Tài liệu cơ bản Italia 2018
TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ CỘNG HÒA ITALIA
I. THÔNG TIN CHUNG:
Tên nước: Cộng hòa I-ta-li-a (Italian Republic)
Thành viên: Liên minh châu Âu (EU), Liên hợp quốc, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7/G8, Nhóm các nền kinh tế lớn thế giới G20, Liên minh Địa Trung Hải…
Thủ đô: Rô-ma (Rome)
Quốc khánh: 02/6
Vị trí địa lý: Nằm ở phía Nam châu Âu, ba mặt giáp biển Địa Trung Hải, phần biên giới phía Bắc là đất liền giáp với Áo, Pháp, Thụy Sĩ, Slovenia. Ngoài ra, trong lòng Italia tồn tại hai quốc gia nhỏ là Vatican (nằm trong thủ đô Roma) và San Marino (miền Trung Italia).
Diện tích: 301.338 km2
Khí hậu: Khí hậu ôn hoà đặc trưng vùng Địa Trung Hải, trong đó miền Bắc lạnh hơn do ảnh hưởng của vùng núi An-pơ, miền Nam nóng và khô hơn.
Địa hình: Chủ yếu là núi, có một tỉ lệ nhỏ là đồng bằng tập trung ven biển.
Dân số: 61 triệu người , trong đó 96% là người Italia và 4% là người nhập cư (nhiều nhất là người Rumani, Anbani, Ma-rốc, Trung Quốc, Senegal, Peru...).
Ngôn ngữ: Italia
Tôn giáo: 83% Đạo Công giáo, 12,4% không tôn giáo, 3,7% Hồi giáo, 0,2% Phật giáo, 0,1% Hindu, 0,3% các tôn giáo khác.
Đơn vị tiền tệ: Euro
GDP: 2.307 tỷ USD (năm 2017)
GDP đầu người: 38.000 USD
Khu vực hành chính: 107 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, chia thành 20 vùng
Lãnh đạo chủ chốt: - Tổng thống: Séc-gi-ô Mát-ta-rê-la (Sergio Mattarella)
- Thủ tướng: Pao-lô Gien-ti-lô-ni (Paolo Gentiloni)
- Chủ tịch Thượng viện: Pi-ê-tơ-rô Gơ-rát-xô (Pietro Grasso)
- Chủ tịch Hạ viện: Lau-ra Bôn-đờ-ri-ni (Laura Boldrini)
- Bộ trưởng Ngoại giao: An-giê-li-no An-pha-nô (Angelino Alfano)
II. KHÁI QUÁT LỊCH SỬ:
Italia là một quốc gia có lịch sử lâu đời gắn liền với lịch sử La Mã cổ đại. Sau thời kỳ hưng thịnh kéo dài gần bốn trăm năm, từ thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, đế chế La Mã bắt đầu suy yếu và bị chia cắt thành nhiều lãnh địa, chiến tranh kéo dài liên miên và nhiều lần bị đế quốc bên ngoài đô hộ. Từ thế kỷ 14, Italia tuy vẫn trong tình trạng bị cát cứ thành nhiều vương triều song bước vào thời kỳ Phục hưng và trở thành trung tâm thương mại, văn hóa và kiến trúc của châu Âu trong hai thế kỷ 15 và 16. Đến năm 1861, Italia trở thành một quốc gia thống nhất từ nhiều vùng lãnh thổ tự trị.
- Các mốc lịch sử quan trọng:
- 1922: Mussolini lên cầm quyền, thi hành chính sách độc tài phát xít.
- 7/1943: Chế độ phát xít bị lật đổ.
- 25/4/1945: Italia được lực lượng đồng minh giải phóng hoàn toàn khỏi sự chiếm đóng của phát xít Đức.
- 2/6/1946: với kết quả của cuộc trưng cầu dân ý, Italia bãi bỏ chế độ quân chủ và trở thành nước Cộng hòa theo thể chế nghị viện. Ngày 2/6 là ngày Quốc khánh của Cộng hoà Italia.
- 1949: Gia nhập NATO.
- 1955: Gia nhập LHQ.
- 1957: là một trong 6 nước châu Âu sáng lập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC), nay là Liên minh châu Âu (EU).
- 1999: Gia nhập Liên minh Kinh tế và Tiền tệ châu Âu (Eurozone).
III. THỂ CHẾ NHÀ NƯỚC VÀ CÁC ĐẢNG PHÁI CHÍNH TRỊ:
- Thể chế nhà nước: Cộng hòa nghị viện
- Hiến pháp: Thông qua ngày 01/1/1948, quy định chế độ Cộng hoà đại nghị, tách rời Thiên chúa giáo. Tổng thống là Nguyên thủ quốc gia, do hai viện Quốc hội và 58 đại diện vùng bầu ra, nhiệm kỳ 7 năm.
- Đứng đầu cơ quan hành pháp là Thủ tướng (tên gọi chính thức là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) do Tổng thống bổ nhiệm và được Quốc hội thông qua.
- Cơ quan lập pháp: Theo mô hình lưỡng viện:
+ Thượng viện: 315 ghế (trong đó 5 ghế là các thượng nghị sĩ được chỉ định suốt đời), nhiệm kỳ 5 năm.
+ Hạ viện: 630 ghế (trong đó 475 ghế được bầu gián tiếp, 155 ghế được bầu theo đại diện tỷ lệ của các vùng), nhiệm kỳ 5 năm.
Theo luật bầu cử Italia, đảng ứng cử đạt ít nhất 40% số phiếu sẽ được trao 55% số ghế; trong trường hợp không đảng/liên minh nào đạt được 40% số phiếu sẽ áp dụng chia số ghế theo tỉ lệ, tuy nhiên để có ghế tại Quốc hội thì mỗi đảng phải đạt ít nhất 3% số phiếu . Công dân đi bầu cử Hạ viện phải từ 18 tuổi trở lên, bầu cử Thượng viện 24 tuổi trở lên.
- Cơ quan tư pháp: Tòa án Hiến pháp gồm 15 thẩm phán (1/3 do Tổng thống bổ nhiệm, 1/3 do Quốc hội bầu, 1/3 do các tòa án tối cao về hành chính và thông thường bầu).
- Các chính đảng:
+ Cánh hữu: Tiến lên Italia (FI), Trung hữu mới (NCD), Liên đoàn phương Bắc (Lega Nord), Những người anh em Italia (FdI)
+ Cánh tả: Đảng Dân chủ (PD); Đảng Tự do và Công bằng; Đảng Cánh tả, Môi trường và Tự do (SEL), Đảng Trung dung Dân chủ.
+ Trung dung: Đảng Liên hiệp Thiên chúa giáo Trung dung (Unione di Centro) và Đảng Tương lai và Tự do (FLI).
+ Dân túy: Phong trào 5 sao (M5S)
- Chính phủ hiện nay: Ông Paolo Gentiloni đã được Tổng thống chỉ định làm Thủ tướng sau khi cựu Thủ tướng Matteo Renzi đệ đơn từ chức vì thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý về cải cách Hiến pháp (4/12/2016). Về cơ bản, Chính phủ mới là một chính phủ liên minh Tả – Hữu với đa số thành viên Chính phủ đều thuộc nội các cũ và tiếp tục những chính sách của Chính phủ tiền nhiệm.
IV. KINH TẾ, THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ:
Italia hiện là nền kinh tế đứng thứ 9 trên thế giới . Nền kinh tế Italia đa dạng với nhiều ngành công nghiệp, tuy nhiên ngành công nghiệp Italia phải nhập đến 75% nguyên liệu từ nước ngoài. Italia có mô hình phát triển kinh tế khá gần gũi với Việt Nam, với hệ thống các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất năng động và hiệu quả, đóng góp tới gần 2/3 GDP.
Từ giữa năm 2011 đến nay, Italia chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng nợ công. Đầu tháng 11/2011, EU phải can thiệp để Ngân hàng Trung ương châu Âu đẩy mạnh mua trái phiếu Italia trên thị trường nhằm tránh cho Italia là "nạn nhân" tiếp theo của khủng hoảng nợ công sau Hy Lạp. Italia đang phải đối mặt với khoản nợ công cao (2.283 tỷ Euro tính đến tháng 09/2017, tương đương 131% GDP); kinh tế đã thoát khỏi suy thoái và đang trên đà phục hồi. Tăng trưởng năm 2015 đạt + 0,7%, năm 2016 + 0,9%, năm 2017 +1,5% và dự kiến trong năm 2018 đạt 1,8%. Tỉ lệ thất nghiệp là 11,4%, tuy nhiên lên tới 36% trong giới trẻ từ 18-24 tuổi.
Chính sách thương mại của Italia hiện nay gắn với chính sách kinh tế chung của EU. Italia quan hệ buôn bán chủ yếu với các nước EU, Mỹ và các nước khu vực Địa Trung Hải (Libia, Tuy-ni-di...). Hiện nay, Italia đang đẩy mạnh ngoại thương với các nền kinh tế châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia.. và các nước ASEAN, trong đó ưu tiên thúc đẩy thương mại với Việt Nam.
Đầu tư của Italia ra nước ngoài còn khiêm tốn so với các nước EU khác như Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Anh, tuy nhiên tăng mạnh từ năm 2000. Tổng giá trị đầu tư của Italia tại nước ngoài tính đến hết 2017 khoảng 608 tỷ USD (năm 2000 là 180 tỷ USD) và tổng đầu tư nước ngoài tại Italia năm 2017 đạt khoảng 495 tỷ USD, tập trung phần lớn tại miền Bắc Italia, nơi có ngành công nghiệp rất phát triển.
V. CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI:
Trong những năm gần đây, Italia thực hiện chính sách ngoại giao năng động trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như khủng hoảng người nhập cư và bất ổn tài chính. Chính phủ của cựu Thủ tướng Matteo Renzi đã ban hành Sách trắng về quốc phòng, xác định chiến lược trung hạn coi châu Âu - Địa Trung Hải là khu vực ưu tiên hàng đầu của chính sách quốc phòng nhằm đảm bảo an ninh cho khu vực.
Với EU, Italia giữ vai trò chủ động, tích cực, tăng cường phối hợp với Đức và Pháp (nhất là từ sau Brexit), đặt ra mục tiêu hàng đầu là đạt được thoả thuận với EU về nới lỏng các chính sách “thắt lưng buộc bụng” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phối hợp giải quyết vấn đề người nhập cư.
Với khu vực Địa Trung Hải, Italia muốn đóng vai trung tâm, hợp tác chặt chẽ với các nước trong khu vực, đặc biệt là Lybia và Tuynidi, nhằm tìm ra giải pháp cho vấn đề nhập cư của Italia và ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố.
Với Mỹ, Italia tiếp tục khẳng định quan hệ đồng minh chiến lược, duy trì trao đổi đoàn cấp cao và tham vấn thường xuyên.
Với Nga, Italia duy trì mối quan hệ thân thiết, mong muốn giữ vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và EU.
Với khu vực châu Á, Italia tăng cường quan hệ với Trung Quốc và Nhật Bản và các nước ASEAN nhằm tăng sự hiện diện trong khu vực và thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư.
Năm 2018, Italia đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu OSCE. Những ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch OSCE của Italia bao gồm: Tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Ucraina, tăng cường hợp tác chặt chẽ tại khu vực Địa Trung Hải nhằm ứng phó với vấn đề nhập cư, chủ động ứng phó với những thách thức an ninh xuyên quốc gia (khủng bố, an ninh mạng, buôn bán bất hợp pháp) trên cơ sở 3 trụ cột an ninh của OSCE gồm chính trị - quốc phòng, kinh tế - môi trường và nhân quyền.
VI. CHÍNH SÁCH HỢP TÁC PHÁT TRIỂN:
Italia xem hợp tác phát triển là bộ phận tất yếu của chính sách đối ngoại (Luật số 125/2014) gồm các lĩnh vực ưu tiên hợp tác: phát triển con người (y tế và giáo dục cơ bản); nhân quyền và quản trị (bình đẳng giới, thanh niên, thể chế); phát triển nông thôn (an ninh lương thực, nông nghiệp bền vững); doanh nghiệp tư nhân (ủng hộ các SMEs, hợp tác xã…). Bộ Ngoại giao Italia là cơ quan chịu trách nhiệm về viện trợ phát triển. Italia là nước có mức cam kết cho viện trợ phát triển thấp, so với chỉ tiêu 0,7% GDP do Liên hợp quốc đề ra (chỉ đạt 0,13%) và đứng thứ 20/21 trong số các nước cung cấp ODA tính theo đầu người). Hơn 50% ODA của Italia là viện trợ có điều kiện (mua hàng hoá và dịch vụ của Italia), 80% ODA của Italia là dành cho các nước có thu nhập thấp nhất, thông qua EU và các tổ chức quốc tế hơn là hỗ trợ song phương.
Trong giai đoạn 2009-2015, Italia ưu tiên thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ đến 2015, cho khu vực châu Phi Sahara, Balkans (Kosovo, Macedonia), Bắc Phi (Tuynidi, Ai Cập), Trung Đông (Palestin, Libăng, Irắc) và châu Á (Pakistan, Afghanistan, Myanmar, Việt Nam).
Để thực hiện các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030, Italia đã cải cách bộ máy Hợp tác phát triển, thành lập Cơ quan Hợp tác phát triển và chủ trương kết hợp với phương thức tài trợ mô hình PPP. Năm 2016, ODA của Italia đạt khoảng 3,8 tỷ Euro./.
Back Top page Print Email |
Attachment files:
- Tài liệu cơ bản Italia 2018 - Size 169.5 kB