TÀI LIỆU CƠ BẢN
VƯƠNG QUỐC TÂY BAN NHA
---*---
I. GIỚI THIỆU CHUNG:
Tên nước: Vương Quốc Tây Ban Nha (Kingdom of Spain).
Thủ đô: Ma-đrít (Madrid).
Diện tích: 504.782 km2.
Khí hậu: Khu vực sâu trong nội địa có khí hậu khô và nóng vào mùa hè, lạnh vào mùa đông; các khu vực giáp biển có khí hậu ôn hòa vào mùa hè và lạnh vào mùa đông.
Tài nguyên thiên nhiên dầu mỏ, các loại khoáng sản như sắt, kẽm, urani, ma giê...
GDP: 1.387,87 tỷ USD (2015, số liệu của IMF).
GDP đầu người: 30.107 USD/năm (2015).
Đơn vị tiền tệ: Eu-ro (Euro).
Dân số: 47,2 triệu (2015).
Dân tộc: người Tây Ban Nha khoảng 88%, còn lại là các nhóm dân nhập cư từ Mỹ La tinh, Đông Âu, Bắc Phi, Tây Phi, Trung Đông và Châu Á.
Tôn giáo: Công giáo khoảng 76%, ngoài ra còn có Tin Lành, Hồi giáo và các tín ngưỡng ngoại lai khác.
Ngôn ngữ: Ngôn ngữ chính tiếng Tây Ban Nha (74%), các ngôn ngữ địa phương gồm tiếng Ca-ta-lăng 17%, Ga-li-ci-a 7%, Bát-xơ- kơ 2%.
Ngày Quốc khánh:
12/10 (được gọi là Ngày văn hóa Tây Ban Nha, lấy theo ngày Cơ-rít-tô-phơ Cô-lôm-bô đặt chân đến Châu Mỹ 12/10/1492).
Cơ cấu hành chính: 17 Cộng đồng tự trị và 2 thành phố tự trị (Ceuta và Melilla).
Lãnh đạo chủ chốt: - Nhà Vua Phe-lip-pê VI (Felipe VI, lên ngôi ngày 19/6/2014);
- Chính phủ tạm quyền (sau cuộc bầu cử vào ngày 20/12/2015 nhưng các Đảng chưa đạt được thỏa thuận để thành lập Chính phủ mới. Ngày 03/5/2016, Nhà Vua đã ký Sắc lệnh giải tán Quốc hội và tổ chức lại bầu cử vào ngày 26/6/2016)
- Thủ tướng Ma-ri-a-nô Ra-doi (Mariano Rajoy) nhiệm kỳ 12/2011 - 12/2015;
- Ngoại trưởng Hô-xê Ma-nu-en Gát-xi-a Ma-ga-giô (José Manuel García-Margallo từ 12/2011);
- Chủ tịch Thượng viện Pi-ô Gát-xi-a Et-cu-đê-rô Ma-kê (Pio García-Escudero Márquez từ 12/2011);
- Chủ tịch Hạ viện Giê-su Pô-sa-đa (Jesús Posada từ 12/2011).
II. KHÁI QUÁT LỊCH SỬ:
- Sau khi Cơ-rít-tô-phơ Cô-lôm-bô đặt chân đến Châu Mỹ vào năm 1492 và nhờ sự phát triển của ngành hàng hải, Tây Ban Nha trở thành một trong những đế quốc hùng mạnh nhất tại Châu Âu, xâm chiếm nhiều thuộc địa và có ảnh hưởng rộng lớn ở khu vực Mỹ La Tinh, Châu Phi và Châu Á.
- Đến thế kỷ 19, cùng với sự bùng nổ của phong trào đấu tranh đòi độc lập của nhiều nước thuộc địa tại Tây bán cầu, cũng như việc tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Tây Ban Nha tại đây, vị thế của Tây Ban Nha ngày càng suy yếu.
- Năm 1873, nền Cộng hoà chuyên chế đầu tiên được thành lập và được duy trì đến năm 1931. Thời kỳ này nền chính trị Tây Ban Nha có xáo trộn lớn và phân cực giữa các phe phái, đỉnh điểm là việc Đảng cánh tả thắng cử năm 1936 dẫn đến cuộc nội chiến kéo dài ba năm (1936-1939). Từ năm 1939-1975, Tướng Phờ-răng-cô thiết lập chế độ độc tài phát xít hơn 35 năm tiếp theo.
- Năm 1975, Tướng Franco qua đời, Tây Ban Nha thiết lập lại chế độ Quân chủ lập hiến với việc Hoàng tử Juan Carlos I được đề nghị làm Vua Tây Ban Nha.
- Ngày 01/6/2014, Nhà Vua Juan Carlos I thoái vị, nhường ngôi cho Thái tử Felipe.
- Ngày 19/6/2014, Thái tử Felipe lên ngôi vua lấy hiệu là Felipe VI.
III. THỂ CHẾ NHÀ NƯỚC, CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ, LÃNH ĐẠO CHỦ CHỐT:
- Thể chế nhà nước: Tây Ban Nha theo hệ thống chính trị Quân chủ lập hiến và Nhà Vua là Nguyên thủ Quốc gia. Trên thực tế, Nhà Vua chỉ có ý nghĩa tượng trưng, không có thực quyền.
- Cơ quan hành pháp: Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ, là lãnh đạo của Đảng chiếm đa số tại Hạ viện. Trên thực tế, Thủ tướng là người có nhiều quyền hành nhất tại Tây Ban Nha, có thẩm quyền đưa ra chính sách kinh tế, xã hội, đối ngoại dựa trên các nguyên tắc của Hiến pháp, có quyền đề cử và bãi nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng. Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2015 có Thủ tướng, 01 Phó Thủ tướng và 12 Bộ trưởng.
- Cơ quan lập pháp: Quốc hội Tây Ban Nha có 2 Viện gồm Thượng viện và Hạ viện - nhiệm kỳ 4 năm.
+ Thượng viện: gồm 259 Thượng nghị sỹ, trong đó 208 ghế được nhân dân bầu và 51 ghế được chỉ định bởi cơ quan lập pháp địa phương. Bầu cử Thượng viện gần đây nhất diễn ra ngày 20/11/2011, theo đó Đảng Nhân Dân PP (Đảng trung hữu) chiếm 136/208 ghế (tăng 35 ghế so với năm 2008); Đảng PSOE (Đảng trung tả) được 48/208 ghế (giảm 40 ghế); 5 đảng nhỏ khác được 24 ghế.
+ Hạ viện: gồm 350 nghị sỹ, là Cơ quan lập pháp quan trọng nhất của Quốc hội, có chức năng chính là thông qua các đạo luật, các chủ trương, chính sách lớn về kinh tế, xã hội, chính trị, đối nội và đối ngoại, giám sát hoạt động của Chính phủ. Bầu cử Hạ viện gần đây nhất diễn ra ngày 20/11/2011, theo đó Đảng Nhân dân PP giành được 44,6% phiếu bầu (186/350 ghế), tăng 4,6% so với cuộc bầu cử năm 2008; Đảng Công nhân xã hội PSOE về thứ 2 với 28,7% phiếu (110 ghế), giảm 15,1%; Đảng Đảng Liên minh Hội tương đồng Ca-ta-lô-ni-a CiU được 4,2% phiếu (16 ghế, tăng 6 ghế); Đảng Liên minh cánh hữu được 6,9% phiếu (11 ghế, tăng 9 ghế) và 9 đảng nhỏ khác được 27 ghế còn lại.
- Các đảng phái chính trị tại Tây Ban Nha: tại Tây Ban Nha có nhiều Đảng, tuy nhiên, từ năm 1979 đến nay chỉ có 2 Đảng lớn thay nhau cầm quyền là Đảng Nhân Dân PP và Đảng Công nhân Xã hội Tây Ban Nha PSOE.
- Các chính quyền địa phương: Tây Ban Nha có 17 vùng và 2 thành phố có quyền tự trị theo Hiến pháp năm 1978. Năm 1979, các cuộc bầu cử tự trị đầu tiên được tiến hành tại Xứ Bát- xơ- kơ và Vùng Ca-ta-lăng (đây là hai vùng có truyền thống lịch sử lâu đời và ngôn ngữ riêng). Hiện Chính quyền trung ương vẫn đang tiếp tục giao quyền cho các chính quyền địa phương, đặc biệt trong các vấn đề xã hội, y tế và giáo dục.
IV. GIỚI THIỆU VỀ KINH TẾ:
- Những năm gần đây, Tây Ban Nha luôn đứng trong số 12 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các ngành kinh tế mũi nhọn của Tây Ban Nha gồm xây dựng, hạ tầng, năng lượng, viễn thông, chế tạo máy, tài chính ngân hàng. Ngoài ra, các ngành chế biến thực phẩm như thịt nguội, rượu vang, dầu ô liu cũng rất phát triển. Đặc biệt, ngành du lịch có vai trò lớn đối với kinh tế Tây Ban Nha (chiếm khoảng 12% GDP). Năm 2013, Tây Ban Nha thu hút 60,6 triệu khách du lịch, đứng thứ 3 trong danh sách các nước thu hút nhiều du lịch trên thế giới, sau Pháp và Mỹ.
- Hiện tại, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công, Tây Ban Nha là một trong các nước EU chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Chính phủ Tây Ban Nha đã phải thông quan nhiều biện pháp khắc khổ, tăng thu giảm chi như thông qua kế hoạch giảm chi 50 tỷ Euro trong 3 năm 2010 – 2012 (tháng 2/2010), giảm lương công chức, không tăng lương hưu năm 2011, giảm 6 tỷ Euro đầu tư công và 600 triệu Euro vốn ODA, thông qua luật lao động mới...
- Năm 2013, nợ công Tây Ban Nha lên mức kỷ lục (961 tỷ Euro), tương đương 94% GDP, tỷ lệ thất nghiệp cao với mức 26,4%. Năm 2014, tăng trưởng GDP đạt 0,9%.
- Một số chỉ số kinh tế khác:
+ Cơ cấu kinh tế: dịch vụ 71.5%, công nghiệp 25.5%, nông nghiệp 3%.
+ Thương mại: xuất khẩu (2013) đạt 293,8 tỷ USD với các đối tác chính như Pháp, Đức, Bồ Đào Nha, Italia và Anh. Nhập khẩu (2013) đạt 361,2 tỷ USD từ các đối tác chính gồm Đức, Pháp, Itali, Trung Quốc. Tây Ban Nha xuất khẩu chủ yếu máy móc, động cơ, thực phẩm, dược phẩm và nhập khẩu nguyên liệu, nhiên liệu, máy móc, thiết bị y tế và thực phẩm từ các đối tác nêu trên.
- Một số công ty lớn của Tây Ban Nha: Grupo Santander (tài chính, ngân hàng), Repsol YPF (dầu khí), BBVA (tài chính, ngân hàng), Inditex (thời trang), El Corte Ingles (bán lẻ), SEAT (ô tô), FAGOR (đồ gia dụng), ACS (xây dựng), FEROVIAL (xây dựng)…
- Chính sách ODA: Viện trợ phát triển của Tây Ban Nha tập trung vào các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, y tế và giáo dục. Hàng năm, Tây Ban Nha dành khoảng 0,45% GDP cung cấp ODA cho các nước đang phát triển, chủ yếu là các nước Mỹ - Latinh, Châu Phi. Tại Châu Á, Việt Nam và Phi-líp-pin là 2 nước Tây Ban Nha ưu tiên cấp viện trợ pháp triển. Tây Ban Nha theo đuổi chính sách tiếp tục nâng ODA cho các nước đang phát triển từ mức hiện nay lên 0,7% GDP vào năm 2015.
V. CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI:
- Tây Ban Nha tự đánh giá là “Cường quốc bậc trung”, là nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới, có ảnh hưởng nhất định trong với các vấn đề quốc tế, vì vậy CSĐN giai đoạn 2013-2016 nhằm mục tiêu duy trì và nâng cao vị thế. Để thực hiện mục tiêu đề ra, Tây Ban Nha chú trọng các hoạt động đa phương, thúc đẩy cải cách Liên hợp quốc, tham gia quá trình đưa ra quyết định trong các tổ chức quốc tế và đa phương. Đặc biệt, với vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (2015-2016), Tây Ban Nha tăng cường các hoạt động của NATO và giải quyết các vấn đề tại khu vực Trung Đông.
- Tây Ban Nha khẳng định lợi ích hàng đầu của Tây Ban Nha là ở châu Âu; chủ trương xây dựng quan hệ tốt với Mỹ; duy trì quan hệ truyền thống với Mỹ-Latinh và thúc đẩy quan hệ EU - Mỹ La-tinh; chủ động đóng góp nhằm giảm căng thẳng giữa các nước, phối hợp với EU tìm kiếm giải pháp hoà bình bền vững cho khu vực Trung Đông. Với châu Á, Tây Ban Nha đã đề ra Kế hoạch Châu Á-Thái Bình Dương 2013-2016, khẳng định đây là một trung tâm quan trọng của thế giới trong thế kỷ XXI mà nước này phải tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng. Với châu Phi, Tây Ban Nha chủ trương thông qua EU đẩy mạnh quan hệ, hỗ trợ các nước châu Phi trong vấn đề xoá đói giảm nghèo, xây dựng dân chủ và nhà nước pháp quyền.
- Tây Ban Nha đang tích cực tham gia G20 với tư cách khách mời thường trực nhằm có đóng góp trong vấn đề cải cách hệ thống kinh tế, tài chính toàn cầu, từng bước thể hiện vai trò của một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới.
- Tây Ban Nha là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Liên minh Châu Âu (EU), Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE)./.
QUAN HỆ VIỆT NAM - TÂY BAN NHA
I. QUAN HỆ CHÍNH TRỊ:
- Việt Nam và Tây Ban Nha thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/5/1977.
- Tây Ban Nha mở Đại sứ quán tại Việt Nam vào tháng 11/1997 và Việt Nam mở Đại sứ quán tại Tây Ban Nha vào tháng 6/2002.
- Trong chuyến thăm Tây Ban Nha của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tháng 12 năm 2009, hai bên đã thiết lập quan hệ “Đối tác chiến lược hướng tới tương lai”, khẳng định quyết tâm đẩy mạnh quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong thời gian tới.
- Tháng 6/2012: hai nước vừa tổ chức kỷ niệm 35 năm ngày TLQHNG với hàng loạt các hoạt động chính trị và kinh tế tại Tây Ban Nha và Việt Nam.
- Tháng 01/2014: Tây Ban Nha chính thức phê chuẩn Hiệp định Hợp tác và Đối tác toàn diện (PCA) giữa Việt Nam và EU.
* Hợp tác tại các diễn đàn quốc tế: Việt Nam và Tây Ban Nha có quan hệ tốt đẹp, ủng hộ lẫn nhau vào các cơ quan của LHQ. Bạn ủng hộ ta vào HĐBA 2008-2009, vào Hội đồng nhân quyền 2014-2016; ta ủng hộ bạn vào Cơ quan thanh tra chung của LHQ (IJU) nhiệm kỳ 2011-2015, Hội đồng Nhân quyền 2011-2013 và Tổng Giám đốc Tổ chức FAO.
II. QUAN HỆ HỢP TÁC KINH TẾ:
1. Thương mại:
- Tây Ban Nha là một trong những nước EU có tốc độ tăng trưởng trao đổi thương mại với Việt Nam ở mức cao, khoảng 15%/năm trong vài năm qua. Cụ thể: năm 2008: 1 tỷ 160 triệu USD; năm 2009: 1 tỷ 160 triệu USD; năm 2010: 1 tỷ 330 triệu USD; năm 2011: 1 tỷ 813 triệu USD; năm 2012: 2 tỷ 78 triệu USD, năm 2013: 2 tỷ 215 triệu USD và năm 2014: 2 tỷ 920 triệu USD.
- Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Tây Ban Nha gồm thiết bị điện tử, thủy sản, cà phê, dệt may và giày dép.
2. Đầu tư:
- Hiện Tây Ban Nha có 39 dự án tại Việt Nam với 35,96 triệu USD vốn FDI đăng ký (đứng thứ 57/101 nước và vùng lãnh thổ): đáng chú ý là dự án sản xuất men sứ và thuốc màu tại Bà Rịa – Vũng Tàu (3,6 triệu USD); dự án sản xuất vật liệu cách nhiệt cao cấp tại Vĩnh Phúc (2,4 triệu USD). Các doanh nghiệp Tây Ban Nha đang quan tâm đầu tư các dự án hạ tầng lớn tại Việt Nam, kể cả theo hình thức PPP.
- Việt Nam chưa có dự án đầu tư vào Tây Ban Nha.
III. HỢP TÁC PHÁT TRIỂN:
- Từ năm 1995 đến nay, thông qua bốn Chương trình hợp tác tài chính, Tây Ban Nha đã cam kết cấp cho Việt Nam 680 triệu Euro vốn vay ưu đãi và tín dụng thương mại cho đầu tư phát triển thông qua 04 Chương trình Hợp tác tài chính (trong đó viện trợ không hoàn lại khoảng 110 triệu Euro). Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA của Tây Ban Nha còn hạn chế do tỷ lệ giải ngân trên tổng vốn cam kết còn thấp, mới chỉ ở mức 30%-35%.
- Trong Chương trình hợp tác tài chính lần thứ 4 ký tháng 2/2008, Tây Ban Nha cam kết cấp cho Việt Nam khoảng 65 triệu Euro vốn ODA giai đoạn 2008-2015 , ưu tiên lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, thông tin liên lạc, quản lý nước và 3 triệu viện trợ không hoàn lại để công ty Tây Ban Nha giúp làm dự án khả thi các loại của dự án mà hai bên thoả thuận (dự kiến số vốn sẽ sử dụng cho Dự án Thu gom và xử lý rác thải tại TP Vũng tàu trị giá 54 triệu USD; Dự án xây dựng cầu Thiệu Khánh, Thiệu Hóa, Thanh Hóa trị giá 17 triệu Euro) . Ngoài ra, Tây Ban Nha đã cam kết cho vay thêm 200 triệu Euro cho việc thực hiện dự án Tuyến Metro số 5 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Hai bên cũng đang thực hiện các dự án ODA không hoàn lại khác như Dự án xây dựng trạm phát sóng kỹ thuật số tại Đà Nẵng trị giá 5 triệu Euro; Dự án Truyền thông nhằm thúc đẩy việc thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình trị giá 490 nghìn Euro; Dự án khả thi về giảm thiếu tác động môi trường trong quản lý nước thải tại TP Hồ Chí Minh trị giá 472 nghìn Euro, Dự án Ngôi nhà bình yên hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của nạn buôn bán người trị giá 3 triệu Euro.
IV. GIÁO DỤC-ĐÀO TẠO, VĂN HÓA:
- Về giáo dục đào tạo: hợp tác trong lĩnh vực này đã có những bước phát triển khích lệ, tuy vẫn tập trung chủ yếu vào các hoạt động đào tạo về ngôn ngữ. Năm 2005, Khoa Tây Ban Nha đã được thành lập tại Đại học Hà Nội và nhận được sự hỗ trợ của Tây Ban Nha về cơ sở vật chất, hiện tại có 2 giáo viên Tây Ban Nha tham gia giảng dạy; từ năm 1998-2013, Tây Ban Nha đã cấp khoảng 180 học bổng cho Việt Nam.
- Về văn hoá: tháng 6/2005, hai bên đã ký Hiệp định Hợp tác Văn hóa, Giáo dục và Khoa học. Ngoài ra, hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động văn hóa như: Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Tây Ban Nha tại hai thành phố lớn là Ma-đơ-rít và Bác-cê-lô-na (tháng 10/2005 và tháng 12/2009); Cử đoàn múa và nhóm nghệ thuật biểu diễn tại Việt Nam; Tổ chức triển lãm pa-nô Bốn trăm năm tác phẩm Đôn Ki-ô-tê vòng quanh thế giới. Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, phía Tây Ban Nha đã tài trợ nâng cấp 01 khách sạn của UBND TP Hà Nội theo kiến trúc Tây Ban Nha, tham gia dự án Con đường Gốm xứ và tổ chức Lễ hội Rồng tại Sân Vận động Mỹ Đình.
V. CÁC LĨNH VỰC KHÁC:
- Về du lịch: Tây Ban Nha là cường quốc du lịch. Thời gian qua, hợp tác trong lĩnh vực này đã đạt được những kết quả rất tích cực. Tháng 4/2002, hai bên đã ký Hiệp định hợp tác du lịch cấp Chính phủ, hai bên cũng trao đổi đoàn chuyên ngành các cấp, tham gia và tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến du lịch tại cả hai nước.
- Hợp tác quốc phòng: tháng 12/2008 Tây Ban Nha cử Tùy viên Quốc phòng kiêm nhiệm Việt Nam có trụ sở tại Băng Cốc, Thái Lan. Tháng 11/2009, ta đã mở Phòng tùy viên Quốc phòng tại Ma-đơ-rít, Tây Ban Nha. Tháng 10/2010, Quốc Vụ khanh Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha thăm Việt Nam và hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác Quốc phòng. Đầu năm 2011, phía Tây Ban Nha bắt đầu hỗ trợ Việt Nam đào tạo phi công quân sự, bán máy bay tuần tra biển. Tháng 10/2013, hai nước đã thực hiện xong hợp đồng mua 03 máy bay Casa - 212 - 400 (trong tổng số 05 máy bay theo nội dung đã được Bộ Quốc phòng hai nước thống nhất). Quân chủng Phòng không – Không quân đang hợp tác mua 02 máy bay CASA 295 của Tây Ban Nha (đã nhận 01 chiếc vào tháng 11/2014).
- Hợp tác địa phương: thành phố Hồ Chí Minh đã ký thoả thuận hữu nghị và hợp tác kinh tế - thương mại, văn hoá - thể thao với thành phố Barcelona và Sevilla của Tây Ban Nha. Ngoài ra, các địa phương khác cũng đang kết nối quan hệ hợp tác như giữa Thành phố Hải Phòng và Thành phố Valencia; giữa thị xã Gia Nghĩa tỉnh Đắc Nông và Quận Valdejajon, thành phố Zaragoza; giữa thị xã Tibia (Valencia) và Thành phố Hội An...
VI. GIỚI THIỆU CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI NƯỚC SỞ TẠI
- Cộng đồng người Việt tại Tây Ban Nha chỉ khoảng 500-600 người sống rải rác ở 19 tỉnh và thành phố Tây Ban Nha, trong đó nhiều nhất là ở Ma-đrít (khoảng 20 gia đình). Người Việt tại Tây Ban Nha chủ yếu làm nghề buôn bán nhỏ, hiện chưa có tổ chức hội Việt kiều tại Tây Ban Nha.
VII. CÁC HIỆP ĐỊNH KHUNG ĐÃ KÝ GIỮA HAI NƯỚC
- 08/10/2001: Hiệp định khung về Hợp tác.
- 4/2002: Hiệp định Hợp tác Du lịch giữa Tổng cục Du lịch VN và Bộ Du lịch Tây Ban Nha.
- 07/3/2005: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.
- 11/6/2005: Hiệp định Hợp tác Văn hóa, Giáo dục và Khoa học kỹ thuật.
- 20/02/2006: 1. Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư; 2. Chương trình Hợp tác thể thao giữa Ủy ban Thể dục Thể thao Việt Nam và Hội đồng Cấp cao Thể thao TBN; 3. Thỏa thuận Hợp tác giữa TTXVN và Hãng Thông tấn TBN (EFE).
- 05/12/2007: Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi.
- 15/12/2009: 1. Chương trình hành động chung giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Tây Ban Nha trong đó xác định khuôn khổ quan hệ song phương là «Đối tác chiến lược hướng tới tương lai»; 2. Hiệp định miễn thị thực đối với người mang hộ chiếu Ngoại giao; 3. Bản ghi nhớ về hợp tác và tham khảo chính trị giữa Bộ Ngoại giao hai nước; 4. Bản ghi nhớ về cấp vốn xây tàu điện ngầm tại TP Hồ Chí Minh; 5. Bản ghi nhớ về danh mục dự án ưu tiên trong Chương trình Tài chính 4; 6. Bản ghi nhớ về hợp tác KH-CN; 7. Bản ghi nhớ về hợp tác lao động và bảo hiểm xã hội; 8. Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực xã hội; 9. Ý định thư hợp tác Quốc phòng.
- 4/2010: Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực Hạ tầng giao thông.
- 9/2010: Biên bản ghi nhớ về hợp tác Quốc phòng.
- 12/2014: Hiệp định Vận chuyển hàng không giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Tây Ban Nha.
VIII. TRAO ĐỔI ĐOÀN CẤP CAO:
1. Một số đoàn Việt Nam thăm Tây Ban Nha:
- 10/1994: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm.
- 10/2001: Thủ tướng Phan Văn Khải.
- 6/2002: Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên.
- 12/2003: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu.
- 5/2009: Bí thư Thành uỷ TP HCM Lê Thanh Hải.
- 9/2009: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên.
- 12/2009: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm cấp Nhà nước.
- 3/2012: Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn thăm làm việc tại Tây Ban Nha.
- 6/2012: Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn dự lễ kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước và tham dự Diễn đàn xúc tiến đầu tư tại Madrid.
- 9/2013: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Tây Ban Nha.
- 11/2013: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh thăm Tây Ban Nha.
- 12/2014: Bộ trưởng Đinh La Thăng thăm và ký Hiệp định vận chuyển hàng không giữa hai nước.
- 7/2015: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thăm Tây Ban Nha.
2. Một số đoàn Tây Ban Nha thăm Việt Nam:
- 2/1996: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Các-lốt Oét-sten-đô.
- 9/2001: Phó Thủ tướng thứ hai, Bộ trưởng Kinh tế Rô-đơ-ri-gô Ra-tô (dự Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEM-3 tại Hà Nội).
- 2/2002: Hoàng hậu Xô-phi-a.
- 10/2004: Phó Thủ tướng thứ nhất, Bà Ma-ri-a Tê-rê-xa (dự Hội nghị Cấp cao ASEM 5 tại Hà Nội).
- 2/2006: Vua Huan Các-lốt I và Hoàng hậu Xô-phi-a thăm cấp Nhà nước.
- 5/2011: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế dự Hội nghị ADB tại Hà Nội.
- 11/2011: Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao, ông Huan An-tô-ni-ô Da-nét Ba-nu-ê-vô tiến hành thăm Việt Nam tham khảo chính trị.
- 01/2014: Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Juan Jose Lucas và Phó Chủ tịch thứ hai Thượng viện Yolanda Vicente sang thăm Việt Nam.
- 3/2014: Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Jose Manuel Garcia Margallo thăm chính thức Việt Nam./.