Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ ĐẠI CÔNG QUỐC LÚC-XĂM-BUA VÀ QUAN HỆ VIỆT NAM - LÚC-XĂM-BUA


 

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ LUXEMBOURG

 

I. KHÁI QUÁT CHUNG:  

Tên nước

Chế độ chính trị

Thủ đô

Vị trí địa lý

 

Diện tích

Dân số

GDP

GDP/người

Tốc độ tăng trưởng GDP 2009

Tôn giáo

Ngôn ngữ

 

 

Quốc khánh

 

 

Nguyên thủ quốc gia

Chủ tịch Quốc hội

 

Thủ tướng

 

 

Tiền tệ

Quân đội

Đại Công quốc Luxembourg

Quân chủ lập hiến

Luxembourg

Nằm ở trung tâm Tây Âu, Đông giáp Đức, Tây giáp Bỉ, Nam giáp Pháp

2.586 km2

502.202 (dự báo 2010)

51,736 tỷ USD (2009)

104,512 USD/người

-3,4%,  (2008 là 0%; 2007 là 6,5%)

Thiên Chúa giáo

Tiếng Luxembourg là ngôn ngữ quốc gia; tiếng Pháp, Đức là ngôn ngữ hành chính; tiếng Anh được dùng thông dụng

23/06 (ngày sinh Đại Công tước Jean. Đại Công tước Henri vẫn lấy ngày này là ngày Quốc khánh)

Đại Công tước Hen-ri (Henri)

Ông Lô-răng Mô-da (Laurent Mosar) – Đảng Xã hội Thiên chúa giáo

Ông Giăng Clốt Giăng-kê (Jean-Claude Juncker) kiêm Bộ trưởng Tài chính – Đảng Xã hội Thiên chúa giáo

Euro

900 người, kể cả quân danh dự và quân nhạc.

II. LỊCH SỬ:

Đại Công quốc Luxembourg thành lập năm 963. Trong suốt gần 3 thế kỷ XVI, XVII và XVIII, Luxembourg lần lượt bị Tây Ban Nha (1506 – 1584), Pháp (1614 – 1697), Áo (1714 – 1794) xâm chiếm và thống trị. Hội nghị Viên (1814 – 1815) đã thừa nhận Luxembourg là một quốc gia độc lập. Tại Hội nghị Luân Đôn 1867, Luxembourg tuyên bố là quốc gia trung lập vĩnh viễn. Trong Chiến tranh Thế giới I và II, Luxembourg bị Đức xâm chiếm.

Năm 1949, Luxembourg từ bỏ chính sách trung lập và gia nhập NATO. Luxembourg là thành viên sáng lập Cộng đồng Than Thép châu Âu (năm 1951), Cộng đồng Kinh tế châu Âu (năm 1957) và Cộng đồng Năng lượng nguyên tử châu Âu (năm 1957), tiền thân của Liên minh châu Âu (EU) hiện nay. 

III. CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ:

Luxembourg là một nước quân chủ lập hiến. Đứng đầu quốc gia là Đại Công tước cha truyền con nối. Nghị viện chỉ có một viện, nhiệm kỳ 5 năm, được bầu theo hình thức phổ thông đầu phiếu, lần gần đây nhất bầu năm 6/2009. Chính phủ đứng đầu là Thủ tướng, hiện gồm 13 Bộ trưởng và 1 Quốc vụ khanh.

Đại Công tước không tham gia nhiều vào đời sống chính trị của đất nước, nhưng chia sẻ quyền lập pháp với Nghị viện qua quyền đề xuất luật và công bố luật mà Nghị viện đã thông qua, quyền triệu tập các phiên họp đặc biệt của Nghị viện. Đại Công tước cũng chia sẻ quyền hành pháp với Chính phủ, đặc biệt qua việc thi hành luật, qua chức năng là tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang, đại diện cho quốc gia và ký kết các hiệp ước quốc tế. Đại Công tước có quyền giải tán Viện Dân biểu.

Các đảng phái chính trị chính:

+ Đảng Xã hội Thiên chúa giáo, đảng cánh hữu ôn hoà và là đảng của Thủ tướng đương nhiệm Giăng Clốt Giăng-kê.

+ Đảng Công nhân XHCN Luxembourg, theo đường lối xã hội dân chủ.

+ Đảng Dân chủ, đảng cánh hữu theo đường lối tự do.

+ Đảng Xanh, chủ trương bảo vệ môi trường.

IV. KINH TẾ:

Trong những năm qua, Luxembourg luôn là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong EU. Thu nhập GDP đầu người thuộc loại cao nhất thế giới. Các lĩnh vực thế mạnh là thương mại, dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, hoá chất cao su, nhựa sản xuất thép, thực phẩm. Khu vực dịch vụ nói chung và dịch vụ tài chính ngân hàng nói riêng là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng (tài chính – ngân hàng hiện đóng góp 28% GDP của Luxembourg).

Cơ cấu GDP: nông nghiệp 1%, công nghiệp 14% và dịch vụ 85%.

Các bạn hàng chủ yếu của Luxembourg là Bỉ, Pháp, Đức, Italia, Hà Lan, Mỹ. Điều đáng chú ý là cán cân thương mại (hàng hoá) của Luxembourg thường xuyên thâm hụt, tuy nhiên cán cân thanh toán lại thặng dư, nhờ thu hút được nhiều luồng tài chính từ bên ngoài. Luxembourg hiện tham gia khu vực đồng EURO. 

V. CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI:

Mục tiêu chính sách đối ngoại của Luxembourg là “Phát huy vai trò trong EU, tham gia vào việc xây dựng một thế giới hoà bình, bảo vệ các giá trị cơ bản, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển“. Là nước nhỏ có nền kinh tế mở nên lợi ích của Luxembourg gắn liền với lợi ích của EU. Do vậy, Luxembourg luôn ủng hộ tiến trình xây dựng Liên minh châu Âu, ủng hộ việc mở rộng EU sang Trung và Đông Âu.

Về chính sách hợp tác phát triển:

Tuy là nước nhỏ nhưng Luxembourg rất quan tâm đến hợp tác phát triển. Năm 1998, tổng giá trị ODA của Luxembourg đạt 4,1 tỷ Franc Lux (117,5 triệu USD), tương đương 0,61% GNP và 2,25% ngân sách quốc gia. Từ năm 2000, Luxembourg là một trong 5 nước công nghiệp phát triển dành 0,7% thu nhập quốc dân cho viện trợ phát triển, năm 2007 con số này lên đến 0,9% và năm 2008 đạt 0.91%. Mục tiêu của chính sách hợp tác phát triển của Luxembourg là phục vụ công cuộc xoá đói giảm nghèo, đảm bảo cho sự phát triển bền vững tại các nước đang phát triển, trong đó con người được đặt ở vị trí trung tâm. Ưu tiên từ nay đến năm 2015 là phục vụ cho việc thực hiện cho mục tiêu của Thiên niên kỷ, nhất là những mục tiêu mang tính chất xã hội như y tế, giáo dục, đào tạo… Cho tới nay, viện trợ phát triển của Luxembourg chỉ ưu tiên dành cho 10 nước trong đó có 6 nước thuộc tiểu vùng sa mạc Sahara (Bourkina Faso, Cap Vert, Mali, Namibie, Niger và Sénégal), 2 nước châu Mỹ Latinh (Nicaragua và El Salvador), 2 nước châu Á (Lào và Việt Nam). Luxembourg tuyên bố để đối phó với cuộc khủng hoảng thế giới hiện nay, Luxembourg sẽ dành 1% GDP cho viện trợ phát triển.

 

                            

TÓM TẮT QUAN HỆ VIỆT NAM – LUXEMBOURG

 

I. QUAN HỆ NGOẠI GIAO:

Việt Nam và Luxembourg thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 15/11/1973. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ở Luxembourg có “Uỷ ban ủng hộ Việt Nam” do Đảng Cộng sản làm nòng cốt.

Đoàn ra: Thủ tướng Võ Văn Kiệt (5/1995); Thủ tướng Phan Văn Khải (9/2002); Bộ trưởng Văn hóa – Thông tin Phạm Quang Nghị (5/2003); Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Huy Hiệu (9/2010).

Đoàn vào: Đại Công tước kế vị Henri (11/1995); Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker (10/2000); Bộ trưởng Văn hóa Luxembourg (10/2002); Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Jean Asselborn (12/2008); Đại Công tước Henri dự kiến thăm Việt Nam tháng 3/2011.

Luxembourg ủng hộ Việt Nam ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008 – 2009.

II. QUAN HỆ HỢP TÁC:

Hợp tác giữa Việt Nam và Luxembourg hiện nay đang tập trung chủ yếu trên các lĩnh vực:

1. Hợp tác phát triển:

Sau khi bắt đầu chính thức viện trợ cho ta từ năm 1993, Luxembourg cam kết tiếp tục viện trợ phát triển cho Việt Nam và trở thành thành viên chính thức của Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 1998. Tháng 3/1999, Cơ quan Hợp tác phát triển Luxembourg đề ra “Chiến lược hợp tác phát triển giữa Đại Công quốc Luxembourg và Việt Nam”, khẳng định Việt Nam là nước đứng đầu châu Á và là một trong 10 nước trọng điểm trong chương trình hợp tác phát triển của Chính phủ Luxembourg. Trước năm 2002, mỗi năm Luxembourg viện trợ không hoàn lại cho ta khoảng 5 – 6 triệu Euro/năm. Trong chuyến thăm chính thức Luxembourg của Thủ tướng Phan Văn Khải tháng 9/2002, hai nước đã ký Hiệp định khung hợp tác mới thay thế cho Hiệp định năm 1995, ký Chương trình hợp tác định hướng giai đoạn 2002 – 2005 theo đó Luxembourg tài trợ cho Việt Nam 35 triệu euro giai đoạn 2002 – 2005. Ngày 8/3/2006, Việt Nam và Luxembourg đã ký chương trình Hợp tác định hướng giai đoạn 2006 – 2010, theo đó Luxembourg cam kết tài trợ cho ta 50 triệu euro.

Viện trợ của Luxembourg tập trung vào các lĩnh vực: Phát triển nông thôn, y tế, đào tạo (du lịch, tài chính và ngân hàng). Bên cạnh đó còn có một số dự án hợp tác 3 bên Luxembourg - Việt Nam - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)/Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) về chăm sóc sức khoẻ và kế hoạch hoá gia đình.

Một số chương trình dự án tiêu biểu là: Dự án Cung cấp dây chuyền lạnh trong lĩnh vực y tế giúp bảo quản và vận chuyển vắc-xin và máu xuống địa phương; Dự án Phát triển dịch vụ y tế Hưng Yên; Dự án Đào tạo nghiệp vụ du lịch; các Dự án phát triển nông thôn và môi trường tại Nghệ An, Nam Định; Cao Bằng, Bắc Kạn… Dự án Đào tạo cán bộ Ngân hàng – Tài chính.

Hiện nay tại Hà Nội đã có Văn phòng đại diện của Cơ quan thực hiện các dự án hợp tác phát triển gọi là Lux – Development (đây là một công ty được Chính phủ Luxembourg uỷ quyền thực hiện các dự án do Luxembourg tài trợ). Tháng 8/2003, Luxembourg đã mở Văn phòng hợp tác phát triển tại Hà Nội. Văn phòng này là cơ quan quản lý và thực thi chính sách, trực thuộc ĐSQ Luxembourg tại Thái Lan, kiêm nhiệm Việt Nam.

Đáng chú ý là Bộ trưởng Hợp tác phát triển Luxembourg Charles Goerens phát biểu Việt Nam là nước duy nhất trong 10 nước ưu tiên của Luxembourg được tất cả các đảng chính trị ở Luxembourg ủng hộ tiếp nhận viện trợ.

2. Hợp tác văn hoá:

Hợp tác văn hoá giữa hai nước trong thời gian qua đã có những bước phát triển mới, cụ thể là hai bên đã phối hợp tổ chức Những ngày văn hoá Việt Nam tại Luxembourg và Triển lãm tranh Luxembourg tại Việt Nam vào tháng 10/2002. Nhân dịp này, Bộ trưởng Văn hoá Luxembourg Guy Dockendorf đã đi thăm Việt Nam. Tháng 5/2003, Bộ trưởng Văn hoá Phạm Quang Nghị đã thăm Luxembourg và ký Hiệp định hợp tác Văn hoá, Giáo dục, Nghiên cứu khoa học, Thông tin đại chúng, Thanh niên và Thể thao. Cuối tháng 9/2006, Chính phủ Việt Nam tổ chức “Những ngày văn hoá Việt Nam tại Luxembourg”.

III. ĐẦU TƯ – THƯƠNG MẠI:

Tính đến hết 2009, Luxembourg có 17 dự án đầu tư với tổng số vốn là 987 triệu USD, tập trung vào một số lĩnh vực: công nghiệp xây dựng (sản xuất đá granit, thiết bị vệ sinh…), công nghiệp chế biến thực phẩm (sản xuất kẹo, chocolat, cà chua cô đặc…), công nghệ cao (phát triển phần mềm). Hiện Luxembourg có 2 dự án lớn là Phát triển mạng điện thoại di động (656 triệu USD) và dự án Xây dựng và kinh doanh tổ hợp văn phòng, căn hộ 65 tầng (114 triệu USD)  

Trao đổi thương mại giữa hai nước còn hạn chế, chỉ đạt khoảng 5-6 triệu USD/ năm trong giai đoạn trước nhưng tăng mạnh năm 2009, đạt 19 triệu USD và 10 tháng đầu năm 2010 đạt hơn 22 triệu USD (Việt Nam xuất khẩu khoảng 16 triệu USD). Hàng xuất của Việt Nam là dệt may, giầy dép. Việt Nam nhập sắt thép, nguyên liệu da và nguyên liệu thuốc lá.

IV. CÁC HIỆP ĐỊNH ĐÃ KÝ:

Các hiệp định đã ký giữa hai chính phủ: Hiệp định Khung về hợp tác (20/1/1995); Hiệp định tránh đánh thuế trùng (3/1996); Hiệp định hợp tác ký ngày 24/9/2002 (thay thế cho Hiệp định năm 1995); Chương trình hợp tác định hướng giai đoạn 2002 – 2005 (ký 24/9/2002); Hiệp định hợp tác Văn hoá, Giáo dục, Nghiên cứu khoa học, Thông tin đại chúng, Thanh niên và Thể thao (5/2003); Chương trình Hợp tác định hướng giai đoạn 2006 – 2010 (8/3/2006).

 

                                                                                                          Tháng 12/2010

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer