Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Wednesday, ngày 18 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Tài liệu cơ bản và quan hệ Việt Nam - Lít-va



I. Thông tin cơ bản

- Tên nước: Cộng hòa Lít-va (Republic of Lithuania)

- Thủ đô: Vin-ni-út (Vilnius)

- Quốc khánh: 16/2/1918 (Ngày phục hưng quốc gia)

- Vị trí địa lý: Biên giới phía bắc giáp Lát-vi-a (453 km), phía nam giáp Ba Lan (104 km), phía đông giáp Bê-la-rút (679 km), phía tây giáp tỉnh Ca-li-nin-grát của Nga (227 km) và biển Ban-tích. Địa hình chủ yếu là đồng bằng, rừng chiếm 26% lãnh thổ.

- Diện tích: 65.301 Km2.

- Khí hậu: biển lục địa, ẩm ướt, ôn đới, nhiệt độ trung bình tháng một - 5oC, tháng bảy 170C.

- Dân số: 2.854.235 người       (2018).

- Dân tộc: người Lít-va chiếm 84%, người Ba Lan 6,%, người Nga 4,9%, người Bê-la-rút 1,1%, các sắc tộc khác 3,9%.

- Tôn giáo: Thiên chúa giáo chiếm 79%, đạo Chính thống Nga 4,1%, Tin lành 1,9%, các tôn giáo khác 5,5%, không xác định 9,5%.

- Ngôn ngữ chính thức: Tiếng Lít-va.

- Cơ cấu hành chính: chia thành 10 vùng hành chính: Alytaus, Kauno, Klaipedos, Marijampoles, Panevezio, Siauliu, Taurages, Telsiu, Utenos, Vilniaus.

- Đơn vị tiền tệ: Euro (từ 01/01/2015)

- GDP: 47.7 tỉ USD (2018)

- Tăng trưởng GDP: 3,5% (2018)

- GDP bình quân đầu người: 19.930 USD (2018)

- Lãnh đạo chủ chốt:

·        Tổng thống: Bà Đa-li-a Gờ-ri-bau-xờ-cai-te (Dalia Grybauskaite; từ 12/7/2009).

·        Chủ tịch Quốc hội:  Vích-to-rát Pờ-ran-kia-tít (Victoras Pranckietis; từ 10/2016).

·        Thủ tướng: Xau-liut Xờ-cờ-vê-nê-lít (Saulius Skvernelis; từ 12/2016).

·        Ngoại trưởng: Li-nát An-ta-nát Lin-kê-vi-chút (Linas Antanas Linkevičius; từ 12/2012).

         

II. Khái quát lịch sử

Năm 1240, Đại Công quốc Lít-va được thành lập, bao gồm cả một phần lãnh thổ của Ba Lan, Bê-la-rút và LB Nga ngày nay. Năm 1569, Lít-va bị sáp nhập vào Ba Lan. Năm 1815, đế chế Nga xâm chiếm Lít-va. Ngày 16/2/1918, Lít-va tuyên bố độc lập.

Sau khi Liên Xô và Đức ký Hiệp ước Mô-lô-tốp – Ri-ben-tơ-rốp, tháng 6/1940, Liên Xô đưa quân vào Lít-va, CHXHCN Xô-viết Lít-va được thành lập (7/1940) và gia nhập Liên bang Xô-viết (03/8/1940). Trong chiến tranh thế giới thứ II, Lít-va bị phát-xít Đức chiếm đóng (1941-1944). Chiến tranh kết thúc, Lít-va tiếp tục là một nước cộng hòa thuộc Liên Xô.

Thời kỳ cải tổ ở Liên Xô đã làm bùng nổ phong trào li khai ở Lít-va. Các lực lượng dân tộc chủ nghĩa liên kết với phái dân chủ cấp tiến ráo riết chống chính quyền trung ương. Ngày 03/6/1988, Phong trào Mặt trận nhân dân Xai-u-đi-xơ đã được thành lập và là lực lượng tiên phong li khai dân tộc ở Lít-va. Ngày 11/3/1990, Quốc hội Lít-va tuyên bố độc lập và đổi tên nước thành Cộng hoà Lít-va. Ngày 04/9/1991, Liên Xô công nhận nền độc lập của Lít-va. Đảng Cộng sản Lít-va đứng đầu là An-gi-đát Bra-dau-xca-xơ đổi tên thành Đảng Dân chủ Lao động và thông qua cương lĩnh xã hội dân chủ. Ông Bra-dau-xca-xơ cũng là Tổng thống đầu tiên của Lít-va. Năm 2004, Lít-va đã gia nhập NATO và EU.

 

III. Thể chế nhà nước, đảng phái chính trị

Lít-va theo mô hình nhà nước cộng hòa nghị viện – tổng thống.

Tổng thống được bầu theo phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 5 năm (không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp). Tổng thống quyết định những vấn đề cơ bản của chính sách đối ngoại và cùng với Chính phủ, thực hiện chính sách đối ngoại. Về đối nội, Tổng thống là Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang, đứng đầu Hội đồng Quốc phòng Nhà nước; có quyền đưa ra sáng kiến ​​lập pháp tại Quốc hội và cũng có quyền phủ quyết các luật được thông qua bởi Quốc hội. Tổng thống có thể giải tán Quốc hội quy định của Hiến pháp.

Quốc hội (Seimas - đơn viện) với 141 đại biểu (nhiệm kỳ bốn năm), trong đó 70 đại biểu được bầu theo danh sách tranh cử của các đảng, 71 đại biểu còn lại được bầu theo cơ chế định danh trực tiếp. Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2020 được bầu tháng 10/2016 (có 6 đảng và Liên minh vượt qua được ngưỡng 5% để có ghế và không đảng nào giành đa số tuyệt đối).

Chính phủ bao gồm Thủ tướng và các Bộ trưởng. Tổng thống đề cử Thủ tướng, sau đó Thủ tướng đứng ra thành lập Chính phủ với sự đồng ý của Quốc hội và phải được Tổng thống phê chuẩn. Chính phủ hiện thời do Đảng Nông dân Lít-va và Đảng Xã hội Dân chủ liên minh cầm quyền.

IV. Kinh tế

          Trong Liên bang Xô-viết trước đây, Lít-va có trình độ phát triển khá cao về nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, hàng tiêu dùng và điện tử. Năm 1991, Lít-va đứng hàng thứ tư trong Liên Xô về sản xuất máy công cụ (sau Nga, U-crai-na, Bê-la-rút). Sau khi tách ra khỏi Liên bang Xô-viết, kinh tế Lít-va khủng hoảng trầm trọng. Chính phủ của Đảng Dân chủ Lao động (lên cầm quyền tháng 11/1992) đã thực hiện một loạt biện pháp kinh tế - tài chính cứng rắn nên tình hình đã từng bước ổn định. Giai đoạn 1998-2000, kinh tế Lít-va lại rơi vào suy thoái. Năm 2000, Chính phủ đã áp dụng chính sách khắc khổ (giảm 5-10% quỹ lương khu vực công, tăng 10-18% giá dịch vụ công, giảm 40% trợ cấp cho người thu nhập thấp…), nhờ đó nền kinh tế dần được phục hồi. Từ 2003, kinh tế Lít-va tăng trưởng trên 8%/năm. Năm 2009, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới, GDP của Lít-va sụt giảm 15%. Từ năm 2011, kinh tế Lít-va đã tăng trưởng trở lại. Lít-va đã gia nhập Liên minh tiền tệ đồng Euro từ 01/01/2015.

Lít-va chủ yếu xuất khẩu dầu thô, máy móc, thiết bị, hóa phẩm, hàng may mặc…Các thị trường xuất khẩu chính của Lít-va là Nga (13.7%), Lát-vi-a (9.8%), Ba Lan (9.7%), Đức (7.8%). Các mặt hàng nhập khẩu chính là khí đốt, máy móc, xe ô tô, hàng may mặc..chủ yếu từ Nga (14 %), Đức (12%), Ba Lan (10.8%), Lát-vi-a (7.98%)..

 

V. Chính sách đối ngoại

Cũng như các nước Ban-tích khác, ưu tiên hàng đầu của Lít-va là hội nhập sâu vào EU, đẩy mạnh quan hệ với Mỹ, NATO và tăng cường hợp tác với các nước khu vực Ban-tích. Với Nga, vấn đề kiều dân Nga ở Lít-va luôn là nhân tố cản trở sự phát triển quan hệ song phương (tuy không căng thẳng như ở Lát-vi-a và E-xtô-ni-a)[1]. Lít-va và Nga vẫn cam kết thực hiện Hiệp định về hoạch định biên giới giữa hai nước[2]. Lít-va tiếp tục thực hiện đơn giản hóa thủ tục cho công dân Nga quá cảnh từ Nga vào Ka-li-nin-grát (thuộc Nga).

Lít-va là thành viên của các tổ chức khu vực và quốc tế: EU, FAO, IAEA, CAO, ICC, IMF, Interpol, IOM, NATO, OSCE, PCA, Công ước Schengen, UN, UNCTAD, UNESCO, UNIDO, WHO, WTO…

 

QUAN HỆ VIỆT NAM – LÍT-VA

 

I. QUAN HỆ CHÍNH TRỊ

Thời Liên Xô, Lít-va đã đào tạo giúp ta nhiều cán bộ, công nhân kỹ thuật. Bạn đã nhận lao động ta sang làm việc tại Lít-va.

Tháng 9/1991, Việt Nam đã công nhận Lít-va. Ngày 18/3/1992, hai nước đã ký Nghị định thư về thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ. Đại sứ ta tại Ba Lan kiêm nhiệm Lít-va. Đại sứ Lít-va tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam bà Ina Marciulionyte đã trình quốc thư lên Chủ tịch nước Trần Đại Quang ngày 9/11/2016.  Ngày 23/2/2018, ông Nguyễn Thế Kiên đã được bổ nhiệm là Lãnh sự Danh dự Lít-va tại tp Hồ Chí Minh.

Trao đổi đoàn giữa hai nước:

Năm

Đoàn ra

Đoàn vào

1995

Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh

Thủ tướng Lít-va (9/1995)

2017

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh

 

-    Hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao                

    Năm 2009, hai bên đã ký Thoả thuận hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao. Tháng 6/2012, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiến hành tham vấn chính trị tại Lít-va. Năm 2014, Tổng Vụ trưởng Vụ khu vực Bộ Ngoại giao Lít-va đã tham vấn chính trị tại Hà Nội.

-    Hợp tác tại các diễn đàn đa phương

         Hai nước phối hợp chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Bạn ủng hộ ta vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, ECOSOC nhiệm kỳ 2016-2018, Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021; ta ủng hộ Bạn vào Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2014-2015, Ủy ban Công ước về chống mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ nhiệm kỳ 2017-2020.

II. QUAN HỆ HỢP TÁC KINH TẾ

    Kim ngạch trao đổi thương mại song phương:

                                                                                                (Triệu USD)

Năm

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

Tổng

33,22

54,00

49,90

79,64

56,03

76

85.70

93.0

                                                                    Nguồn: TCHQ Việt Nam

          Năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 92.90 triệu USD (nhập khẩu đạt 24 triệu USD, xuất khẩu đạt 69 triệu USD). Hiện giữa hai nước chưa có dự án hợp tác đầu tư nào, Tập đoàn SBA đề nghị giúp đỡ về thủ tục pháp lý để triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất đồ gỗ tại Việt Nam trị giá 80 triệu Euro.

 

III. CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI LÍT-VA

          Hiện có khoảng 200 công dân ta sinh sống và làm việc tại Lít-va. Phần lớn tập trung buôn bán ở các trung tâm thương mại tại Vilnius, thủ đô Lít-va.

 

IV. CÁC HIỆP ĐỊNH KHUNG ĐÃ KÝ GIỮA HAI NƯỚC

- Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (9/1995)

- Hiệp định hợp tác kinh tế - thương mại (9/1995)

- Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (2009)

Hai bên dự kiến ký Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và Hiệp định nhận trở lại công dân nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lít-va tháng 01/2019 ./.



[1] Ngày 31/8/1993, Nga đã rút khỏi các căn cứ quân sự thời Liên Xô tại Lít-va. Tháng 11/1993, Tổng thống Bra-dau-xca-xơ thăm Nga và ký Hiệp định về quy chế người Nga ở Lít-va. Ngày 23/10/1997, Tổng thống Bra-dau-xca-xơ lại thăm Nga và ký Hiệp định về hoạch định biên giới giữa hai nước. Sau đó, quan hệ hai bên trở nên lạnh nhạt dưới thời Tổng thống A-đam-cút (1998 – 2/2003) . Từ 2/2003, quan hệ hai nước phát triển thuận lợi hơn khi Tổng thống R. Pác-xa-xơ lên nắm quyền. Sau khi tái đắc cử năm 2004, Tổng thống A-đam-cút đã tuyên bố “duy trì quan hệ láng giềng thân thiện với Nga”.

[2] Đã được Lít-va phê chuẩn năm 1999 và Nga năm 2003.

Created by bientap_chauau
Last modified 25-04-2019

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer