TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ CỘNG HÒA PHẦN LAN
I. Những thông tin cơ bản về Phần Lan
Phần Lan là một nước nhỏ ở châu Âu có diện tích 338.000 km2 và dân số 5,4 triệu người. Phần Lan là nước duy nhất trong 4 nước Bắc Âu có thể chế chính trị cộng hòa, có tình hình kinh tế-chính trị-xã hội ổn định, phát triển, mức thu nhập bình quân cao (GDP 36.500 USD/người).
Ngôn ngữ: tiếng Phần Lan và tiếng Thụy Điển (do một thời gian dài Phần Lan nằm dưới sự cai trị của Thụy Điển).
Quốc khánh: 6/12/1917 (ngày tuyên bố độc lập).
Một số lãnh đạo chủ chốt:
- Tổng thống: Mr. Sauli Niinistö, sinh ngày 24/8/1948, là tổng thống thứ 12 của Phần Lan, nhậm chức ngày 01/3/2012.
- Thủ tướng: Mr. Jyrki Tapani Katainen, sinh ngày 14/10/1971, chủ tịch đảng Liên minh dân tộc hay còn gọi là đảng Bảo thủ (từ ngày 22/6/2011).
- Chủ tịch quốc hội: Mr Eero Heinäluoma, đảng DCXH, sinh ngày 4/7/1955 (từ ngày 23/06/2011)
Quốc hội gồm 6 đảng trong Liên minh cầm quyền (Liên minh dân tộc, DCXH, Liên minh cánh tả, Đảng Xanh, Đảng nhân dân Thụy Điển và DCTCG) và 3 đảng đối lập (Những người Phần Lan thực sự, Đảng Trung tâm, Nhóm bất đồng cánh tả).
- Bộ trưởng Ngoại giao: Mr. Erkki Tuomioja, đảng DCXH, sinh ngày 01/7/1946 (từ ngày 22/6/2011).
II. Khái quát lịch sử
8500 năm trước CN: Đã có người đến sinh sống ở Phần Lan.
1155-1809: Phần Lan bị Thụy Điển cai trị, trong năm 1696-1697 đã xảy ra nạn đói nghiêm trọng làm cho khoảng một phần ba dân Phần Lan bị chết. 1714-1721 và 1742-1743 xảy ra các cuộc chiến tranh giữa Thụy Điển và Nga dẫn đến việc Phần Lan bị Nga chiếm.
1809-1917: Phần Lan bị Nga cai trị. Nạn đói năm 1866-1868 làm chết 15% dân số Phần Lan.
6/12/1917: Phần Lan tuyên bố độc lập (ngày này được lấy làm Quốc khánh của Phần Lan hiện nay)
1919: Theo Hiến pháp được thông qua, Phần Lan trở thành nước Cộng hòa
1930-1940: Sau khi bị Liên Xô tấn công, Phần Lan đã tiến hành cuộc Chiến tranh mùa đông (Winter War) với nước này. Năm 1940, Phần Lan thất bại và phải ký hoà ước với Liên Xô.
1941-1944: Sau khi Đức tấn công Liên Xô, Phần Lan đã liên minh với Đức tiến hành cuộc Chiến tranh thứ hai với Liên Xô (Continuation War). Tháng 7/1944 Phần Lan đã đạt được thỏa thuận đình chiến với Liên Xô. Kết quả hai cuộc chiến tranh trên là Phần Lan đã phải nhượng 10% lãnh thổ cho Liên xô (vùng Kerelia, Salla và Petsamo) và 20% ngành công nghiệp bao gồm các hải Cảng Vyborg và Liinakhamari. Thiệt hại con người 93.000 lính.
1944-1945: Phần Lan tiến hành cuộc chiến tranh Lapland để đuổi quân Đức ra khỏi miền Bắc nước này.
1948: Phần Lan ký Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Giúp đỡ lẫn nhau với Liên Xô đồng thời thực hiện chính sách trung lập, đứng ngoài vòng tranh chấp của các siêu cường.
14/12/1955: Phần Lan gia nhập LHQ
1995: Phần Lan gia nhập Liên hiệp Châu Âu
1999: Phần Lan gia nhập khối đồng tiền chung Châu Âu
2002: Đồng tiền Euro thay tiền Phần Lan Markka.
III. Kinh tế
Phần Lan có nhiều ngành kinh tế mũi nhọn như viễn thông (NOKIA), điện tử, công nghiệp gỗ giấy (69% diện tích là rừng, là nguồn xuất khẩu quan trọng), đóng tàu và vận tải biển (phía Nam và Tây Nam là vịnh Phần Lan, biển Ban – tích và vịnh Bothnia)… Thách thức lâu dài đối với kinh tế Phần Lan là dân số già nhanh. Do ít tài nguyên, nền công nghiệp Phần Lan phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu thô, nhiên liệu và phụ tùng. Cơ cấu kinh tế: dịch vụ (68%) – công nghiệp (29,2%) – nông nghiệp (2,8% do khí hậu khắc nghiệt).
Các số liệu kinh tế chính:
- Tăng trưởng GDP 2013: dự báo đạt 0,4% (năm 2012 đạt 0,2%)
- GDP đầu người: 48.406 EUR (quý 3/2013) (năm 2012: 35.600 EUR)
- Tỷ lệ thất nghiệp 2013: 8,2%
- Lạm phát: 1,4% (tháng 11/2013)
- Nợ chính phủ: 53% GDP (mức cao nhất kể từ năm 1997)
IV. Chính sách đối ngoại
Rút kinh nghiệm bài học lịch sử, trong nhiều thập kỷ qua, Phần Lan luôn theo đuổi đường lối đối ngoại trung lập tích cực, không tham gia các liên minh quân sự, ủng hộ và thúc đẩy các hoạt động vì hòa bình, giải trừ quân bị, ưu tiên quan hệ với các nước láng giềng (các nước Bắc Âu, các nước Ban - tích), Nga, EU và các nước lớn khác. Phần Lan đã gia nhập EU và đồng tiền chung châu Âu (euro).
V. Chính sách hợp tác phát triển
Phần Lan luôn coi trọng chính sách viện trợ và HTPT, coi đây là một phần quan trọng trong CSĐN của mình. Thông qua viện trợ phát triển, Phần Lan hỗ trợ các nước nghèo cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội, qua đó tăng cường thương mại và đầu tư (aid for trade), hướng tới xóa bỏ đói nghèo trên thế giới. Năm 2007, Chính phủ Phần Lan đã thông qua Chương trình Chính sách phát triển mới (Development Policy Programme) với chủ đề Hướng tới một cộng đồng thế giới công bằng và bền vững, mục tiêu là xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững phù hợp với các mục tiêu TNK/LHQ. Phần Lan chủ trương tăng tỉ lệ GDP dành cho viện trợ phát triển từ 0,55% (năm 2010) lên 0,7% (năm 2015). Hiện nay, Phần Lan tập trung vào 7 nước đối tác chính, trong đó 5 nước ở châu Phi (Mozambique, Tanzania, Ethiopia, Zambia và Kenya) và 2 nước ở châu Á (Việt Nam và Nepal).
QUAN HỆ VIỆT NAM – PHẦN LAN
I. Quan hệ chính trị
Phần Lan thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngày 25/01/1973. ĐSQ Phần Lan tại Hà Nội được thành lập năm 1974 và Việt Nam mở ĐSQ tại Helsinki vào cuối năm 2005. Cũng như các nước Bắc Âu khác, Phần Lan có phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta trước đây cũng như công cuộc tái thiết và xây dựng đất nước sau này.
Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt được hai nước duy trì và phát triển tốt đẹp. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp. Phía Phần Lan có: Tổng thống Tarja Halonen (2/2008), Thủ tướng Matti Vanhanen (11/2009) và dự ASEM 5 (10/2004), Chủ tịch QH Sauli Niinisto (1/2010) và các đoàn cấp Bộ trưởng khác.
Phía Việt Nam có: Thủ tướng Phạm Văn Đồng (5/1977), Võ Văn Kiệt (6/1995), Phan Văn Khải (9/1999), Nguyễn Tấn Dũng (9/2006), Chủ tịch Nguyễn Minh Triết (5/2010) và các đoàn Phó Thủ tướng: Nguyễn Sinh Hùng (2008); Nguyễn Thiện Nhân (2009). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (tháng 4/2010).
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Phần Lan Jyrki Katainen bên lề HN ASEM 9 tại Lào tháng 11/2012.
II. Quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư
Đây là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của Phần Lan trong quan hệ với Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước liên tục tăng qua các năm, đạt khoảng 200-250 triệu USD/năm. Do Phần Lan là nước nhỏ, lại cách xa Việt Nam về mặt địa lý và Phần Lan cũng không phải là nơi trung chuyển hàng hóa nên kim ngạch hai nước cũng chỉ tăng ở mức độ nhất định. Phần Lan ủng hộ EU trao cho ta Quy chế kinh tế thị trường, không ủng hộ việc áp đặt thuế chống bán phá giá lên giày mũi da của Việt Nam xuất vào EU.
Năm 2013, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt xấp xỉ 229 triệu USD giảm 24,7% so với năm 2012, trong đó cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm trên 20%.
Về đầu tư, tính đến tháng 12/2013, Phần Lan có 8 dự án có hiệu lực với tổng vốn đăng ký 329 triệu USD, đứng thứ 27/101 nước, vùng và lãnh thổ đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Đáng chú ý là dự án xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại của Nokia tại Bắc Ninh với vốn ban đầu là 200 triệu Euro (sau này có thể tăng lên 2,5 tỉ USD). Từ năm 2003, ĐSQ Phần Lan tại Hà Nội quản lý Quỹ hỗ trợ dự án vừa và nhỏ (30.000 – 50.000 Euro/dự án). Cho đến nay, chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào đầu tư sang Phần Lan.
KIM NGẠCH XUẤT NHẬP KHẨU
(Từ năm 2008 - 2013)
|
2008 |
2009 |
2010 |
2011 |
2012 |
2013 |
+/- |
Xuất khẩu |
134 |
149,2 |
150 |
163 |
204,3 |
78.945 |
-20,8% |
Nhập khẩu |
105 |
79,5 |
85 |
87 |
99,7 |
149.784 |
-26,7% |
Tổng |
239 |
228,7 |
235 |
250 |
314 |
228.728 |
-24,7% |
(Đơn vị triệu USD; Nguồn: Hải quan Việt Nam & Phần Lan)
III. Hợp tác phát triển
Phần Lan liên tục dành viện trợ không hoàn lại cho ta từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay và không áp đặt các điều kiện chính trị trong chính sách viện trợ. Phần Lan đã xóa nợ trên 40 triệu USD cho Việt Nam. Tổng số tiền viện trợ của Phần Lan cho ta từ trước đến nay khoảng 340 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực cấp thoát nước, xóa đói giảm nghèo, thích ứng với biến đổi khí hậu, lâm nghiệp,… và mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
Do Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, viện trợ không hoàn lại của Phần Lan cho Việt Nam sẽ được điều chỉnh giảm. Mặc dù vẫn coi Việt Nam là đối tác hợp tác phát triển lâu dài, Phần Lan đang hướng tới chuyển đổi hình thức hợp tác chỉ dựa vào tài trợ đơn phương sang quan hệ đối tác toàn diện cùng có lợi. Năm 2013, Phần Lan công bố Chiến lược HTPT 2013 – 2016 với Việt Nam, tập trung vào 4 lĩnh vực: (i) Tăng cường mở cửa và khả năng tiếp cận thông tin, kiến thức và công nghệ mới cho mọi tầng lớp nhân dân; (ii) Tăng cường kinh tế xanh; (iii) Phát triển bền vững môi trường và quản lý tài nguyên rừng; (iv) Cải thiện các dịch vụ vệ sinh môi trường và cấp nước. Ngân sách ODA dành cho Việt Nam giảm dần từ 11,5 triệu EUR/năm trong năm 2012 xuống 4,5 triệu EURO/năm trong giai đoạn 2013 – 2016. Quỹ dành cho hợp tác địa phương giảm từ 470.000 EUR trong năm 2013 xuống 270.000 EUR trong năm 2016. Tín dụng ưu đãi giảm từ 4,5 triệu EUR trong năm 2013 xuống 4,1 triệu EUR trong năm 2016. Hỗ trợ thể chế vẫn giữ mức 500.000 EUR trong giai đoạn 2013 – 2016.
Về tín dụng ưu đãi, tổng cộng Phần Lan đã cấp khoảng 200 triệu USD cho các dự án khác nhau của Việt Nam và viện trợ thông qua các cơ chế đa phương như Quỹ Phát triển Bắc Âu (NDF), LHQ, EU, ADB, WB...
IV. Hợp tác giáo dục - đào tạo - văn hóa
1. Giáo dục – Đào tạo
- Tháng 11/2006, Bộ Ngoại giao Phần Lan đưa Việt Nam (là nước châu Á duy nhất) vào danh sách nước được nhận tài trợ giai đoạn 2 của Chương trình trao đổi giáo dục Bắc – Nam – Nam (North – South – South Higher Education Institution Network Programme), tổng vốn 4,5 triệu euro. Theo đó, Phần Lan sẽ tài trợ trao đổi sinh viên, giáo viên giữa các trường ĐH của Phần Lan và Việt Nam (bậc đại học, cao học thời gian 3-6 tháng, dài nhất là 1 năm), các khóa học 1 – 10 tuần. Một số trường ĐH Việt Nam và Phần Lan đã thiết lập quan hệ đối tác.
- Tháng 2/2009, hai bên đã ký Thỏa thuận khung về hợp tác giáo dục – đào tạo, theo đó Phần Lan sẽ giúp đào tạo tiến sĩ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, y tế, môi trường, lâm ngư nghiệp,…
- Hiện có khoảng 700 sinh viên Việt Nam sang Phần Lan du học tự túc (Phần Lan chưa thu học phí nên sinh viên nước ngoài chỉ phải trả tiền ăn, ở và chi tiêu cá nhân), chủ yếu học ngành quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin và du lịch (vì các ngành này học bằng tiếng Anh).
2. Văn hóa
Mặc dù hai nước chưa ký thỏa thuận, chương trình hợp tác về văn hóa, nghệ thuật nhưng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật hai nước trong những năm gần đây được tăng cường và thúc đẩy: NXB Văn học phối hợp với Quỹ Juminkeko xuất bản cuốn sử thu Con cháu Mon Mân (11/2008); Việt Nam dự liên hoan phim quốc tế Tampere tại Phần Lan (3/2009); đoàn âm nhạc và triển lãm Phần Lan và đoàn thị trưởng dự kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (năm 2011); triển lãm tranh nghệ thuật Việt Nam đương đại tại Helsinki (9/2011).
V. Các lĩnh vực hợp tác khác
1. An ninh – Quốc phòng
Hai bên đã ký Bản ghi nhớ giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Phần Lan về hợp tác phòng chống tội phạm (9/2010)
2. Lao động
Phần Lan đã thực hiện chương trình thí điểm tuyển lao động có tay nghề trực tiếp tại Việt Nam để đưa sang làm việc tại Phần Lan năm 2008 với kết quả tích cực. Tuy nhiên do Phần Lan chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, hai bên chưa triển khai kế hoạch nhân rộng mô hình này. Hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực chính sách lao động và công nghiệp (11/2009).
3. Khoa học – Công nghệ
Hai nước đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác Khoa học – Công nghệ (2/2008), trên cơ sở đó xây dựng “Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan” bằng viện trợ không hoàn lại của Phần Lan trị giá 3 triệu USD.
4. Du lịch
Việt Nam là điểm đến ngày càng hấp dẫn đối với khách du lịch Bắc Âu nói chung và với Phần Lan nói riêng. Lượng khách du lịch liên tục tăng qua các năm (2007: 7.824 khách, 2011: 11.851 khách, năm 2012: 16.204 khách). Từ năm 2005, Việt Nam đơn phương miễn visa 15 ngày cho công dân Phần Lan và các nước Bắc Âu khác.
VI. Cộng đồng người Việt tại Phần Lan
Cộng đồng người Việt tại Phần Lan có khoảng trên 5.000 người, một nửa số đó đã nhập quốc tịch Phần Lan, số còn lại được cấp cư trú lâu dài, hầu hết chăm chỉ làm ăn, tuân thủ luật pháp nước sở tại, hòa nhập tốt với xã hội. Hội người Việt tại Phần Lan được thành lập vào tháng 6/2007, có nhiều hoạt động thiết thực như sinh hoạt văn hóa, dạy tiếng Việt, hỗ trợ tư vấn pháp lý, làm từ thiện, hướng về nguồn,… Hội sinh viên, thanh niên Việt Nam tại Phần Lan được thành lập ngày 1/11/2008 bao gồm các sinh viên du học, thanh niên, sinh viên Việt kiều tại Phần Lan.
VII. Các Hiệp định, thỏa thuận đã ký kết
1. Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư ký 21/2/2008
2. Hiệp định về hỗ trợ tài chính cho Quỹ Ủy thác ngành Lâm nghiệp ký 21/2/2008
3. Hiệp định về dự án hỗ trợ kỹ thuật quản lý chương trình 135 giai đoạn II ký 12/6/2008
4. Bản Ghi nhớ về hợp tác giáo dục-đào tạo ký 05/2/2009
5. Hiệp định về hợp tác trong chương trình nước và vệ sinh tại các thị trấn ở VN giai đoạn II ký 20/8/2009
6. Bản Ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực chính sách lao động và công nghiệp ký 16/11/2009
7. Bổ sung Hiệp định về việc Phần Lan ủng hộ tài trợ cho chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi cực kỳ khó khăn giai đoạn 2007-2010, ký 20/5/2010.
8. Hiệp định Đối tác đổi mới sáng tạo – IPP ký ngày 23/7/2009
9. Thỏa thuận về Hợp tác phát triển ngành lâm nghiệp tại Việt Nam ký ngày 13/1/2010
10. Hiệp định khung về các dự án được tài trợ theo chương trình tín dụng ưu đãi
11. Hiệp định phòng chống tội phạm có tổ chức
12. Hiệp định vận chuyển hàng không ký năm 2013
Tháng 04/2014