TÀI LIỆU CƠ BẢN CỘNG HÒA SÉC
TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ CỘNG HÒA SÉC
VÀ QUAN HỆ VIỆT NAM - SÉC
I. Thông tin cơ bản
- Tên nước: Cộng hòa Séc (The Czech Republic)
- Thủ đô: Pra-ha (khoảng 1,28 triệu dân)
- Ngày Quốc khánh: 28/10/1918
- Vị trí địa lý: nằm ở Trung Âu, Đông giáp Xlô-va-ki-a (265km), Nam giáp Áo (452km), Bắc giáp Ba Lan (779km), Bắc và Tây giáp Đức (810km).
- Diện tích: 79.000 km2
- Khí hậu: Ôn đới lục địa
- Dân số: 10,6 triệu; 73% sống ở thành thị; tỷ lệ tăng dân số: -0,15%; tuổi thọ trung bình: 77,6 tuổi; phân bổ lao động theo lĩnh vực: nông nghiệp 3,1%; công nghiệp 38,6%; dịch vụ 58,3% (2018).
- Dân tộc: 81,3% là người Séc, 13,2,% là người Mô-ra-vi, 3% là người Xlô-vác, 0,6% là người Ba Lan, 0,5% là người Đức, 0,3% là người Di gan.
- Ngôn ngữ: Tiếng Séc
- Tôn giáo: Công giáo chiếm tỉ lệ 26,8%, Tin lành chiếm tỉ lệ 2,1%.
- Cơ cấu hành chính: Cộng hòa Séc được chia thành 13 khu vực và một thành phố thủ đô.
- Đơn vị tiền tệ: Korun; 1$=22,6 Korun (2019)
- GDP: 182,5 tỷ USD (2018); tỷ trọng các ngành trong GDP: nông nghiệp 2,3%; công nghiệp 38%; dịch vụ 59,7%.
- GDP đầu người: 20.368 USD (2018)
- Lãnh đạo chủ chốt:
o Tổng thống: Mi-lô-xơ Dê-man (MILOS ZEMAN; nhậm chức tháng 3/2013, tái đắc cử tháng 1/2018).
o Thủ tướng: An-đờ-rây Ba-bít (ANDREJ BABIS; nhậm chức 6/12/2017)
o Chủ tịch Thượng viện: Ia-rô-xờ-láp Cu-bê-ra (Jaroslav Kubera; được bầu tháng 11/2018).
o Chủ tịch Hạ viện: Ra-đếch Vôn-đờ-ra-chếch (RADEK VONDRACEK; được bầu 22/11/2017).
o Bộ trưởng Ngoại giao: Tô-mát Pê-tờ-ri-chếch (Tomas Petricek, Bộ Ngoại giao, bổ nhiệm tháng 6/2018).
II. Khái quát lịch sử
Tổ tiên của người Séc là các bộ tộc Bô-hê-mia và Mô-ra-vi-a thuộc chủng Xla-vơ, di cư đến Séc vào khoảng thế kỉ 6. Nửa đầu thế kỷ thứ 9, đế chế Đại Mô-ra-vi, nhà nước đầu tiên của người Séc và Xlô-va-ki-a ra đời. Đế chế này sụp đổ vào thế kỷ thứ 10, vùng Xlô-va-ki-a bị phong kiến Hung-ga-ri chiếm, vùng Séc trở thành trung tâm của quá trình hình thành nhà nước độc lập sau này. Từ giữa thế kỷ 12 đến cuối thế kỷ 14 là giai đoạn phồn thịnh của quốc gia phong kiến Séc, trong đó có triều đại vua Sác IV nổi tiếng đã đưa đất nước trở nên hùng mạnh. Vào thế kỉ 15, một cuộc chiến tranh tôn giáo đẫm máu đã diễn ra tại Séc làm đất nước suy yếu (lịch sử gọi là cuộc chiến tranh Hu-xít-tê). Năm 1526, Séc bị sáp nhập vào đế chế Háp-xbuốc (Áo). Vào thế kỉ 19, nước Pháp dưới thời Vua Na-pô-lê-ông I đã kích thích tinh thần phục hưng dân tộc của người Séc. Năm 1867, nhà nước Áo-Hung được thành lập, trong đó Séc nằm trong tầm ảnh hưởng của Áo. Sau khi Thế chiến I kết thúc với sự sụp đổ của đế chế Áo-Hung, ngày 28/10/1918, Cộng hòa Tiệp Khắc (gồm Séc và Xlô-va-ki-a) tuyên bố độc lập. Hiệp ước Xanh Giéc-manh ký năm 1919 đã chính thức công nhận nền cộng hòa của Tiệp Khắc. Trong Chiến tranh thế giới thứ II, Tiệp Khắc bị phát-xít Đức chiếm đóng. Sau khi Thế chiến II kết thúc, Đảng Cộng sản Tiệp Khắc chính thức cầm quyền năm 1948. Năm 1989, cuộc “Cách mạng Nhung” lật đổ Nhà nước XHCN tại Tiệp Khắc đã diễn ra một cách hòa bình. Năm 1993, Séc và Xlô-va-ki-a tách ra thành hai quốc gia mới là Cộng hòa Séc và Cộng hòa Xlô-va-ki-a. Séc đã chính thức gia nhập NATO tháng 3/1999 và EU tháng 5/2004.
III. Thể chế Nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị
Cộng hòa Séc theo mô hình nhà nước cộng hòa nghị viện – Tổng thống. Tổng thống được dân bầu trực tiếp với nhiệm kỳ 5 năm, không được tại vị quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Tổng thống có quyền dừng thông qua các đạo luật hoặc giải tán Quốc hội trong những trường hợp đặc biệt.
Quốc hội lưỡng viện bao gồm Thượng viện và Hạ viện. Thượng viện gồm 81 ghế (nhiệm kỳ 6 năm, cứ 2 năm bầu lại 1/3 số thượng nghị sĩ). Hạ viện gồm 200 ghế (nhiệm kỳ 4 năm).
Thủ tướng và nội các Chính phủ do Tổng thống bổ nhiệm và phải được Hạ viện thông qua.
Trong cuộc bầu cử Hạ viện Séc vào ngày 20-21/10/2017, có 9 đảng được bầu vào Hạ viện với trên 5% tổng số phiếu là: Phong trào ANO (trung hữu): 29,64% phiếu bầu (78 ghế), Đảng Dân chủ Công dân ODS (cánh hữu): 11,32% phiếu bầu (25 ghế), Đảng cướp biển PIRATI (ôn hòa): 10,79% phiếu bầu (22 ghế), Đảng Đảng Tự do và Dân chủ SPD (cực hữu): 10,64% phiếu bầu (22 ghế), Đảng Cộng sản Séc-Morava KSCM (cánh tả): 7,76% phiếu bầu (15 ghế), Đảng Dân chủ Xã hội CSSD (trung tả): 7,27% phiếu bầu (15 ghế), Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo KDU-CSL (trung hữu): 5,80 % phiếu bầu (10 ghế), Đảng TOP 09 (trung hữu): 5,31% phiếu bầu (7 ghế), Phong trào STAN (trung hữu): 5,18% phiếu bầu (6 ghế).
IV. Giới thiệu về kinh tế
Séc là quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh và ổn định ở Đông Âu. Vốn có sẵn những cơ sở công nghiệp từ thế kỉ 19, nền công nghiệp Séc có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển. Các ngành công nghiệp chính là sản xuất ô tô, luyện kim, khai mỏ, chế tạo máy, thiết bị điện tử, phương tiện giao thông, hóa dầu, xây dựng nhà máy nhiệt điện và thủy điện, sản xuất đầu máy xe lửa, xử lý môi trường, dệt may, hóa chất, dược phẩm, thiết bị y tế, chế biến thực phẩm, gốm sứ, bia và pha lê.
Từ năm 1990, Séc tập trung mở cửa, tư nhân hoá và cơ cấu lại nền kinh tế. Thời kỳ 1993-1996, kinh tế tăng trưởng khá (GDP năm 1996 tăng 4,8%). Giai đoạn 1997-1999, do tư nhân hoá ồ ạt nhưng chậm thay đổi công nghệ, cơ cấu kinh tế không vững chắc, nguồn lực bị phân tán nên kinh tế Séc bị suy thoái. Từ năm 2000, kinh tế Séc bắt đầu hồi phục. Việc Séc gia nhập EU (01/05/2004) đã tạo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư và chuyển đổi cơ cấu. GDP tăng trưởng 3,5-4 %/năm, thu hút khoảng 5 tỷ USD vốn FDI/năm. Giai đoạn 2005-2007, GDP tăng trưởng trung bình 6%/năm. Giai đoạn 2008-2013, Séc bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu và từ năm 2013 đến nay kinh tế phục hồi mạnh nhờ xuất khẩu (GDP năm 2018 đạt 2,8%).
Một số số liệu năm 2018: GDP: 2,8%, Lạm phát: 2,1%, Tỷ lệ thất nghiệp: 3,5%
V. Chính sách đối ngoại
Trọng tâm chính sách đối ngoại của Séc hiện nay là tăng cường hội nhập EU, chú trọng phát triển quan hệ với các nước láng giềng, các nước trong nhóm Visegrad V4, các nước lớn trong EU. Là đồng minh của Mỹ, Séc chú trọng quan hệ với Mỹ. Tại châu Á, Séc ưu tiên quan hệ với các nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và một số nước bạn truyền thống, trong đó có Việt Nam.
Hiện Séc là thành viên của các tổ chức quốc tế như: BSEC (quan sát viên), CE, CEI, EBRD, EU, FAO, IAEA, IBRD, ICAO, IFC, ILO, IMF, Interpol, IPU, ISO, ITU, NATO, OECD, OIF (quan sát viên), OSCE, Schengen, UN, UNCTAD, UNESCO, UNIDO, UPU, WHO, WIPO, WMO, WTO…
QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
I . QUAN HỆ CHÍNH TRỊ
Hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 02/02/1950. Đối với Việt Nam, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao cho đến nay, Séc luôn thực hiện chính sách phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam trên mọi lĩnh vực.
Tình hình trao đổi đoàn:
Năm |
Đoàn ra |
Đoàn vào |
1994 |
Phó Thủ tướng Trần Đức Lương |
Chủ tịch Quốc hội Uhde (4/1994) |
1995 |
Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh |
|
1997 |
Thủ tướng Võ Văn Kiệt |
|
1998 |
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm |
|
1999 |
|
Thủ tướng Milos Zeman (12/1999) |
2003 |
|
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Svoboda (3/2003) |
2006 |
|
- Chủ tịch Hạ viện Zaoralek (2/2006) - Tổng thống Klaus (10/2006) |
2007 |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (9/2007) |
|
2008 |
|
Thủ tướng Topolanek (3/2008) |
2009 |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (4/2009) |
|
2010 |
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm (9/2010) |
|
2011 |
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng (2/2011) |
|
2012 |
|
- Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Karel Schwarzenberg (3/2012) - Bộ trưởng Quốc phòng Alexandr Vondra (27-29/3/2012) |
2013 |
- Ủy viên Bộ Chính trị Ngô Văn Dụ (02/2013) - Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng (8/2013) - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa (10/2013) - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị (11/2013) |
- Bộ trưởng Công thương Martin Kuba (01/2013) - Phó Chủ tịch Thượng viện Miluse Horska (27/10 - 01/11/2013) |
2014 |
- Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh (6/2014) - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (7/2014) - Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang (7/2014) - Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Dân vận TW Hà Thị Khiết (10/8-20/8/2014) - Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (9/2014) - Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường (9/2014) |
- Phó Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch đảng Cộng sản Séc Mô-ra-va Vojtech Filip (2014) - Bộ trưởng Bộ Công thương I-an Mờ-la-đếch (5/2014) - Tổng tham mưu trưởng quân đội Séc Pi-ốt Pa-ven (8/2014) |
2015 |
- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (5/2015) |
- Bộ trưởng Ngoại giao Lubomir Zaoralek (10/2015) - Chủ tịch Thượng viện Séc Milan Stech (11/2016) |
2016 |
- Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Ngọc Thiện (6/2016) - Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (6/2016) - Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai (9/2016) |
- Phó Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch đảng Cộng sản Séc Mô-ra-va Vojtech Filip (10/2016)
|
2017 |
- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (4/2017) |
- Tổng thống Milos Zeman (6/2017)
|
2018 |
|
- Phó Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch đảng Cộng sản Séc Mô-ra-va Vojtech Filip (6/2018) |
2019 |
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (4/2019) |
|
II. QUAN HỆ HỢP TÁC KINH TẾ
1. Thương mại
Thương mại giữa hai nước những năm gần đây có tăng trưởng nhưng còn khiêm tốn so với tiềm năng. Việt Nam xuất khẩu sang Séc các mặt hàng như: cà phê, hạt tiêu, hoa quả tươi - khô, lạc, chè, gạo, cao su, hải sản, giày dép, hàng dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ, linh kiện vi tính… Việt Nam nhập khẩu từ Séc: hàng điện tử, máy móc, hóa chất, hàng may mặc, sợi dệt vải, hàng da, máy móc thiết bị, sữa và các sản phẩm từ sữa, dược phẩm, các sản phẩm cơ khí, chất dẻo, sản phẩm thuỷ tinh…
Năm 1998, Uỷ ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước được thành lập và năm 2001 đã họp khoá 3 tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi Séc gia nhập EU, hai bên đã thành lập mới Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế dựa trên Hiệp định Hợp tác kinh tế ký năm 2006.
Năm 2012, Séc công bố Chiến lược xuất khẩu quốc gia 2012-2020, trong đó đưa Việt Nam vào danh sách 12 thị trường ưu tiên (nước duy nhất trong ASEAN).
Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam – CH Séc
Đơn vị : Triệu USD
Năm |
2011 |
2012 |
2013 |
2014 |
2015 |
2016 |
2017 |
2018 |
VN xuất |
183,20 |
180,05 |
180,72 |
218,83 |
170,96 |
146,18 |
151 |
165 |
VN nhập |
36,56 |
62,06 |
57,86 |
75,54 |
77,38 |
103,69 |
107 |
142 |
Kim ngạch |
219,77 |
242,11 |
238,58 |
294,37 |
248,34 |
249,87 |
258 |
307 |
(Nguồn : Tổng Cục Hải quan Việt Nam)
2. Đầu tư: Tính đến nay, Séc có 38 dự án đầu tư vào Việt Nam, đứng thứ 42 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký 90 triệu USD, tập trung vào các các lĩnh vực bất động sản, bia, thiết bị điện, vật liệu xây dựng... Các lĩnh vực hợp tác đầu tư có thế mạnh của Séc là năng lượng, đầu máy - toa xe lửa, xe buýt, tàu điện, máy nông nghiệp, thiết bị tưới tiêu.
III. HỢP TÁC PHÁT TRIỂN
Séc thường xuyên tham gia các Hội nghị
quốc tế tài trợ cho Việt Nam và là nước Đông Âu đầu tiên liên tục cấp ODA cho Việt Nam, tới nay khoảng 18 triệu
USD. Năm 1994 cấp 14 triệu USD hỗ trợ đào tạo và việc làm cho lao động Việt Nam
ở Séc về nước; năm 1995 cấp 1,7 triệu USD để xây dựng Trung tâm chỉnh hình cho
trẻ em tàn tật ở Bắc Thái (đi vào hoạt động từ 5/1999); tiếp tục trợ giúp hiện
đại hoá Bệnh viện Việt - Tiệp tại Hải Phòng (800 ngàn USD), Trung tâm đào tạo
kỹ thuật giày da ở Hải phòng (700 ngàn USD). Năm 2003, Chính phủ Séc viện trợ
không hoàn lại cho Việt Nam 700 ngàn USD để thực hiện dự án chế biến phân vi
sinh tại Hải Dương. Năm 2007, Séc viện trợ cho ta 2,1 triệu USD và năm 2008 cam
kết viện trợ 2,8 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực y tế và môi trường.
IV. GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
Từ năm 1999 đến 2014, Chính phủ Séc đã cấp nhiều học bổng cho sinh viên và nghiên cứu sinh của ta sang Séc học tập (4-5 suất học bổng/1 năm). Hai bên đang đàm phán ký mới Thỏa thuận hợp tác về giáo dục cho giai đoạn mới.
V. CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI SÉC
Hiện có hơn 65.000 người Việt Nam sinh sống tại Séc. Về cơ bản, chính quyền Séc tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt cư trú, kinh doanh theo pháp luật. Ngày 03/07/2013, Chính phủ Séc đã quyết định bổ sung đại diện người Séc gốc Việt vào Hội đồng Dân tộc thiểu số, qua đó công nhận sự tồn tại của người Séc gốc Việt như một dân tộc thiểu số tại Séc.
VI. CÁC HIỆP ĐỊNH KHUNG ĐÃ KÝ GIỮA HAI NƯỚC
- Hiệp định về tránh đánh thuế trùng (ký năm 2004)
- Hiệp định về hợp tác kinh tế (ký năm 2006)
- Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư (ký năm 2007)
- Hiệp định về nhận trở lại công dân hai nước (ký năm 2007)
- Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (7/2014)
- Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, thanh niên và thể thao (10/2016)
- Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù (6/2017)
- Hiệp định về hợp tác phòng, chống tội phạm (6/2017)
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |