Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Sunday, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ PHẦN LAN VÀ QUAN HỆ VIỆT NAM - PHẦN LAN


THÔNG TIN  CƠ BẢN VỀ CỘNG HÒA PHẦN LAN
-----

 
I. Thông tin chung:
- Tên nước:    Cộng hòa Phần Lan.
       Là thành viên EU, Schengen.
- Thủ đô:     Helsinki.
- Ngày Quốc khánh:   06/12/1917 (ngày tuyên bố độc lập).
- Vị trí địa lý:   là quốc gia thuộc khu vực Bắc Âu, giáp với Thụy Điển về phía Tây, Nga về phía Đông, Na Uy về phía Bắc và Estonia về phía Nam qua Vịnh Phần Lan. 
- Diện tích:     338.000 km2.
- Khí hậu:    Mùa hạ ấm, mùa đông dài và rất lạnh, nhất là ở phía Bắc.
- Dân số:     khoảng gần 5,5 triệu người.
- GDP:    231,95 tỷ USD (năm 2015)
- GDP đầu người:   46.550 USD (năm 2015)
- Đơn vị tiền tệ:    EUR (quy đổi tỷ giá USD: 1 EUR  ̴  1,04 USD)
- Tôn giáo:   74% dân số thuộc Giáo hội Lutheran, 2% thuộc các nhánh Cơ Đốc giáo khác và 23,5% không theo tôn giáo nào.
- Ngôn ngữ:   tiếng Phần Lan và tiếng Thụy Điển (do một thời gian dài Phần Lan nằm dưới sự cai trị của Thụy Điển).
- Cơ cấu hành chính:  gồm 06 tỉnh: Årland, Đông Phần Lan, Lapland, Nam Phần Lan, Oulu, Tây Phần Lan.
- Lãnh đạo chủ chốt:   - Tổng thống: Ông Sauli Niinistö.
   - Thủ tướng: Ông Juha Sipilä.
  - Chủ tịch Quốc hội: Bà Maria Lohela.
  - Bộ trưởng Ngoại giao: Ông Timo Soini.
II. Khái quát lịch sử:
8500 năm trước CN Đã có người đến sinh sống ở Phần Lan.
1155-1809 Phần Lan bị Thụy Điển cai trị, trong năm 1696-1697 đã xảy ra nạn đói nghiêm trọng làm cho khoảng một phần ba dân Phần Lan bị chết. 1714-1721 và 1742-1743 xảy ra các cuộc chiến tranh giữa Thụy Điển và Nga dẫn đến việc Phần Lan bị Nga chiếm.
1809-1917 Phần Lan bị Nga cai trị. Nạn đói năm 1866-1868 làm chết 15% dân số Phần Lan.
6/12/1917 Phần Lan tuyên bố độc lập (ngày này được lấy làm Quốc khánh của Phần Lan hiện nay)
1919 Theo Hiến pháp được thông qua, Phần Lan trở thành nước Cộng hòa
1930-40 Sau khi bị Liên Xô tấn công, Phần Lan đã tiến hành cuộc Chiến tranh mùa đông (Winter War) với nước này. Năm 1940, Phần Lan thất bại và phải ký hoà ước với Liên Xô.
1941-44 Sau khi Đức tấn công Liên Xô, Phần Lan đã liên minh với Đức tiến hành cuộc Chiến tranh thứ hai với Liên Xô (Continuation War). Tháng 7/1944 Phần Lan đã đạt được thỏa thuận đình chiến với Liên Xô. Kết quả hai cuộc chiến tranh trên là Phần Lan đã phải nhượng 10% lãnh thổ cho Liên xô (vùng Kerelia, Salla và Petsamo) và 20% ngành công nghiệp bao gồm các hải Cảng Vyborg và Liinakhamari. Thiệt hại con người 93.000 lính.
1944-45 Phần Lan tiến hành cuộc chiến tranh Lapland để đuổi quân Đức ra khỏi miền Bắc nước này.
1948 Phần Lan ký Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Giúp đỡ lẫn nhau với Liên Xô đồng thời thực hiện chính sách trung lập, đứng ngoài vòng tranh chấp của các siêu cường.
14/12/1955 Phần Lan gia nhập LHQ
1995 Phần Lan gia nhập Liên hiệp Châu Âu
1999 Phần Lan gia nhập khối đồng tiền chung Châu Âu
2002 Đồng tiền Euro thay tiền Phần Lan Markka
III. Thể chế nhà nước và đảng phái chính trị:
- Chế độ nhà nước: Hiến pháp Phần Lan ban hành ngày 17/7/1917 quy định Phần Lan theo chế độ Cộng hòa. Quyền lập pháp thuộc về Quốc hội và Tổng thống. Quyền hành pháp thuộc về Tổng thống và Chính phủ.
- Tổng thống là người đứng đầu nhà nước Phần Lan, được bầu cử với nhiệm kỳ 6 năm. Kể từ năm 1991, không vị Tổng thống nào được tại nhiệm quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Tổng thống phải là người Phần Lan. Các chính đảng có ít nhất 1 ghế trong quốc hội được quyền đề cử ứng cử viên tổng thống. Tuy nhiên, bất cứ ai thu được hơn 20000 chữ ký cũng có thể ứng cử.
- Quốc hội Phần Lan gồm một viện với 200 ghế. Các thành viên trong Quốc hội được bầu theo hình thức phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 4 năm. Theo Hiến pháp, Quốc hội bầu ra Thủ tướng, sau đó được Tổng thống bổ nhiệm vào nội các. Các Bộ trưởng cũng được Tổng thống bổ nhiệm dựa trên đề xuất của Thủ tướng.
- Quốc hội Phần Lan gồm 3 Đảng trong Liên minh cầm quyền (Đảng Trung tâm, Đảng Người Phần Lan và Đảng Liên minh dân tộc) và 6 Đảng đối lập (Đảng Dân chủ Xã hội, Đảng nhân dân Thụy Điển, Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, Đảng Liên minh cánh tả, Đảng Xanh, Đảng Liên minh Åland). Sau cuộc bầu cử Quốc hội năm 2015, số ghế của các đảng trong Quốc hội Phần Lan được phân chia như sau: Đảng Trung tâm – 49 ghế, Đảng Người Phần Lan – 38 ghế, Đảng Liên minh dân tộc – 37 ghế, đảng Dân chủ xã hội – 34 ghế, Đảng Xanh – 15 ghế, Đảng Liên minh cánh tả - 12 ghế, Đảng Nhân dân Thụy Điển – 9 ghế, Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo – 5 ghế, Đảng Liên minh Åland – 1 ghế.
IV. Kinh tế:
Do ảnh hưởng của khủng hoảng khu vực đồng Euro, tăng trưởng kinh tế Phần Lan những năm gần đây rơi vào suy thoái; GDP các năm 2013, 2014 và 2015 lần lượt đạt -1,4%; -0,4% và -0,12%; nợ chính phủ leo thang (chiếm tới 57% GDP), xuất khẩu và đầu tư đều sụt giảm. Ba ngành kinh tế mũi nhọn là công nghiệp rừng, công nghiệp nặng và công nghệ điện thoại di động đều gặp nhiều biến động và cạnh tranh gay gắt ở thị trường nước ngoài. Chính phủ Phần Lan đang tích cực áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng, cắt giảm ngân sách cho quốc phòng, hợp tác phát triển, chăm sóc người già và trẻ em, tăng thuế bù chi tiêu, đồng. Ngoài ra Chính phủ Phần Lan cũng đang tích cực quảng bá, mở rộng quan hệ kinh tế sang các nước châu Á, Mỹ La-tinh để hạn chế lệ thuộc vào một số thị trường nhất định. Thách thức lâu dài đối với kinh tế Phần Lan là dân số già nhanh. Do ít tài nguyên, nền công nghiệp Phần Lan phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu thô, nhiên liệu và phụ tùng. Phần Lan có nhiều ngành kinh tế mũi nhọn như viễn thông điện tử, công nghiệp gỗ giấy (69% diện tích là rừng, là nguồn xuất khẩu quan trọng), đóng tàu và vận tải biển (phía Nam và Tây Nam là vịnh Phần Lan, biển Ban – tích và vịnh Bothnia)…
Nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ Phần Lan hiện nay là đưa nền kinh tế Phần Lan ra khỏi khủng hoảng và kích thích tăng trưởng (hiện tại, Phần Lan là một trong những nền kinh tế yếu kém nhất châu Âu; 3 năm liên tiếp rơi vào khủng hoảng với sức cạnh tranh giảm sút, chi phí lao động tăng và nguy cơ già hóa dân số. Các biện pháp mà Chính phủ mới sẽ phải tập trung triển khai là cắt giảm chi tiêu công (dự kiến 6 tỷ Euro từ nay đến năm 2021), giảm phúc lợi xã hội (cắt giảm 600 triệu Euro ngân sách trong lĩnh vực giáo dục), tăng phí dịch vụ, chăm sóc y tế và hỗ trợ doanh nghiệp; đầu tư khoảng 1,6 tỷ Euro để phát triển cơ sở hạ tầng, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thủ tướng Juha Sipilä, từng là một doanh nhân thành đạt, triệu phú trong ngành viễn thông, được dân chúng Phần Lan kỳ vọng sẽ đưa Phần Lan thoát khỏi tình trạng khó khăn kinh tế hiện nay.
V. Chính sách đối ngoại:
Trong nhiều thập kỷ qua, Phần Lan luôn theo đuổi đường lối đối ngoại trung lập tích cực, không tham gia các liên minh quân sự, ủng hộ và thúc đẩy các hoạt động vì hòa bình, giải trừ quân bị, ưu tiên quan hệ với các nước láng giềng (các nước Bắc Âu, các nước Ban - tích), Nga, EU và các nước lớn khác. Phần Lan đã gia nhập EU và đồng tiền chung châu Âu (euro). “Báo cáo về chính sách an ninh, đối ngoại của Phần Lan” (9/2016) với tầm nhìn đến năm 2025 đưa ra 7 mục tiêu ưu tiên: (i) củng cố EU và coi đây là một cộng đồng đảm bảo an ninh đối với Phần Lan; (ii) làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác với Thụy Điển và các quốc gia Nordic; (iii) Mỹ là đối tác quan trọng, có vai trò chủ đạo trong các vấn đề quốc tế và khu vực, có tính sống còn đối với Phần Lan; (iv) xác định tầm quan trọng trong quan hệ với Nga; (v) coi trọng việc đẩy mạnh quan hệ song phương với các nước, các tổ chức quốc tế, khu vực; (vi) NATO là đối tác chủ yếu trong đảm bảo an ninh, ổn định xuyên Đại Tây Dương và châu Âu; (vii) tập trung phối hợp với các đối tác trong xử lý các vấn đề liên quan đến khu vực Bắc Cực.
VI. Chính sách hợp tác phát triển:
Phần Lan luôn coi trọng chính sách viện trợ và hợp tác phát triển, coi đây là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình. Thông qua viện trợ phát triển, Phần Lan hỗ trợ các nước nghèo cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội, qua đó tăng cường thương mại và đầu tư (aid for trade), hướng tới xóa bỏ đói nghèo trên thế giới. Năm 2007, Chính phủ Phần Lan đã thông qua Chương trình Chính sách phát triển mới (Development Policy Programme) với chủ đề Hướng tới một cộng đồng thế giới công bằng và bền vững, mục tiêu là xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững phù hợp với các mục tiêu TNK/LHQ. Phần Lan chủ trương tăng tỉ lệ GDP dành cho viện trợ phát triển từ 0,55% (năm 2010) lên 0,7% (năm 2015). Hiện nay, Phần Lan tập trung vào 7 nước đối tác chính, trong đó 5 nước ở châu Phi (Mozambique, Tanzania, Ethiopia, Zambia và Kenya) và 2 nước ở châu Á (Việt Nam và Nepal).
 .
 

 
QUAN HỆ VIỆT NAM – PHẦN LAN

I.  Chính trị - ngoại giao:
Phần Lan thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngày 25/01/1973. ĐSQ Phần Lan tại Hà Nội được thành lập năm 1974 và Việt Nam mở ĐSQ tại Helsinki vào cuối năm 2005. Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt được hai nước duy trì và phát triển tốt đẹp. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp.
Phía Phần Lan: Tổng thống Tarja Halonen (2/2008), Thủ tướng Matti Vanhanen (11/2009) và dự ASEM 5 (10/2004), Chủ tịch QH Sauli Niinisto (1/2010) và các đoàn cấp Bộ trưởng khác.
Phía Việt Nam: Thủ tướng Phạm Văn Đồng (5/1977), Võ Văn Kiệt (6/1995), Phan Văn Khải (9/1999),  Nguyễn Tấn Dũng (9/2006), Chủ tịch Nguyễn Minh Triết (5/2010) và các đoàn Phó Thủ tướng: Nguyễn Sinh Hùng (2008); Nguyễn Thiện Nhân (2009); Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (4/2010); Hoàng Trung Hải (9/2014); Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (9/2016).
Tiếp xúc bên lề: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb bên lề HN ASEM 10 tại Milan (10/2014); Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila bên lề HN ASEM 11 tại Mông Cổ tháng (7/2016); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Maria Lohela bên lề Hội nghị Thượng đỉnh các nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới (12/2016).

II. Kinh tế - thương mại – đầu tư:
Đây là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của Phần Lan trong quan hệ với Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước liên tục tăng qua các năm. Năm 2016, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 328,1 triệu USD (tăng 1,85% so với 2015), trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Phần Lan đạt 106,6 triệu USD, nhập khẩu đạt 221,5 triệu USD. 5 tháng đầu năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 184,45 triệu USD, trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam đạt 41,79 triệu USD và nhập khẩu từ Phần Lan đạt 142,67 triệu USD.
 Về đầu tư, tính đến hết tháng 5/2017, Phần Lan có 17 dự án có hiệu lực với tổng vốn đăng ký 20,897 triệu USD, đứng thứ 69/119 nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Cho đến nay, chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào đầu tư sang Phần Lan.
III. Hợp tác phát triển:
Về viện trợ: Phần Lan liên tục dành viện trợ không hoàn lại cho ta từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay và không áp đặt các điều kiện chính trị trong chính sách viện trợ. Tổng số tiền viện trợ của Phần Lan cho ta từ trước đến nay khoảng 340 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực cấp thoát nước, xóa đói giảm nghèo, thích ứng với biến đổi khí hậu, lâm nghiệp... Theo chính sách phát triển của Phần Lan trong những năm gần đây và do Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, Phần Lan sẽ không cung cấp thêm viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam nói riêng và các nước khác trên toàn thế giới nói chung, chỉ tiếp tục cung cấp viện trợ để hoàn thành hết các chương trình đang thực hiện. Mặc dù vẫn coi Việt Nam là đối tác hợp tác phát triển lâu dài, Phần Lan đang hướng tới chuyển đổi hình thức hợp tác chỉ dựa vào tài trợ đơn phương sang quan hệ đối tác toàn diện cùng có lợi.
Ngày 23/3/2017, Bộ Ngoại giao Phần Lan đã công bố Chiến lược quốc gia mới về hợp tác phát triển song phương giai đoạn 2016 – 2020 với Việt Nam, được xây dựng trên cơ sở quan hệ hai nước đang trong giai đoạn chuyển đổi, nhằm mục tiêu thay thế dần hợp tác phát triển bằng hợp tác cùng có lợi, dành ưu tiên nhiều hơn cho một số lĩnh vực thế mạnh của Phần Lan gồm cung cấp nước sạch và an toàn, phát triển công nghiệp rừng, công nghệ và đổi mới sáng tạo, năng lượng và các giải pháp năng lượng sạch, giáo dục đào tạo, y tế.
Về tín dụng ưu đãi: Chương trình tín dụng ưu đãi của Phần Lan tại Việt Nam được thực hiện từ năm 2003 đến nay, với tổng cộng 20 dự án đã ký Hiệp định vay, tổng giá trị khoảng 150 triệu EUR, tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu như y tế, điện lực, cấp nước, thoát nước, xử lý rác, phòng cháy chữa cháy. Từ năm 2014, phía Phần Lan đã thông báo sẽ ngừng chương trình tín dụng ưu đãi, chỉ xem xét tài trợ trong danh sách các dự án đã nộp đề xuất tài trợ. Hiện nay, Chính phủ nhiệm kỳ mới của Phần Lan đã thông báo chủ trương mở lại chương trình tín dụng ưu đãi với tên gọi mới là Public Investment Facility (PIF) – Công cụ Đầu tư Công.
 IV. Các lĩnh vực khác:
1. Giáo dục – Đào tạo
- Ngày 05/02/2009 Bộ GD&ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục Phần Lan đã ký kết MOU về hợp tác giáo dục. Theo đó, Phần Lan sẽ giúp Việt Nam đào tạo tiến sĩ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, y tế, môi trường, lâm ngư nghiệp...
- Hai bên hiện đang triển khai thực hiện 03 chương trình liên kết đào tạo với các trường Phần Lan gồm Học viện Hành chính quốc gia với trường ĐH Tempere, Trường ĐH Kinh tế TPHCM và Đại học Tempere, ĐH Bách Khoa Hà Nội và trường ĐH Ứng dụng Lhati.
- Hiện có khoảng 700 sinh viên Việt Nam sang Phần Lan du học tự túc, chủ yếu học ngành quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin và du lịch.
2. Khoa học – Công nghệ:
Hai nước đã ký MOU về hợp tác KHCN Việt Nam – Phần Lan ngày 5/6/1995 tại Helsinki và thành lập Tiểu ban KHCN thuộc Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế, công nghiệp, khoa học, công nghệ và thương mại Việt Nam – Phần Lan. Trong giai đoạn từ 2008 đến nay, hai nước đã ký chính thức Hiệp định khung Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan” (IPP I) với tổng số  viện trợ không hoàn lại là 6,384,900 Euro trong ba năm 2009-2012. IPP II được bắt đầu thực hiện từ tháng 3/2014 và sẽ kết thúc vào tháng 2/2018 với kinh phí là 11 triệu Euro, trong đó 90% kinh phí từ Phần Lan và 10% vốn đối ứng của Việt Nam.
Ngày 08/3/2016, Bộ KHCN và Quỹ Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Tekes Phần Lan đã ký MOU nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực KHCN. Hiện nay, Chương trình BEAM Việt Nam với Tekes đang được tích cực trao đổi và triển khai, nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp và viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức phi chính phủ... có thể liên kết hợp tác nghiên cứu chung, phát triển sản phẩm tiêu thụ trên thị trường Việt Nam và Phần Lan.
3. Tài nguyên và Môi trường:
Năm 2010, Chính phủ Phần Lan thông qua Viện Khí tượng Phần Lan đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam khoản kinh phí khoảng 500.000 euro để thực hiện Dự án “Hỗ trợ hiện đại hóa phục vụ khí tượng thủy văn tại Việt Nam” từ năm 2010 đến năm 2012. Năm 2011, Chính phủ Phần Lan thông qua Cục Địa chất Phần Lan viện trợ không hoàn lại cho VN khoản kinh phí 350.000 euro để Dự án “Phát triển và thực hiện các chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu tại các vùng ven biển Việt Nam” (VIETADAPT) (từ 11/2011 đến 12/2013) nhằm tăng cường năng lực và hỗ trợ thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu”. Năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất Dự án “Nâng cấp khả năng đo mưa, bão và giông sét của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia” đăng ký tham gia Chương trình tín dụng ưu đãi cho các hoạt động về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu của Phần Lan với các khoản vay 0% trong 10 năm kết hợp với các khoản viện trợ không hoàn lại từ 17-17,5% giá trị khoản vay. Hiện hai bên đang triển khai thực hiện các nội dung của Dự án.
4. Xây dựng:
Giai đoạn 1985-2001, Phần Lan đã hỗ trợ Chương trình Cấp nước Hà Nội, thực hiện trong 4 giai đoạn với tổng vốn viện trợ 84 triệu euro. Giai đoạn 1990-2004, Phần Lan hỗ trợ Chương trình Cấp nước và Vệ sinh Hải Phòng với tổng vốn viện trợ 24 triệu euro, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ kỹ thuật cho Hà Nội và Hải Phòng; phát triển năng lực cho các Bộ, ngành liên quan; hỗ trợ xây dựng cơ chế chính sách phục vụ công tác quản lý trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật.
Giai đoạn 2004-2016, Chính phủ Phần Lan hỗ trợ Bộ Xây dựng Chương trình Nước và Vệ sinh tại các Thị trấn nhỏ ở Việt Nam (WSPST) với tổng viện trợ 35 triệu euro, hỗ trợ 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam (Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Cao Bằng, Bắc Cạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái) 22 dự án cấp nước và 19 dự án thoát nước. Năm 2016, WSPST hỗ trợ Bộ Xây dựng trong biên soạn Hướng dẫn lập dự toán vận hành, bảo dưỡng công trình cấp thoát nước; hỗ trợ Chương trình quốc gia về chống thất thoát, thất thu nước sạch; xây dựng Dự thảo Luật Cấp nước.
5. Năng lượng
Ngày 17/8/2010, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao Phần Lan đã tiến hành ký MOU về hợp tác trong Chương trình Đối tác Năng lượng và Môi trường dành cho khu vực Mê Kông (EEP Mekong). EEP Mekong (2009-2012) giúp tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ năng lượng tái tạo (RE) và công nghệ năng lượng tái tạo (RET) tại các khu vực nông thôn, tập trung hướng tới đối tượng dân tộc thiểu số và phụ nữ nông thôn nghèo; đẩy mạnh phát triển đầu tư vào RE và RET; phát triển dự án và đầu tư vào hiệu quả năng lượng; tăng cường nhận thức và các công cụ để hỗ trợ phát triển dự án RE và xây dựng khung pháp lý và chính sách liên quan; và tăng khả năng tiếp cận thông tin và nguồn tài chính cho phát triển RE và RET. Ngân sách của Chương trình – 7,9 triệu Euro – do Bộ Ngoại giao Phần Lan và Quỹ Phát triển Bắc Âu (NDF) tài trợ. Hiện tại có 09 dự án được Chương trình EEP-Mekong chấp nhận tài trợ tại Việt Nam.
VI. Cộng đồng người Việt ở sở tại:
Cộng đồng người Việt tại Phần Lan có khoảng trên 5.000 người, một nửa số đó đã nhập quốc tịch Phần Lan, số còn lại được cấp cư trú lâu dài, hầu hết chăm chỉ làm ăn, tuân thủ luật pháp nước sở tại, hòa nhập tốt với xã hội. Hội người Việt tại Phần Lan được thành lập vào tháng 6/2007, có nhiều hoạt động thiết thực như sinh hoạt văn  hóa, dạy tiếng Việt, hỗ trợ tư vấn pháp lý, làm từ thiện, hướng về nguồn,… Hội sinh viên, thanh niên Việt Nam tại Phần Lan được thành lập ngày 01/11/2008 bao gồm các sinh viên du học, thanh niên, sinh viên Việt kiều tại Phần Lan.

VII. Các hiệp định đã ký giữa hai nước:
1.  Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư ký 21/2/2008
2. Hiệp định về hỗ trợ tài chính cho Quỹ Ủy thác ngành Lâm nghiệp ký 21/2/2008
3. Hiệp định về dự án hỗ trợ kỹ thuật quản lý chương trình 135 giai đoạn II ký 12/6/2008
4. Bản Ghi nhớ về hợp tác giáo dục-đào tạo ký 05/2/2009
5. Hiệp định về hợp tác trong chương trình nước và vệ sinh tại các thị trấn ở VN giai đoạn II ký 20/8/2009
6. Bản Ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực chính sách lao động và công nghiệp ký 16/11/2009
7. Bổ sung Hiệp định về việc Phần Lan ủng hộ tài trợ cho chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi cực kỳ khó khăn giai đoạn 2007-2010, ký 20/5/2010.
8. Hiệp định Đối tác đổi mới sáng tạo – IPP ký ngày 23/7/2009
9. Thỏa thuận về Hợp tác phát triển ngành lâm nghiệp tại Việt Nam ký ngày 13/1/2010
10.  Hiệp định khung về các dự án được tài trợ theo chương trình tín dụng ưu đãi
11.  Hiệp định phòng chống tội phạm có tổ chức
12.  Hiệp định vận chuyển hàng không Việt Nam – Phần Lan (ký 20/10/2014)
13.  Biên bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực Khoa học – công nghệ (ký 08/3/2016).
14. Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổ chức An toàn thông tin Phần Lan (FISC) và Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA), Tập đoàn Công nghệ CMC và Công ty An ninh mạng Việt Nam (ký 07/3/2016).

 
 (Cập nhật: tháng 7/2017)


 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer