Nigeria, Zimbabwe, Tanzania, Uganda, Mali (tổng cộng 1890 triệu DKK), Pakistan, Myanmar, Palestine, Afghanistan, Nepal và Bolivia (1450 triệu DKK).

V. Chính sách đối ngoại

Chính phủ mới của Đan Mạch (từ tháng 9/2011) được hình thành trong bối cảnh thế giới diễn ra nhiều biến động chính trị quan trọng (Mỹ rút quân khỏi Iraq sau 9 năm sa lầy, tàn dư của cuộc chiến Afghanistan, lật đổ chính phủ tại các nước Bắc Phi – Trung Đông, thảm họa thiên nhiên tàn khốc, khủng hoảng nợ công Châu Âu v.v..) do đó Liên minh Chính phủ mới chủ trương xây dựng chính sách đối ngoại phù hợp với tình hình thế giới và dựa trên những nguyên tắc cơ bản của xã hội Bắc Âu là đoàn kết, khoan dung và mang tính cam kết cộng đồng cao. Đan Mạch vẫn tiếp tục duy trì tăng cường hợp tác nội khối Bắc Âu, đẩy mạnh hơn hợp tác với EU (đặc biệt trong bối cảnh Đan Mạch giữ chức Chủ tịch luân phiên EU 6 tháng đầu năm 2012), NATO và khẳng định vai trò mạnh mẽ tại LHQ.

- Trọng tâm chính sách đối ngoại mới:

+ Tăng cường thực thi luật pháp, nhân quyền và bảo vệ quyền dân sự: Chính phủ mới cam kết đẩy mạnh thực thi nhân quyền, bảo vệ các quyền dân sự tại các điểm nóng của thế giới trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc của Hiến chương, Công ước của LHQ. Gắn chặt việc giải quyết nhân quyền trên thế giới với nghĩa vụ giải quyết các vấn đề tồn tại về nhân quyền tại Đan Mạch.

+ Tiếp tục ủng hộ cải cách chính trị và công bằng xã hội tại Bắc Phi và Trung Đông, cam kết hàng năm chi 275 triệu curon Đan Mạch (50 triệu Euro) nhằm tăng cường dân chủ, nhân quyền và tự do báo chí tại Trung Đông.

+ Thực hiện chính sách an ninh thông minh như đóng vai trò trung gian hòa giải, bảo vệ dân thường tại các điểm nóng vè xung đột, coi trọng các biện pháp ngoại giao.

+ Tăng cường hợp tác khu vực Bắc cực. Ưu tiên các vấn đề chủ quyền, hợp tác nội khối, tương lai, lợi ích kinh tế và xã hội của người dân Bắc Cực.
 
- Chính sách tại các khu vực:

+ Châu Á: đánh giá đây là trung tâm kinh tế và quyền lực mới của thế giới; nhấn mạnh sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và Ấn Độ, quan tâm đặc biệt tới các thị trường mới nổi là Indonesia và Việt Nam.

+ Châu Phi: cam kết tiếp tục tham gia quá trình giải quyết xung đột tại khu vực này và đẩy mạnh hơn nữa các dự án hợp tác phát triển tại đây.

+ Hợp tác xuyên Đại Tây Dương: tiếp tục tăng cường hợp tác chặt chẽ với Mỹ và NATO. 

+ Châu Âu: cùng các nước EU tìm phương thức giải quyết khủng hoảng nợ công.

Đan Mạch có quan hệ ngoại giao với trên 100 nước, là thành viên của hầu hết các tổ chức chính trị, kinh tế, tài chính quốc tế và khu vực, tham gia Khu vực mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA)  năm 1959, Hội đồng Bắc Âu và Quỹ Dự án Bắc Âu (NOPEF)(1952), gia nhập Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) (1949), nhưng không cho phép NATO thiết lập căn cứ hạt nhân NATO trên lãnh thổ Đan Mạch trong thời bình. Ngoài ra, Đan Mạch là thành viên tích cực của các tổ chức EMS, Liên Hợp Quốc (UN), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

 

QUAN HỆ VIỆT NAM - ĐAN MẠCH

I. Quan hệ chính trị

Đan Mạch là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (ngày 25/11/1971) và cũng là nơi có phong trào nhân dân ủng hộ mạnh mẽ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Đan Mạch lập Đại sứ quán tại Hà Nội ngày 12/05/1980 và Tổng Lãnh sự quán tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 01/04/1994.

Việt Nam lập Đại sứ quán tại Copenhagen ngày 12/08/2000 (kiêm nhiệm Ai-xơ-len).
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống Việt Nam – Đan Mạch phát triển tốt đẹp. Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao:

- Phía Việt Nam thăm Đan Mạch: 

Thủ tướng: Phạm Văn Đồng (tháng 6/1977), Võ Văn Kiệt (tháng 6/1995), Phan Văn Khải (tháng 9/1999), Nguyễn Tấn Dũng (tháng 9/2009); Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 9/2013); Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (tháng 9/1998); Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn Yểu (tháng 10/2002) và Nguyễn Đức Kiên (tháng 4/2008), các Phó Thủ tướng: Trần Đức Lương (tháng 7/1992), Nguyễn Mạnh Cầm (tháng 11/2001), Vũ Khoan (tháng 11/2004), Nguyễn Sinh Hùng (tháng 6/2008).

- Phía Đan Mạch thăm Việt Nam:

Chủ tịch Quốc hội (tháng 9/1995), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Bendt Bendtsen (tháng 9/2006); Nữ hoàng Đan Mạch Magrethe II (tháng 11/2009), Thái tử kế vị Đan Mạch (11/2011); Chủ tịch Quốc hội Đan Mạch (tháng 3/2012); Thủ tướng Đan Mạch (tháng 11/2012).

Trong chuyến thăm Đan Mạch của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 9/2009, hai nước đã nhất trí nâng quan hệ hai nước thành “Đối tác vì sự phát triển” trên cơ sở bình đẳng, ổn định, lâu dài và cùng có lợi, tập trung ưu tiên thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, văn hoá, giáo dục – đào tạo và khoa học công nghệ. 

Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thái tử kế vị Đan Mạch Frederik tháng 11/2011, hai nước đã ký Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược trong lĩnh vực Biến đổi khí hậu, Năng lượng, Môi trường và Tăng trưởng xanh.

Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Đan Mạch tháng 9/2013, hai bên thiết lập Quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Đan Mạch.


II. Quan hệ hợp tác kinh tế

1. Thương mại

Kim ngạch thương mại hai nước kể từ năm 2008 đến 2013

                              (Đơn vị: Triệu USD)

 

Năm

2008

2009

2010

2011

2012

2013

Xuất khẩu

171,7

165,57

195

271,46

276,07

267

Nhập khẩu

146,4

187,11

116

149,57

191,96

187

Tổng

318,1

352,68

311

421,03

468,03

445


                                                                         (Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam)

 

Các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Đan Mạch gồm dệt may, giầy dép, đồ gỗ, hàng kim khí, thủ công mỹ nghệ, thiết bị điện, cà phê… và nhập chủ yếu là sản phẩm sữa, máy móc thiết bị, hóa chất, dược phẩm, hàng thủy sản…

2. Đầu tư

Đan Mạch là một trong số các nước Bắc Âu sớm đầu tư vào Việt Nam. Tính đến cuối tháng 3/2014, Đan Mạch có 107 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 683 triệu USD, đứng thứ 25 trong tổng số 101 nước, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Phân theo ngành:

Hầu hết các dự án của Đan Mạch tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 34 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 311 triệu USD. Tiếp theo là lĩnh vực vận tải, kho bãi với 10 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 276,7 triệu USD. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ và sửa chữa với 10 dự án và tổng vốn đầu tư 52,87 triệu USD. Tiếp theo là các dự án trong ngành hoạt động chuyên môn, KHCN; kinh doanh bất động sản; nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Phân theo hình thức đầu tư:

Vốn đầu tư của Đan Mạch tập trung vào hình thức liên doanh với 46 dự án có tổng vốn đầu tư 433,35 triệu USD; hình thức 100% vốn nước ngoài có 53 dự án với tổng vốn đầu tư 211,4 triệu USD. Số còn lại đầu tư theo hình thức công ty cổ phần và hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Phân theo địa bàn đầu tư:

Đan Mạch có dự án đầu tư trên 14 tỉnh, thành phố cả nước, nhưng cũng giống như các nước khác, hầu hết các dự án của Đan Mạch tập trung ở những thành phố lớn, có điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối phát triển. Đứng thứ nhất là Bà Rịa – Vũng Tàu với 05 dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 286 triệu USD; Hà Nội đứng thứ hai với 41 dự án có tổng vốn đầu tư là 144,3% triệu USD; Thừa Thiên Huế đứng thứ ba với 03 dự án có tổng vốn đầu tư là 98,13 triệu USD. Tiếp theo là các thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Bình Dương…
 
Một số dự án tiêu biểu gồm:

+ Dự án Công ty Cảng quốc tế Cái Mép trong lĩnh vực vận tải kho bãi với số vốn đăng ký là 268,6 triệu USD;

+ Dự án Nhà máy bia Đông Nam Á trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bia – nước giải khát, vốn đầu tư 79,6 triệu USD;

+ Dự án Công ty TNHH Nisan Việt Nam về lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD.

Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam chưa có dự án đầu tư vào Đan Mạch.
 
III. Hợp tác phát triển (HTPT)

Về viện trợ không hoàn lại: 

Đan Mạch là một trong những nước Tây Âu sớm cung cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam và hiện nay thuộc vào nhóm các nước cung cấp nhiều vốn ODA không hoàn lại nhất cho Việt Nam.

Kể từ năm 1972 đến nay, Đan Mạch đã viện trợ cho Việt Nam tổng cộng hơn 1 tỷ USD vốn ODA. Mức cam kết viện trợ của Đan Mạch trung bình hàng năm trong thời gian qua đạt khoảng 64 triệu USD/năm. Tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ tháng 12/2012, Đan Mạch đã cam kết 56,8 triệu USD viện trợ cho Việt Nam trong năm tài khóa 2013. Trong những năm gần đây, viện trợ của Đan Mạch chủ yếu thông qua những dự án, chương trình lớn theo phương thức viện trợ toàn bộ hoặc đồng tài trợ. Một số chương trình, dự án điển hình như các dự án “Hỗ trợ chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2011 – 2015”; “Hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, giai đoạn 2011 – 2014”; Chương trình Quản trị công và Cải cách hành chính, giai đoạn 2012 – 2015; Chương trình Thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu tại Việt Nam giai đoạn 2009 – 2014; Chương trình Đối tác Tư pháp, giai đoạn 2010 – 2015, Chương trình thí điểm Hợp tác nghiên cứu khoa học, giai đoạn 2008 – 2013,...

Viện trợ phát triển của Đan Mạch thông thường tập trung vào các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững, cải cách hành chính, bảo vệ môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, được triển khai chủ yếu ở các thành phố, thị trấn lớn và khu vực nông thôn thuộc đồng bằng Bắc, Bắc Trung bộ và nay được mở rộng ra cả các tỉnh vùng cao nguyên và miền núi phía Bắc. Riêng trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), Đan Mạch cho đến nay là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam với mức tài trợ lên tới 40 triệu USD cho “Chương trình thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu” (Hai bên đã ký Hiệp định hợp tác vào tháng 12/2008 tại Hà Nội). Ngày 9/3/2011, Đại sứ Đan Mạch và Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký thỏa thuận tài trợ 45 triệu cua-ron (tương đương với 8 triệu USD) cho chương trình nghiên cứu ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam từ 2011 đến 2013. Hiện Việt Nam là nước duy nhất ở  Châu Á được Đan Mạch triển khai chương trình nghiên cứu ứng phó với BĐKH.

Về chương trình tín dụng hỗn hợp:

Ngày 23/4/2007, Bộ KHĐT và Bộ Hợp tác Phát triển Đan Mạch đã ký Hiệp  định khung về Chương trình tín dụng hỗn hợp của Đan Mạch dành cho Việt Nam. Trong giai đoạn 2011 – 2015, Chính phủ Đan Mạch đã điều chỉnh lại Khung chiến lược đối với Chương trình tín dụng dành cho Việt Nam, chuyển từ các lĩnh vực truyền thống như cấp thoát nước, xóa đói giảm nghèo,... sang tập trung vào các lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, công nghệ xanh và an toàn thực phẩm do Việt Nam đã bước vào ngưỡng các nước có mức thu nhập trung bình.

IV. Giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch

Về hợp tác giáo dục, đào tạo:

Trong những năm qua, Đan Mạch đã tài trợ cho Việt Nam một số dự án trong lĩnh vực giáo dục đào tạo như: dự án “Giáo dục môi trường trong trường phổ thông Việt Nam”; dự án "Hợp tác giữa trường Đại học Cần Thơ và Đại học Aarhus về khoa học môi trường”; dự án “Hỗ trợ giáo dục mỹ thuật cho các trường tiểu học”; Chương trình đổi mới sách giáo khoa phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngày 17/9/2009, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã cùng Bộ trưởng Giáo dục Đan Mạch Bertel Haarde ký Ý định thư về hợp tác giáo dục giữa Bộ Giáo dục hai nước và cùng Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh Niels Brocks ký Bản ghi nhớ hợp tác. Hiện tại, Trường Đại học Kinh doanh Niels Brocks đang thực hiện chương trình liên kết đào tạo với Trường Đại học Ngoại thương.

Tháng 12/2010, hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục và đào tạo cấp Bộ. Trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Giáo dục Đan Mạch tháng 6/2011, hai bên đã thống nhất thành lập Nhóm công tác chung Việt Nam – Đan Mạch nhằm triển khai Bản ghi nhớ hợp tác trên.

Về hợp tác văn hóa:

Từ năm 1999 Đan Mạch bắt đầu viện trợ cho lĩnh vực văn hóa tại Việt Nam thông qua Quỹ phát triển, hợp tác và trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và Đan Mạch (gọi tắt là Quỹ Văn hóa Việt Nam - Đan Mạch) nhằm  tài trợ cho các dự án nhỏ của Việt Nam trong các lĩnh vực bảo tồn di sản, xuất bản, giao lưu văn hóa, hỗ trợ nghệ sỹ ... Từ năm 1999 - 2005, Đan Mạch đã hỗ trợ 3 triệu DKK cho Quỹ. Nhân chuyến thăm Việt Nam của Nữ hoàng Đan Mạch (11/2009), hai bên đã ký Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật giai đoạn 2009-2014. Ngày 28/10/2011, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Hiệp định dự án “Chương trình hợp tác phát triển Việt Nam – Đan Mạch về lĩnh vực văn hóa cho giai đoạn 2011-2015” do Đan Mạch tài trợ không hoàn lại cho Việt Nam.

Năm 2006, Đan Mạch thông qua Chiến lược quốc gia về hợp tác phát triển của Đan Mạch đối với Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010, trong đó có chiến lược cụ thể về hỗ trợ văn hóa Việt Nam nhằm thúc đẩy sự sáng tạo, khả năng tiếp cận và sự tham gia của người dân vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Trong khuôn khổ chiến lược này, Đan Mạch đưa ra 7 dự án với tổng giá trị hỗ trợ là 13.895.000 DKK, gồm Quỹ Văn hóa Vùng và Dân tộc Thiểu số (2 triệu DKK); Quỹ Giao lưu văn hoá (3 triệu DKK); Dự án “Đối thoại giữa các nhà quản lý và hoạch định chính sách văn hoá” (960.000 DKK); Dự án Giáo dục Nghệ thuật (3,4 triệu DKK); Dự án “Văn học thiếu nhi” (1,9 triệu DKK); Dự án “Không gian Nghệ thuật” (1,8 triệu DKK) và Dự án “Quản lý các sự kiện nghệ thuật” (750.000 DKK).

Từ khi triển khai chiến lược văn hóa tại Việt Nam, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật giữa hai nước diễn ra ngày càng sôi động với nhiều sự kiện, chương trình văn hóa như Cuộc thi tài năng âm nhạc 2006; Tài năng múa đương đại 2007; Tài năng nghệ thuật trình diễn 2008; Tuần lễ hoạt động ngoại giao Đan Mạch tại Việt Năm 2007 v.v.. 

Về du lịch: Từ năm 2005, Việt Nam đã đơn phương miễn thị thực cho công dân Đan Mạch du lịch Việt Nam trong vòng 15 ngày. Trong thời gian gần đây, khách du lịch Đan Mạch vào Việt Nam có xu hướng tăng, năm 2013 là 25.649 người.

V. Cộng đồng người Việt tại Đan Mạch

Cộng đồng người Việt Nam tại Đan Mạch có khoảng 14.000 người. Thế hệ thứ nhất đa số buôn bán nhỏ, mở nhà hàng hoặc làm công nhân. Thế hệ thứ hai và thứ ba có trình độ cao hơn, nhiều người tốt nghiệp đại học, thạc sỹ, tiến sỹ, có việc làm và cuộc sống ổn định. Nhìn chung, cộng đồng người Việt Nam tại Đan Mạch có cuộc sống ổn định, hòa nhập, cần cù, chăm chỉ làm việc, tôn trọng luật pháp sở tại, có tình cảm gắn bó với đất nước, phấn khởi về những thành tựu đổi mới, về chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

VI. Các Hiệp định đã ký kết

 

6/1977

Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, khoa học, công nghệ

7/1992

Hiệp định khung về Hợp tác phát triển hai nước

8/1993

Hiệp định về nguyên tắc và thủ tục cho hợp tác phát triển giữa hai nước

8/1993

Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư

1994

Hiệp định xoá nợ chính phủ (330 triệu DKK) và giảm 50% nợ thương mại (9,4 triệu USD trên tổng số 18,8 triệu USD)

1995

Hiệp định tránh đánh thuế hai lần

1997

2003

Hiệp định vận chuyển hàng không

Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi

4/2007

Hiệp định khung về Chương trình tín dụng hỗn hợp Đan Mạch dành cho Việt Nam

9/9/2011

Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ về Chương trình hợp tác phát triển trong lĩnh vực văn hóa

11/2011

Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, năng lượng, môi trường và tăng trưởng xanh.

11/2012

Hiệp định Chính phủ về chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam 2013-2015.

11/2012

Hiệp định Chính phủ về hỗ trợ nghiên cứu khối doanh nghiệp giai đoạn cuối 2013-2014.

                                                                      Hà Nội, tháng 04 năm 2014

 

PHỤ LỤC I

TỔNG KẾT SỐ VIỆN TRỢ CỦA ĐAN MẠCH CHO VIỆT NAM TỪ NĂM 1972 ĐẾN NAY

 

1972 – 1982

Viện trợ không hoàn lại gần 60 triệu USD (282,4 triệu DKK)

1980 – 1991

Ngưng viện trợ không hoàn lại (trừ viện trợ khẩn cấp, và cho ta vay 60 triệu DKK năm 1982 để duy trì và bảo dưỡng 6 công trình mà Đan Mạch đã viện trợ và giúp ta giai đoạn trước)

1992

15 triệu USD (83 triệu DKK)

1993

18 triệu USD (110 triệu DKK)

1994

97 triệu DKK (cộng với khoản Đan Mạch xóa cho ta 50% khoản nợ thương mại ta vay năm 1977 để mua tàu Hậu Giang (Hamlet), tổng cộng 21 triệu USD)

1995

31,8 triệu USD

1996

33,5 triệu USD

1997

32,3 triệu USD (180 triệu DKK)

1998

39,4 triệu USD (220 triệu DKK)

1999

40,3 triệu USD (225 triệu DKK)

2000

41,2 triệu USD (235 triệu DKK)

2001

44,8 triệu USD (250 triệu DKK)

2002

38 triệu USD

2003

50 triệu USD

2004

46,3 triệu USD

2005

51,5 triệu USD

2006

67 triệu USD

2007

82,5 triệu USD

2008

84,4 triệu USD

2009

63,7 triệu USD

2010

67,9 triệu USD

2011

56,4 triệu USD`

2012

54,3 triệu USD

 _____________________________________________________________________

 

 

1 Kể từ 21/6/2009, Greenland trở thành quốc gia tự trị, tự giải quyết các vấn đề nội bộ của nước này, ngoại trừ chính sách quốc phòng và đối ngoại.

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer