Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thông tin cơ bản về Đan Mạch và quan hệ Việt Nam - Đan Mạch


I. Thông tin chung

- Tên nước: Vương quốc Đan Mạch (Kingdom of Denmark)

- Thủ đô:  Cô-pen-ha-gen (Copenhagen)

- Ngày Quốc khánh:  5/6 (Ngày ban hành Hiến pháp)

- Vị trí địa lý: Phía Nam giáp Đức, ba mặt còn lại giáp biển Bắc và biển Baltic.

- Diện tích: Chính quốc: 43.098 km2; Quần đảo Faroe: 1.399 km2; Đảo Greenland: 2.175 km2

- Khí hậu:  Ôn hòa, nhờ có dòng hải lưu nóng Gulf Stream chảy qua. Nhiệt độ trung bình cả năm khoảng 7,90C. Tháng 2 có nhiệt độ lạnh nhất (trung bình -40C), tháng 7 nóng nhất (trung bình 16,6 0C).

- Dân số:  5,7 triệu người (2016)

- GDP:  295 tỷ USD (2016)

- GDP đầu người: 51.754 USD

- Đơn vị tiền tệ: Cua-ron (DKK); 1 USD = 6,5 DKK (2016)

        - Tôn giáo: 95% theo đạo Tin lành (dòng Luther), 3% theo Cơ đốc giáo, 2% theo đạo Hồi.

- Ngôn ngữ:  Tiếng Đan Mạch (gần giống tiếng Na Uy và Thụy Điển)

- Cơ cấu hành chính: gồm 5 khu vực hành chính (chia nhỏ thành 98 đô thị)

- Lãnh đạo chủ chốt:

·        Nguyên thủ: Nữ hoàng Ma-gơ-rét  Đệ nhị (Magrethe II, lên ngôi ngày 14/1/1972);

·        Thủ tướng: Ông La-giờ Lóc-cờ Rát-mu-sen (Lars Løkke Rasmussen, nhậm chức ngày 28/6/2015);

·        Chủ tịch Quốc hội: Bà Pi-a Cờ-gie-sơ-gát (Pia Kjærsgaard, nhậm chức ngày 3/7/2015);

·        Bộ trưởng Ngoại giao: An-đơ Sa-mu-en-xơn (Anders Samuelsen, nhậm chức từ ngày 28/11/2016).

II. Khái quát lịch sử

        - Trong lịch sử, Đan Mạch được thế giới biết đến qua các cuộc chinh chiến của người Viking (sống ở Bắc Âu) vào thế kỷ IX sau Công nguyên như  chiến tranh với Anh năm 886 và chiếm miền Trung nước Anh ngày nay; chiến tranh chống lại ảnh hưởng của Đức (1157-1241); chiến tranh với Estonia (1219-1346).

        - Năm 1370, Đan Mạch chiếm Thụy Điển và Na Uy lập ra liên minh Can-ma (Karlma) gồm Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy do Nữ hoàng Magrethe I đứng đầu, sau đó chiếm quần đảo Faroe, Greenland và Ai-xơ-len.

        - Năm 1523, liên minh Karlma tan rã. Đan Mạch thua trận trong cuộc chiến 7 năm (1563 – 1570) để giành ảnh hưởng ở khu vực Scandinavia (Bắc Âu) với Thụy Điển.

        - Năm 1660, Đan Mạch phải ký Hòa ước Roskild với Thụy Điển, theo đó Đan Mạch cắt 3 tỉnh phía Đông cho Thụy Điển (miền Nam Thụy Điển ngày nay).

        - Năm 1807, Thụy Điển liên minh với Anh, Nga đánh Đan Mạch.

        - Năm 1813, Đan Mạch bị suy yếu và đến năm 1814 phải nhượng Na Uy cho Thụy Điển.        

        - Năm 1943, Đan Mạch trao trả độc lập cho Ai-xơ-len.

III. Thể chế nhà nước và đảng phái chính trị

- Thể chế nhà nước: Đan Mạch theo thể chế quân chủ lập hiến và hệ thống chính trị đa đảng, đứng đầu Nhà nước là Nữ hoàng (mang tính lễ nghi, quyền lực chính trị thuộc Chính phủ).

- Quốc hội (Folketing): Theo chế độ một viện (unicameral) với 179 nghị sỹ (trong đó 2 ghế dành riêng cho đảo Greenland và 2 ghế dành cho quần đảo Faroes), được bầu trực tiếp với nhiệm kỳ 4 năm (bầu cử Quốc hội gần đây nhất diễn ra vào ngày 18/6/2015).

- Chính phủ: Đứng đầu là Thủ tướng do Nữ hoàng chỉ định (thường là lãnh đạo Đảng chiếm đa số trong Quốc hội). Thủ tướng có quyền thành lập nội các và trình lên Nữ hoàng phê chuẩn. Chính phủ mới hiện nay là Chính phủ thiểu số do Ông Lars Lokke Rasmussen đứng đầu với 21 Bộ trưởng.

- Hệ thống tư pháp: Độc lập với hệ thống hành pháp, gồm hai hệ thống Tòa án là Tòa dân sự, hình sự và Tòa hành chính.

- Các chính đảng:

- Đảng Tự do, thành lập năm 1870.

- Đảng Bảo thủ, thành lập năm 1830.

- Đảng Dân chủ xã hội, thành lập năm 1871.

- Đảng Nhân dân Đan Mạch, thành lập năm 1995.

- Đảng Nhân dân Xã hội chủ nghĩa, thành lập năm 1916.

- Đảng Tự do xã hội, thành lập năm 1905.

- Đảng Liên minh xanh – đỏ cánh tả, thành lập năm 1989, lãnh đạo tập thể.

- Đảng Liên minh Tự do cánh hữu, thành lập năm 2007.

Liên minh cánh hữu của Thủ tướng Lars Lokke Rasmussen (Đảng Tự do) có 90 ghế trong Quốc hội; liên minh cánh tả do cựu Thủ tướng Helle Thorning-Schmidt (Đảng Dân chủ tự do) có 85 ghế. Đảng Dân chủ Xã hội, chính đảng lớn nhất, có 47 ghế trong Quốc hội; Đảng Nhân dân Đan Mạch có 37 ghế và Đảng Tự do có 34 ghế. 

IV. Kinh tế

- Đan Mạch là nước công nghiệp phát triển. Nền kinh tế Đan Mạch là một trong 10 nền kinh tế hiệu quả nhất thế giới với mức thu nhập bình quân đầu người thuộc diện cao nhất thế giới. Do khan hiếm tài nguyên, Đan Mạch chú trọng sử dụng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là việc sử dụng năng lượng tái tạo. Đan Mạch phụ thuộc nhiều vào ngoại thương, đặc biệt là xuất khẩu lương thực và năng lượng. Các ngành kinh tế thế mạnh của Đan Mạch gồm khai khoáng (sắt, thép), hóa chất, chế biến thực phẩm, công nghiệp dược, đóng tàu, chế tạo thiết bị năng lượng (đứng đầu thế giới về sử dụng và chế tạo tuốc-bin gió), chế biến thủy sản, thiết kế công nghiệp và hàng tiêu dùng.

- Là nền kinh tế mở, Đan Mạch chịu tác động không nhỏ từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2013, khủng hoảng nợ công kéo dài và suy giảm kinh tế ở các nước khu vực đồng Euro và EU nói chung.

- Kinh tế đối ngoại: Xuất khẩu sản phẩm công nghiệp/chế tạo chiếm 74% (máy móc, thiết bị chiếm 21%, dầu khí, hóa chất chiếm 26%, nông nghiệp khoảng 19%). Bạn hàng chủ chốt là các nước EU (đặc biệt là Đức, Thụy Điển, Na Uy, Anh, Hà Lan, Pháp chiếm khoảng 70% ngoại thương), Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hong Kong.

Các công ty lớn của Đan Mạch: A.P Moller - Maersk (vận tải, năng lượng), Novo Nordisk (dược phẩm), Carlsberg (đồ uống), Coloplast (thiết bị y tế), TDC (dịch vụ viễn thông), Novozymes (công nghệ sinh học), Vestas (thiết bị điện). Lego ( đồ chơi).

V. Chính sách đối ngoại

Đan Mạch là thành viên: EU, Shengen, NATO, OECD, OSCE.

Trọng tâm chính sách đối ngoại:

+ Tăng cường thực thi luật pháp, nhân quyền và bảo vệ quyền dân sự.

+ Ủng hộ cải cách chính trị và công bằng xã hội tại Bắc Phi và Trung Đông.

+ Thực hiện chính sách an ninh thông minh, coi trọng các biện pháp ngoại giao, trung gian hòa giải, bảo vệ dân thường tại các điểm nóng, xung đột

+ Tăng cường hợp tác tại Bắc cực.

Chính sách đối với các khu vực:

Đan Mạch coi trọng quan hệ với Mỹ, EU, các nước láng giềng và phát triển quan hệ đối tác với các nước bên ngoài EU.

+ Châu Á: Xác định là trung tâm kinh tế và quyền lực mới của thế giới; quan tâm tới sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và Ấn Độ; quan tâm đặc biệt tới các thị trường mới nổi như In-đô-nê-xi-a và Việt Nam.

+ Châu Phi: Tiếp tục tham gia tiến trình giải quyết xung đột và đẩy mạnh các dự án hợp tác phát triển.

+ Hợp tác xuyên Đại Tây Dương: Tiếp tục tăng cường hợp tác chặt chẽ với Mỹ và NATO.

        + Châu Âu: Tiếp tục là khu vực ưu tiên; hợp tác giải quyết các vấn đề chung như khủng hoảng nợ công, khủng bố, di cư.

+ Đa phương: Đan Mạch tham gia tích cực tại các tổ chức quốc tế đặc biệt là EU, NATO và Liên hợp quốc. Đan Mạch chủ trương tăng cường vai trò toàn cầu của NATO (đóng góp vào hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO, tham gia vào các chiến dịch của NATO và Mỹ tại Xy-ri, I-rắc, tích cực hỗ trợ các nước thành viên NATO ở Đông Âu.

Trong EU, Đan Mạch chủ trương bảo hệ thống phúc lợi quốc gia, tránh ảnh hưởng tiêu cực bởi các quy định của EU và đảm bảo EU không phát triển thành “liên minh phúc lợi xã hội”. Chính phủ Đan Mạch ủng hộ các nỗ lực cải tổ EU của Anh.

VI. Chính sách hợp tác phát triển

Có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Đan Mạch. Đan Mạch là một trong các nước đi đầu trên thế giới trong lĩnh vực này (dành 0,8% GNI hàng năm cho viện trợ phát triển).

Tháng 8/2012, Chính phủ Đan Mạch công bố Chính sách Hợp tác Phát triển giai đoạn 2013 – 2017 với ưu tiên mới là “Quyền được có cuộc sống tốt hơn”. Theo đó, mục tiêu Hợp tác Phát triển của Đan Mạch trong giai đoạn mới là gắn chống đói nghèo với quyền con người và tăng trưởng kinh tế. Năm 2013, Chính phủ Đan Mạch tăng ngân sách hợp tác phát triển lên tới 16.045 triệu DKK, chủ yếu cung cấp cho các nước châu Phi, châu Á và Mỹ La-tinh như Nigeria, Zimbabwe, Tanzania, Uganda, Mali (tổng cộng 1.890 triệu DKK), Pakistan, Myanmar, Palestine, Afghanistan, Nepal và Bolivia (1450 triệu DKK).

Từ năm 2005, Đan Mạch đã bắt đầu lồng ghép vấn đề chống biến đổi khí hậu vào chính sách ODA. Tỷ trọng vốn dành cho chống biến đổi khí hậu/tổng vốn ODA của Đan Mạch đã tăng mạnh từ khoảng 30 triệu USD năm 2009 lên tới gần 80 triệu USD trong những năm gần đây.

 


QUAN HỆ VIỆT NAM – ĐAN MẠCH

 

I.  Chính trị - ngoại giao

          - Các mốc quan hệ: Việt Nam và Đan Mạch thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 25/11/1971. Đan Mạch lập Đại sứ quán tại Hà Nội ngày 12/05/1980 và Tổng Lãnh sự quán tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 01/04/1994. Việt Nam lập Đại sứ quán tại Copenhagen ngày 12/08/2000 (kiêm nhiệm Ai-xơ-len).

- Trao đổi đoàn cấp cao:

 Phía Việt Nam thăm Đan Mạch: Thủ tướng:  Phạm Văn Đồng (6/1977), Võ Văn Kiệt (6/1995), Phan Văn Khải (9/1999), Nguyễn Tấn Dũng (9/2009); Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (9/2013); Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (9/1998); Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn Yểu (tháng 10/2002), Nguyễn Đức Kiên (tháng 4/2008) và Tòng Thị Phóng (tháng 10/2016); các Phó Thủ tướng: Trần Đức Lương (tháng 7/1992), Nguyễn Mạnh Cầm (tháng 11/2001), Vũ Khoan (tháng 11/2004), Nguyễn Sinh Hùng (tháng 6/2008).

Phía Đan Mạch thăm Việt Nam: Chủ tịch Quốc hội Erling Olsen (9/1995), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Bendt Bendtsen (9/2006), Nữ hoàng Magrethe II (11/2009), Thái tử kế vị Frederik (11/2011); Chủ tịch Quốc hội Mogens Lykketoft (3/2012); Thủ tướng Helle Thorning Schmidt (11/2012); Bộ trưởng Ngoại giao Villy Sovndal (26/2 – 1/3/2013); Bộ trưởng Thương mại và Hợp tác Phát triển Mogens Jensen (19-22/1/2015); Bộ trưởng Giáo dục Bà Christine Antorini (4 – 6/3/2015); Bộ trưởng Môi trường và Thực phẩm Bà Eva Kjer Hansen (9-10/11/2015); Bộ trưởng Ngoại giao Ông Kristian Jessen (10/2016).

- Các cơ chế hợp tác hiện có: Quan hệ Đối tác chiến lược trong lĩnh vực Biến đổi khí hậu, Năng lượng, Môi trường và Tăng trưởng xanh (11/2011); Quan hệ đối tác toàn diện (9/2013).

- Đa phương: Ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế, đặc biệt tại Liên hợp quốc, ASEM, 3GF…

II. Kinh tế

          - Thương mại:

Năm

2008

2009

2010

2011

2012

2013

2014

2015

Xuất khẩu

171,7

165,6

195

271,5

276,1

267

316,7

289,8

Nhập khẩu

146,4

187,1

116

149,6

192,0

187

177,2

244,3

Tổng

318,1

352,7

311

421,1

468,1

445

493,9

534,1

                              (Đơn vị: Triệu USD, nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam)

          Kim ngạch thương mại hai chiều tính đến hết tháng 11/2016 đạt hơn 550 triệu USD. Các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang Đan Mạch chủ yếu gồm dệt may, giầy dép, đồ gỗ, hàng kim khí, thủ công mỹ nghệ, thiết bị điện, cà phê… và nhập chủ yếu là sản phẩm sữa, máy móc thiết bị, hóa chất, dược phẩm, hàng thủy sản…

          - Đầu tư:

Đan Mạch là một trong số các nước Bắc Âu sớm đầu tư vào Việt Nam. Hiện Đan Mạch có 128 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn hơn 636 triệu USD, xếp thứ 27/115 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hầu hết các dự án của Đan Mạch tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; vận tải, kho bãi; bán buôn, bán lẻ và sửa chữa; khoa học - công nghệ; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản. Một số dự án tiêu biểu: Dự án Công ty Cảng quốc tế Cái Mép trong lĩnh vực vận tải kho bãi (vốn đăng ký 268,6 triệu USD); Dự án Nhà máy bia Đông Nam Á trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bia – nước giải khát (vốn đầu tư 79,6 triệu USD); Dự án Công ty TNHH Nisan Việt Nam về lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa với (vốn đầu tư 50 triệu USD). Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam chưa có dự án đầu tư vào Đan Mạch.

III. Hợp tác phát triển

Đan Mạch là một trong những nước Tây Âu sớm cung cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam và thuộc nhóm các nước cung cấp nhiều nhất vốn ODA không hoàn lại cho Việt Nam.

Từ 1972 đến nay, Đan Mạch đã viện trợ cho Việt Nam tổng cộng hơn 1 tỷ USD vốn ODA (trung bình khoảng 64 triệu USD/năm). Các lĩnh vực tập trung: xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững, cải cách hành chính, bảo vệ môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; được triển khai chủ yếu ở các thành phố, thị trấn lớn và khu vực nông thôn thuộc đồng bằng Bắc, Bắc Trung bộ và nay được mở rộng ra cả các tỉnh vùng cao nguyên và miền núi phía Bắc. Trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), Đan Mạch là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam với mức tài trợ lên tới 40 triệu USD cho “Chương trình thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu” (Hai bên đã ký Hiệp định hợp tác vào tháng 12/2008 tại Hà Nội). Ngày 9/3/2011, Đại sứ Đan Mạch và Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký thỏa thuận tài trợ 8 triệu USD cho chương trình nghiên cứu ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam từ 2011 đến 2013. Hiện Việt Nam là nước duy nhất ở Châu Á được Đan Mạch triển khai chương trình nghiên cứu ứng phó với BĐKH.

Ngày 10/6/2014, Đan Mạch đã công bố cam kết viện trợ không hoàn lại 90 triệu USD cho Việt Nam cho giai đoạn 2014-2015, tập trung vào các lĩnh vực: tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, nước sạch và vệ sinh, văn hóa và các hoạt động quản trị công. Đa số các dự án hợp tác phát triển dừng vào cuối năm 2015, trừ các chương trình về biến đổi khí hậu, môi trường, tăng trưởng xanh sẽ kéo dài đến năm 2017.

IV. Các lĩnh vực khác

Về tài nguyên, môi trường, năng lượng hiệu quả, tăng trưởng xanh:

Thời gian qua, Đan Mạch tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu với khoảng 20 dự án tại các địa phương của Việt Nam; tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng hiệu quả và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; hợp tác chặt chẽ tại Diễn đàn Tăng trưởng xanh toàn cầu (3GF). Từ tháng 4/2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Môi trường và Thực phẩm Đan Mạch đang xây dựng Dự án “Hợp tác chiến lược ngành về môi trường và công nghiệp“ nhằm chia sẻ kiến thức và năng lực thực hiện các quy định về môi trường cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (cụ thể là doanh nghiệp làng nghề) theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững thông qua nguồn hỗ trợ phát triển của Đan Mạch (hỗ trợ kỹ thuật, cử chuyên gia và chia sẻ kiến thức).

          Về hợp tác giáo dục, đào tạo:  Tháng 9/2009, hai bên ký Ý định thư về hợp tác giáo dục giữa Bộ Giáo dục hai nước; tháng 12/2010, ký Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục và đào tạo cấp Bộ; Tháng 6/2011, thống nhất thành lập Nhóm công tác chung Việt Nam – Đan Mạch nhằm triển khai Bản ghi nhớ hợp tác. Đến nay, Đan Mạch đã tài trợ cho Việt Nam một số dự án trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo như: dự án “Giáo dục môi trường trong trường phổ thông Việt Nam”; dự án "Hợp tác giữa trường Đại học Cần Thơ và Đại học Aarhus về khoa học môi trường”; dự án “Hỗ trợ giáo dục mỹ thuật cho các trường tiểu học”; Chương trình đổi mới sách giáo khoa phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Dự kiến trong tháng 9/2016, Bộ Giáo dục và Đào Tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam cùng Bộ Trẻ em, Giáo dục và Bình đẳng giới, Bộ Đại học và Khoa học Đan Mạch sẽ đồng phê duyệt Dự án hợp tác chiến lược về giáo dục Việt Nam – Đan Mạch với tổng trị giá gần 2 triệu USD nhằm thúc đẩy phát triển các tiêu chí đánh giá chất lượng, đảm bảo chất lượng đào tạo ngành thiết kế đồ họa và thiết kế nội thất, thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo hướng nghiệp.

          Về lao động: Đan Mạch hỗ trợ Chương tình quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2015 với tổng kinh phí 184 tỷ Đồng nhằm cải thiện điều kiện lao động thông qua việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường làm việc, ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động.

          Về nông nghiệp: Hợp tác song phương trong lĩnh vực này chủ yếu thông qua các dự án ODA không hoàn lại của Đan Mạch trong các lĩnh vực phát triển nông thôn, thủy sản, lâm nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu, cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, hầu hết các dự án này đều hết hạn trong năm 2015, một số được gia hạn đến hết 2016 và đang chuyển sang hợp tác theo phương thức hợp tác công tư PPP.

Về văn hóa, thể thao, du lịch: Từ năm 1999, Đan Mạch bắt đầu viện trợ cho lĩnh vực văn hóa tại Việt Nam thông qua Quỹ Văn hóa Việt Nam - Đan Mạch nhằm  tài trợ cho các các lĩnh vực bảo tồn di sản, xuất bản, giao lưu văn hóa, hỗ trợ nghệ sỹ (Đan Mạch đã hỗ trợ 3 triệu Cuaron Đan Mạch cho giai đoạn 1999-2005). Năm 2006, Đan Mạch thông qua Chiến lược quốc gia về hợp tác phát triển của Đan Mạch đối với Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010, trong đó có chiến lược cụ thể về hỗ trợ văn hóa Việt Nam nhằm thúc đẩy sự sáng tạo, khả năng tiếp cận và sự tham gia của người dân vào các hoạt động văn hóa - nghệ thuật (Đan Mạch tài trợ gần 14 triệu Cua-ron cho 7 dự án trong giai đoạn này). Năm 2009, hai bên ký MOU về hợp tác trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật giai đoạn 2009-2014. Năm 2011, Chính phủ Việt Nam phê duyệt Dự án ”Chương trình hợp tác phát triển Việt Nam – Đan Mạch về văn hóa” cho giai đoạn 2011-2015 do Đan Mạch tài trợ với nguồn viện trợ không hoàn lại là 2,6 triệu Cua-ron (Chương trình được kéo dài tới tháng 12/2016). Chương tình đã hỗ trợ tổ chức các hội thảo quốc tế, các hoạt động văn hóa nghệ thuật như Lễ hội Âm nhạc Gió mùa 2014, 2015, 2016, Festival Huế v.v. Hai bên cũng có các chương trình, hợp tác về thể dục, thể thao.

Về du lịch, số lượng khách Đan Mạch đến Việt Nam còn thấp nhưng tốc độ tăng trưởng cao, đặc biệt kể từ khi ta miến thị thực dưới 15 ngày cho công dân Đan Mạch vào Việt Nam du lịch vào năm 2005. Trong 5 năm trở lại đây, khách du lịch Đan Mạch vào Việt Nam ổn định, khoảng 24 nghìn người/năm.

V. Cộng đồng người Việt tại Đan Mạch

Cộng đồng người Việt Nam tại Đan Mạch có khoảng 15.000 người, có cuộc sống ổn định, hòa nhập và tôn trọng luật pháp sở tại, có tình cảm gắn bó với quê hương.

VI. Các hiệp định đã ký giữa hai nước

Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, khoa học, công nghệ

 6/1977

Hiệp định khung về Hợp tác phát triển hai nước

7/1992

Hiệp định về nguyên tắc và thủ tục cho hợp tác phát triển giữa hai nước

8/1993

Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư

8/1993

Hiệp định xoá nợ chính phủ (330 triệu DKK) và giảm 50% nợ thương mại (9,4 triệu USD trên tổng số 18,8 triệu USD)

1994

Hiệp định tránh đánh thuế hai lần

1995

Hiệp định vận chuyển hàng không

1997

Hiệp định khung về Chương trình tín dụng hỗn hợp Đan Mạch dành cho Việt Nam

4/2007

Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ về Chương trình hợp tác phát triển trong lĩnh vực văn hóa

9/9/2011

Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, năng lượng, môi trường và tăng trưởng xanh

11/2011

Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, năng lượng, môi trường và tăng trưởng xanh.

9/2013

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer