Tài liệu cơ bản về Vương quốc Na Uy và quan hệ Việt Nam - Na Uy
TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ VƯƠNG QUỐC NA UY
I. Thông tin cơ bản
Đất nước, con người
Tên nước: Vương quốc Na Uy (The Kingdom of Norway)
Thủ đô: Ốt-xlô (Oslo)
Quốc khánh: 7/5 (Ngày ban hành Hiến pháp năm 1814)
Vị trí địa lý: Nằm trên bán đảo Scandinavia ở phía Tây Bắc châu Âu. Phía Tây và Nam giáp Biến Bắc, Đông giáp Thụy Điển và Bắc giáp Phần Lan và Nga
Diện tích: 323.802 km2 (đất liền 304.282 km2, nước 19.520 km2)
Khí hậu: Ôn hòa nhờ có dòng hải lưu nóng dọc bờ biển, nhiệt độ trung bình vào mùa hè là 15oC, mùa đông là -5oC
Dân số: 5,109 triệu (ngày 01/01/2014)
Ngôn ngữ: Tiếng Na Uy (gần giống tiếng Thụy Điển và Đan Mạch)
Đơn vị tiền tệ: NOK (cua-ron Na Uy); 1 USD = 6,1 NOK (tháng 01/2014)
GDP: (quy đổi) 2.915 tỷ NOK tương đương 524 tỷ USD
Thu nhập bình quân đầu người: 62.954 USD
Tôn giáo: Đạo Tin lành dòng Luther chiếm khoảng 96% dân số, công giáo La Mã, Hồi giáo
Lãnh đạo chủ chốt:
- Nhà Vua Ha-ran Đệ ngũ (Harald V) (sinh ngày 21/2/1937), lên ngôi ngày 17/01/1991
- Thủ tướng Ê-na Xôn-béc (Erna Solberg), Chủ tịch Đảng Bảo thủ, nhậm chức ngày 16/10/2013.
- Chủ tịch Quốc hội Ô-lê-míc Thô-mét-xen (Olemic Thommessen) thành viên đảng Bảo thủ, nhậm chức ngày 02/10/2013)
- Ngoại trưởng Bơ-ghe Bren-đe (Borge Brende), thành viên đảng Bảo thủ, nhậm chức ngày 16/10/2013.
II. Khái quát lịch sử
- Đầu thế kỷ IX - cuối thế kỷ XI: là thời kỳ phát triển thịnh vượng của Na Uy, người Viking Na Uy thiết lập những triều đại đầu tiên của mình và mở mang bờ cõi.
- Thế kỷ XII-XVII: Na Uy bị suy yếu do ngoại xâm và nội chiến liên miên, bị Đan Mạch thống trị nhiều lần. Na Uy nằm trong liên minh với Đan Mạch trong nhiều thế kỷ.
- 1814-1905: Na Uy nằm trong liên minh với Thụy Điển. Ngày 17/5/1814, Na Uy thông qua Hiến pháp đầu tiên và ngày này trở thành ngày Quốc khánh của Na Uy.
- Năm 1905: Na Uy tách khỏi Thụy Điển, trở thành một quốc gia độc lập cho đến ngày nay.
- Trong chiến tranh thế giới I và II, Na Uy là một nước trung lập nhưng vẫn bị phát xít Đức chiếm đóng trong vòng 5 năm (1940-1945) do vị trí địa chiến lược của mình (nằm ngay sát sườn nước Nga).
- Năm 1945: Na Uy gia nhập LHQ, ông Trygve Lie (cựu Bộ trưởng Tư pháp và Ngoại giao) đã trở thành Tổng thư ký đầu tiên của Liên Hợp Quốc.
- Năm 1949: Do sức ép của Anh và Đức, Na Uy không còn giữ được chính sách trung lập, khái niệm “trung lập hạn chế” và “xây dựng cầu nối” xuất hiện đã nói lên thực chất của chính sách đối ngoại Na Uy lúc này. Đây cũng là một trong các lý do Na Uy gia nhập Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau khi sáng kiến thành lập Liên minh phòng thủ Bắc Âu do Thụy Điển đưa ra năm 1948 bị thất bại.
- Năm 1960: Na Uy gia nhập Khối mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA). Cuối thập kỷ 60, khai thác dầu khí đã thúc đẩy nền kinh tế Na Uy phát triển mạnh mẽ.
- Các năm 1972 và 1994: Na Uy thất bại trong trưng cầu dân ý về gia nhập Liên minh Châu Âu (EU).
- Năm 1995: Na Uy tham gia Hiệp định Kinh tế Châu Âu (EEA).
- Năm 2006: Na Uy gia nhập Hiệp định Schengen.
III. Chế độ chính trị
1. Thể chế chính trị
1.1. Nhà Vua
Thể chế của Na Uy theo chế độ quân chủ lập hiến đứng đầu Nhà nước là Vua. Hiến pháp Na Uy năm 1814 quy định vua theo chế độ cha truyền con nối. Nhưng hiện nay Vua chỉ mang tính chất lễ nghi, không còn quyền lực chính trị. Quyền lực chính trị thuộc về cơ quan hành pháp (Chính phủ), đứng đầu là Thủ tướng. Người nối ngôi vua là con cả, không phân biệt nam nữ.
1.2. Cơ quan lập pháp (Storting-Quốc hội):
Trước đây, Quốc hội Na Uy (Storting) gồm 2 viện: Lagting (tương đương Thượng viện) và Odelsting (tương đương Hạ viện). Kể từ năm 2009, Quốc hội Na Uy bỏ việc phân chia Quốc hội thành Thương viện và Hạ viện và theo chế độ một viện (unicameral) với 169 nghị sỹ, nhiệm kỳ 4 năm.
Chế độ bầu cử của Na Uy dựa trên nguyên tắc bỏ phiếu kín, bầu trực tiếp và theo tỷ lệ.
Cả nước có 19 đơn vị bầu cử. Những người chưa có quốc tịch Na Uy thì được quyền tham gia bầu cử ở địa phương, nếu đến ngày bầu cử họ đã sống liên tục ở Na Uy được 3 năm và đáp ứng các điều kiện chung về bầu cử.
Bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ 2013 - 2017 diễn ra ngày 09/9/2013. Gần 2,8 triệu cử tri đã bỏ phiếu tại 428 đơn vị bầu cử trên toàn quốc. Trong tổng số 169 ghế trong Quốc hội, Công Đảng dành 55 ghế (30,9%); Đảng Bảo thủ: 48 ghế (26,8%); đảng Tiến bộ: 29 ghế (16,3%) và 05 đảng khác: 37 ghế (26%).
Ngày 07/10/2013, sau gần 1 tháng đàm phán, 4 đảng trung hữu đã đạt được thỏa thuận hợp tác, theo đó đảng Bảo thủ và đảng Tiến bộ sẽ thành lập Chính phủ liên minh thiểu số với cam kết ủng hộ của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo và đảng Tự do để đạt được đa số trong Quốc hội trong những lĩnh vực đã thỏa thuận.
1.3. Cơ quan hành pháp (Chính phủ)
Chính phủ mới nhậm chức ngày 16/10/2013 là Chính phủ thiểu số liên minh cánh hữu giữa Đảng Bảo thủ và Đảng Tiến bộ, đứng đầu là bà Erna Solberg, thủ lĩnh đảng Bảo thủ. Chính phủ hiện có 16 Bộ, bao gồm cả Phủ Thủ tướng.
2. Các đảng phái chính trị
2.1. Các đảng cánh tả:
- Công Đảng, thành lập năm 1887, do ông Jens Stoltenberg đứng đầu.
- Đảng XHCN cánh tả, thành lập năm 1975, do ông Audun Lysbakken đứng đầu.
2.2. Các đảng Trung tâm:
- Đảng Trung tâm, thành lập năm 1919, do ông Trygve Slagsvold Vedum đứng đầu.
- Đảng Tự do, đảng lâu đời nhất ở Na Uy hiện nay, thành lập năm 1884, do bà Trine Skei Grande đứng đầu.
- Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, thành lập năm 1933, do ông Knut Arild Hareide đứng đầu.
- Đảng Môi trường/Đảng Xanh, thành lập năm 1988, được 01 ghế lần đầu tiên trong Quốc hội khóa 2013-2017.
2.2. Các đảng cánh hữu:
- Đảng Bảo thủ, thành lập năm 1884, do bà Erna Solberg, Thủ tướng, đứng đầu.
- Đảng Tiến bộ, thành lập năm 1972, do bà Siv Jensen, Bộ trưởng Tài chính, đứng đầu.
2.3. Các đảng phái và tổ chức chính trị khác:
- Đảng Cộng sản, thành lập năm 1923, theo chủ nghĩa Mác-Lê, được rất ít phiếu tại bầu cử Quốc hội.
- Các tổ chức quần chúng công đoàn, có quan hệ gắn bó với Công Đảng.
3. Hệ thống toà án của Na Uy chia thành 3 cấp:
Cấp quận-huyện-thành phố; tòa án cấp cao và tòa án tối cao.
IV. Giới thiệu kinh tế
1. Khái quát chung:
Na Uy có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhất là về năng lượng (dầu khí, thuỷ điện), thuỷ hải sản và rừng. Chính trị xã hội ổn định, lực lượng lao động có trình độ khoa học kỹ thuật và tay nghề cao. Đây là những yếu tố thuận lợi để Na Uy trở thành một nước công nghiệp phát triển. Dân số ít nên nhu cầu của thị trường trong nước nhỏ và ngoại thương đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Na Uy. Từ năm 1990, Na Uy luôn đạt mức thặng dư trong cán cân thanh toán quốc tế (trừ năm 1998 là cân bằng do giá dầu giảm và nhập khẩu tăng). Xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ chiếm tới 46,6% GDP.
Xuất khẩu dầu khí là nguồn thu nhập quan trọng nhất của Na Uy (chiếm 1/3 giá trị xuất khẩu). Na Uy chủ yếu buôn bán với các đối tác chính trong khu vực EU như Anh, Đức, Hà Lan, Pháp, Thụy Điển, Đan Mạch và một số đối tác ngoài khu vực như Trung Quốc và Mỹ. Tại khu vực châu Á, Ấn Độ và Indonesia đang trở thành thị trường lớn của Na Uy.
Theo Bộ Tài chính Na Uy, tăng trưởng kinh tế năm 2013 đạt 2% (so với 3,1% năm 2012), lạm phát 2,5%, tỷ lệ thất nghiệp 3,5%. Tháng 12/2013, Quỹ phúc lợi từ dầu mỏ của Chính phủ Na Uy đã đạt giá trị 5 nghìn tỷ NOK (tương đương 830 tỷ USD). Dự báo năm 2014 tăng trưởng GDP đạt 2,5%.
Mô hình kinh tế Na Uy theo mô hình kinh tế hỗn hợp, có sự kết hợp giữa kinh tế thị trường và kinh tế kế hoạch có sự điều tiết của Chính phủ. Chính phủ nắm giữ những lĩnh vực quan trọng như: dầu khí (tập đoàn Statoil), năng lượng (tập đoàn Norsk Hydro), viễn thông (tập đoàn Telenor), điện và thủy điện (tập đoàn Statkraft) và áp đặt các chính sách, tiêu chuẩn, quy định. Cơ cấu nền kinh tế theo hướng dịch vụ (57,8%) - công nghiệp (40,1%) - nông nghiệp (2,1%); theo đó cũng định hình cơ cấu lao động ở Na Uy với phần lớn nhân lực tập trung trong ngành dịch vụ và công nghiệp.
Na Uy đã tham gia Hiệp định Khu vực kinh tế Châu Âu (EEA), là thành viên Khu vực Thương mại Tự do Châu Âu (EFTA), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức thương mại Thế giới (WTO), Ngân hàng phát triển xuyên Mỹ (IADB), Ngân hàng phát triển Châu Phi (AFDB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Châu Âu về tái thiết và phát triển (EBRD), Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu (NIB), Quỹ Phát triển Bắc Âu (NDF), Hội đồng Bắc Âu và Quỹ Dự án Bắc Âu (NOPEF).
2. Các ngành công nghiệp chủ yếu
2.1. Công nghiệp dầu khí
Mùa xuân 1970 Na Uy tìm thấy các mỏ dầu lửa và khí đốt có trữ lượng lớn ở biển Bắc thuộc lãnh hải của Na Uy và ở miền Trung và Tây Nam Na Uy. Theo ước tính trữ lượng khí đốt của Na Uy khoảng trên 3.000 tỷ m3 và trữ lượng dầu lửa khoảng 10 tỷ tấn. Na Uy đầu tư rất lớn cho ngành công nghiệp dầu khí. Xuất khẩu dầu khí chiếm hơn 50% giá trị xuất khẩu và đóng góp trên 10% cho thu nhập của cả nước (Na Uy chỉ đứng sau Ả rập Xê-út và Nga).
2.2. Đóng tàu và vận tải biển
Đây là một trong những ngành công nghiệp chủ yếu của Na Uy. Tàu biển của Na Uy được đóng và thiết kế để có thể chuyên chở được nhiều loại hàng hoá khác nhau và cung cấp các dịch vụ đa dạng như tàu chở dầu, hóa chất, than đá, xe ô tô, tàu phà chở khách cỡ lớn, tàu đặc chủng để chuyên chở khí đốt ở thể lỏng, tàu cần cẩu, tàu kéo phục vụ cho khai thác dầu khí ngoài khơi, tàu đánh cá và tàu tuần tra trên biển... Hiện nay, Na Uy đứng thứ 3 thế giới về cung cấp các dịch vụ cho khai thác dầu khí ở ngoài khơi, thứ 2 (sau Mỹ) về đội tàu phục vụ cho khai thác dầu.
2.3. Đánh bắt cá, nuôi trồng thuỷ sản và chế biến
Đánh cá và nuôi trồng thuỷ sản là hai ngành quan trọng nhất dọc theo bờ biển của Na Uy, chủ yếu nuôi hai loại cá hồi (thịt vàng và thịt đỏ) để xuất khẩu. Na Uy có hàng trăm nhà máy chế biến hải sản dọc theo bờ biển. Hiện nay ngành thủy sản đã trở thành một lĩnh vực trong chương trình viện trợ phát triển của Na Uy cho các nước đang phát triển.
2.4. Công nghiệp sản xuất giấy, bột giấy, gỗ xẻ
Diện tích rừng của Na Uy chiếm hơn 1/5 diện tích cả nước và là nguồn cung cấp nguyên vật liệu quan trọng cho công nghiệp. Na Uy có khoảng 1.500 xí nghiệp sản xuất giấy, bột giấy và gỗ xẻ với khoảng 30.000 lao động. Sản phẩm của công nghiệp gỗ bao gồm gỗ tấm dùng trong xây dựng nhà ở, văn phòng làm việc, đóng đồ dùng gia đình và trang bị văn phòng.
2.5. Thủy điện
Na Uy có hơn 200.000 hồ nước ở trên núi và hệ thống sông, suối có độ dốc cao là tiềm năng thuỷ điện không nhỏ. Trước khi tìm ra dầu khí, thuỷ điện là nguồn cung cấp năng lượng lớn, cung cấp nhiều nhất cho công nghiệp và dân dụng. Công ty năng lượng lớn nhất của Na Uy là Norsk Hydzo được thành lập từ 1905.
3. Chính sách ODA
Na Uy là một trong 10 nước đóng góp tài chính nhiều nhất cho Liên Hợp Quốc và dành khoảng 1% GDP/năm cho viện trợ phát triển. ODA của Na Uy trong năm 2013 là khoảng 30 tỷ NOK (so với 27 tỷ NOK năm 2012) viện trợ theo nhiều kênh khác nhau cho khoảng 110 nước, trong đó có khoảng 30 nước được nhận 100 triệu NOK hoặc hơn. Chính phủ mới của Na Uy đã thông báo giữ nguyên mức 1% GDP/năm cho viện trợ phát triển.
V. Chính sách đối ngoại, an ninh
Về đối ngoại: Sau chiến tranh thế giới II, Na Uy điều chỉnh chính sách đối ngoại từ "trung lập hạn chế" sang liên minh quân sự và gia nhập NATO (1949) để có sự đảm bảo của Mỹ và Tây Âu cho an ninh và quốc phòng, vì Na Uy luôn lo ngại ảnh hưởng của Nga. Na Uy tiếp tục ưu tiên quan hệ đồng minh với Mỹ, quan hệ với EU, các nước Bắc Âu, Bắc Cực, tích cực hoạt động trong LHQ và NATO.
Cùng với các nước Bắc Âu khác, Na Uy chủ trương cải tổ Liên Hợp Quốc, trong đó có Hội đồng Bảo an nhằm đảm bảo dân chủ và quyền bình đẳng giữa các nước thành viên Liên hợp quốc. Na Uy đang thực hiện kế hoạch điều chỉnh quan hệ đối ngoại, tập trung nguồn lực nhiều hơn trong quan hệ với các nước mới nổi (BRICS) gồm có Bra-xin, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nam Phi nhằm thúc đẩy lợi ích thương mại.
Các lĩnh vực ưu tiên về đối ngoại của Na Uy hiện là dân chủ, nhân quyền, hòa bình, hòa giải và hợp tác quốc tế, hỗ trợ nhân đạo. Chính phủ mới của Na Uy cũng ưu tiên ngoại giao kinh tế và thúc đẩy giáo dục toàn cầu, đặc biệt đối với nữ giới.
Quan hệ với Liên minh Châu Âu: Na Uy chủ trương gia nhập Liên minh châu Âu (EU) từ những năm 70 nhưng chưa được đa số người dân Na Uy ủng hộ. Na Uy vẫn tích cực tham gia vào các hoạt động của EU thông qua Hiệp định Kinh tế Châu Âu (EEA), tiếp tục đóng góp cho quỹ EEA để hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội ở EU.
Do Bắc Cực có tiềm năng lớn về khai thác tài nguyên và hàng hải, Na Uy đã ra Sách trắng chiến lược quốc gia về Bắc Cực trong vòng 30 năm tới và tích cực thúc đẩy hợp tác, đối ngoại với các nước liên quan
Với Châu Á nói chung: Năm 1996, Quốc hội Na Uy thông qua "Chiến lược châu Á" nhằm tăng cường quan hệ chính trị và mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa lâu dài với các nước ở khu vực này. Hiện nay, Na Uy có quan hệ thương mại nhiều với Nhật Bản, Trung Quốc và ngày càng chú trọng đến khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tại Đông Nam Á, Indonesia và Myanmar là những nước đang được quan tâm nhất.
Na Uy đã chính thức trở thành thành viên ASEM tại Hội nghị ASEM 9 tháng 11/2012 và tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) ở Đông Nam Á từ 01/7/2013. Hiện ASEAN và Na Uy đang phối hợp xây dựng Dự thảo Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác ASEAN – Na Uy.
QUAN HỆ VIỆT NAM - NA UY
I. Quan hệ chính trị
Việt Nam và Na Uy thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 25/11/1971.
Năm 1978, ta đã từng lập Đại sứ quán tại thủ đô Oslo nhưng đến năm 1982 thì đóng cửa.
Năm 1996, Na Uy chính thức mở Sứ quán thường trú tại Hà Nội nhân chuyến thăm của Thủ tướng Gro Harlem Brundtland tới Việt Nam. Ngày 23/12/2009, ta chính thức mở lại Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy.
Trong suốt hơn 40 năm qua, quan hệ hai nước phát triển tích cực và dần đi vào chiều sâu trên rất nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Hai nước đã trao đổi nhiều đoàn ở các cấp, kể cả ở cấp cao nhất. Phía Việt Nam: Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1977), Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1995), Thủ tướng Phan Văn Khải (1999), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (6/2008); Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (6/2010); Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (12/2013). Phía Na Uy: Thủ tướng Gro Harlem Brundtland (1996); Nhà Vua Harald V và Hoàng hậu Sonja (2004); Bộ trưởng Công Thương Trond Giske (4/2013); Thái tử kế vị Haakon và Công nương Mette-Marit (18-21/3/2014).
Ngoài ra, gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Na Uy Erna Solberg đã có cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ ba tại Hà Lan (24-25/3/2014).
Hai bên có những cơ chế hợp tác hiệu quả như Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao (đã tổ chức được 6 phiên) và Đối thoại nhân quyền cấp Vụ trưởng Bộ Ngoại giao (đã tổ chức được 11 phiên) nhằm tăng cường hiểu biết và hợp tác trong những lĩnh vực cụ thể.
Na Uy tích cực hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc đổi mới, xóa đói giảm nghèo và hội nhập quốc tế, quan tâm tới vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo ở Việt Nam nhưng cách tiếp cận chủ yếu trên tinh thần hợp tác và xây dựng, không dùng làm sức ép đối với viện trợ phát triển và quan hệ hai nước. Na Uy cũng là nước có nhiều kinh nghiệm tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế (như Liên Hợp Quốc, Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng thế giới (WB) v.v…), do đó hai bên hợp tác rất hiệu quả với nhau thông qua các kênh đa phương này.
II. Quan hệ hợp tác kinh tế
1. Thương mại
Theo Tổng cục Hải quan, kể từ năm 2011 đến nay, kim ngạch thương mại hai chiều hai nước cơ bản ổn định ở mức 250 triệu USD/năm.
Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Na Uy 2007 - 2013
Đơn vị: triệu USD
Năm |
2007 |
2008 |
2009 |
2010 |
2011 |
2012 |
2013 | |
Xuất khẩu |
49,15 |
93,78 |
51,43 |
74,09 |
89,78 |
125,80 |
109,58 | |
Nhập khẩu |
24,59 |
76,75 |
66,23 |
129,5 |
165,97 |
131,28 |
131,22 | |
Tổng |
73,74 |
170,53 |
117,66 |
203,6 |
255,75 |
257,08 |
240,80 | |
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Na Uy gồm: hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều. Việt Nam nhập khẩu chủ yếu: hàng thủy sản, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, phân bón các loại, các sản phẩm hóa chất, sắt thép. Theo báo chí Na Uy, đối thủ cạnh tranh của Việt Nam tại Na Uy lớn nhất hiện nay là Trung Quốc. Thái Lan chỉ nhỉnh hơn Việt Nam về thị phần xuất khẩu hải sản, rau quả, hàng công nghiệp nhẹ và máy tính, linh kiện. Chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Công Thương Na Uy Trond Giske vào đầu tháng 4/2013 đã tích cực thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại đầu tư giữa hai nước.
Tháng 3/1994, Na Uy ký Hiệp định hàng dệt may theo chế độ hạn ngạch. Năm 1998, Na Uy bỏ chế độ hạn ngạch cho hàng dệt may của Việt Nam. Năm 2006, Na Uy thành lập Innovation Norway - bộ phận thương vụ trực thuộc Đại sứ quán Na Uy. Tháng 11/2006, hai bên đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về hỗ trợ hợp tác thương mại Việt Nam-Na Uy và thành lập Tổ công tác song phương nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh tế, thương mại hai nước. Na Uy là một trong những nước sớm kết thúc đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với Việt Nam.
Tháng 5/2012, Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu EFTA (gồm Na Uy, Thụy Sĩ, Iceland và Liechtenstein) đã khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do FTA, đến nay đã tiến hành được 7 phiên, dự kiến phiên thứ 8 sẽ diễn ra vào tháng 5/2014 tại Geneva. Phía EFTA muốn hoàn tất đàm phán trong năm 2014. Tháng 7/2012, khối EFTA đã công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
2. Đầu tư
Tính đến hết ngày 20/04/2014, Na Uy có 30 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 117 triệu USD, xếp thứ 37/101 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các dự án của Na Uy chủ yếu tập trung trong lĩnh vực chế biến gỗ, vật liệu xây dựng và trang trí nội thất; nông lâm nghiệp, thủy sản, thông tin và truyền thông. Vốn đầu tư của Na Uy chủ yếu theo hình thức 100% vốn nước ngoài, hiện đang hoạt động tại 7 địa phương. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có dự án đầu tư trực tiếp sang Na Uy.
Thông qua Innovation Norway, các doanh nghiệp Na Uy tích cực cử đoàn sang tìm hiểu khả năng đầu tư ở thị trường Việt Nam trong lĩnh vực đóng tàu, hàng hải, chế biến thủy sản. Hiện có gần 40 doanh nghiệp Na Uy đang hoạt động tại Việt Nam, tập trung chủ yếu ở Tp. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hà Nội, Khánh Hòa, Bình Dương, Hải Phòng.
III. Hợp tác phát triển (HTPT)
Quan hệ HTPT Việt Nam-Na Uy được nối lại kể từ khi hai nước ký Hiệp định khung về HTPT vào tháng 10/1996. Trước đây, chính sách viện trợ của Na Uy tập trung chủ yếu cho các nước Châu Phi, viện trợ cho Việt Nam được lấy từ Quỹ viện trợ khu vực trung bình 5-6 triệu USD/năm. Tổng viện trợ của Na Uy dành cho ta đến nay đạt hơn 200 triệu USD. Năm 2013, Na Uy viện trợ khoảng 20 triệu USD cho Việt Nam.
Na Uy là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam trong Chương trình LHQ về giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (UNREDD). Tháng 12/2012, hai bên đã ký Tuyên bố chung về “Hợp tác thực hiện sáng kiến REDD+ cho những nước đang phát triển”, và Na Uy đã cam kết tiếp tục tài trợ hơn 30 triệu USD cho Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II (2013-2015) đang bắt đầu triển khai thí điểm tại 6 tỉnh Lào Cai, Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Lâm Đồng, Cà Mau. Bên cạnh đó, các dự án trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, quản lý tài nguyên thiên nhiên, năng lượng tái tạo… do Na Uy tài trợ cũng đang được triển khai hiệu quả, góp phần hỗ trợ Việt Nam hoàn thành trước thời hạn các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của LHQ.
Khối lượng viện trợ của Na Uy tuy nhỏ nhưng thủ tục và quy trình viện trợ rất linh hoạt, cụ thể là sau khi Chính phủ Na Uy thông báo cam kết về số lượng viện trợ hàng năm cho Việt Nam, quy trình tiếp theo được thực hiện phù hợp với những quy định của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Na Uy cũng có Chương trình tín dụng ưu đãi cho các dự án cấp nước, xử lý nước thải và chất thải rắn tại các tỉnh ở Việt Nam: giai đoạn 1 từ năm 2011 trị giá 34 triệu EUR, giai đoạn 2 từ năm 2013 trị giá 44 triệu EUR, thời gian vay là 12,5 năm gồm 30 tháng ân hạn, lãi suất vay 0%. Ngân hàng KfW Đức được phía Na Uy và Bộ Tài chính thống nhất lựa chọn cung cấp khoản vay thương mại, Chính phủ Na Uy cam kết hỗ trợ toàn bộ lãi suất và các khoản phí.
IV. Quan hệ giáo dục - đào tạo, văn hóa
Về văn hóa: Hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Na Uy ngày càng được tăng cường trong thời gian qua. Từ 2007, Na Uy bắt đầu viện trợ cho lĩnh vực văn hóa tại Việt Nam thông qua Dự án Transposition kết nối 12 tổ chức nghệ thuật (Nhà hát, Nhạc viện…), tổ chức các chương trình hòa nhạc chung, các lớp tập huấn, các chuyến tu nghiệp ngắn ngày cho học sinh, sinh viên và các nghệ sỹ, hỗ trợ công tác giảng dạy âm nhạc, giúp phát triển thư viện và lưu trữ tư liệu, cũng như hỗ trợ bảo dưỡng nhạc cụ. Dự án Transposition giai đoạn 2 (2012-2015) tập trung hợp tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng quản lý nghệ thuật cho Việt Nam thông qua việc tổ chức các Hội thảo ở Việt Nam.
Tuy nhiên, do khoảng cách về địa lý và hạn chế về ngân sách, nên ta ít có hoạt động giới thiệu văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam tại Na Uy. Nhân dịp 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (25/11/1971-25/11/2011), hai bên đã phối hợp tổ chức “Những ngày văn hóa Việt Nam tại Na Uy” với tâm điểm là chương trình “Hồn Sen Việt” với các tiết mục ca múa nhạc dân tộc đặc sắc.
Về giáo dục đào tạo: Na Uy cung cấp học bổng cho lưu học sinh Việt Nam theo chương trình học bổng sinh viên quốc tế, hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ giảng viên và cán bộ nghiên cứu thuộc các trường ĐH và Viện nghiên cứu của Việt Nam (trường ĐH Nha Trang, Trường ĐH Nông nghiệp I, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội). Hàng năm, Na Uy có chương trình học bổng của Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy (NORAD) dành cho đào tạo cử nhân và thạc sĩ trong các trường ĐH tại Na Uy hoặc ở một số nước khác, trong đó có Việt Nam (Chương trình mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tháng 7/2007 và bắt đầu tuyển sinh sau đại học từ năm học 2007-2008 tại trường ĐH Nha Trang).
Phía Na Uy cũng tích cực giúp đỡ Việt Nam đào tạo cán bộ trong các lĩnh vực Na Uy có thế mạnh như nhân quyền và gìn giữ hòa bình. Ngày 7/9/2010, Na Uy khai trương chương trình thạc sỹ đầu tiên về nhân quyền hợp tác giữa khoa luật, Đại học Oslo và khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Na Uy cũng đã tích cực hỗ trợ ta xây trường nội trú cho trẻ em thiểu số ở Điện Biên, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, đồng tài trợ dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em khó khăn, giúp soạn thảo Từ điển dân tộc học, giúp Bảo tàng dân tộc học di chuyển một ngôi nhà Chăm truyền thống từ Ninh Thuận và dựng lại khuôn viên Bảo tàng để phục vụ cho việc nghiên cứu đời sống của người dân tộc thiểu số.
V. Các lĩnh vực khác
Về du lịch: Từ tháng 5/2005, ta đã miễn thị thực dưới 15 ngày cho công dân Bắc Âu, trong đó có Na Uy. Khách du lịch Na Uy đến Việt Nam năm 2013 đạt 21.157 người.
Về an ninh quốc phòng: Bộ Công an với các cơ quan hữu quan của Na Uy chưa có nhiều quan hệ, chủ yếu trong khuôn khổ Đối thoại nhân quyền. Từ 2007-2008, Na Uy giúp đào tạo một số cán bộ Công an nâng cao năng lực về nhân quyền và đào tạo sỹ quan cảnh sát LHQ làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại các quốc gia, khu vực hay xảy ra xung đột.
VI. Cộng đồng người Việt Nam tại Na Uy
Hiện tại, cộng đồng người Việt Nam tại Na Uy khoảng hơn 20.000 người, đông nhất tại Bắc Âu, trong đó 90% có quốc tịch Na Uy, 60% có công ăn việc làm ổn định, đa số làm ăn buôn bán nhỏ, kinh doanh nhà hàng hoặc làm công ăn lương. Theo đánh giá chung, cộng đồng người Việt Nam tại Na Uy có cuộc sống ổn định, cần cù, chăm chỉ làm ăn, tôn trọng luật pháp sở tại, hòa nhập tốt với xã hội Na Uy. Việc mở lại Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy cuối năm 2009 đã tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt tại Na Uy được bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, là cầu nối hữu hiệu giữa cộng đồng người Việt tại đây với quê hương. Với sự hỗ trợ tích cực của Đại sứ quán ta tại Na Uy, tháng 5/2011, cộng đồng người Việt yêu nước ở Na Uy đã thành lập được “Hội người Việt Quê hương” tại Na Uy nhằm đoàn kết những người yêu quê hương đất nước hướng về Tổ quốc.
VII. Các văn bản, hiệp định song phương đã ký kết
- 1995: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và trốn lậu thuế
- 1996: Hiệp định về các điều khoản và thủ tục chung cho HTPT
- 1997: Hiệp định hợp tác kinh tế và thương mại
- 1997: Hiệp định vận chuyển hàng không
- 2004: Bản ghi nhớ (MOU) về HTPT 2004-2009
- 2007: Hiệp định về nhận trở lại công dân
- 2013: Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác con nuôi
Tháng 04 năm 2014
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |